Nếu bạn cảm thấy hai mươi bốn giờ mỗi ngày không đủ để giải quyết mọi việc của mình thì đó không phải là do một ngày quá ngắn mà là vì bạn có quá nhiều hoạt động.
Một sự thật đơn giản rằng những người bị quá tải thường có khuynh hướng hay quên. Giải pháp đơn giản hóa cho trường hợp này thật ra rất dễ dàng: Đừng gánh vác quá nhiều nhiệm vụ trong cuộc sống riêng cũng như trong công việc. Sớm muộn gì những người làm việc quá độ cũng ngã bệnh.
Áp lực trong công việc ngày càng gia tăng đối với tất cả các ngành nghề và trong mọi lĩnh vực. Người lao động sợ bị mất việc trong khi những người kinh doanh thì lo lắng về việc bị mất khách hàng. Mối quan hệ giữa các cá nhân ngày càng căng thẳng. Các kỳ vọng trước đây được san sẻ cho các thành viên trong gia đình lớn thì giờ đây, nó chỉ tập trung vào cặp vợ chồng.
Kết quả là gì? Người lao động phải gánh vác thêm nhiều trách nhiệm còn những người kinh doanh thì cố gắng có thêm nhiều hợp đồng. Việc tăng ca thường xuyên đã đẩy nhiều gia đình đến bờ vực tan vỡ. Để gìn giữ gia đình, những người vốn đã gánh chịu quá nhiều áp lực trong công việc lại tiếp tục gồng gánh thêm nhiều trọng trách trong cuộc sống riêng tư. Họ cố gắng nói “Đồng ý” vì lo sợ hậu quả của việc nói “Không”. Trong khi đó, nghệ thuật đơn giản hóa yêu cầu ta phải cứng rắn trong việc nói “Không”.
Sự hiểu biết lành mạnh về bản thân giúp bạn có thể nói “Không”
Manuel J. Smith, giáo sư tâm lý học ở Los Angeles, đã tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này. Theo ông, khi người ta nói “Vâng” dù thật lòng họ muốn nói “Không” thì về cơ bản, đó không phải là quyết định của họ nữa bởi họ đã bị người khác chi phối.
Liệu pháp mà ông đưa ra là hãy gia tăng hiểu biết của những người này. Nếu rơi vào tình cảnh phải lựa chọn giữa “Có” hoặc “Không”, hãy tự nhủ với bản thân rằng: “Tôi có quyền không để người khác chi phối mình, dù đó có là sếp, khách hàng, thậm chí là người bạn đời, bà con hay bạn bè thân”.
Trong những tình huống này, hãy đứng thẳng, bằng cả hai chân thật vững chãi, giữ cho lưng thẳng và bình tĩnh nói với bản thân: “Tôi là tôi và tôi có thế giới riêng của mình, thế giới thuộc về riêng tôi chứ không ai khác”.
Khái niệm tích cực để chống lại nỗ lực thao túng của người khác là quyền tự quyết của bạn – và đây là yêu cầu cơ bản nếu bạn muốn có một mối quan hệ lành mạnh với mọi người. Quyền tự quyết này có thể được tóm gọn trong năm điểm sau:
1. Sự tự chủ về mặt cảm xúc. Bạn có quyền đánh giá cảm xúc của chính mình. Chẳng hạn, sếp của bạn yêu cầu: “Anh hãy đi gặp ông Smith và thuyết phục ông ấy ứng tuyển vào vị trí này”. Bạn nói: “Phải tìm người khác làm việc này thôi. Tôi không thể chịu nổi ông ấy. Tôi không thể làm được”. Sếp của bạn lại tiếp tục bảo: “Không thể được, chính anh sẽ thu xếp việc này”. Thoạt nghe, câu nói này tựa như lời động viên nhưng thực tế, nó chính là sự thao túng: người sếp cố tình gạt bỏ cảm xúc của bạn. Bạn có quyền làm chủ cảm xúc của mình và quyền được người khác tôn trọng. Chính vì thế, bạn hãy nói: “Đó là việc bất khả thi đối với tôi. Xin hãy giao cho người khác. Điều đó sẽ tốt hơn cho tất cả những người có liên quan!”.
2. Sự tự chủ về thị hiếu. Bạn có quyền làm chủ những sở thích của mình. Chẳng hạn, một nữ nhân viên bán hàng hỏi bạn: “Tại sao anh không thích chiếc áo choàng này?”. Bạn trả lời: “Tôi không thích màu này”. Cô ấy nói: “Màu này đang là mốt đấy. Tất cả các khách hàng của tôi đều rất thích nó”. Đừng để bản thân bị cuốn vào một cuộc thảo luận xa hơn. Ngay khi bạn bắt đầu phán xét hoặc bào chữa cho thị hiếu của mình, bạn đã làm suy yếu lòng tự trọng của bản thân và cho người khác cơ hội để thao túng bạn.
3. Sự tự chủ trong cách đánh giá. Nếu bạn phải giải quyết vấn đề của người khác, nghĩa là bạn đang sở hữu các vấn đề ấy. Chẳng hạn, người bạn đời của bạn nhờ bạn rằng: “Ngày mai anh đi đón dì của em ở sân bay nhé!”. Bạn bảo lại rằng: “Không, anh không đi được. Em đón dì đi. Anh đã làm quá nhiều việc cho em rồi còn gì”. Và người bạn đời của bạn bảo: “Em nghĩ như thế là không được. Nếu anh tôn trong cuộc hôn nhân của chúng mình thì anh sẽ không tính toán với em như vậy”. Trong trường hợp này, cả đôi bên đều đang phán xét lẫn nhau. Nếu bạn nói “Vâng” và không còn bảo vệ cho luận điểm của mình nữa, mối quan hệ của vợ chồng bạn sẽ bị mất cân bằng và người vợ sẽ tìm cách thao túng bạn hết mức có thể. Trong trường hợp này, giải pháp thỏa đáng chỉ xuất hiện khi sự phán xét trên đều tác động đến cả đôi bên và cả hai cùng đạt được một thỏa hiệp chung.
4. Sự tự chủ trong hành động. Bạn có quyền mắc sai lầm. Khách hàng của bạn yêu cầu: “Anh phải hoàn tất bản đánh giá khách hàng vào cuối tuần này bằng mọi giá!”. Bạn bảo: “Không thể nào! Tôi còn phải chăm lo cho gia đình tôi. Họ quan trọng đối với tôi hơn mọi thứ”. Khách hàng của bạn nói tiếp: “Như thế là không được. Năm ngoái, bản đánh giá của anh còn khá nhiều lỗi và bây giờ anh phải bù lại chứ”. Thiên Chúa phán: “Hãy để người vô tội ném hòn đá đầu tiên”. Điều này dựa trên sự thật cơ bản: Không ai là hoàn hảo cả. Nếu là người tự tin, bạn có thể thừa nhận lỗi lầm của mình, xin lỗi và cùng mọi người tìm cách khắc phục. Đừng để người khác dùng sai lầm của bạn để chống lại bạn và ép bạn phải làm việc như là một hình phạt.
5. Sự tự chủ trong việc ra quyết định. Bạn có quyền đưa ra những quyết định phi lý. Vợ của bạn yêu cầu: “Anh đừng làm việc trong hội đồng nữa”. Bạn nói: “Không, công việc ấy rất quan trọng đối với anh”. Cô ấy tiếp tục: “Em chỉ nghĩ cho anh thôi. Trông anh kiệt sức và căng thẳng quá”. Dù vợ của bạn đang lo lắng cho bạn nhưng rõ ràng, cô ấy vẫn đang tìm cách thao túng bạn. Hãy giữ vững quyết định của mình và lái câu chuyện sang hướng mà bạn mong muốn. Bạn đang tranh cãi từ góc độ tình cảm trong khi người bạn đời của bạn lại đứng trên quan điểm của lý trí. Nhưng cả hai đều có lý. Trong trường hợp này, các bạn nên tìm cách thỏa hiệp.
( Source : Bí quyết
đơn giản hóa cuộc sống - Werner Tiki Küstenmacher & Lothar Seiwert)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét