Ads 468x60px

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

232. Tư tưởng Lão Tử

1. Cái đẹp mà đến thiên hạ đua nhau cho là đẹp là cái đẹp rất xấu. Cái hay mà đến thiên hạ mượn tiếng để làm hay, là cái hay rất dở.
2. Để thân lại sau, mà thân được ở trước; gác thân ra ngoài mà thân vẫn còn mãi. Thế chẳng phải là bởi mình không có lòng riêng, cho nên mới được thỏa lòng riêng ư?

3. Tuy là cương cường nhưng giữ tính mềm dẻo. Tuy là sáng sủa, nhưng giữ cách ngu tối. Tuy là vinh hiển nhưng giữ lối tầm thường.

4. Học cho rộng trí khôn thì một ngày một hay. Tìm lẽ huyền bí, lâu hóa vẩn vơ, thì một ngày một dở.

5. Trộn lẫn cái hay của mình với đời để làm thân thiết; cùng chịu cái dở của đời với mình mà vẫn trong sạch.

6. Có ba điều quý báu: một là từ, hai là kiệm, ba là chẳng dám phạm vào việc bất tường của thiên hạ.

7. Ta mà lo phiền, sợ hãi vì ta có thân ta, đến khi ta đã không có thân ta, thì ta còn có lo phiền, sợ hãi gì nữa. 

Lão Tử

GIẢI NGHĨA

Lão Tử: tức là Lão Đam, họ Lý tên Nhi, người Xuân Thu có làm sách Đạo đức kinh, tổ đạo Lão.

LỜI BÀN 

Ba câu trên là nói ngược lại cái thói đời. Câu 1 cái ngược ấy là dở, câu 2 và 3 cái ngược ấy lợi cho mình, câu 4 nói cách học hành, câu 5 nói cách xử thế, câu 6 nói các đức tính nên có, câu 7 nói sự lụy thân. Những câu vặt này tuy mỗi câu nói một việc nhưng tựu trung câu nào cũng hàm xúc một cái tư tưởng vô danh, vô vi là cái tôn chỉ của Đạo Lão.
Đạo của Lão Tử cốt ở vô vi. Muốn cho thành được vô vi, thì người ta trước hết phải vô dục, vô cầu, vô tranh, vô danh như những câu nói trong bài này. Khi đã được như thế, thì mỗi cảnh có một cái thú cho mình, cái sướng cho người, loài người ở với nhau được hòa bình mà không mấy khi xảy ra sự tàn hại lẫn nhau nữa. Quý thật! Đến đem cái đức mà báo oán, thì còn oán nào mà chẳng tan!

( Source : Cổ học tinh hoa - Nguyễn Văn Ngọc - Trần Lê Nhân )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét