Trời là cha, đất là mẹ, chúng ta được cái khí trời đất mới thành ra người. Ta nghĩ thân ta thật là nhỏ mọn mà được ở trong vòng trời đất to lớn bao la. Cái khí của trời đất tức là hình ảnh của ta, cái lý của trời đất tức là tính của ta.
Người ta với muôn vật cùng sinh ra ở trong trời đất, thế thì cái gì có hình đều là khí của trời đất, cái gì có tính đều là lý của trời đất. Vậy người với người là đồng loại, thời ta coi nhau như anh em ruột cả. Trong vạn vật, giống hữu tri, giống vô tri so với người tuy khác, song cũng tự trời đất sinh ra, thì ta cũng coi như một bọn với ta cả.
Phàm người trong trời đất đã là con trời đất hết, thì vua, ta coi như người anh cả, đại thần, ta coi như người giúp anh cả, cụ già ta kính, là cốt quý bực tôn trưởng ta, trẻ bé ta thương, là cốt yêu đàn con trẻ ta, bậc thánh là anh em ta mà giống cha mẹ ta, bực hiền là anh em ta mà giỏi hơn ta, còn những người ốm đau, tàn tật, cô độc, góa bụa đều là anh em ta mà vất vả khổ sở, không biết nương tựa vào đâu vậy.
Trương Hoành Cừ
GIẢI NGHĨA
Trương Hoành Cừ: tức là Trương Tái, người đời nhà Tống, trước có làm quan, sau về dạy học, ông là một nhà học giả giỏi có tiếng đời bấy giờ, có làm sách Chính Mông và Đông Minh, Tây Minh. Bài này trích ở trang Tây Minh.
Tống: Một nước chư hầu thời Xuân Thu, sau bị nước Tề lấy mất, ở vào huyện Thuợng Khưu tỉnh Hà Nam bây giờ.
Khí: vật hơi vô hình, đời cổ cho muôn loài bởi đấy mà sinh hóa ra.
Lý: cái lẽ cường kiện (mạnh mẽ) của trời, nhu thuận (mềm mỏng êm ái) của đất.
Đồng loại: cùng một loài.
Giống hữu tri: giống có biết, có cảm giác như chim muông...
Giống vô tri: giống không biết, không có cảm giác như cây cỏ, đất, đá.
Đại thần: quan to, đây nói ông tướng giúp vua trị dân.
Cô độc: cô: mồ côi, không cha không mẹ; độc: một mình không con cái.
LỜI BÀN
Ta xem bài này, hãy gác cái thuyết trời đất và khí lý ra ngoài, vì chưa thể nói rõ cái thuyết ấy cho đúng với khoa học tiến bộ này. Ta chỉ nên nhận tác giả nhân cái khởi điểm khí, hình, lý, tính ấy mà cho muôn vật ở đời cùng chung một gốc tích, cùng bẩm thụ của một cha mẹ là trời đất. Câu nói ấy thực là rõ cái nghĩa "vạn vật nhất thể" có cái lòng bác ái vậy. Riêng trong nhân loại, tuy có chia ra tôn ti, lão, ấu, chí thành, chí ngu, nhưng cũng là một loài người cả, thì nên coi cả trong nước như một người, cả thiên hạ như một nhà, kính nhường, yêu, thương nhau, giúp đỡ, đùm bọc nhau. Còn các giống động vật khác cùng thực vật, khoáng vật, hết thảy giống hữu tri vô tri đều là cùng ta ở trong trời đất cả. Ước ao cái học thuyết này một ngày một lan rộng ra, thì phúc cho loài người và thỏa cho cái hi vọng cổ nhân lắm.
( Source
: Cổ học tinh hoa - Nguyễn Văn Ngọc - Trần Lê Nhân )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét