Điều gì xuất hiện trong đầu khi bạn nghe thấy cụm từ “đơn giản hóa”? Đối với nhiều người, đây là một thuật ngữ mang tính tích cực hiển nhiên. Khi nghe thấy cụm từ “đơn giản hóa”, họ gật đầu mỉm cười và tỏ vẻ thấu hiểu. Đó là vì họ đã phải chịu đựng sự phức tạp của cuộc sống, từ cuốn hướng dẫn sử dụng điện thoại di động dầy cộm đến những biến đổi khó lường của thị trường chứng khoán…
Về bản chất, sự đơn giản hóa có nghĩa là chẳng làm gì cả. Sự đơn giản hóa trái ngược với sự đòi hỏi. Nó mang tính tích cực và là một khả năng mà bạn đã có từ lâu. Bản chất con người là một thực thể đơn giản. Nếu có dịp đến thăm sở thú hoặc du ngoạn thiên nhiên hoang dã, hãy ngắm nhìn những người họ hàng gần nhất của chúng ta – loài vượn người, bạn sẽ thấy được khả năng kỳ diệu của chúng trong việc trải qua hàng giờ liền nhởn nhơ, chơi đùa hoặc chẳng làm gì cả. Dạng thức cơ bản nhất của sự đơn giản chính là chỉ đơn thuần tồn tại mà thôi.
Sự đơn giản - Một nhu cầu cơ bản của con người
Thật kỳ lạ là tất cả những hoạt động phức tạp, những phát minh và yêu cầu của chúng ta đều xuất phát từ nhu cầu cơ bản về sự đơn giản, tức là mong muốn sống thảnh thơi và chẳng làm gì cả. Mọi người đều muốn kiếm thêm tiền để được an toàn và sống thoải mái hơn trong tương lai.
Chúng ta cố gắng xây một căn nhà đẹp với không gian thoáng đãng để có thể ngả lưng ra chiếc ghế dựa trong vườn thư giãn mà chẳng cần lo lắng gì. Chiếc máy rửa chén công phu được phát minh để chúng ta có thể dùng thời gian rửa chén làm những công việc khác dễ chịu hơn. Nhà nước ra đời khi con người muốn giải quyết các tranh chấp để có thể sống thanh thản và ý nghĩa hơn, thay vì phải lo lắng không ngừng về mối hiềm khích với người khác. Các quỹ bảo hiểm, những thiết bị gia đình, công việc hành chính cùng nhiều điều khác được tạo ra nhằm giúp ta có được cuộc sống đơn giản và hạnh phúc hơn.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, chúng ta đã không nhận ra ý định tốt đẹp ấy. Giấc mơ về một khoản bảo hiểm xã hội kha khá đã trở thành một cuộc chiến về sự đóng góp giữa các thế hệ và các nhóm thu nhập. Gia đình trở thành công việc toàn thời gian đối với nhiều người. Và hẳn là không ít người trong chúng ta từng gặp phải những công chức quan liêu luôn tìm cách gây khó dễ cho người dân - những người mà đáng ra họ phải phục vụ.
Nói tóm lại, khát vọng về sự đơn giản đã bị biến thành một quá trình gia tăng sự phức tạp.
Con đường đơn giản hóa giúp ta đảo ngược lại điều này và quay trở về với mục đích thật sự của cuộc sống. Đó chính là sự đơn giản, phản ánh những quả ngọt của một cuộc sống trưởng thành và viên mãn. Nếu bạn đang phải đối mặt với một giai đoạn rối rắm và phức tạp của đời mình, thì có thể mục tiêu này thật vô lý đối với bạn.
Nhưng chính khi ở cực đỉnh của sự phức tạp thì bạn thật lòng mong cuộc sống của mình sẽ trở nên đơn giản hơn.
Đơn giản hóa bao gồm việc mở ra một con đường mới trong mỗi lĩnh vực của cuộc sống và việc kích hoạt một loại “hiệu ứng A ha”. Chỉ thật dễ dàng như thế!
Con đường đơn giản hóa đòi hỏi việc tìm kiếm sự đơn giản tiềm ẩn trước mắt bạn và ở trong bạn. Sự đơn giản này chỉ có thể cảm nhận được khi đặt nó trên cái nền của sự phức tạp. Con đường đơn giản hóa sử dụng kinh nghiệm cuộc đời bạn và những lỗi lầm mà bạn đã mắc phải. Nó không phải là thứ vật chất được làm sẵn mà bạn có thể mua. Nó là kết quả của sự hào hứng khi khởi đầu một con đường mới. Nó là một món trang sức quý giá mà bạn nhận được ở cuối cuộc hành trình – dù điều đó không có nghĩa là cuộc hành trình đã được hoàn tất.
Cuộc hành trình tiến từ bên ngoài vào bên trong. Nó bắt đầu từ bàn giấy của bạn, trong nhà bạn và với việc tổ chức thời gian của bạn. Nó tiếp tục với những mối quan hệ cá nhân của bạn, từ người bạn đời, con cái, bạn bè và các đồng nghiệp của bạn. Con đường ấy dẫn bạn đến với cơ thể mình, đến với sự thích nghi cả về thể chất lẫn tinh thần. Và nó kết thúc trong ý nghĩ và cảm xúc của bạn, ở giữa cuộc sống và cá tính của bạn.
Hãy trông đợi một cuộc hành trình thật hào hứng… và hãy bắt đầu con đường đơn giản hóa của bạn bằng một giấc mơ.
( Source : Bí quyết
đơn giản hóa cuộc sống - Werner Tiki Küstenmacher & Lothar Seiwert)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét