Cảm giác tội lỗi có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng một cảm giác tội lỗi luôn đi kèm với cảm giác “mắc nợ”... đó là một cảm giác cần được xua tan.
Điều này được minh họa rõ nét qua câu chuyện của vị bác sĩ trẻ trong tiểu thuyết của Lloyd C. Douglas, The Magnificent Obsession. Trong câu chuyện đó, các bạn sẽ thấy một chàng thanh niên vốn là người hùng lại cảm thấy mình đang nợ cả thế giới, bởi lẽ sinh mạng của anh đã được cứu nhờ vào sinh mạng của một bác sĩ phẫu thuật não.
Nhưng chính cảm giác mắc nợ này đã khiến chàng thanh niên kia trở thành một chuyên gia về não có năng lực tương đương với vị bác sĩ đã đánh đổi sinh mạng cho anh. Nhờ cảm giác tội lỗi mà anh đã trở thành một người sống rất có ích.
Mỗi câu chuyện được kể đều là chuyện đời của một ai đó. Trên các tờ báo bạn đọc mỗi ngày, các bạn sẽ thấy rất nhiều câu chuyện như vậy: chẳng hạn như câu chuyện của Jim Vaus, một người từng được cứu sống do đã đáp lại một quyết định không thể lay chuyển, đó là xua tan cảm giác tội lỗi. Tất cả đều nhờ ông đã bắt tay vào hành động.
Để xua tan cảm giác tội lỗi, bạn hãy bắt tay vào hành động! Đôi khi, con người như bị mắc kẹt trong một loạt các hành động sai trái và họ gần như không thể thoát ra được.
Lý do chính là họ đã từ bỏ mọi nỗ lực của mình. Họ ngày càng lún sâu hơn vào những hành động đó và chỉ khi một “sự kiện chấn động” xảy ra thì họ mới tìm được lối thoát.
Đó chính là trường hợp của Jim Vaus. Jim Vaus là người đã nợ sinh mạng của mình đối với quyết định rằng “Tôi sẽ”. Tuy nhiên, quyết định này của ông lại được đưa ra khá muộn màng. Trong suốt nhiều năm liền, ông đã thường xuyên tỏ thái độ chống đối với Các Điều Răn của Chúa. Ông hầu như vi phạm hết điều răn này đến điều răn khác. Lần đầu, ông vi phạm điều răn: “Ngươi không nên ăn cắp” khi còn là một sinh viên đại học. Một hôm, ông đã đánh cắp 92,74 đô-la; ông đi đến sân bay, mua vé và bay thẳng đến Florida. Một thời gian ngắn sau, ông lại gia nhập một băng cướp có vũ trang và cướp bóc tài sản của người khác. Ông đã bị bắt và ở tù. Không bao lâu sau, ông được hưởng chính sách ân xá và gia nhập quân đội Mỹ; tuy nhiên, ngay trong thời gian tại ngũ Jim lại tiếp tục dính vào rắc rối.
Tòa án quân sự đã tuyên án ông: “... sử dụng tài sản chính phủ vào mục đích riêng...”.
Và mọi việc cứ thế tiến triển. Sự nghiệp của Jim Vaus ngày càng xuống dốc. Càng lún sâu vào sai lầm bao nhiêu thì ông lại càng mang cảm giác tội lỗi nhiều bấy nhiêu. Cảm giác tội lỗi này lại dẫn đến cảm giác tội lỗi khác, và ông luôn tìm cách tự dối gạt mình để che giấu chúng.
Giờ thì Jim không còn ý thức gì về cảm giác tội lỗi nữa – bởi lẽ cảm giác tội lỗi có ý thức trong ông đã chết. Tuy nhiên, tiềm thức của ông thì không như vậy. Cảm giác tội lỗi đã dần tích lũy trong tiềm thức mà Jim không hề hay biết.
Và như trong những câu chuyện các bạn đã đọc trên báo, Jim phải cần đến một “sự kiện chấn động” mới có thể tỉnh thức.
Vaus được giải ngũ; ông kết hôn, dọn nhà đến California và mở một công ty tư vấn điện tử. Một ngày nọ, có người xưng tên là Andy tìm gặp Jim và đưa ra một ý tưởng không tốt, đó là gian lận để giành chiến thắng trong các kỳ đua ngựa bằng một thiết bị điện tử. Chỉ trong vòng vài tuần, Jim đã lún sâu vào tội ác. Ông mua được một chiếc ô tô trị giá 9.000 đô-la, sở hữu một ngôi nhà đẹp ở khu ngoại ô và nhận được vô số việc để làm.
Một hôm, giữa Jim và vợ đã nảy ra một cuộc tranh cãi. Người vợ muốn biết tất cả số tiền này từ đâu ra, trong khi Jim lại không muốn nói. Người vợ bắt đầu khóc. Jim không thể chịu đựng nổi khi nhìn thấy vợ khóc. Bởi lẽ ông rất yêu vợ.
Lương tâm của Jim bắt đầu khiến ông cảm thấy khó chịu. Ông muốn làm cho vợ vui nên đã đề nghị chở cô ra biển dạo chơi cho khuây khỏa. Trên đường đi, họ đã bị kẹt xe: hàng trăm chiếc ô tô nối đuôi nhau cùng chạy vào một bãi đỗ xe.
Alice nói: “Nhìn kìa, Jim. Đó là nhà truyền giáo Billy Graham! Chúng ta hãy đi thôi. Sẽ thú vị lắm đây!”.
Vì muốn làm vui lòng vợ nên Jim đã nghe theo. Nhưng chỉ không lâu sau khi ngồi xuống, ông đã bắt đầu cảm thấy ngột ngạt: dường như Graham đang trò chuyện trực tiếp với ông.
Do lương tâm của Jim đang cắn rứt nên ông cảm thấy như thể mình đã là người được chọn làm đối tượng trong câu chuyện của Graham. Trong buổi thuyết giảng, Graham đã hỏi rằng:
“Con người sẽ có lợi gì nếu anh ta giành được cả thế giới này nhưng lại đánh mất linh hồn mình?”. Sau đó, Graham lại nói: “Trước đây từng có một người đã nghe hết câu chuyện này. Anh ta là một người có trái tim vô cùng sắt đá. Anh ta rất ngang bướng với niềm kiêu hãnh của mình. Anh ta đã quyết tâm lên đường mà không có một quyết định rõ ràng nào cả. Nhưng đó chính là cơ hội cuối cùng của anh ấy.”
Cơ hội cuối cùng ư? Suy nghĩ này bắt đầu xuất hiện trong tâm trí của Jim. Có lẽ ông đã có một linh cảm nào đó. Hoặc có lẽ ông đã sẵn sàng. Nhà truyền giáo có ý gì đây?
Graham yêu cầu mọi người hãy bước tới một bước. Ông muốn mọi người sử dụng một bước đi để hình tượng hóa cho quyết định của mình. Điều gì đang xảy ra đây, Jim tự hỏi. Tại sao ông lại có cảm giác như thể mình đang khóc?
Ông bỗng buột miệng nói rằng: “Mình đi thôi, Alice”. Alice đã bước đến lối đi giữa hai hàng ghế và quay mặt đi như thể cô muốn bước ra khỏi nhà thờ. Jim đi phía sau cô đã nắm lấy tay kéo cô trở lại.
“Không, em yêu”, ông nói. “Lối này...”.
Nhiều năm sau đó, sau khi đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống, Jim tổ chức một buổi diễn thuyết ở Los Angeles. Ông đã kể lại cái ngày mang tính quyết định thay đổi cả cuộc đời của mình, ngày mà ông ”nhận lệnh” phải bay đến St. Louis với nhiệm vụ nghe trộm điện thoại. “Tôi đã không đi St. Louis”, ông nói. “Thay vào đó, tôi tìm thấy sự can đảm để đứng vững trên đôi chân của mình”.
Trong buổi diễn thuyết này, Jim đã kể lại những điều tốt lành mà ông đã được nhận, cũng như cách ông tạ ơn Chúa vì điều đó, cách ông cầu xin sự tha thứ, nỗ lực sửa đổi những hành động sai lầm của mình.
Sau buổi diễn thuyết, một người phụ nữ đến nói với ông thế này: “Thưa ông Vaus, tôi nghĩ ông hẳn sẽ muốn biết điều này. Hôm ông có ý định bay đến St. Louis thì tôi đang làm việc trong văn phòng của ngài thị trưởng. Vào ngày hôm đó, cảnh sát đã gửi một bức điện tín đến cho chúng tôi. Nội dung bức điện nói rằng ông sẽ bị một nhóm tội phạm ở St. Louis hạ sát”.
(
Source : Tư duy tích cực tạo thành công - Napoleon Hill - W. Clement Stone )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét