Nước Tống có người lấy ngọc, tỉa làm một cái lá dó ba năm mới xong. Cái lá làm rất khéo, sống, cuống, cạnh sắc, lông tơ, màu mỡ giống như hệt, đem trộn với lá dó thật, không ai phân biệt được nữa.
Người ấy đem cái lá dâng vua Tống. Vua khen là khéo, cấp lương bổng cho.
Liệt Tử nghe thấy chuyện, nói rằng:
Giá bây giờ những cây cối trong khoảng trời đất ba năm mới mọc được cái lá, thời dễ không có mấy cây có lá nữa.
Liệt Tử
LỜI BÀN
Bài này cũng gần một ý như bài trên, nói sự khéo chỉ làm trò chơi được một lúc, không đáng chuộng bằng sự thực dụng làm lợi cho mọi người được dài lâu. Song tay người làm ra mà giống được như tạo hóa thì thật là khôn khéo. Mỹ thuật xưa này thường lấy sự bắt chước hệt được như hóa công làm mục đích. Liệt Tử vốn là nhà Lão học, thì lại cho cái cảnh đẹp tự nhiên là đẹp hơn cả, chỉ một cái cảnh ấy cũng làm cho con người đủ được hưởng thụ vui sướng.
( Source
: Cổ học tinh hoa - Nguyễn Văn Ngọc - Trần Lê Nhân )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét