Khi khởi sự viết cuốn này, chữ nghĩa cứ tuôn ra cuồn cuộn, thật dễ dàng, ít nữa là trong tâm trí tôi. Và khi viết được câu: Bạn có thể đi bất cứ nơi nào bạn muốn đến, làm điều bạn muốn làm, có điều bạn muốn có và trở thành người bạn muốn thành, thú thực, tôi đã đem chúng để trước mặt, nhìn ngắm say sưa rồi thoả mãn tự nhủ: “Tuyệt vời”. Tiếc thay tôi phải để chúng ra xa vì giữa chúng tôi lù lù một khối thịt 91 ký và một vòng eo 105 phân.
Đọc lại những dòng này, tôi bắt đầu suy nghĩ và tự nhủ (tự nói chuyện với mình hoặc thậm chí tự trả lời không có gì tệ cả. Tuy nhiên, nếu mỗi khi trả lời lại phải hỏi mình “có đúng thế không?” tức là đang có chuyện rồi đó. Tình trạng của tôi lúc này như vậy đấy).
Tôi nghĩ thế nào cũng có vài độc giả sẽ thắc mắc tôi có thực sự tin điều mình đã viết không? Vì phải thành thật nên tôi đã thẩm định lại mọi lời đã viết. Tóm lại, nếu tin thì tôi nên sống theo những lời ấy, còn nếu không tin, tôi không nên viết ra. Nghĩ như vậy nên tôi tự hỏi: “Thế anh có thực như người anh muốn thành công không hả Zig?”.
Trong khi vật lộn với câu hỏi này, càng lúc càng rõ là hoặc tôi phải bỏ qua phần này, hoặc là phải cật lực đấu tranh với chính mình. Điều không thể tránh là thế nào tôi cũng phải chạm trán với những người đưa ra những câu hỏi hóc búa. Thêm vào đó, con trai tôi nay mới lên tám và tôi cảm thấy rõ ràng là một người cha chỉ có thể đánh con khi nó lên ít nhất mười hai tuổi mà thôi. Cứ đà này mà đi thì tôi khó có thể đạt điều mình muốn được. Vì thế, chỉ còn cách là phải hạn chế ăn uống lại thôi – và tôi đã sẵn sàng thực hiện.
May thay, Dallas lại chính là cái nôi của trung tâm thể dục nhịp điệu nổi tiếng trên thế giới mà Dr. Kenneth Cooper đã thiết lập. Dr. Cooper vừa là bác sĩ không quân vừa là bác sĩ thể thao. Ông đã miệt mài nghiên cứu về tác dụng của thể dục nhịp điệu đối với thân thể. Khi thấy ai chạy bộ, bạn có thể đoán chắc là người đó không chịu ảnh hưởng trực tiếp thì cũng gián tiếp của bác sĩ Cooper. Tôi đã hẹn ngày khám và đã khám suốt 5 tiếng đồng hồ. Thoạt đầu họ trích lấy 2 lít máu (ít nhất thì cũng cỡ đó) vào đầy các chai nhỏ. Tôi nghĩ bụng họ đang lập một ngân hàng máu mà mình là người cung cấp chính đây. Rồi họ dìm tôi vào bể nước ba lần để xác định độ mập. Họ khám phá ra tôi có đến 23,9% mỡ, một điều không lý tưởng chút nào. Kế đó, họ đặt tôi lên cái cối xay guồng rồi cột nối tôi với một cái máy để giám sát trái tim và nhịp tim khi tôi bước đi. Độ dài bước chân sẽ tiết lộ tình trạng thể lý của bạn.
Khi đã khám xong và thu thập đủ các số liệu cần thiết, bác sĩ chuyên khoa Randy Martin mời tôi lên phòng làm việc để xem kết quả. Ông tươi cười cắt nghĩa cho tôi hay rằng những thông tin và hình ảnh mà máy điện toán của họ đã tổng hợp được cho thấy là tôi không mập quá, có điều chiều cao tôi thiếu mất 14 phân. Tôi mới phàn nàn về điều đó, nhưng rồi bác sĩ Martin giải thích rằng hiện trạng của tôi như thế cũng là tuyệt hảo đối với một người 66 tuổi rồi. Khi tôi nhắc khéo ông là tôi mới có 46 tuổi thì thái độ của ông thay đổi hẳn. Ông bảo: “Thế thì ông quả là ngoại khổ, giả như ông chơi thể thao thì rắc rối lắm đấy”. Dĩ nhiên là tôi muốn biết mình sẽ phải làm gì nên Dr. Martin đã đề ra một thời khoá biểu chính xác, chi tiết trên giấy trắng mực đen đàng hoàng và ném cho tôi một lời “động viên” trước khi ông nói dứt về những điều nên làm, tôi có cảm tưởng mình giống như một chú bé đến hỏi cho mình một điều, thì cha chú trả lời: “Sao con không đi hỏi mẹ?”. Chú bé đáp ngay: “Vì con chỉ muốn biết qua loa thôi”.
MỘT DÃY PHỐ VÀ MỘT THÙNG THƯ
Về đến nhà, vợ tôi bình phẩm: “Ái chà, vậy anh sẽ chạy khắp phố chứ?”. Tôi đáp: Vậy chứ sao! Vợ tôi bảo:
- Em mà có một thằng con trai 46 tuổi mập thù lù chạy rong khắp phố, em sẽ nhờ anh trông nom ngay.
Rồi vợ tôi xuống chợ, mua cho tôi vài chiếc áo sơ mi và mấy cái quần soọc rất dễ thương hợp với đôi giày chạy mà bác sĩ Martin đã bảo tôi mua.
Sáng hôm sau, chuông đồng hồ vừa reo là tôi đã nhảy xuống giường xỏ bộ đồ thể thao dễ thương đó rồi phóng ra cửa – ráng sức chạy cho hết một dãy phố. Ngày kế đó có khá hơn một chút, tôi chạy qua được một dẫy phố và một thùng thư. Ngày thứ ba qua được một dãy phố và hai thùng thư, rồi hai dãy phố và ba thùng thư. Cuối cùng, tôi đã chạy vòng được khắp cả khu phố. Hôm đó, tôi đã đánh thức cả nhà dậy để khoe: “Ba thành công rồi”.
Cứ thế cho đến ngày tôi chạy được nửa dặm, rồi một dặm, một dặm rưỡi rồi hai dặm. Sau đó tôi bắt đầu tập tạ. Lúc đầu, nằm cử được 6 lần, rồi 8 lần, 10 lần, 20 lần, 30 lần và 40 lần.
Hiện nay tôi đã có thể tung bổng lên cả một người lớn con nữa, nghĩa là tôi vừa nhảy lên không, vừa vỗ tay được. Tôi lại bắt đầu tập ngồi cử tạ, ngày đầu 8 lần rồi 10 lần, 20 lần, 40 lần, 80 lần, 120 lần. Kết quả rõ ràng là số ký và vòng eo bắt đầu giảm xuống. Trong thời gian này, tôi cũng tập ăn chay thêm. Từ 91 ký, giảm xuống 90, rồi 85, 80 và 72. Vòng eo lúc đầu còn 100, rồi 98, 96, 94, 92, 90. Mười tháng sau, tôi chỉ còn nặng 72 ký với vòng eo 68cm.
NHỮNG NGUYÊN TẮC ĐỀ RA MỤC TIÊU
Sở dĩ tôi kể lại cho bạn chuyện này vì nó bao hàm cả nguyên tắc đề ra mục tiêu lẫn đạt tới mục tiêu. Mục tiêu liên hệ đến chính tôi và từ khi sự đáng tin của tôi bị đe doạ thì động lực của việc đạt tới mục tiêu đã nằm sẵn lúc tôi đề ra mục tiêu rồi. Mục tiêu đủ lớn để trở thành một thách thức thực sự buộc tôi phải cố gắng hết mình, song nó không có nghĩa là vô trách nhiệm hoặc tất cả thực hiện.
Nếu tôi chỉ muốn ốm bớt hai ký rưỡi thì có lẽ chẳng ai nhận ra sự sụt ký đó. Khi tôi bắt đầu ốm bớt và vòng eo nhỏ lại, gia đình và bạn bè đã nồng nhiệt khen ngợi. Những lời khen ấy thật hữu ích vì nó giúp tôi cảm thấy phấn khởi và hăng hái hơn. Thời gian bỏ ra tập luyện đã được tưởng thưởng bằng cách giúp tôi có được sự kiên trì trong những việc lớn lao về sau.
Tầm cỡ của mục tiêu hết sức quan trọng.
Trước đây tôi đã nhấn mạnh là một mục tiêu có thể rất lớn, nhưng bạn nên nhớ một mục tiêu như vậy phải được một chuyên gia tài ba điều khiển.
Mục tiêu phải được xác định rõ, thật rõ.
Mục tiêu phải dài hạn. Từ khi tôi quyết định viết sách tới lúc xuất bản được nó, phải mất 10 tháng trời đăng đẳng. Sụt giảm một lúc 18,5kg là điều cực khó song nếu bạn chia nhỏ thành mười tháng, mỗi tháng 1 ký 8 thì rất dễ thực hiện. Nhờ làm như vậy nên tôi hết sức lạc quan, một đức tính cực kỳ quan trọng nếu bạn muốn đạt tới đích.
Mục tiêu giảm cân này đã trở thành hiện thực khi tôi chia nó thành từng phần nhỏ phải làm hàng ngày. Nếu muốn giảm 18,5 kg trong vòng mười tháng thì mỗi ngày tôi phải giảm được 60gr. 18,5 kg thì nhiều thực, song 1,8 kg thì không bao nhiêu và nhất là 60gr thì chẳng đáng kể gì. Mỗi lần giảm cân được một chút là tôi lại hăng hái và vững tin hơn vào sự thành công của mình. Mà thành công sẽ tiếp nối thành công.
Do đó, dù mục tiêu đề ra và theo đuổi là gì đi nữa thì cũng phải sắp xếp sao cho hầu như mỗi ngày bạn đều cảm thấy phấn khởi nhờ gặt hái được vài thành công nho nhỏ đủ loại.
Sự “hồi tiếp tích cực” này sẽ gia tăng lòng tự tin của bạn để bạn bắt đầu “trông mong” và tự mình nhìn thấy chính mình mỗi ngày một thêm hoàn thiện – Con đường duy nhất để đạt tới những mục tiêu ngắn hạn. Luôn nhắm đến mục tiêu chính nhưng cũng phải nhớ luôn rằng hoàn thành những công việc hàng ngày thì bạn mới tiến dần tới mục tiêu dài hạn được.
Để mục tiêu có nghĩa, tôi phải đặt ra một thời hạn hợp lý. Nếu tôi tính giảm 18kg5 trong vòng 37 năm hay 37 tháng thì quá dài, song chỉ trong 37 ngày thôi thì lại quá vô lý, không chỉ vì nó không thực hiện được mà còn là một thảm hoạ cho sức khoẻ nữa. Thời biểu tôi đặt ra tuy đầy tham vọng nhưng vẫn hợp lý và có thể đạt được.
KHÔNG PHẢI LÀ SỰ TRẢ GIÁ!
Mỗi buổi sáng, khi chuông đồng hồ báo thức, tôi thường tự nhủ: “Tội nghiệp gã đàn ông 46 tuổi, mập ú này quá, trong khi người ta đang ngon giấc thì hắn lại phải trỗi dậy mà chạy khắp cả phố phường”. Đoạn tôi nhìn xuống vòng eo 105 phân của mình và hỏi: “Ziglar này, cậu muốn giống như hiện nay hoặc muốn giống như chàng trai trong tờ quảng cáo quần soọc cho nài ngựa kia?”. Vì không muốn giống anh chàng mập hiện giờ nên tôi phóng khỏi giường và bắt đầy chạy.
Tuy nhiên, không phải vì đã quyết định chạy và làm cho mình giảm cân mà bảo là tôi thích chạy đâu. Thực tình mà nói thì một bước chân là một “cực hình”. Tôi đã chạy trong tuyết lạnh ở Winnipeg, trên cát nóng ở Acapulco, dưới mưa buồn ở Minneapolis và giữa những vườn cam trĩu trái ở Florida và đừng nghĩ là tôi sẽ huênh hoang với bạn bè, gia đình và cả những người xa lạ nữa về sự “hy sinh” vĩ đại này. Tôi đã chạy chỉ vì muốn sụt cân thôi. Chính tôi cũng hơi lấy làm lạ vì mình đã giữ kín được cả bạn bè và gia đình như vậy, song đó cũng là điều tự nhiên thôi, vì bao năm nay, tôi vẫn luôn nói với các thính giả thực sự là muốn hoàn thành bất cứ điều gì đáng giá bao giờ bạn cũng phải trả một giá nào đó.
Một hôm, tôi đang chạy trong khuôn viên trường đại học Portland của tiểu bang Oregon ở Portland. Hôm đó là một ngày mùa xuân tuyệt vời. Nhiệt độ khoảng 750. Các sinh viên đang nghỉ xả hơi, học tập và tán tỉnh, thì Ziglar chạy ngang. Mặc dù mồ hôi chảy như suối, nhưng sao tôi vẫn cảm thấy lành lạnh, tuồng như đất đai và con đường cán đá đang chao đảo bập bềnh dưới chân. Lúc bấy giờ, tôi mới thấy việc chạy này “lạ đời”. Tôi đột nhiên ý thức được mình đang sống. Dù đã xấp xỉ 50, nhưng tôi thấy còn tráng kiện hơn cả hồi 25 nữa, đồng thời, tôi biết rõ mình có thể chạy nhanh hơn 98% sinh viên Mỹ trên đường đua 2 dặm, như vậy, rõ ràng là tôi được hưởng giá chứ đâu phải trả giá . Thật vậy, khi chỉ còn 3,5 ký nữa là đạt đích thì túi mật tôi bị bể mà mãi bốn hôm sau bác sĩ mới phát hiện được. Trong 4 ngày đó, tôi đau đớn khủng khiếp. Khi đến bác sĩ thì gan đã nung mủ và nhiễm độc nặng. Về sau, bác sĩ cho tôi hay, sở dĩ tôi hồi phục được, phần lớn là nhờ đã tập chạy trước đó. Thú thực là tôi cũng lấy làm lạ vì không thấy đau mấy khi mổ xong. Vì vậy, tôi hoàn toàn thâm tín Không phải là bạn “TRẢ GIÁ” mà “HƯỞNG GIÁ” đấy. Mọi lãnh vực ở đời đều như vậy cả. Khi thành công, bạn đâu còn gì trả giá nữa. Bạn chỉ trả giá khi bại mà thôi.
Sở dĩ tôi phải dài dòng kể lể về mình như vậy, không phải vì nhằm giúp bạn sụt cân, nhưng vì nó liên quan đến việc đề ra và đạt tới mục tiêu.
Thứ nhất, đây chính là mục tiêu tôi tự đặt cho mình. Bác sĩ đâu bảo tôi phải kiêng cữ để giảm cân.
Thứ hai, tôi sẽ không còn đáng tin khi bảo rằng bạn có thể trở thành người bạn muốn thành nếu tôi đã không làm được như vậy.
Thứ ba, bạn phải cương quyết làm kỳ được nếu muốn đạt tới đích. Tôi đã cam kết trên giấy trắng mực đen là mình nặng 72,5ký trong khi thực tế, tôi đang nặng 91 ký. Tuy nhiên, đó là chuyện 10 tháng trước khi chúng tôi đem sách đi in, và vì không nhà xuất bản nào chịu in cả, nên tôi đã bỏ tiền túi ra làm. Thoạt đầu, tôi chỉ định in 25.000 bản thôi, bạn thử nghĩ xem, chả lẽ tôi dám để 25.000 bản sách của mình ở trong kho bảo rằng tôi chỉ nặng có 72,5 ký, trong khi tôi cứ núng na núng nính với 91 ký thịt hay sao? Bởi vậy, đó chính là 25.000 bản cam kết của tôi đó.
Thứ bốn, mục tiêu phải lớn – giảm tới 18,5 ký. Bởi vì mục tiêu chỉ có hiệu quả thực sự khi có sự chuyển biến rõ ràng.
Thứ năm, mục tiêu phải cụ thể vì bạn phải là người “có ý nghĩa đặc biệt” chứ không phải “kẻ lang thang vô định”.
Thứ sáu, mục tiêu phải dài hạn (10 tháng).
Thứ bảy, chia mục tiêu thành từng phần nhỏ để thực hiện mỗi ngày (60gr).
Thứ tám, vạch kế hoạch để thắng vượt trở ngại (kiêng cữ và chạy bộ).
Thứ chín, duyệt xét tổng quát hiện tượng cho thật rõ ràng (quá 18,5 ký) để bạn có thể bắt đầu được đúng hướng.
NGƯỜI LUYỆN BỌ CHÉT
Trong phần nói về mục tiêu ở chương 12, tôi đã kể lại cho bạn câu chuyện anh bán dụng cụ bếp núc, chỉ trong một năm, đã bán nhảy vọt từ 34.000 đô la tới 104.000. Do đâu anh đã thành công rực rỡ như vậy?
Thưa vì anh đã học được cách “luyện bọ chét”.
Bạn có biết cách “luyện bọ chét” chưa? Tôi nói đứng đắn chứ không phải nói chơi đâu. Biết cách luyện bọ chét rất quan trọng, vì nếu không, bạn sẽ không bao giờ thành công và hạnh phúc cả. Đó là một sự thật. Giờ thì có lẽ bạn đã muốn học cách luyện bọ chét rồi, phải không?
Trước tiên, bạn hãy bỏ chúng vào trong lọ, rồi đậy nắp lại, chúng sẽ nhảy lên, nhảy thật cao, đụng cả vào nắp lọ. Quan sát chúng nhảy và đụng vào nắp lọ, bạn sẽ thấy một điều thú vị là chúng vẫn tiếp tục nhảy những hơi bớt sức để không đụng vào nắp lọ nữa. Lúc bấy giờ, bạn cứ việc mở nắp ra, cho chúng nhảy tha hồ. Chúng sẽ không bao giờ nhảy ra khỏi lọ được. Bạn nhớ cho kỹ nhé, chúng không nhảy khỏi lọ không phải vì không đủ sức mà vì đã quen cỡ nhảy rồi. Một khi đã nhảy quen một cỡ, chúng chỉ có thể nhảy cỡ đó thôi.
BẠN CÓ KHỚP KHÔNG?
Con người cũng giống y như vậy. Họ muốn viết một cuốn sách, leo lên một đỉnh núi, phá vỡ một kỷ lục hay góp sức vào một việc gì đó. Thoạt tiên, ước mơ và tham vọng của họ nhiều vô kể, nhưng rồi những va chạm, vấp váp trên đường đời, cộng với những lời bình phẩm tiêu cực về cuộc sống, về cá nhân họ, của “bạn bè”, chòm xóm khiến họ đâm ra “khớp”, nghĩa là một người rất nhạy cảm trước ảnh hưởng tiêu cực của người khác. Vì vậy, tôi mới khuyên bạn phải dè dặt khi chia sẻ mục tiêu của mình với người khác. Song ngược lại, chúng ta cũng rất nhạy cảm trước ảnh hưởng tích cực của người khác. Khi Joe Louis đoạt chức vô địch hạng nặng thế giới, anh luôn khiến các đối thủ của mình bị “khớp”. Họ thường sợ điếng người nên đã trở thành nạn nhân dưới tài nghệ đáng sợ của anh. Khi John Wooden đưa Bruins thuộc đội bóng rổ UCLA của ông ra sân, các đối thủ “khớp” đến nỗi, trước khi tiếng còi kết thúc thì kết quả trận đấu đã ngã ngũ hẳn. Đây chính là lý do giúp đội UCLA đoạt cúp vô địch quốc gia 10 lần trong 12 năm.
Bởi vậy, các huấn luyện viên luôn nhắc nhở cầu thủ phải thi đấu theo ý mình chứ không được để cho đối thủ chi phối. Kẻ “bị khớp” thường nghe những lời tiêu cực vô ích của các “ông tiên tri” về “ngày tận thế”, những người thay vì cung cấp cho họ những phương pháp đạt tới thành công lại chỉ biết cho họ những lời bào chữa cho thất bại mà thôi, nên họ có thất bại cũng là lẽ đương nhiên.
Còn anh bán dụng cụ bếp núc của chúng ta khác hẳn. Anh không những không “bị khớp” mà còn loại được nó để đề ra mục tiêu lớn hơn nữa. Anh đề ra một mục tiêu dài hạn là phá vỡ kỷ lục bán hàng và trở thành người bán hàng giỏi nhất thế giới. Mục tiêu mỗi ngày của anh là phải bán được 350 đô la hàng hoá. Anh đã thành công rực rỡ, trong một năm, doanh số bán ra của anh đã gấp hơn ba lần.
Sở dĩ tôi biết rõ chuyện này vì anh ta chính là em ruột tôi, Judge Ziglar. Tôi hãnh diện vì chú ấy đã áp dụng cùng một phương pháp đạt tới mục tiêu như tôi cũng như cả nguyên tắc luyện bọ chét nữa. Nhờ đó, chú ấy đã trở thành một trong những phát ngôn viên và huấn luyện viên bán hàng hàng đầu ở Mỹ. Hiện chú đang dạy người khác cách đạt tới mục tiêu qua những buổi mạn đàm trên khắp nước Mỹ.
TRỞ NGẠI KHÔNG THỂ VƯỢT
Roger Bannister là mẫu người điển hình nhất của việc luyện bọ chét. Bao năm nay, các lực sĩ đã cố gắng chạy 1,6 km dưới 4 phút, nhưng xem ra như không thể vượt, vì họ đều là những người “bị khớp”. Có lẽ có người trong số họ từng tuyên bố: “Tôi sẽ chạy 1,6km trong 4 phút” nhưng khi xếp hàng, tiếng huấn luyện viên lại văng vẳng trong tai: “Chí ít cũng phải mất 4 phút, anh không thể vượt quá con số đó đâu. Thú thực, tôi đã tính toán kỹ lưỡng một cách khoa học rồi nên tôi không tin có ai phá được kỷ lục này cả”. Rồi tiếng vị bác sĩ cầm ống nghe cũng vẳng lại: “Anh mà đòi chạy 1,6 km trong 4 phút ư! Khổ vô cùng, tim anh sẽ nhảy ra khỏi lồng ngực mất! Anh không làm nổi đâu”. Các phương tiện thông tin đã tính toán là đoạn đường đó sẽ phải mất trên 4 phút và dư luận chung cho rằng khả năng thể lý của con người, không thể vượt 1,6 km trong 4 phút được. Do đó lực sĩ nào cũng “khớp” và cho đó là điều không thể thực hiện được.
Tuy nhiên Roger Bannister đã không “bị khớp”. Anh là người luyện bọ chét nên đã chạy được 1,6 km trong 4 phút lần đầu tiên trên thế giới. Sau đó, các lực sĩ trên khắp thế giới cũng bắt đầu chạy được như vậy. Sau Bannister 6 tuần là John Landy ở Úc... Từ đó đã có tới hơn 500 cuộc đua đạt kỷ lục dưới 4 phút kể cả kỷ lục của một lực sĩ 37 tuổi. Nguyên tại cuộc thi đấu điền kinh NCAA ở Baton Rouge, bang Louisiana vào tháng 6/1973 cũng đã có 8 lực sĩ chạy 1,6 km dưới 4 phút rồi. Rào cản 4 phút đã sập, nhưng không phải vì con người lẹ hơn về thể lý mà vì nó là chướng ngại tâm lý mà thôi. Nếu bạn vẫn chưa hiểu thì tôi xin nói rõ hơn “Người luyện bọ chét là người có thể nhảy ra khỏi lọ”. Người đó được nội tâm hướng dẫn và không bị khớp trước những ảnh hưởng tiêu cực bên ngoài.
BẮT ĐẦU VỚI MỘT MỤC TIÊU
Đối với người chưa từng đề ra một mục tiêu có ý nghĩa nào để thực hiện thì cuộc sống xem ra lắm mục tiêu quá. Để không bị mục tiêu dìm ngợp, bạn hãy nghe lời Judge Ziglar khuyên những người bán hàng: “Nếu trước nay, bạn chưa đề ra mục tiêu bao giờ, thì tôi đề nghị bạn nên khởi đầu với một mục tiêu ngắn hạn. Trước tiên, bạn chọn lấy tháng bán được đắt nhất rồi cộng thêm 10% nữa để làm mục tiêu tháng. Sau đó, bạn lựa ngày bán đắt trong tháng, viết doanh số ngày đó ra giấy rồi để ở trước mặt. Dưới số đó, bạn viết doanh số trung bình hàng ngày phải bán để đạt mục tiêu tháng. Số này, tất nhiên sẽ ít hơn nhiều so với ngày đắt nhất, nhờ đó, bạn sẽ tự tin và có thể đạt mục tiêu tháng cách dễ dàng.
Đến cuối tháng, nếu đạt được mục tiêu, bạn nên đặt mục tiêu cho một quý, còn không thì bạn nên đặt lại mục tiêu tháng thêm lần nữa. Chỉ khi đã đạt mục tiêu trước, bạn mới có thể đạt mục tiêu sau, bạn nên nhớ kỹ như vậy. Khi đã đạt mục tiêu tháng, bạn sẽ lấy nó, nhân cho ba rồi cộng thêm 10% để đề ra mục tiêu quý. Nhưng lần này, bạn sẽ phải lấy doanh số của tuần lễ đắt nhất đặt ở trước mặt rồi lấy số trung bình hàng tuần phải có để đạt mục tiêu quý. Cuối quý, thấy mình đạt mục tiêu, bạn lại đặt ra mục tiêu bằng cách lấy mục tiêu quý, nhân với bốn rồi cộng thêm 10%. Con số 10% rất hợp lý và dễ đạt tới, nhưng chính lòng cương quyết mới giúp bạn tăng doanh số. Sự việc cũng diễn tiến y như trước và bạn sẽ thành công dễ dàng. Dĩ nhiên, cũng có nhiều trường hợp vượt tầm kiểm soát của bạn, chẳng hạn như đồ chơi, đồ tắm, đồ trẻ em, dụng cụ làm vườn... là những món hàng tuỳ mùa. Tất nhiên, bạn sẽ phải điều chỉnh để bù lại những thay đổi vượt tầm kiểm soát đó. Tuy nhiên, nếu quyết tâm thực hiện, bạn sẽ khám phá thấy là nhiều khi việc buôn bán “theo mùa” đó lại chẳng hoàn toàn “theo mùa” như bạn nghĩ chút nào. Doanh số “ngoại mùa” của bạn sẽ cao hơn trước đây nhiều lắm. Khi mục tiêu quý thành công, bạn có thể lấy đó làm cơ sở đề ra mục tiêu cho các lãnh vực khác. Thành công đưa đến thành công, vì thế bạn hãy cứ bắt đầu với bước thứ nhất trước đã.
MỞ TOANG MỌI CỬA DẪN ĐẾN MỤC TIÊU
Để đạt được mục tiêu, bạn nên biết câu chuyện của Houdini. Houdini là một phù thủy bậc thầy đồng thời cũng là vua mở ống khoá. Ông khoe mình có thể trốn khỏi bất cứ phòng giam nào trên hành tinh này trong vòng 1 tiếng đồng hồ, miễn là được vào phòng giam với bộ đồ dạo phố.
Lúc bấy giờ, dân chúng tại một thành phố nhỏ bên Anh rất tự hào về khám đường mới của họ nên đã thách Houdini “đến thử mùi”. Vốn hám danh và cầu lợi nên Houdini nhận lời ngay. Ngày ông xuất hiện, cả thành phố cứ bừng lên như mở hội. Ông oai vệ cỡi ngựa tiến vào thành phố rồi khoan thai bước vào phòng giam. Khi cửa phòng đã đóng lại, ông vẫn rất ung dung, tự tin. Houdini cởi áo khoác và bắt đầu làm việc. Ông lận trong thắt lưng ra một miếng thép dài 25 phân, sắc bén và mềm mại, chuyên dùng để mở khoá, 30 phút sau, cảm giác tự tin của ông biến mất. Một giờ sau, mồ hôi toát ra như tắm. Hai tiếng sau, Houdini ngã qụy trước cánh cửa phòng giam để mở. Thực vậy, cửa phòng giam không hề khoá, trí óc ông cứ nghĩ là nó được khoá chặt bởi muôn vàn ổ khoá, trong khi chỉ cần đẩy nhẹ, nó cũng bật ra. Đời bạn cũng thế đấy, nhiều lần, chỉ cần đẩy nhẹ thêm một chút là cánh cửa may mắn đã mở ra rồi mà bạn không biết.
Trong ván bài cuộc đời, bạn sẽ khám phá thấy là thế giới sẽ mở cửa kho tàng và phần thưởng của nó khi bạn đề ra mục tiêu và mở cửa tâm trí mình. Thực sự mà nói thì hầu hết các cánh cửa đều đóng khóa trong tâm trí bạn thôi. Ấy là tôi nói trước đây thôi, vì hẳn khi đọc những dòng này, bạn đã mở toang cánh cửa tâm trí mình rồi.
THẤY MÌNH ĐẠT ĐÍCH
Ông Nesmeth chơi gôn hàng tuần rồi hoàn toàn bỏ hẳn suốt 7 năm trời. Lạ thay, sau 7 năm nghỉ chơi, lần chơi trở lại đầu tiên, ông đã đánh được 74 điểm. Trong 7 năm nghỉ chơi, ông không tập luyện một lần nào và điều kiện thể lý của ông cũng suy thoái trầm trọng. Thật vậy, suốt 7 năm đó, ông đã phải thu mình trong một phòng giam nhỏ cao 1m5, dài 1m6, vì là tù nhân chiến tranh tại Triều Tiên.
Câu chuyện của ông nêu bật một điều: Ta phải “thấy mình đạt đích” nếu mong tới đích và hoàn thành những mục tiêu ở đời. Khi bị coi là tù nhân chiến tranh, ông bị giam biệt lập 5 năm rưỡi, không gặp, không trò chuyện với ai và không được tập thể dục hằng ngày. Mấy tháng đầu, ông không làm gì khác ngoài việc cầu mong và cầu nguyện được phóng thích. Rồi ông nhận ra rằng, nếu muốn giữ sức khoẻ và được sống sót, phải thực hiện những bước tích cực và quyết định. Do đó, ông chọn thú chơi gôn mà ông thích nhất và bắt đầu chơi trong phòng giam – ông chơi trong trí đủ 18 lỗ gôn mỗi ngày. Ông chơi trọn vẹn cả những chi tiết nhỏ nhặt, cuối cùng, ông “thấy mình” mặc đồ đánh gôn, bước tới lỗ gôn đầu. Ông hình dung trọn vẹn từng ngày nắng, ngày mưa mà ông đã chơi. Ông “thấy” được kích thước vòng gôn, sân cỏ, cây cối, chim chóc, và mọi thứ trang hoàng khác trên sân gôn. Ông “thấy rành rọt cách mình cầm gậy bằng tay trái, cách đặt tay phải trên tay trái. Ông cẩn thận như mình phải giữ tay trái thật thẳng, rồi phải luôn nhìn vào banh. Ông thận trọng vung tay về đàng sau thật chậm rãi và thoải mái mà mắt vẫn nhìn vào trái banh, ông luyện cách vung gậy cho nhẹ nhàng rồi đánh bật trái banh đi. Rồi ông nhớ lại đường banh, ngắm nó bay trên không, rớt chạm mặt đất, lăn tròn cho tới khi ngừng tại điểm đã định...
Ông chơi trong trí lâu như chơi một trận gôn thật, với đủ mọi giai đoạn trước sau. Nói cách khác, ông đã quyết định trở nên một người có ý nghĩa đặc biệt chứ không phải chỉ là một người chung chung vô định.
TẬP LUYỆN CÁCH THƯ THẢ
Trong bảy năm ròng rã, ngày nào ông cũng chơi đủ 18 lỗ gôn, không đánh hụt một trái, không trật lỗ một quả. Tuyệt vời hết mức. Trong quá trình đánh gôn tưởng tượng ấy, ông có thể chơi liên tục bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày, nhờ đó ông luôn giữ được tinh thần lành mạnh, và đã có thể làm được một điều đại sự với kiểu chơi gôn này. Câu chuyện của ông nhấn mạnh điều tôi muốn bạn nhận ra. Đó là: MUỐN ĐẠT ĐẾN ĐÍCH, BẠN PHẢI THẤY MÌNH “ĐANG ĐẠT” ĐÍCH TRƯỚC ĐÃ. Muốn được tăng lương, thăng thưởng, đậu cao, được ổ bánh ngon hơn, cái bẫy chuột nhạy hơn hay căn nhà hằng mơ ước... Bạn hãy đọc lại câu chuyện trên cho thật kỹ. Cứ giữ đúng qui tắc ấy mỗi ngày ít phút tất sẽ đến lúc bạn không chỉ “thấy mình đang đạt đích” mà còn “thực sự đạt đích nữa”.
Như tôi vẫn nói, đây chính là lối “tập luyện cách thư thả”. Theo lối này, bạn chỉ phải bỏ ra rất ít hoặc không phải bỏ gì cả trước khi sự việc xảy đến. Do đó mà cầu thủ bóng rổ mới tập ném buông, cầu thủ đá banh tập sút bóng, vị bác sĩ trẻ tập mổ xác, người bán hàng tập dượt trong lớp huấn nghệ. Một khi “tập luyện cách thư thả” cho đủ rồi, thì đến giờ hành động, bao giờ bạn cũng đạt được nhiều kết quả hơn, dù trong lãnh vực nào cũng vậy. Riêng tôi, trong việc làm “ốm bớt” tôi cũng thấy mình “đang đạt đích” bằng cách tưởng tượng ra một anh chàng gầy nhom và trí tôi lúc nào cũng nhìn chằm chằm vào đó. Tôi quyết chí nên giống anh ta. Tôi không còn coi mình như một người mập mạp dễ thương nữa mà tôi đã trở nên một người thon thả dễ thương.
SẮT GỈ VÀ CỎ HÔI
Heartsell Willson, nhà diễn thuyết hàng đầu kể rằng hồi nhỏ, ông thường chơi chung với hai người bạn một người vừa cỡ, một người bự quá khổ trên một đoạn đường sắt bỏ hoang ở miền Đông Texas. Ba người thường thi nhau xem ai đi trên tà vẹt xa nhất mà không rớt. Heartsell và cậu bạn vừa cỡ chỉ đi được vài bước là rớt còn cậu bạn quá khổ thì cứ đi hoài. Heartsell mới tò mò hỏi bí quyết thì cậu đáp: Hai cậu cứ mãi nhìn xuống bàn chân nên ngã là phải, trong khi tớ, vì mập quá, không thấy được chân, nên tớ cứ nhắm vào mục tiêu ở đằng trước và khi tới rồi, tớ lại nhắm xa hơn nên đâu thế nào rớt được. Vì thế, bạn hãy tiến xa tối đa tầm mắt, khi tới đó rồi, bạn luôn có thể thấy xa hơn để lại bước tiếp.
Điều khôi hài ở đây là cậu bé mập lù lại chính là người sáng lập triết thuyết: Nếu nhìn xuống chân, bạn chỉ thấy toàn sắt gỉ và cỏ hôi còn khi nhìn về đàng trước, bạn sẽ “thấy mình đang tới đỉnh”. Quả là chí lý!
Tôi muốn đi xa hơn. Giả như Heartsell và bạn ông nắm tay nhau mà đi trên hai thanh tà vẹt, ắt họ có thể đi mãi mà không rớt. Đây chính là sự hợp tác – không chỉ với người đồng loại mà cả với quy luật của vũ trụ nữa. George Matthew Adams có nói: “BẠN SẼ ĐẠT ĐƯỢC MỌI MƠ ƯỚC TRÊN ĐỜI, NẾU BIẾT GIÚP NGƯỜI KHÁC ĐẠT ĐƯỢC ĐIỀU HỌ MUỐN”.
Thiên nga Canada là loài chim biết giá trị của sự hợp tác tự bản năng. Bởi vậy bạn luôn thấy chúng bay theo hình chữ V với hai cạnh dài ngắn không đều (sở dĩ như vậy vì cạnh dài nhiều thiên nga hơn). Những con chim bên cạnh dài này sẽ thay nhau bay trước để đương đầu với gió, che chắn cho những con chim bay sau ở cả hai bên. Những thí nghiệm trong đường hầm lộng gió cho thấy là chim bầy sẽ bay được xa hơn chim bay riêng lẻ 72%.
Do đó, người ta cũng có thể tiến cao hơn, xa hơn, nhanh hơn nếu biết hợp tác với người khác thay vì đấu tranh chống lại họ.
Một trong những nguồn trợ lực tốt nhất chính là gia đình, đặc biệt là người bạn đời. Nếu vợ hoặc chồng bạn “làm việc với bạn” thay vì chỉ “đi chơi với bạn” thì bạn sẽ có thể đạt đích nhanh hơn dễ hơn, và say mê hơn trên đường sự nghiệp. Bạn đừng ngạc nhiên hay thất vọng nếu lúc đầu, chồng hoặc vợ bạn, không được hồ hởi lắm. Vì, nếu biết khéo kéo chia sẻ và cho họ thấy sự hợp tác và quan tâm của họ quan trọng ra sao đối với bạn thì cả hai đều sẽ được lợi rất nhiều khi tiến hành công việc. Sự liên kết chặt chẽ và quan tâm đến nhau như vậy tối quan trọng vì nó giúp bạn thiết lập được mối quan hệ sâu đậm hơn và nguyên do cũng là một phần thưởng quí giá rồi. Khi cả hai cùng lên đường đi tới đích, có thể chẳng ai nhìn thấy cuối đường hầm cả, nhưng đời sống thường không chỉ nhường bước cho những người biết mình muốn đi đến đâu mà thường còn đồng hành và giúp họ đạt đến đích nữa.
TÔI SẼ
Vài năm trước, một đoàn thám hiểm quốc tế tổ chức leo lên đỉnh ngọn Matterhorn, theo sườn phía Bắc, một kỳ công chưa ai thực hiện cả. Trước ngày khởi hành, các phóng viên bu đến phỏng vấn những đoàn viên quốc tế trong đoàn. Một phóng viên hỏi đoàn viên thứ nhất: “Có phải ông tính leo sườn phía Bắc lên ngọn Matterhorn không ạ?”. Người đó đáp: “Tôi định cống hiến mọi sự để làm chuyện đó đấy”. Một phóng viên khác hỏi người thứ hai: “Ông cũng tính leo sườn phía Bắc lên ngọn Matterhorn đấy ư?”. Người ấy trả lời: “Tôi sẽ cố gắng hết sức!”. Người thứ ba được hỏi cũng trả lời: “Tôi sẽ cố gắng tối đa xem”. Sau cùng, một thanh niên Mỹ đã trả lời: “Phải tôi nhất định sẽ leo lên ngọn Matterhorn theo sườn phía Bắc”. Kết quả chỉ có một người lên tới đích và chính là người đã nói: “Tôi nhất định sẽ”, vì anh ta đã “thấy mình đạt đích”.
Trong bất cứ lãnh vực hoạt động nào, dù để tìm một công việc tốt hơn, có nhiều tiền hơn hoặc muốn đạo đức hơn, có những đứa con ngoan ngoãn hơn, có một cuộc hôn nhân bền vững và hạnh phúc hơn hoặc là tất cả những điều đó thì ta phải “thấy mình đạt được” trước đã rồi mới “thực sự đạt được”.
NGƯỚC LÊN
Thời còn xài tàu buồm, có một chàng thủy thủû ra khơi lần đầu. Ra giữa Đại Tây Dương thì tàu gặp bão lớn, thuyền trưởng bèn ra lệnh cho anh leo lên xoay buồm. Chưa có kinh nghiệm nên anh vừa leo lên vừa nhìn xuống. Tàu lắc lư, hụp lên hụp xuống khiến anh đâm hoảng, mất hết thăng bằng, chỉ chực té. May sao lúc đó có một người thủy thủ già đứng dưới. Ông vội hô lớn: “Ngước lên trời, con ơi, ngước lên”. Chàng thủy thủ trẻ vội ngước lên và lập tức lấy lại được thăng bằng. Mỗi khi sự việc đâm ra tệ hại, bạn hãy xét thử xem mình có nhìn sai hướng hay không. Nhìn lên mặt trời, bạn đâu thấy có bóng. Nhưng nhìn trước, nhìn sau, bạn sẽ thấy đủ hình đủ dạng. Mỗi khi triển vọng mờ mịt, bạn hãy ngước nhìn lên – điều này bao giờ cũng tốt. Hãy áp dụng nguyên tắc này cộng thêm vài nguyên tắc sắp tới nữa là bạn sẽ đạt được các mục tiêu của mình.
CẦN PHẢI HÀNH ĐỘNG
Tôi xin nhắc lại: Kết quả của mục tiêu không quan trọng bằng điều bạn trở thành khi đạt được mục tiêu đó. Phần bạn thì sao? Bạn có tin mình cần mục tiêu không? Bạn đã bắt đầu ghi sổ để có thể biết mình đang đi tới đâu chưa? Bạn đã bắt đầu xác lập mục tiêu chưa? Bạn đã kê khai các trở ngại trên đường đến mục tiêu chưa? Bạn có thấy ít ra là “thoáng thấy mình đang đạt đích” chưa. Nếu bạn trả lời “có” trước tất cả các câu hỏi trên thì tôi xin bạn hãy kẻ thật đậm xung quanh từ “MỤC TIÊU” trên trang vẽ cầu thang.
Bạn hãy ghi các mục tiêu của mình vào một hoặc nhiều tấm phiếu khổ 9x12. Nhớ viết thật rõ rồi bọc nhựa cẩn thận và luôn mang theo trong túi để đọc lại luôn luôn. Sau này, bạn sẽ hiểu tại sao phải làm vậy. Giờ thì mục tiêu của chúng ta là HÀNH ĐỘNG. Bạn nên nhớ là khi đầu máy xe lửa mạnh nhất thế giới đậu lại thì chỉ cần một miếng gỗ dày 2 phân đặt trước mỗi bánh xe cũng đủ giữ nó đứng yên. Nhưng khi chạy với vận tốc 160km/g thì nó có thể cán sập một bức tường bê tông cốt sắt dày 1m5. Khi ra tay hành động, bạn cũng mạnh như vậy đó. Vì thế, hãy bắt đầu ngay đi và tăng tốc lên. Hãy phá sập các chướng ngại chắn giữ đường tới đích.
Lúc này bạn đang đứng trên bậc thang thứ ba. Bạn cũng biết, bậc thang này không phải chỗ bạn ngồi đâu. Nó ở đó chỉ cốt để giúp bạn bước lên bậc thứ bốn mà thôi. Vì vậy, xin bạn hãy cầm lấy bút và viết lên nó: “TÔI – ĐANG Ở TRÊN ĐƯỜNG”.
( Source : Hẹn bạn trên đỉnh thành công - Zig
Ziglar)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét