Giáp hỏi Ất: "Ðúc đồng làm chuông, đẽo gỗ làm dùi, lấy dùi đánh chuông tiếng kêu boong - boong thì tiếng kêu ấy là gỗ kêu hay đồng kêu?"
Ất đáp: "Lấy dùi gõ vào tường vách không kêu, gõ vào chuông kêu, thế thì tiếng kêu ở như đồng."
Giáp hỏi: "Lấy dùi gõ vào đồng tiền trinh không kêu, thế thì có chắc tiếng kêu ở như đồng mà ra không?"
Ất nói: "Ðồng tiền đặc, cái chuông rỗng, vậy tiếng kêu ở như các đồ vật rỗng mà ra."
Giáp hỏi: "Lấy gỗ, lấy bùn làm chuông đánh không ra tiếng, thế thì có chắc tiếng kêu là ở đồ vật rỗng mà ra không?"
(Âu Dương Tu)
LỜI BÀN:
Cứ xem Giáp, Ất tranh luận, thì cũng phân vân, không rõ tiếng kêu là tự chuông hay tự dùi ra. Chuông là đồng vốn kêu, nhưng không có dùi đánh vào, không kêu. Vậy có muốn tiếng kêu, tất phải có cả chuông cả dùi mới được. Tiếng kêu là gì? Chẳng qua là cái âm thanh từ hai vật chọi nhau, chạm vào nhau mà sinh ra. Tuy vậy, nếu nói tiếng kêu là tự cả chuông, cả dùi mà ra, thì hình như giữ cái chủ nghĩa "hai phải" trắng, đen là một. Thế mới hay, lẽ phải không cùng, càng nghị luận lắm, có khi lại càng như bối rối thêm ra, không tài nào gỡ rối. Nên biết được thế nào, thì hay thế, chớ cứ cố chấp nhất câu nệ cho mình là phải, không bết cái phần phải của người, thì là có tính nhân thiên và lượng hẹp. Nói cho đúng: muốn rõ vật lý, cần phải cho khoa học. Không khoa học mà bàn luận vật lý, cần phải có khoa học. Không biết khoa học mà bàn luận vật lý, thì không tài nào xác thực được.
CHÚ THÍCH
Tiền trinh: tiền đồng, có người cho tiền đồng bên Trung Quốc đem sang ta đầu tiên là tiền đồng niên hiệu Càn Trinh nên gọi là tiền trinh.
Âu Dương Tu: Người đời nhà Tống thi đỗ tiến sĩ làm quan Hiếu sư, là một nhà văn chương có tiếng.
( Source
: Cổ học tinh hoa - Nguyễn Văn Ngọc - Trần Lê Nhân )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét