Ads 468x60px

Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

Chương 24 - LỜI NÓI CÒN HIỆU NGHIỆM HƠN THUỐC MEN


Các em học sinh trung học khom xuống và nôn thốc phía sau khán đài không mái che khi dự khán trận đấu bóng football.

Đó có phải là một phản ứng với thuốc hay không? Không. Đó là phản ứng với một số lời nói phát ra. Đám học sinh có một phản ứng cơ thể làm xoắn mạnh dạ dày khi xem một thông báo phát đi trên hệ thống dành cho công chúng tại ngay sân bóng, rằng các máy bán thức uống Coke tự động có sự cố khiến thức uống bị nhiễm khuẩn, và một số trẻ em vừa phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.

Tuy nhiên, những thí nghiệm tại bệnh viện đều chưa hoàn tất. Đến khi các thí nghiệm hoàn tất thì các bác sĩ hiểu ra rằng những đứa trẻ đến bệnh viện đầu tiên đều đã ăn tại cùng một nhà hàng, ăn cùng một loại thức ăn và cùng bị nhiễm độc. Những đứa trẻ bị bệnh còn lại không hề bị nhiễm độc thức ăn. Chúng không mắc bệnh tật gì. Đó chẳng qua là một phản ứng dây chuyền. Máy bán thức uống Coke vẫn hoạt động tốt. Một lần báo động sai.

Tuy nhiên việc các trẻ nôn thốc và ngã bệnh là "có thật". Hiện nay, ở hai bên phía khán đài đều có người buồn nôn. Và điều này do những lời phát đi từ hệ thống thông tin cho công chúng.

Tôi có thể quan sát cùng một hiện tượng ngay trong bản thân tôi, khi dùng câu này thay cho câu khác. Khi tôi về đến nhà hoàn toàn mệt nhoài, tôi có thể nghĩ đến bản thân mình, "Này người, có bao giờ ta mệt không. Thật sự, ta không muốn bị các con quấy rầy. Ta chỉ muốn sống yên tịnh như cây cỏ. Ta đã mệt muốn đứt hơi". Những lời đó chắc chắn có tác động trong một chừng mực nào đó đối với động lực trong tôi.

Nhưng tôi có thể hít thở sâu hơn để vươn lên cao hơn trên chiếc thang nhân cách hướng đến tinh thần và tôi có thể nói như sau: "Cái mệt mỏi mới đáng yêu làm sao! Tôi yêu cuộc đời này, và lũ trẻ làm tôi vui. Chúng là một hình thức giải khuây chào đón tôi về sau một ngày làm việc. Chúng có mặt ở đây để làm cho tôi vui sướng. Tôi tôn vinh sự mỏi mệt đáng yêu này và vẫn thích những giây phút ngắn ngủi nhưng nhẹ nhàng cùng những chuyện ngớ ngẩn trong cuộc sống gia đình. Tôi sẽ luôn cười, thậm chí cả nhảy nhót nữa".

Khả năng tôi chọn lựa vẫn còn đó. Tôi có thể làm chủ tư tưởng của mình hay là nạn nhân của những tư tưởng đó. Những người nạn nhân luôn xem tư tưởng là điều đã xảy đến với họ, tựa như tư tưởng được truyền đến từ Roswell, New Mexico.

Người làm chủ ngược lại biết lèo lái cách thức suy nghĩ của họ. (Tư tưởng thường bắt đầu bằng những câu, mệnh đề được lựa chọn kỹ lưỡng cùng những từ kia, rồi họ tô vẽ thêm vào để càng làm sáng tỏ ánh sáng của tinh thần).

Bi quan làm cho ta thất vọng

Nhiều cuộc nghiên cứu khác đã chứng minh lời nói và tư tưởng còn mạnh hơn cả những liều thuốc. Một số nghiên cứu đã được Michael Talbot đề cập đến trong tác phẩm The Holographic Universe/ Thế giới trong tầm tay. Tác phẩm này đã dẫn chứng nhiều trường hợp "người mắc bệnh AIDS có một tinh thần quả cảm thường sống lâu hơn người mắc bệnh AIDS nhưng có thái độ hết sức thụ động. Những người mắc bệnh ung thư cũng sống lâu hơn nếu biết giữ tinh thần chiến đấu. Người bi quan dễ bị cảm cúm hơn người lạc quan. Các triệu chứng stress thường làm giảm khả năng đề kháng. Người có kết quả với chỉ số cao trong các thí nghiệm dùng đo mức độ đề kháng và nhiễm bệnh có nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch cao gấp bảy lần so với người có chỉ số thấp".

Talbot cũng mô tả nghiên cứu trạng thái tâm lý của một người phụ nữ mang thai đối với đứa con tương lai của mình, và nghiên cứu tình trạng thai sản nói chung, đã cho thấy có mối quan hệ hỗ tương trực tiếp giữa trạng thái tâm lý này với những khó khăn của sản phụ trong khi sinh, cũng như với những bệnh tật mà đứa trẻ mắc phải ngay sau sinh. Trạng thái tâm lý này thường bắt đầu bằng những từ và thành ngữ mà sản phụ thường dùng. Nếu cuộc đời của sản phụ đã trải qua nhiều thử thách và cơ hội tuyệt vời thì bà sẽ cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh và lạc quan. Nếu sản phụ chỉ trải qua toàn là khó khăn, trắc trở thì bà sẽ cảm thấy yếu đuối và mệt nhọc từ sáng đến chiều tối. Sản phụ cứ nghĩ là đang mô tả tình cảnh của mình bằng từ khó hkăn, nhưng thật ra bà đang tự tạo ra những khó khăn đó.

Chúng ta có thể liên tục đưa ra nhiều ví dụ.

Một giám đốc biết nhận thức tại Công ty Texas Instruments, nơi mà tôi và đối tác Dennis Deaton đang giảng dạy về tinh thần làm chủ, chợt nêu lên ý tưởng loại bỏ từ 'họ' trong các buổi họp nhóm. Chẳng hạn như trong các câu sau: "Tại sao họ muốn chúng ta làm như thế? Tại sao họ không thấy những khó khăn của chúng ta? Họ đang bắt chúng ta làm việc với giá cả như thế nào đây? Tại sao họ không cho chúng ta chỗ đậu xe tốt hơn?" Kể từ nay, chỉ với một mục đích vui chơi, cả nhóm đồng ý xem từ 'họ' là không thích hợp như phụ âm 'F' vậy.

Bạn có thể tự hỏi có gì khác biệt chăng? Suy cho cùng, 'họ' cũng chỉ là một từ. Nhưng điều đặc biệt cần chú ý là tư tưởng chúng ta - đối với - họ đã giảm đi rất nhiều khi từ 'họ' được thay bằng từ 'chúng ta' tại nơi làm việc.

Người Pháp có câu "Người vắng mặt luôn luôn có lỗi." Lời nói này quả là sâu sắc. Bạn có ghi nhận người không có mặt thường bị miệt thị như thế nào không. Nếu người ta không có mặt ở đó để tự biện bạch thì họ rất dễ bị xem là sai trái. Khi từ 'chúng ta' thế chỗ cho từ 'họ' thì rõ ràng đã bớt đi rất nhiều sự đối kháng, thù ghét và những nhân viên ở các bộ phận khác cũng sẽ bớt đi mặc cảm.

Và đó cũng chỉ là một từ.

Trước đây, nhân viên luôn dùng từ 'họ': "Họ không để chúng ta làm như thế," hoặc "Họ trả lương tôi không đủ để làm việc đó," hoặc "Họ không hiểu chúng ta".

Giờ thì họ đã nói, "Tại sao chúng ta lại có chế độ này?"

Và khi nhân viên nghe được như vậy thì họ liền suy nghĩ tiếp "Chúng ta hãy cùng nhau bàn tiếp việc này đi".

Anh giám đốc tại Công ty Texas Instruments đã thành công với việc thay từ như trên, cụ thể anh đã nhận được rất nhiều nút áo có chữ 'họ' với một vòng tròn đỏ bao quanh và một dòng kẻ đỏ gạch chéo ngang qua nó.

Bằng cách thay đổi những từ và câu dùng khi nói về chúng ta và người khác, chúng ta đã làm thay đổi sự hiểu biết của mình về cuộc sống. Chúng ta có thể học cách để lùi về quá khứ xem trước đây ta đã tự "đặt câu chữ" như thế nào để nói về cuộc sống của chúng ta.

"Tại sao chúng ta lại có chế độ này?" là một câu hỏi mạnh mẽ hơn câu "Tại sao họ lại bắt chúng ta làm như thế này?" Câu hỏi trước tạo ra một người làm chủ, còn câu sau chỉ đẻ ra những nạn nhân.

Đó là những chú heo con hay là những hiệp sĩ xanh?

Hãy lắng nghe những gì bạn nói trong suốt một ngày. Hết sức chú ý đến từ 'họ' mỗi khi họ xuất hiện. Và đó có thể là dịp để ta thay thế nó bằng từ 'chúng ta' để có được một kinh nghiệm sống mạnh mẽ hơn.

Những thói quen suy nghĩ tự biến mình thành nạn nhân này bắt đầu thật nhanh. Gần đây, tôi cùng các con tôi đang chạy xe dọc một con lộ nơi thôn trang hẻo lánh ở ngoại vi Gilbert, bang Arizona thì bắt gặp một bảng hiệu lệnh "Dừng lại" ở ngay giữa lộ. Các con tôi bắt đầu nhao nhao lên hỏi xách mé: "Tạo sao họ đặt bảng 'Dừng' tại đây vậy?"

Tôi trả lời "Chúng ta đặt nó đấy".

"Sao vậy?"

"Không phải họ đặt, mà là chúng ta đặt".

"Ba nói gì vậy?"

"Chúng ta lập nên thành phố, thị trấn. Đúng là chúng ta. Chúng ta đã bỏ phiếu bầu cho những người này và chính những người này đã chọn ra người quyết định những việc này. Chúng ta gọi đến các đại biểu mỗi khi không hài lòng về điều gì đó và chúng ta chấn chỉnh nó. Chúng ta chạy một bên con lộ vì chúng ta đã đồng ý, để không phải va vào nhau. Chúng ta đồng ý dừng lại khi đèn đỏ. Đó là hệ thống của chúng ta. Tất cả đều do chúng ta nghĩ ra. Cảnh sát mà một số người gọi là "heo", là người mà chúng ta thuê với đồng tiền ta kiếm được một cách khó khăn. họ làm việc vì chúng ta. Họ không chống lại chúng ta, và họ không tách biệt khỏi chúng ta. Chúng ta tạo dựng nên xã hội. Không có xã hội nào cách biệt với chúng ta. Chính chúng ta đặt biển 'Dừng' tại nơi đó. Ắt phải có một lý do".

Các con tôi trở nên im lặng. Cuối cùng Bobby cũng nói "Ba ơi, có phải đây là một trong những bài giảng của Ba không? Nếu đúng, bài giảng này thật tuyệt nhưng..." Có thể tôi đã không thuyết phục được các con tôi rằng không có một người xa lạ tên 'họ' ở đằng kia đang âm mưu chống lại chúng ta bằng cách khiến cho cuộc sống khó khăn hơn.

Mỗi khi bạn phải dùng từ 'họ', hãy chú ý xem nếu dùng từ 'chúng ta' có là một cách mạnh mẽ hơn để nhìn sự vật hay không. Sau một vài lần chuyển đổi từ từ này sang từ kia, bạn sẽ cảm thấy vui sướng với thói quen dùng từ mới và với cái cách mà nó giúp bạn hiểu hơn về thế giới này. Bạn sẽ như James Bond với một thiết bị điện tử mới. Rồi bạn sẽ tìm cơ hội để có thể luôn sử dụng nó.

Sự cải tạo bắt đầu từ cấp tư tưởng. Đừng để tư tưởng bạn nghĩ về bạn. Bạn hãy lùi lại và chứng kiến tư tưởng của mình. Hãy quan sát chúng bay bổng liên tục từ tư tưởng này sang tư tưởng khác. Hãy ghi nhận ảnh hưởng của tư tưởng lên trên cảm xúc của bạn. Và bây giờ hãy nhẹ nhàng hướng dẫn chúng đến nơi bạn muốn chúng phải đến. Và hãy nhớ đôi lúc không suy nghĩ gì hết lại là điều tốt. Hãy để cho tư tưởng nghỉ ngơi một chút. Không bận tâm. Không suy nghĩ.

Cải tạo thường đến nhanh hơn nếu ta không suy nghĩ gì hết. Hãy để một dạng trầm tư, mặc niệm nào đó giúp bạn có thể tập trung thường xuyên hơn. Bạn hãy thường xuyên nhắm mắt lại để cho trí não có thể đạt đến trạng thái tiếp sóng alpha thường xuyên hơn và thoát khỏi dạng sóng bêta dao động cả ngày. Hãy để cho đầu óc có thời gian nghỉ ngơi. Rồi sau đó bạn lại tiến lên. Một con người hoàn toàn mới của bạn.

( Source : Cách làm chủ số phận bạn - Reinventing Yourself - Steve Chandler )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét