“Trở thành doanh nhân là một hoạt động đòi hỏi toàn bộ thời gian, công sức và tâm huyết với 24h mỗi ngày, 7 ngày một tuần và 52 tuần mỗi năm. Doanh nhân phải sẵn sàng chấp nhận hy sinh sự cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và cuộc sống nghề nghiệp, ít nhất là trong một khoảng thời gian.”
Xin đừng hiểu lầm tôi. Tôi không phải là kẻ phao tin đồn nhảm. Thường kết quả của sự nỗ lực này rất đáng phấn khởi, xứng đáng với sự hy sinh. Song sự tưởng thưởng đó lại không bao gồm sự cân bằng. Đúng là doanh nhân có được cảm giác tự do nhất định. Anh ta có thể nghỉ ngày nào cũng được, thỉnh thoảng có thể nghỉ phép dài ngày. Nhưng anh ta chẳng bao giờ làm vậy. Dù bạn biết rõ mình có thể tạo ra cảm giác nhất định trong việc điều khiển và làm chủ cuộc sống của mình, trên thực tế doanh nhân thường có xu hướng kết luận rằng không bao giờ có đủ thời gian trong ngày để hoàn tất công việc.
Một trong những điều tuyệt vời của việc trở thành doanh nhân là kết quả công việc nằm trong tay chúng ta. Mọi việc đều phụ thuộc vào mình. Chúng ta không ở trong môi trường tập đoàn đa quốc gia để mỗi khi khó khăn đều có ông Bố, bà Mẹ của tập đoàn đến cứu trợ với nguồn tài chính dồi dào. Ta cũng chẳng có ông sếp nào để phải chạy
lên xin ý kiến mỗi khi không biết nên quyết định ra sao. Chúng ta đứng trên bậc cao nhất của chuỗi điều hành. Không ai ở trên chúng ta. Và đó là một trách nhiệm to lớn – dồi dào và đầy thú vị nhưng đòi hỏi phải mất một thời gian mới thích nghi được.
“Cách ly” khỏi những khó khăn trong công việc vào những ngày cuối tuần là một điều xa xỉ mà chỉ có những người làm công mới có được. Tuy đúng là cũng có những người vì trách nhiệm phải làm việc cả cuối tuần nghiền ngẫm những quyết định họ phải thực hiện. Nhưng doanh nhân thường đem công việc về nhà, bởi vì những quyết định của họ sẽ ảnh hưởng đến công ty của chính họ. Và không ai có thể tránh được chuyện đó.
Là doanh nhân nghĩa là dự tiệc nướng ở nhà người bạn vào ngày Chủ nhật nhưng không thể bắt kịp cuộc tán gẫu của mọi người về vụ bê bối bong chày mới xảy ra vì đơn giản trong đầu bạn đang nghĩ đến cuộc họp quan trọng của ngày hôm sau. Doanh nhân không những làm việc nhiều giờ và nhiều ngày hơn người làm hưởng lương mà còn phải suy nghĩ và lo lắng đến công việc ngay cả khi họ không làm việc. Doanh nhân không bao giờ ngưng làm việc. Không bao giờ. Nó giống như một hợp đồng làm việc hà khắc, không bao giờ kết thúc.
Đó là lý do vì sao bạn phải gạt công việc ra khỏi giấc ngủ. Những lo lắng phiền muộn (cùng với nỗ lực) rồi sẽ chiếm lĩnh toàn bộ đầu óc đến mức bạn hiếm khi nói chuyện với ai mà không đề cập đến việc kinh doanh. Nhiều khi bạn không nhận ra rằng ngay trong những bữa cơm gia đình bạn không ngớt đưa ra ý kiến này, ý kiến nọ, nào là một sản phẩm mới nhập từ Trung Quốc, nào là những nghi ngại về một hợp đồng đặt hàng lớn, hay những khó khăn đang mắc phải với nhân viên mới. Cuối cùng, người bạn đời hay những người thân khác sẽ chán ngán công việc của bạn. Đến một lúc nào đó, chồng/vợ của bạn sẽ yêu cầu bạn dẹp bỏ công việc và quay trở lại làm công ăn lương bởi vì khi xưa bạn vui vẻ hơn, không phải suy nghĩ lo lắng suốt ngày và cuộc sống cân bằng hơn.
Như đã đề cập trong phần trước, gia đình, đặc biệt là người bạn đời, cần phải sánh bước với bạn trong cuộc mạo hiểm này vì công việc kinh doanh đòi hỏi rất nhiều thời gian và nổ lực. Vì vậy cả 2 phải luôn cận kề bên nhau.
Mỗi tối bạn chẳng cần phải đếm một hồi mới ngủ được. Bạn cũng chẳng cần phải uống thuốc ngủ. Bạn sẽ muốn được tỉnh táo để suy nghĩ công việc làm ăn và những quyết định cần phải làm. Và mỗi tối bạn sẽ ngủ gục với những suy nghĩ, tính toán đó. Bạn sẽ ngủ say li bì, kiệt sức vì suy nghĩ quá nhiều.
Làm doanh nhân cũng như chơi nhảy dù vậy. Bạn sẽ không nhận ra mình đã dấn thân vào cuộc chơi cho đến khi cánh cửa mở và người hướng dẫn ra lệnh nhảy xuống.
Cho nên một cuộc sống cân bằng sẽ không nằm trong danh sách những điều toại nguyện khi trở thành doanh nhân. Trên thực tế bạn chắc chắn sẽ mất tất cả những sự cân bằng trong cuộc sống ngay từ khi mới bắt đầu. Bạn sẽ có cảm giác tự do, nhưng ít thời gian và ít ngày nghỉ phép hơn bao giờ hết. Vì thế nếu bạn đang cần sự cân bằng, hãy nắm lấy đó ngay từ bây giờ, trước khi mọi việc đi từ tệ đến tệ hại hơn nữa. Hãy trở thành doanh nhân vì cảm giác mãn nguyện có được từ những trải nghiệm. Đúng là không có niềm thỏa mãn nào hơn sự mãn nguyện của doanh nhân khi tự tay dẫn dắt công ty, dù lớn hay nhỏ, đến thành công.
TÓM TẮT
- Có nhiều người muốn trở thành doanh nhân để có được sự cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp.
- Song trở thành doanh nhân có nghĩa hoàn toàn trái ngược; nó có nghĩa đem đong đầy những lo toan công việc vào cuộc sống cá nhân.
- Trở thành doanh nhân đem lại nhiều toại nguyện nhưng đừng bao giờ hy vọng sẽ có nhiều thời gian cho bản thân.
NHÂN TỐ THẤT BẠI THỨ 12
Trở thành doanh nhân mà không ý thức được rằng nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự cân bằng trong cuộc sống của bạn.
( Source : Cẩm nang giúp thành công cho những người dám nghĩ
dám làm - Fernando Trias De Bes )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét