“Chúng ta bị vây quanh bởi sự hỗn độn và bị thống trị bởi những con rồng hỗn loạn” là cách mà những người Babylon cổ đại nhìn nhận về thế giới. Trong mớ hỗn độn nguyên thủy đó, có một quả bong bóng bé xíu – đó chính là trái đất của chúng ta. Và nếu chúng ta không cẩn thận thì sự hỗn độn sẽ lại xâm chiếm mọi nơi.
Một quan niệm miêu tả chính xác trải nghiệm của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày: Trật tự không phải là một hiện tượng tự nhiên. Sự hỗn độn là điều mà ta phải đấu tranh mỗi ngày. Bạn có thể nói rằng:
Theo luật Murphy (2) , mọi sự hỗn độn có khả năng xảy ra đều sẽ xảy ra.
Một ngôi nhà hoàn toàn sạch sẽ cũng không phải là chỗ để bạn có được một cuộc sống đơn giản bởi bạn đã dành quá nhiều thời gian để lau dọn nó. Thậm chí nó còn có thể trở thành ngọn nguồn của mọi sự căng thẳng trong bạn. (“Đừng dẫn về nhà những vị khách không muốn cởi giày ra khi bước vào nhà!”). Việc dọn dẹp vệ sinh có thể trở thành một nỗi ám ảnh không ngừng và nỗi ám ảnh đó có thể trở thành trung tâm cuộc sống của bạn.
Sự đơn giản có nghĩa là tìm được ý nghĩa vàng giữa sự hỗn độn và nỗi ám ảnh. Điều đó cũng có nghĩa là bạn chấp nhận một mức độ hỗn độn nhất định với thái độ hài hòa nhưng vẫn không đầu hàng nó.
Không ai bừa bãi bẩm sinh
Khuynh hướng muốn giữ lại quá nhiều thứ không phải là một nét tính cách cơ bản của con người. Nhiều người mô tả bản thân là người bừa bãi và xem đó như một đặc tính cố hữu. Tuy nhiên, sự thật thì bừa bãi chỉ là một tình trạng tạm thời. Theo một cách nào đó, có thể so sánh nó với tình trạng bị ám ảnh nhẹ.
Mỗi nỗi ám ảnh là một cuộc tìm kiếm và mỗi cuộc tìm kiếm đều chứa đựng một cái lõi lành mạnh: Những người thích sưu tầm đồ đạc thường xuất phát từ động cơ muốn giúp ích cho người khác hoặc bản thân họ đã từng trải qua thời kỳ thiếu thốn. Điều duy nhất cần làm ở đây là ta hãy chân thật với chính mình về khuynh hướng của nỗi ám ảnh ấy và hãy kiên trì xoa dịu để hạ nó xuống một mức độ hợp lý. Nếu cần, hãy nhờ một người nào đó giúp đỡ bạn.
Khi nói về những người bừa bãi, chúng ta thường chỉ có ý nói đến những người có khuynh hướng sống hỗn loạn. Khi việc thu thập đã trở thành nỗi ám ảnh, nó sẽ không ngừng gây hại cho cuộc sống của họ. Trên thực tế, sự giúp đỡ chuyên môn là vấn đề sống còn đối với những người này, tương tự như đối với những người nghiện ngập.
Hãy bắt đầu bằng những bước nhỏ
Mỗi ngày, bạn nên giải quyết một ngăn kéo hoặc một chiếc kệ thay vì gồng gánh cả một thử thách khổng lồ (“dọn sạch toàn bộ tầng hầm”, “thu dọn tất cả các tủ quần áo”). Hãy phân chia công việc thành nhiều phần “dễ tiêu”. Nếu không, lòng hăng hái trong bạn sẽ giảm đi trong khi sự hỗn độn lại không ngừng tăng lên.
Hãy bắt đầu bằng một đơn vị độc lập. Đó có thể là một ngăn kéo, một chiếc kệ, một khay đựng hồ sơ, một chiếc hộp, một hộp đựng bút và các thứ linh tinh khác. Hoặc bạn cũng có thể chọn bắt đầu với một khu vực hoặc vật dụng để dọn sạch hoàn toàn trong hai đến ba tiếng đồng hồ. Quy trình này có thể gồm năm bước:
1. Tất cả hoặc không gì cả. Hãy dọn sạch mọi thứ ra khỏi khu vực hoặc đồ vật cần dọn dẹp.
2. Lau chùi sạch sẽ. Hãy lau chùi mọi thứ cho đến khi chúng thật sạch sẽ và hãy hài lòng vì điều đó.
3. Ba điều kỳ diệu. Hãy chia những món đồ được đựng trong vật dụng ấy (lúc này đang nằm trên sàn nhà) ra thành ba khu vực:
• Tuyệt vời. Hãy xếp mọi đồ vật còn hữu dụng và hoạt động tốt vào khu vực có cái tên đẹp đẽ này. Tuy nhiên, hãy tỉnh táo phán xét: món đồ ấy phải thật sự tuyệt vời và giá trị. Tốt nhất là chúng nên có mối liên hệ với yếu tố tình cảm để bạn cảm thấy yêu thích và vui vẻ khi sử dụng. Dưới đây là một vài câu hỏi giúp bạn quyết định xem cái gì nên giữ và cái gì nên bỏ đi: “Bạn có sử dụng nó trong hai tháng gần đây không, thậm chí dù chỉ một lần?”. “Nếu mất nó, bạn có thay bằng một cái mới không?”. Nếu một vật dụng có số lượng nhiều như năm cây bút chì, hai cuốn danh bạ điện thoại địa phương... thì hãy chọn một cái tốt nhất và đặt những cái kia vào một trong hai loại còn lại.
• Vô giá trị. Khu vực này dành cho những thứ đã hư hỏng, không còn cần thiết hoặc đã được sử dụng ít nhất một năm. Các vật dụng trong khu vực này nên được cho vào chung với các vật liệu tái chế và rác thải, để rồi sau đó vứt đi theo đúng cách. Thậm chí, bạn cũng có thể cho tất cả vào một cái thùng và tặng ai đó đang cần.
• Dấu chấm hỏi. Nếu cảm thấy quá khó khăn trong việc quyết định giữ lại hay vứt bỏ một vật gì đó thì hãy cho vật ấy vào khu vực có tên: “Dấu chấm hỏi”. Những thứ này được cho vào một cái thùng (với một danh sách ghi những thứ được chứa bên trong) và được mang xuống tầng hầm, tầng gác mái hoặc ga- ra để cất giữ. Hãy kiểm tra lại những thùng này mỗi sáu tháng. Khi đó, bạn sẽ kinh ngạc nhận ra những vật dụng nào đã biến đổi và những vật nào có thể bị quẳng đi không cần đắn đo. Những vật không được sử dụng trong một năm sẽ tự động được đào thải. Một phương pháp khác có thể giúp bạn dứt khoát hơn trong việc vứt bỏ đồ đạc là chuẩn bị một ngăn kéo trong mỗi phòng để đựng những thứ linh tinh. Đây là khu dành cho những vật dụng mà bạn không biết cho vào loại nào. Tuy nhiên, đừng dành ngăn kéo lớn cho việc này đồng thời hãy cân nhắc trong việc sử dụng nó và thường xuyên dọn dẹp. Sau ba tháng, có thể bạn sẽ quẳng đi 80% những vật dụng linh tinh ấy trong cảm giác hoàn toàn thoải mái.
4. Những thứ giống nhau. Hãy đặt những món đồ nhỏ vào trong cùng một hộp. Chỉ bằng cách sử dụng phương tiện phân loại đó thì bạn mới có thể dọn dẹp thành công. Hãy đặt những thứ còn tồn đọng vào và dán nhãn cho những vật đựng mới bằng những dòng chữ to, rõ ràng.
5. Hoan hô! Hãy vui vẻ trên hòn đảo sạch sẽ mà bạn vừa tạo ra và đừng than vãn về việc còn quá nhiều thứ phải làm. Hãy tin tưởng rằng một khi áp dụng cách làm tương tự, các khu vực khác trong ngôi nhà hoặc bàn làm việc của bạn sẽ trở nên gọn gàng, sạch sẽ.
( Source : Bí quyết
đơn giản hóa cuộc sống - Werner Tiki Küstenmacher & Lothar Seiwert)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét