Ads 468x60px

Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

Bí quyết 4 : Khắc phục tật đãng trí


Khoảng 90% mọi người phải tìm kiếm các món đồ bị thất lạc. Đây là kết luận được rút ra từ thí nghiệm của viện nghiên cứu EMNID ở Bielefeld. Vật mà người ta thường tìm kiếm nhất là chìa khóa: 42% số người được hỏi cho biết họ hay nổi cáu vì cứ phải liên tục tìm kiếm chùm chìa khóa của mình. 

Bút bi đứng ở vị trí thứ hai trong danh sách những món đồ bị thất lạc (khoảng 25%). 

Đứng thứ ba là mắt kính (19%) và vị trí tiếp theo thuộc về những chiếc ví (16%). Những người dưới ba mươi tuổi thường phải tìm chìa khóa nhiều hơn những người lớn tuổi. Vật thường bị những người trên năm mươi tuổi đặt sai chỗ nhiều nhất là cặp mắt kính (hơn 40%). Không có khác biệt lớn giữa nam và nữ trong vấn đề này. Phụ nữ gặp nhiều rắc rối hơn trong việc tìm kiếm các chiếc ví nhưng lại giữ chìa khóa tốt hơn đàn ông.

Dù trong trường hợp nào thì việc đãng trí này cũng gây nên sự lãng phí thời gian. Nó tác động tiêu cực đến tâm trạng của ta nếu ta cảm thấy căng thẳng khi tìm kiếm. 

Tuy nhiên, điều đáng mừng là chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục tật đãng trí của mình.

Hệ thống tư duy giúp bạn tìm thấy các món đồ 

Vậy chúng ta có thể làm được gì? Điều hứa hẹn nhất chính là tạo ra một nguyên lý trật tự mà theo đó, các món đồ đều nằm đúng vị trí của nó. Nhiều người đã đề ra giải pháp đặt chìa khóa ở một nơi nhất định mỗi khi trở về nhà nhưng lại không kiên trì thực hiện theo nó. Nguyên nhân là nơi đặt chìa khóa ấy đã không được não bộ họ ghi nhớ một cách sâu sắc. Ở đây, sự kết hợp giữa trí nhớ và phương pháp học tập thân thiện có thể mang lại hiệu quả cho bạn.

Địa điểm duy nhất. Hãy tìm một nơi ở gần cửa ra vào. Bạn hãy đặt ở đó một ngăn tủ, một cái móc hoặc một chiếc hộp đựng chìa khóa sao cho dễ với tay nhất. Bạn cũng có thể áp dụng cách làm tương tự ở văn phòng của mình.

Màu sắc duy nhất. Hãy đánh dấu địa điểm ấy bằng một màu sắc nổi bật. Chẳng hạn, bạn có thể dán băng keo màu ở bên ngoài ngăn kéo, sơn bảng treo chìa khóa bằng một màu khác biệt hoặc sử dụng chiếc hộp để trên bàn có màu nổi bật. Cách làm này sẽ tác động đến bán cầu não phải - bán cầu não nhạy cảm với hình ảnh và màu sắc - và nó sẽ dễ ghi nhớ chúng hơn.

Tên duy nhất. Hãy đặt cho nơi ấy một cái tên không lẫn vào đâu được: “Ngăn kéo màu xanh dương” (nếu đó là chiếc ngăn kéo có màu xanh dương duy nhất trong nhà của bạn), “Cái hộp có hình ngôi sao” (vì nó được trang trí bằng những hình ngôi sao nổi bật). Cái tên ấy sẽ gây ấn tượng đặc biệt đối với bán cầu não trái. Tuy vậy, bạn nên tránh những cái tên quá phức tạp, chẳng hạn như “ngăn kéo trên cùng trong cái tủ đặt cạnh cửa trước”.

Việc sử dụng một cái tên ngắn gọn, súc tích có thể giúp bạn dễ dàng đưa ra thông điệp hoặc chỉ dẫn cho người khác (“Hãy đặt chìa khóa vào cái hộp có hình ngôi sao!”). 

Hoặc khi cảm thấy căng thẳng hoặc vội vã, bạn có thể nói ngắn gọn rằng: “Chìa khóa – ngăn kéo màu xanh dương!”. 

Những cảm xúc tích cực. Thành công của hành động nhỏ này có thể trở nên to lớn hơn nếu chúng mang đến cho bạn một cảm giác dễ chịu. Ví dụ, hãy để một ít hỗn hợp các chất thơm vào trong hộp đựng chìa khóa để chiếc hộp tỏa ra hương thơm mà bạn ưa thích. Hoặc bạn có thể đặt những vật liệu mà bạn thích vào trong ngăn kéo đựng chìa khóa, chẳng hạn như một khúc lụa đỏ, để chiếc chìa khóa hạ cánh êm ái trong đó.

( Source : Bí quyết đơn giản hóa cuộc sống - Werner Tiki Küstenmacher & Lothar Seiwert)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét