E. E.Bauermeister, cựu giáo dục viên của trại cải tạo tù nhân nam California ở Chino, California, nói: “Các thanh thiếu niên trong trại chúng tôi cần được chỉ dẫn để lựa chọn những hành động tốt. Nhưng đáng lẽ bọn trẻ phải nhận được điều này từ gia đình... Khi nói về tình trạng phạm pháp ở độ tuổi vị thành niên, chúng ta nên đổi tên vấn đề này lại thành vấn đề của các bậc làm cha làm mẹ và đặt trách nhiệm về đúng chỗ. Chúng ta đang đối mặt với tình trạng các bậc cha mẹ mắc phải sai lầm trong việc giáo dục con cái ngày nay. Các bậc phụ huynh cho rằng nghĩa vụ và trách nhiệm đó không thuộc về họ”.
J. Edgar Hoover đã phát biểu như sau: “Các bạn có thể nêu ra rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tội ác, nhưng thực tế thì tội ác đã phát sinh do sự thiếu vắng của một yếu tố duy nhất: trách nhiệm đạo đức của con người”.
Lý do khiến con người thiếu trách nhiệm đạo đức là vì họ không có cảm giác tội lỗi. Chính vì lẽ đó, họ đã không phát triển tính cách của mình. Lương tâm của họ đã trở nên ngu muội và không thể chỉ dẫn cho họ được nữa. Từ tính cách xấu xa và những việc làm trái đạo lý đó, con cái của họ sẽ không bao giờ có thể học hỏi hay rèn luyện được những tính cách tốt đẹp.
Khi đức tính này mâu thuẫn với đức tính kia. Thỉnh thoảng, việc quyết định trả lời có hoặc không là điều chẳng dễ dàng chút nào. Bởi lẽ câu hỏi cần giải đáp có thể liên quan đến sự mâu thuẫn giữa các tính cách. Nhưng bất kỳ ai cũng có thể đối mặt với tình huống này và buộc phải đưa ra quyết định. Họ buộc phải lựa chọn giữa những gì muốn làm và những gì nên làm; hoặc giữa những gì mình muốn và những gì xã hội kỳ vọng ở họ.
Và có khi con người buộc phải lựa chọn giữa một số thứ như là: tình yêu, tinh thần trách nhiệm và lòng trung thành. Ví dụ: (a) tình yêu và tinh thần trách nhiệm trong vai trò làm cha làm mẹ mâu thuẫn với tình yêu và tinh thần trách nhiệm trong vai trò làm chồng hoặc làm vợ; (b) lòng trung thành đối với người này mâu thuẫn với lòng trung thành đối với người kia; hoặc (c) lòng trung thành dành cho cá nhân mâu thuẫn với lòng trung thành dành cho tổ chức hay xã hội.
Chúng ta hãy minh họa điều này bằng câu chuyện của một người bán hàng từng làm việc với George Johnson. Họ đã phải đối mặt với sự mâu thuẫn giữa lòng trung thành dành cho cá nhân và lòng trung thành dành cho một cá nhân khác, cũng như dành cho tổ chức.
George Johnson đã huấn luyện, khuyến khích, tạo động lực và hỗ trợ tài chính cho một người bán hàng tên là John Black. George hoàn toàn tin tưởng ở John. Ông thích chàng trai này. Ông trao cho anh ta một cơ hội tốt. Ông để anh ta phục vụ những khách hàng tốt nhất của mình – những khách hàng có quan hệ lâu năm. Hợp đồng làm việc ghi rõ rằng vào thời điểm hết hiệu lực của hợp đồng, người bán hàng sẽ không phá rối công việc hay can thiệp vào những tổ chức kinh doanh của công ty. Johnson đã tặng Black cuốn Cách Nghĩ để Thành Công. Nhưng John đã không đọc thấy những điều nằm bên dưới những câu chữ trong cuốn sách và đã hành động sai lầm!
Mối bận tâm duy nhất của anh ta là làm sao để trở nên giàu có. Anh ta tin rằng cứu cánh sẽ lý giải cho mọi phương tiện. Chính vì những tiêu chuẩn tiêu cực của mình mà anh ta đã phản ứng lại một cách thái quá bằng thái độ tiêu cực.
“Với tôi, George Johnson giống như một người cha. Tôi xem ông ấy như cha mình”, người bán hàng nói. Nhưng cùng lúc đó, anh ta lại ngấm ngầm lên kế hoạch để chuyển khách hàng và cả lực lượng bán hàng của công ty sang cho một đối thủ cạnh tranh – tất cả chỉ vì tiền.
John được tiếp đón nồng hậu tại nhà của các đồng nghiệp của mình. Họ không hề hay biết về những dự định hay kế hoạch của anh ta. Khi ghé thăm nhà họ, anh ta dựa vào lòng thành thật của từng cá nhân để buộc họ giữ lời hứa và không tiết lộ bí mật. Anh ta thường hỏi: “Các anh có muốn thu nhập của mình tăng lên gấp đôi không? Các anh có muốn cuộc sống của mình sung túc hơn không?”. Câu trả lời tất nhiên sẽ là: “Nghe hay đấy! Việc này như thế nào?”.
Khi đó, Black sẽ đáp: “Tôi không muốn làm đảo lộn cuộc sống của bất kỳ ai. Vì vậy, tôi sẽ chỉ nói nếu anh hứa danh dự với tôi là sẽ không nói với bất kỳ ai. Anh có chịu hứa danh dự không?”.
Và nếu câu trả lời là có, anh ta sẽ dụ dỗ họ tham gia vào tổ chức của đối thủ cạnh tranh. Anh ta xoa dịu nỗi cắn rứt lương tâm của những người này bằng cách đề cập đến những điều gây bất mãn có thật hoặc do anh ta bịa đặt ra ở trong công ty.
Những nhân viên bán hàng khác xem như “đã vào bẫy”. Một mặt, họ đã hứa danh dự với John rằng sẽ không kể chuyện này với bất kỳ ai. Mặt khác, họ biết rằng những gì anh ta đang làm có thể gây tổn hại cho ông chủ của mình. Hơn nữa, họ nợ George Johnson và công ty của mình sự trung thành, một sự trung thành mang tính xung đột lẫn nhau.
Mặc dù vậy, những người bán hàng khác đã đủ can đảm để xóa bỏ những tấm mạng nhện trong suy nghĩ của John. Họ còn chỉ cho anh ta thấy rằng những gì anh ta đang dự tính là không tốt. Khi anh ta vẫn khăng khăng giữ lấy quan điểm thì họ biết phải làm gì: họ kể cho George Johnson nghe toàn bộ sự thật. Họ chọn lựa lòng trung thành đối với ông chủ. Như Abraham Lincoln đã từng nói: Họ chọn lựa “đứng về cái tốt”.
Những người bán hàng này đã thể hiện lòng trung thành của mình khi đưa ra quyết định. Họ cho thấy rằng mình là những người can đảm, thành thật và trung thành. Họ biết cách phân biệt giữa đúng và sai khi đức tính này mâu thuẫn với đức tính khác.
Có rất nhiều kiểu mâu thuẫn như vậy. Trong cuộc sống, các bạn nhất thiết phải đưa ra quyết định cụ thể khi đức tính này mâu thuẫn với đức tính kia. Vậy thì quyết định của bạn sẽ như thế nào? Có lẽ lời khuyên sau đây sẽ giúp ích cho các bạn ít nhiều:
Hãy làm những gì lương tâm mách bảo để không phải mang cảm giác tội lỗi. Đó hẳn là những việc làm đúng đắn. Để hỗ trợ bản thân trong việc đưa ra quyết định sáng suốt dưới những hoàn cảnh như vậy, các bạn hãy đọc Phép Phân Tích Chỉ Số Thành Công trong chương sau.
(
Source : Tư duy tích cực tạo thành công - Napoleon Hill - W. Clement Stone )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét