Ads 468x60px

Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

Một lời nói có thể gây tranh cãi.


Người chú của một cậu bé 9 tuổi ghé thăm nhà anh chị mình. Một tối nọ, giữa hai anh em đã diễn ra cuộc trò chuyện như sau:

- Anh nghĩ thế nào về một đứa trẻ hay nói dối?

- Anh cũng chưa biết mình nghĩ như thế nào, và anh chỉ biết chắc một điều là con trai anh luôn nói sự thật.

- Nhưng hôm nay nó đã nói dối.

- Con trai, con đã nói dối chú phải không?

- Dạ không, thưa cha.

- Chúng ta hãy làm rõ chuyện này xem nào. Chú thì bảo cháu nó đã nói dối. Nhưng nó lại không thừa nhận. Vậy là sao? - Người cha quay về phía người chú và hỏi.

- Em bảo cháu mang đồ chơi xuống hầm. Nó không làm theo lời em nhưng lại bảo là đã làm rồi.

- Con trai, con đã mang đồ chơi xuống hầm chưa?

- Dạ rồi, thưa cha.

- Vậy con giải thích sao về điều này? Chú thì bảo con chưa mang đồ chơi xuống hầm trong khi con lại nói là đã làm rồi.

- Từ lầu một xuống tầng hầm chỉ cách vài bước chân... Đi bốn bước là tới cửa sổ... Con đã đặt đồ chơi ở bậu cửa sổ... Tầng hầm là khoảng trống giữa sàn và trần nhà... Vậy đồ chơi của con đã ở trong tầng hầm rồi còn gì!

Cuộc tranh cãi giữa hai chú cháu thực ra bắt nguồn từ định nghĩa của một danh từ là tầng hầm. Cậu bé chắc chắn biết rõ người chú muốn gì, nhưng cậu lười biếng không muốn chạy xuống hầm. Lúc bị quở trách, cậu bé đã cố gắng biện bạch bằng cách sử dụng lô-gic trên.

Đùi ếch và lô-gic. 

Khi còn bé, tôi rất thích ăn món đùi ếch. Một hôm, tôi đi ăn ở nhà hàng nọ và người bồi bàn dọn ra những chiếc đùi ếch to đến mức tôi thấy sờ sợ. Từ đó về sau, tôi không thích đùi ếch lớn nữa.

Vài năm sau, tôi lại có dịp ngồi ăn trong một nhà hàng sang trọng ở Louisville, Kentucky và nhìn thấy món đùi ếch trong thực đơn. Cuộc trò chuyện giữa tôi và người bồi bàn đã diễn ra như sau:

- Ở đây có đùi ếch nhỏ không?

- Có, thưa ông!

- Anh có chắc không? Tôi không thích đùi ếch lớn đâu nhé!

- Chắc chắn, thưa ông!

- Ồ, nếu chúng là món đùi ếch nhỏ thì thật tuyệt!

- Vâng, thưa ông!

Khi người bồi bàn mang thức ăn ra, tôi nhìn thấy toàn là đùi ếch lớn. Tôi bực mình bảo anh ta:

- Đây không phải là đùi ếch nhỏ!

- Đây là những chiếc nhỏ nhất mà chúng tôi có, thưa ông. - Người bồi bàn lễ phép đáp lại.

Thay vì tiếp tục cằn nhằn trong sự bực bội, tôi quyết định thôi thì mình cứ dùng cho qua bữa. Ấy vậy mà tôi đã chén ngon lành đến mức tiếc nuối giá như những chiếc đùi ếch này lớn hơn chút nữa.

Tôi đã nhận được một bài học về sự lô-gic trong suy nghĩ.

Khi phân tích vấn đề, tôi đã đánh giá đùi ếch lớn và nhỏ thông qua giả thuyết sai lầm. Kích thước của những chiếc đùi ếch không làm cho món ăn ngon hay dở. Vấn đề là những chiếc đùi ếch lớn mà tôi từng ăn trước đây không đủ tươi mà thôi, trong khi tôi lại ác cảm với những chiếc đùi ếch lớn chỉ vì kích thước của chúng, chứ không phải vì mùi vị món ăn.

Giờ thì chúng ta đã biết khi bắt đầu với giả thuyết sai lầm, những tấm “mạng nhện” sẽ khiến con người không thể suy nghĩ chính xác. Nhiều người đã có suy nghĩ thiếu chính xác khi họ cho phép những giả thuyết sai chi phối tâm trí mình. Những lời nói hay cách diễn đạt như: Luôn – chỉ – không bao giờ – chẳng có gì – mỗi – mọi người – không ai cả – không thể – bất khả thi – hoặc cái này... hoặc cái kia – thường là những giả thuyết sai lầm. Nếu sử dụng chúng thì những kết luận họ đưa ra hầu như chỉ dẫn đến sai lầm.

( Source : Tư duy tích cực tạo thành công - Napoleon Hill - W. Clement Stone )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét