Đối với một người làm chủ được tinh thần, tình yêu không phải là một điều bí ẩn u ám và phiền toái. Tình yêu tựa như mọi dạng năng lượng khác có trong vũ trụ: cho càng nhiều, bạn càng được lại bấy nhiêu.
Khi con gái tôi Margie được 9 tuổi, một hôm nó đã đến bên tôi với gương mặt phẫn nộ.
"Có chuyện gì vậy con, Margie?"
"Tại sao chị Stephanie lại nhận được nhiều thư vậy?" Cô con gái của tôi hỏi với giọng buồn buồn, nho nhỏ của một người "nạn nhân". Stephanie, chị lớn của nó, lúc ấy 11 tuổi.
Margie nói tiếp: "Stephanie luôn nhận được thư. Còn con không nhận được lá thư nào. Như vậy không công bằng."
Tôi có ngay câu trả hỏi để hỏi lại Margie một cách nhỏ nhẹ.
"Vậy con có viết lá thư nào không?"
"Ba nói gì vậy?"
"Con có viết lá thư nào và gửi đi không?"
"Không. Bởi vì con không biết sẽ nhận được thư trả lời hay không. Nếu con viết thư mà không nhận được thư trả lời, thì sẽ còn tệ hơn bây giờ. Con sẽ càng thất vọng hơn. Bởi vì làm sao Ba biết được? Ba không biết sẽ nhận được thư trả lời hay không mà."
"Không. Con sẽ không biết. Không bao giờ biết được hết."
"Vậy thì viết thư để làm gì?"
"Vì có thể con sẽ nhận được thư."
"Nhưng nếu con không nhận được thư thì sao? Con sẽ càng buồn hơn."
"Ừ, sẽ buồn đấy."
"Vậy con không viết thư đâu."
"Cũng được. Con không bắt buộc phải viết thư."
"Nhưng rồi làm sao con có thể nhận được thư."
"Con sẽ không nhận được thư."
"Con biết mà, vì bây giờ con không nhận được lá thư nào hết. Còn chị Stephanie nhận được rất nhiều thư."
"Vì chị Stephanie viết rất là nhiều thư."
"Nếu con viết rất nhiều thư, con có nhận được thư trả lời hay không?"
"Ba nghĩ chắc là con sẽ nhận được."
"Nhưng Ba không biết mà."
"Đúng, Ba không biết. Ba không thể hứa là con sẽ nhận được."
Rồi Margie nhìn tôi với ánh mắt thất vọng báo cho tôi biết nó không đồng tình với cách sắp xếp hiện nay của vũ trụ. Nó trở về phòng và tôi cũng không suy nghĩ thêm về việc này cho đến vài ngày sau đó, nó lại đến bên tôi với một chồng thư khổng lồ do chính tay nó ghi sẵn địa chỉ gửi đi. Nó hỏi tôi, "Hôm nay, Ba có thể mang các thư này đến sở làm không? Ba có thể gửi chúng đi dùm con được không?"
Việc đã xảy ra nhiều năm về trước, nhưng mãi đến hôm nay, chúng tôi vẫn nhận được thư gửi cho Margie trong thùng thư; mà người gửi bắt nguồn từ cơn 'mưa' thư ban đầu dạo đó. Margie, trong trường hợp đó, đã học tập được phải yêu công việc như thế nào. Tôi hy vọng nó sẽ mãi được ghi nhớ bài học đó suốt đời.
Bạn hãy lưu ý một "nạn nhân" rất hiếm khi muốn làm như Margie rốt cuộc đã làm. Bởi vì căn cơ niềm tin của một "nạn nhân" là cuộc sống này bất công. Do đó, họ không bao giờ muốn gặp rủi ro về bất cứ thứ gì. Họ không muốn là người đi đầu trong một mối quan hệ, "Tại sao phải chịu rủi ro khi yêu? Ta có thể phải đau đớn!" Cảm nghĩ của "nạn nhân" về tình yêu là một phiên bản mở rộng của lối suy nghĩ sau: "Ta sẽ viết thư cho họ sau khi họ gửi thư cho ta."
Thế gian sẽ bù đắp lại
Viết thư biểu thị mọi hình thức chìa tay ra. Bạn có thể tạo dựng nhiều mối quan hệ đằm thắm hơn nếu biết "đi bước trước". Việc đầu tiên là phải biết ai để mà đi bước trước đây. Hãy lưu giữ một danh sách những người quan trọng nhất trong đời bạn trong sổ tay kế hoạch hàng ngày, hoặc trên một phiếu ghi nhớ dán bên trên chỗ đặt điện thoại.
Ngay bây giờ, bạn hãy từ từ mà lập danh sách. Điều này nghe qua như một ý nghĩ kỳ quặc, vì nền văn hóa của chúng ta đã khiến ta tin rằng quan hệ thường là những cảm xúc tức thì, rằng chúng ta luôn phải đáp ứng lại với một cảm xúc tức thì trong lòng, một nội tạng tự vỡ tung ra. Nhưng những mối quan hệ lớn phải được thiết kế đầy tính nghệ thuật như những ngôi nhà hoặc sân vườn lớn.
Hãy cố gắng lập ra danh sách tên những người quan trọng đối với bạn và lưu giữ nó gần bạn. Đi nghỉ phép cũng nên mang nó theo. Hãy gửi bưu thiếp cho những người ấy. Lúc nào rảnh khoảng 20 phút, bạn hãy lấy danh sách ra. Hãy gọi điện cho họ. Thỉnh thoảng thì thêm vào danh sách một cái tên mới.
Bạn hãy nhìn vào danh sách, ít nhất một tuần một lần, và tự hỏi xem gần đây, mình đã có liên lạc với những người đó chưa. Thông tin có thể truyền đạt ngắn gọn, khôn khéo và ân cần. Đó không thể là một việc quá nặng nhọc. Những dòng chữ, vài tấm thiệp, tin nhắn bằng giọng nói, thư điện tử, thăm viếng, gọi điện thoại, tất cả đều có thể. Đừng chờ những người khác. Đừng để nỗi niềm uất ức riêng tư ngầm phá hỏng đi sức sáng tạo của bạn. Nỗi uất ức sẽ tan biến đi khi bạn hành động, không phải từ lúc người kia hành động. Đừng bao giờ chờ đợi. Uất ức, bực dọc chỉ tồn tại trong một cá tính ù lì.
Chỉ có hành động mới trừ khử được những nỗi niềm riêng. Hãy hành động, đừng là con người của bạn suốt thời gian qua.
Hãy xem lại danh sách đó ít nhất một ngày một lần và hành động đối với ít nhất một cái tên trên đó. Hãy giúp đỡ ai đó. Đừng bao giờ nhìn vào danh sách mà không hành động gì hết. Hãy nối kết danh sách với hành động. Bạn sẽ rất đỗi ngạc nhiên với hai sự việc: 1) Những kết quả đáp lại, và 2) Bạn cảm thấy tự tin và bình thản biết bao khi nghĩ đến những người có tên trong danh sách đó. Tội lỗi sẽ rời xa bạn mãi mãi.
Nhà giáo thông thái người Nga Gurdjieff đã nói: "Giúp người thì được người giúp, có thể là ngày mai, có thể là trăm năm sau, nhưng chắc chắn người ta có thể giúp lại bạn. Thiên nhiên phải trả lại bạn món nợ đó. Đó là một thứ qui luật toán học, mà cả cuộc đời này là toán học cả."
Việc cải tạo ở đây tất cả phải ở trạng thái vận động. Tự cải tạo từ một con người thụ động, không được đánh giá cao thành một cá nhân luôn hành động để giao tiếp và giúp đỡ. Cải tạo luôn là điều tốt nếu nó chuyển đổi bạn từ danh từ sang động từ.
( Source : Cách làm chủ số phận bạn - Reinventing Yourself - Steve Chandler )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét