Ads 468x60px

Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2015

Những điều nên và không nên làm đối với sự nghiệp của bạn


Để thành công trong sự nghiệp thì bước đầu tiên là bạn phải có khao khát đạt được thành công. Rất nhiều người không thể tiến bộ trong công việc chỉ vì họ đã vô tình phong tỏa ý tưởng về một sự nghiệp của riêng mình.  Cũng giống như chủ đề về tiền bạc, những trở ngại này có liên quan đến các định kiến và những sự thật chỉ đúng một nửa.

“Chỉ những kẻ nịnh nọt mới được thăng chức một cách nhanh chóng”; “Bạn chỉ có thể thăng tiến khi giẫm đạp lên người khác”; “Bất cứ ai có trách nhiệm đều phải làm việc nhiều hơn những người khác”; “ Địa vị càng cao thì té sẽ càng đau”… là những quan điểm vô nghĩa, dù có thể chúng chứa đựng một ít sự thật trong đó.

Hãy bỏ ngoài tai những thành kiến ấy và thay thế chúng bằng những câu nói mới. Những vị trí cao hơn luôn có mức lương hấp dẫn hơn. Ở vị trí cao hơn, bạn sẽ có tầm nhìn rộng để ra quyết định. Những người đứng đầu có lòng tự trọng cao và họ luôn được đối xử tốt hơn (thậm chí là cả con cái và vợ/chồng của họ cũng đối xử với họ tốt hơn). Sự thăng tiến mang đến cho bạn nhiều điều cũng như bạn sẽ cảm thấy thỏa mãn hơn trong công việc. Bên cạnh đó, nó khiến cho việc chuyển đến một công ty hấp dẫn khác trở nên dễ dàng hơn.

Như thường lệ, con đường đơn giản hóa đi từ ngoài vào trong. Khi nói đến vấn đề nghề nghiệp, phương châm đơn giản hóa của chúng tôi là: Nếu muốn thành công, bạn hãy cư xử như một người thành công. Dưới đây là một số tình huống điển hình trong cuộc sống cùng những phản ứng đúng và sai trong mỗi tình huống.

Một đồng nghiệp được thăng chức cao hơn bạn

Trước đó, hai bạn vẫn làm việc cùng nhau trong một phòng nhưng giờ đây, người đồng nghiệp ấy đã trở thành cấp trên của bạn.

Thái độ của kẻ thua cuộc: Bạn bắt đầu “gây khó dễ” và phá bĩnh người đồng nghiệp cũ của mình. Bằng cách này, bạn đã chứng tỏ cho sếp lớn thấy rằng quyết định của ông là hoàn toàn đúng đắn và bạn không phải là người thích hợp cho vị trí cao hơn.

Thái độ của người thắng cuộc: Hãy phân tích (sau cú sốc ban đầu) những gì mà người đồng nghiệp của bạn đã thực hiện tốt. Hãy thẳng thắn hỏi sếp lớn xem liệu bạn có thể làm gì để giành được cơ hội vào lần sau.
 
Sếp liên tục đòi hỏi bạn làm thêm giờ

Bạn hiểu rằng chẳng ai được thăng chức nếu họ làm việc với tâm lý "cho hết giờ". Nhưng liệu có phải bạn đang liên tục làm việc mười một tiếng đồng hồ với mức lương rẻ mạt?

Thái độ của kẻ thua cuộc: Để tránh tranh cãi, bạn cố viện lý do để mình không phải làm việc vào buổi tối. Bạn kích động các đồng nghiệp trong phòng phá hoại công ty. Hoặc bạn miễn cưỡng để mình bị bóc lột.

Thái độ của người thắng cuộc: Đừng từ chối quá thường xuyên. Hãy xem sếp của bạn là khách hàng quan trọng nhất và tự nhủ rằng quan hệ làm ăn với ông thật sự rất quan trọng đối với bạn. Nếu cảm thấy quá căng thẳng, bạn nên xin nghỉ một ngày hoặc yêu cầu một quyền lợi khác cho mình. Nếu bạn có thể vừa thể hiện sự tận tụy vừa can đảm bảo vệ quyền lợi của mình thì sếp của bạn sẽ tin tưởng rằng bạn có khả năng quán xuyến được lợi ích của công ty khi ở vị trí cao hơn.

Ngân quỹ của bạn bị cắt giảm

Ở bất kỳ nơi đâu, tất cả mọi người đều đang cố gắng hết mình để tiết kiệm chi phí. Trên thực tế, việc cắt giảm chi phí sẽ giúp ích cho công ty bạn rất nhiều nhưng khi nguồn ngân quỹ của mình bị cắt giảm, có thể bạn lại cho rằng có ai đó đang cố tình chơi xấu mình.

Thái độ của kẻ thua cuộc: Bạn cố gắng lấy lại nguồn tiền bằng cách qua mặt sếp. Bên cạnh đó, bạn làm việc ít đi và không ngừng than vãn.

Thái độ của người thắng cuộc: Hãy tập trung tìm kiếm những giải pháp khác thay thế. Chẳng hạn như nếu kinh phí hỗ trợ đi lại bị cắt giảm, bạn hãy tiến hành liên hệ qua Internet hoặc thư báo. Hoặc bạn cũng có thể tìm kiếm những nguồn tiền mới từ tiền thưởng, tiền tài trợ từ các khách hàng mới. Hãy xem việc cắt giảm kinh phí như một thử thách để chứng minh năng lực của mình. Tuy vậy, bạn nên thẳng thắn nói rõ những tác động tiêu cực của việc cắt giảm ấy thay vì im lặng chấp nhận.

Sếp phản bác ý kiến của bạn trước mặt các nhân viên khác

Điều này làm tổn thương bạn! Tuy vậy, điều an ủi: đây chỉ là một phần trong cuộc sống của người nhân viên.

Thái độ của kẻ thua cuộc: Bạn trả miếng ngay trước mặt mọi người; hoặc giận dỗi trong suốt thời gian còn lại của cuộc họp; hoặc phàn nàn về cách đối xử không công bằng ấy với những người khác.

Thái độ của người thắng cuộc: Hãy tách cái tôi của bạn ra khỏi các ý kiến cùng kiến nghị của bản thân. Nếu sếp phản đối kiến nghị của bạn thì điều đó cũng không có nghĩa là ông phản đối toàn bộ con người bạn. Nếu cảm thấy cách thể hiện của sếp xúc phạm đến mình thì bạn hãy nói riêng với sếp rằng: “Tôi hiểu quyết định của ông nhưng tôi có thể chấp nhận nó dễ dàng hơn nếu ông từ chối kiến nghị của tôi theo cách ít mang tính cá nhân hơn”. Mark Wössner – nguyên giám đốc điều hành của Bertelsmann, luôn bảo rằng ông rất muốn biết liệu ông có làm tổn thương đến nhân viên của mình không. Tuy nhiên, lần sau bạn cũng nên để tâm đến cách mà bạn đệ trình kiến nghị. Liệu sếp của bạn có xem đó là sự chỉ trích hay không?

Bạn đề xuất tăng lương nhưng bị từ chối

Dù đã làm việc cật lực cả năm nhưng bạn cảm thấy công sức của mình không được ghi nhận qua mức lương hiện tại.

Thái độ của kẻ thua cuộc: Bạn bòn rút hàng hóa trong kho, gọi điện thoại công ty cho những mục đích cá nhân nhiều hơn và bỏ về ngay khi hết giờ làm việc. Hãy cẩn thận! Bạn đang đùa với lửa đấy. Nếu đi quá xa, bạn sẽ bị cảnh cáo và rồi sẽ bị sa thải.

Thái độ của người thắng cuộc: Hãy hỏi sếp của bạn (với thái độ bình tĩnh) nguyên nhân của việc này là gì. Hãy đề xuất những phương thức làm tăng doanh thu hoặc tiết kiệm chi phí sản xuất để được tưởng thưởng.

Quy luật cơ bản là bạn phải thể hiện sự thấu hiểu của mình đối với vị trí của sếp cùng các giải pháp hiện tại để có thể giải quyết triệt để vấn đề. Đừng quên rằng chẳng ai được tăng lương khi chỉ hoàn thành tốt một hạn mục công việc cả. Nhiều nhất là bạn được một khoản tiền thưởng mà thôi. Bạn sẽ có mức lương cao hơn khi bạn cống hiến nhiều hơn cho công ty trong tương lai. Hãy dùng thì tương lai trong các lập luận của mình thay vì trông mong vào lòng biết ơn đối với quá khứ.

Bạn có sếp mới

Và mối quan hệ giữa bạn với sếp không được tốt lắm. Ông ấy xem bạn như kẻ thù còn bạn thì lo lắng rằng mình sẽ sớm bị tống ra khỏi phòng cùng với đống đồ nội thất văn phòng cũ.

Thái độ của kẻ thua cuộc: Bạn làm sếp bối rối và giữ kín những kiến thức của mình. Bạn hành động một cách cứng đầu và từ chối hợp tác.

Thái độ của người thắng cuộc: Đừng suy nghĩ quá sâu xa khi sếp mới không thân thiện bằng sếp cũ. Đừng chờ đợi cho đến khi sếp mới gọi đến bạn; hãy nắm thế chủ động và tự giới thiệu về mình. Hãy giải thích phạm vi công việc của mình với sếp và thể hiện sự quan tâm đối với những kế hoạch tương lai của ông. Hãy biến mình thành người không thể thiếu trong công ty theo cách thật nhã nhặn. Nếu sếp mới tuyển thêm một người mà ông ấy biết rõ, đánh giá cao và muốn giao công việc của bạn cho người ấy, thì bạn cần tiến hành quan sát xung quanh để tìm một vị trí mới, ngay ở trong công ty lẫn ở những nơi khác. Bạn sẽ dễ dàng tìm được công việc thay thế hơn khi bạn vẫn còn đang đi làm.

Bạn được giao một nhiệm vụ vớ vẩn

Các công ty không chỉ có những nhiệm vụ cao cả mà còn có “những công việc vớ vẩn” bị đùn đẩy lòng vòng. Và giờ thì nó đến tay bạn.

Thái độ của kẻ thua cuộc: Bạn từ chối hoặc trì hoãn việc tìm hiểu và giải quyết nhiệm vụ khác thường ấy.

Thái độ của người thắng cuộc: Hãy tìm hiểu lý do tại sao công việc ấy lại khiến cho nhiều người không thích đến thế. Dù không thể thoát khỏi nó nhưng bạn cũng đã giành được điểm khi nói ra điều ấy. Các quản lý giỏi luôn muốn nghe lời cảnh báo về những thất bại tiềm tàng. Về lâu dài, họ đánh giá cao những nhân viên dám nói ra sự thật. Nếu thực tế không phải như thế thì chắc chắn sếp của bạn không phải là một ông chủ tốt!

( Source : Bí quyết đơn giản hóa cuộc sống - Werner Tiki Küstenmacher & Lothar Seiwert)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét