Ông Phật Ấn là bạn thân của ông Tô Đông Pha, khi trò chuyện hai ông thường đùa bỡn cợt nhả.
Đông Pha có bảy người thiếp.
Một hôm, Phật Ấn đùa bảo Đông Pha rằng:
-Sao mà bác lấy nhiều thiếp thế? Bác có chịu bằng lòng tặng tôi được cô thiếp thứ bảy không?
Đông Pha cười nói:
-Sao lại không được?
Rồi Đông Pha về nhà đem chuyện nói vời người thiếp.
Người thiếp thưa:
-Đó là chuyện nói đùa nhau chứ gì.
Đông Pha nói:
-Ta đã hứa rằng cho, thì không nên sai lời. Bây giờ nàng cứ xem ra thế nào.
Chập tối. Tô Đông Pha cho xe người thiếp đến.
Phật Ấn đón người thiếp cho vào nằm trong buồng, rổi bỏ màn xuống. Trước buồng đã đặt sẵn bảy cái hỏa lò cái nào cũng đầy than đỏ rực. Ông bước qua từng cái một, bước qua hết một lượt, rồi lại bước lại cứ thế suốt đêm. Đến sáng ông cho xe người thiếp về trả.
Người thiếp về kể lại đầu đuôi câu chuyện. Đông Pha chợi nghĩ ra, nói rằng:
-Bảy cái hỏa lò là chỉ vào bảy người thiếp của ta, giống như bảy cái hang lửa. Ông làm ra như thế, là ông có ý bảo ông đã vượt ra được ngoài sắc dục còn ta thì lại sa ngã đắm đuối vào đấy. Ông này ý muốn làm cho ta tỉnh ngộ chăng.
Dục Hải Từ Hàng
GIẢI NGHĨA
Phật Ấn: tên một vị cao tăng có tài hùng biện đời nhà Tống.
Tô Đông Pha: tức là Tô Thức là một nhà đại thi sĩ nước Tàu làm quan đời nhà Tống, văn hay chữ tốt, sách làm kể có hàng vài trăm quyển lưu truyền ở đời.
LỜI BÀN
Đông Pha là một bậc tài học phong lưu, Phật Ấn là một nhà tu hành đắc đạo. Người phong lưu thì chỉ cốt đời người cho sung sướng là thỏa lòng, nhà tu hành thì chỉ cốt trí tuệ cho cao minh là mãn nguyện. Cứ bình tĩnh mà nói, thì ai là người chẳng thích phong lưu. Nhưng có biết đâu, “ Phong lưu là cạm trên đời, hồng nhan đánh bả con người tài hoa”. Bao nhiêu thị dục thường hại cho người ta hết cả. Xưa nay kể sao cho xiết được những kẻ vì thị dục, mà mất hết cả tính thiêng liêng mầu nhiệm, mà hỏng hết cả phẩm giá, thanh danh. Trong các món thị dục, thì sắc dục có phần tệ nhất. Dâm là cái tội ở đầu muôn tội. Muốn tránh tội ác, cần phải giới dâm.
Phật Ấn đây thật có ý thương, có lòng yêu Đông Pha lắm. Chơi với anh em mà bày trò ra như thế để khuyên anh em. Cũng là một cách thuyết pháp thực tế mà cảm hóa được người ta sâu xa vậy.
( Source
: Cổ học tinh hoa - Nguyễn Văn Ngọc - Trần Lê Nhân )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét