Ads 468x60px

Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

Tiền bạc là thực tế


Nhiều người lo lắng khi cảm thấy tiền bạc dần trở nên quá quan trọng trong cuộc sống của họ. Họ nhớ đến lời kinh thánh cảnh báo rằng: “Của cải là phù du”. Mặc dù những lời cảnh báo này là hợp lý nhưng trong cuộc sống thường nhật, nó dẫn đến xu hướng xem thường giá trị của đồng tiền, chẳng hạn như cách diễn đạt này: “Anh ta làm việc ấy chỉ vì tiền thôi”. Đây là lời nhận xét tiêu cực. Suy nghĩ phản đối này sẽ khiến cho việc kiếm tiền và giữ tiền sẽ trở nên khó khăn đối với nhiều người.

Vào thời trung cổ, có một học thuyết rất thú vị về bốn nguyên tố. Vàng và tiền thuộc về nguyên tố đất - đây là nguyên tố tối tăm, nặng nề và ngổn ngang nhất. Nhưng sự giàu có chỉ có thể được tạo ra ở đây, bởi hành động và thực tế luôn thuộc về nguyên tố đất.

Hiểu biết cơ bản này có thể giúp bạn hiểu được mục đích của tiền bạc. Bạn có thể ao ước có được tiền bạc hoặc có những ý tưởng để kiếm ra tiền, nhưng bạn chỉ có thể làm ra tiền thông qua hành động. Ý tưởng khôn ngoan nhất và mạnh mẽ nhất không thể giúp bạn trở nên giàu có nếu chúng không được hiện thực hóa bằng quá trình lao động vất vả, chăm chỉ, kiên trì và thậm chí còn buồn chán nữa.

Một điều phổ biến: các họa sĩ thường được ca ngợi bởi một ý tưởng độc đáo, nhà văn được ca ngợi bởi cách xử lý tình huống tài tình, vận động viên được ca ngợi vì ý chí sắt thép. Theo đó, chúng ta có ấn tượng rằng chỉ cần có ý nghĩ, ý tưởng hay ý chí thôi cũng đủ để ta trở nên giàu có. Nhưng để được tôn vinh, họa sĩ phải thật sự vẽ nên bức tranh, văn sĩ không ngừng sáng tác và vận động viên phải luyện tập mỗi ngày.

Vì tiền bạc có mối liên hệ với đất và thực tế nên nó đóng vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá cuộc sống của bạn. Nó là chiếc phong vũ biểu để đo cuộc sống của bạn “thực tế” đến mức nào. Hajo Banzhaf đã tóm lược điều này bằng câu nói: “Vấn đề tiền bạc là vấn đề thực tế”. Từ “tiền bạc” có thể được thay thế bằng thuật ngữ “thực tế” trong rất nhiều câu phát biểu. “Tôi có những ý tưởng rất hay nhưng tôi lại không có tiền” có nghĩa là “Tôi không được kết nối với thực tế”. “Tôi chỉ thỏa mãn khi tôi có đủ tiền” có nghĩa là “Tôi chỉ thỏa mãn khi tôi biết chấp nhận thực tế”.

Thậm chí cả lời phát biểu mang tính chỉ trích ở đầu phần này (“Anh ta làm việc ấy chỉ vì tiền”) cũng chẳng có vẻ gì là tiêu cực nếu chúng ta tái thiết nó như sau: “Anh ta đã toàn tâm toàn ý tập trung vào thực tế”. Đây là lý do tại sao tiền bạc là một phương thuốc hay đối với những người có bản chất nghệ sĩ hoặc thiên về tâm linh. Nội tâm của họ sẽ sáng rõ nếu bản thân họ có thể chuyển từ quan điểm tiêu cực về vật chất sang sự thấu hiểu xác thực hơn về giá trị sức lao động của mình thông qua thước đo tiền bạc.

( Source : Bí quyết đơn giản hóa cuộc sống - Werner Tiki Küstenmacher & Lothar Seiwert)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét