Chúng ta thường tích cóp nhiều thứ như thẻ điện thoại, sách vở, bao diêm, tách cà phê, thú nhồi bông, đồ chơi, tem... Việc làm này khởi đầu bằng việc trưng bày một vài thứ ở trên kệ rồi nhanh chóng lan khắp cả căn nhà: giấy dán tường, khăn trải bàn, tranh ảnh, khăn lót đĩa, khăn ăn, bát đĩa bằng sứ... Phía sau đó là một nhu cầu xây dựng bản sắc của riêng mình bằng một thứ gì đấy thật độc đáo.
Hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước những đồ vật mà bạn sưu tập. Bạn đã bắt đầu sưu tập từ khi nào? Nguyên nhân của việc sưu tập đó là gì? Liệu bộ sưu tập của bạn có gắn kết bạn với quá khứ? Nếu câu trả lời của bạn là “Có” thì hãy từ bỏ nó. Thông thường, việc từ bỏ hoàn toàn một mô hình tàu hỏa hay một bộ sưu tập cúp sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc giảm thiểu chúng. Nếu có thể tặng hoặc bán chúng cho ai đó (và người đó biết tận hưởng chúng), thì hãy làm như vậy! Nó sẽ giúp bạn đơn giản hóa cuộc sống và đạt được những điều mới mẻ khác.
Bạn cần phân biệt rõ việc sưu tập và việc chỉ giữ đơn thuần các đồ vật. Một bộ sưu tập thật sự phải được chuyên môn hóa và mang tính hệ thống, chẳng hạn như những chiếc chén bằng sứ được tô vẽ cùng kiểu dáng hoặc các loại gấu teddy. Nhu cầu có được một bộ sưu tập của riêng mình là một nhu cầu chính đáng và hoàn toàn xứng đáng để bạn bỏ thời gian và công sức.
Trái lại, việc chỉ đơn thuần “giữ” đồ đạc là việc tích trữ không có hệ thống. Bạn không nhất thiết phải có chúng trong cuộc sống của mình. Chúng làm tốn thời gian và không gian của bạn. Điều đáng nói là những thứ này có thể tiếp tục được nhân lên và đến một ngày, chúng sẽ điều khiển bạn. Chúng tiêu tốn thời gian và năng lượng của bạn. Chúng dần trở thành những đồ phế thải bởi vì bạn có quá nhiều và không thể quản lý nổi. Có rất nhiều lý do khiến nhiều người lưu giữ đồ đạc mà mình không cần dùng đến: lòng tôn trọng (đối với những người đã tặng quà cho mình), dự phòng cho những lúc khó khăn trong tương lai, phải tốn nhiều tiền mới có được nó...
Bạn cần xem xét lại đồ đạc của mình một cách nghiêm túc. Thay vì hòa trộn ngẫu nhiên những kỷ vật giá trị lẫn vô giá trị, bạn cần chọn lọc các thứ để tạo ra một bộ sưu tập theo đúng nghĩa.
Hãy cho đi
Phương pháp phổ biến nhất giúp bạn quản lý được các vật dụng của mình là giao chúng lại cho người thân.
Hãy kiểm tra toàn bộ ngôi nhà của bạn và tập trung những thứ mà bạn dự định tặng cho mọi người lại. Sau đó, hãy tặng chúng (nhưng trước tiên hãy hỏi xem liệu họ có muốn nhận chúng hay không!). Cho đi là một trong những cách thức tốt nhất để thoát khỏi những thứ mà bạn không cần.
Đơn giản hóa về chất lượng
Hãy chỉ giữ những thứ tốt nhất mà thôi. Nhà thơ Somerset Maugham (3) đã từng nói: “Một điều buồn cười trong cuộc sống là nếu bạn chỉ đồng ý nhận những thứ tốt nhất thì bạn sẽ thường xuyên có được những thứ tốt nhất”.
Hãy ưu tiên cho chất lượng thay vì số lượng. Hãy hình thành cho mình sở thích phục vụ cho mục đích của bản thân bằng những thứ đơn giản.
Nhân tố quyết định: Sàn nhà sạch
Những vật nằm vương vãi trên sàn nhà là dấu hiệu của sự bừa bộn. Bạn sẽ kinh ngạc khi nhận ra căn phòng của mình có thể trông gọn gàng đến mức nào khi sàn nhà hoàn toàn sạch sẽ. Các bức tường, tủ chén, tủ quần áo và những chiếc kệ đầy ắp cũng sẽ trông không đến nỗi tệ. Từ thế kỷ XIX, người Shaker, một cộng đồng rất sùng đạo ở Hoa Kỳ, đã phát triển tập quán treo tất cả mọi thứ lên tường. Trong mọi căn phòng của mình, họ đều có những tấm bảng có gắn móc để treo chổi, quần áo và những chiếc ghế (khi chúng không được dùng đến).
Hãy biến các bức tường thành nguồn cảm hứng của bạn bằng cách treo lên đó các thứ như là nhạc cụ, túi xách và các vật dụng khác có khả năng nằm vương vãi trên sàn. Hãy chọn một nơi kín đáo nếu bạn không thích nhìn thấy những vật dụng ấy và đừng quá quan tâm đến chuyện phong cách!
( Source : Bí quyết
đơn giản hóa cuộc sống - Werner Tiki Küstenmacher & Lothar Seiwert)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét