Ads 468x60px

Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

Chương 02 - Hãy xóa đi những mặc cảm - mầm bệnh của mọi thất bại


Nếu nghiên cứu kỹ mọi người xung quanh, bạn sẽ thấy rằng những người không thành công đều là những người mắc phải một căn bệnh tâm lý, đó là bệnh mặc cảm. Căn bệnh này phát triển ở mức độ cao tất yếu sẽ dẫn tới thất bại. Hầu như tất cả mọi người bình thường đều nhiễm phải căn bệnh này, nhưng ở mức độ khác nhau.


Mặc cảm là một yếu tố để phân biệt sự khác nhau giữa một người luôn đi đây đi đó với một người luôn giam mình trong bốn bức tường. Một con người thành đạt ít khi kiếm lý do này hay lý do khác để biện hộ cho việc tại sao mình không làm việc này hay việc khác. Trái lại, một người không đi đâu và cũng không có ý định sẽ đi đâu lại luôn tìm ra hàng ngàn lý do để biện hộ. Những người tầm thường luôn có cách bào chữa nhanh chóng.

“Tôi sẽ không thể làm tốt như cần phải làm. Tại sao nhỉ? Xem nào: Sức khỏe yếu? Thiếu sự giáo dục đầy đủ? Quá già? Quá trẻ? Không may mắn? Bất hạnh? Do vợ? Cách gia đình nuôi dưỡng và dạy bảo tôi?”.

Như vậy, điều đầu tiên cần phải nhớ: nếu bạn muốn thành công thì hãy tự cứu mình thoát khỏi mặc cảm - Đó là mầm bệnh của mọi thất bại.

Mặc cảm biểu hiện ra dưới rất nhiều hình thức nhưng nghiêm trọng nhất vẫn là: mặc cảm về sức khỏe, về trí thông minh, về tuổi tác và về vận may. Bây giờ chúng ta hãy xem làm thế nào để tránh khỏi 4 căn bệnh thường gặp này.

1. SỨC KHỎE CỦA TÔI KHÔNG TỐT

Mặc cảm về sức khỏe thể hiện qua nhiều cách, từ cách nói chung chung “Tôi cảm thấy không được khỏe” đến cách nói cụ thể hơn “Tôi bị bệnh này hay bệnh kia”.

Sức khỏe “tồi” đã được nhiều người vin vào dưới nhiều dạng khác nhau để biện hộ cho việc tại sao họ không làm điều mình muốn, không dám nhận những công việc đòi hỏi trách nhiệm cao hơn, không kiếm được thêm nhiều tiền hơn, và không thành công được.

Bốn điều bạn có thể làm để đánh bại sự mặc cảm về sức khỏe.

1 - Không nên nói về sức khỏe của bạn. Càng không nên mặc cảm về bệnh tật, cho dù bệnh đó chỉ là cảm lạnh thông thường cũng trở nên trầm trọng. Nói chuyện về sức khỏe không tốt cũng giống như bón phân cho cỏ dại vậy. 

2 - Không nên quá lo lắng về sức khỏe của bạn. 

3 - Thành thật lấy làm biết ơn là sức khỏe mình vẫn còn được như ngày nay. Có một thành ngữ mà tôi luôn muốn nhắc lại ở đây là: “Tôi cứ luôn buồn phiền vì tôi chỉ có một đôi giầy rách nát. Mãi tới khi tôi gặp một người khác không còn đôi bàn chân như tôi, tôi mới biết mình còn may mắn hơn họ và tôi không cảm thấy buồn phiền nữa”. 

4 - Hãy luôn nhắc nhở mình: Hãy hoạt động để sống còn hơn là để chết dần chết mòn. Cuộc sống thuộc về bạn, bạn phải biết tận hưởng nó. Đừng lãng phí nó. Đừng sống với ý nghĩ cho rằng mình cần phải nằm viện.

2. TÔI KHÔNG THÔNG MINH

a) Mặc cảm về trí thông minh: 

Nó phổ biến đến nỗi mà 95% số người sống quanh ta đều mắc phải dù ở mức độ khác nhau. Không giống như các kiểu mặc cảm khác, những người có mặc cảm kiểu này thường mặc cảm một cách thầm lặng. 

1. Chúng ta đánh giá quá thấp năng lực trí tuệ của bản thân

2. Chúng ta đánh giá quá cao năng lực trí tuệ của người khác

Điều thật sự quan trọng ở đây không phải là trí thông minh bẩm sinh mà là biết cách sử dụng đúng những gì mình có. Biết cách vận dụng kiến thức sẵn có của mình quan trọng hơn nhiều so với chỉ số thông minh của bạn.

Một người có chỉ số thông minh (IQ) là 100 nhưng có thái độ tích cực, lạc quan, luôn sẵn sàng cộng tác với người khác sẽ kiếm được nhiều tiền hơn, được kính trọng hơn, và đạt được nhiều thành công hơn so với một người có chỉ số thông minh những 120 nhưng lại có thái độ tiêu cực, bi quan, không muốn hợp tác với người khác.

b) Tại sao có những người rất thông minh mà vẫn thất bại

Từ nhiều năm nay tôi có quen thân với một người phải nói đúng là một bậc kỳ tài, rất thông minh nhưng thiếu thực tế. Mặc dù có trí thông minh bẩm sinh nhưng anh lại là một trong những người không thành công nhất mà tôi biết. Anh chỉ lãnh một công việc hết sức tầm thường (vì anh sợ trách nhiệm). Anh không có một gia đình thật sự (nhiều cuộc hôn nhân của anh đã đỗ vỡ, đã kết thúc bằng ly dị). Anh hầu như chẳng có bạn (vì mọi người chán anh). Anh không bao giờ dám đầu tư tiền vào một việc gì (vì anh sợ sẽ bị thua lỗ). Con người này chỉ biết dùng trí thông minh của mình cho mỗi một việc là chứng tỏ rằng tại sao anh không thể thế này, thế kia được. 

Kiến thức là sức mạnh khi bạn biết sử dụng nó một cách hữu hiệu. Kiến thức chỉ là sức mạnh tiềm ẩn, kiến thức chỉ biến thành sức mạnh thật sự khi ta sử dụng nó và phải sử dụng nó một cách hữu hiệu. 

c) Ba cách để thoát khỏi căn bệnh mặc cảm về trí thông minh

1. Đừng bao giờ đánh giá quá thấp trí thông minh của mình và đánh giá quá cao trí thông minh của người khác 

2. Mỗi ngày hãy tự mình nhắc đi nhắc lại vài lần “Thái độ của tôi quan trọng hơn trí thông minh của tôi”. Hãy sử dụng trí thông minh của bạn một cách tích cực và sáng tạo. Hãy sử dụng nó để tìm ra con đường dẫn tới thành công chứ không phải để chứng minh bạn sẽ thất bại.

3. - Luôn nhớ rằng khả năng độc lập suy nghĩ có giá trị hơn nhiều so với khả năng học thuộc lòng và nhớ máy móc các con số, sự kiện. Hãy dùng khối óc của bạn để sáng tạo, đề xuất ý kiến, để tìm cách thực hiện mọi việc tốt hơn, mới mẻ hơn. Hãy tự hỏi mình: - Có phải tôi đang dùng trí óc của mình để tự mình làm nên một điều gì đó hay tôi đang dùng nó chỉ để ghi chép lại, lưu giữ lại những điều mà người khác đã làm nên?.

3. CHẲNG ÍCH GÌ. TÔI QUÁ GIÀ ( HOẶC TÔI CÒN QUÁ TRẺ)

Mặc cảm về tuổi tác, cho rằng tuổi mình không phù hợp, được biểu hiện ra dưới 2 cách: Tôi quá già, hoặc Tôi quá trẻ!

Tôi đã nghe hàng trăm người thuộc mọi độ tuổi khác nhau giải thích vì sao họ chỉ dám nhận một công việc tầm thường như vậy trong cuộc sống như thế này: Tôi quá già (hoặc quá trẻ) để làm việc ấy. Tôi không thể làm những gì mình muốn làm hoặc có khả năng làm chỉ vì tuổi tôi không thích hợp.

Tôi quá già là loại mặc cảm về tuổi tác còn phổ biến nhất. Căn bệnh này lây lan, tiêm nhiễm một cách rất tinh vi. 

Nói tóm lại, để không vương vấn mặc cảm tuổi tác, bạn hãy làm những việc sau đây:

1. Hãy có cách nhìn nhận tích cực đối với tuổi tác hiện nay của bạn. Hãy nghĩ rằng: “Mình vẫn còn trẻ” chứ đừng nghĩ: “Mình đã già”. Hãy luôn lạc quan, tạo được cho mình niềm hăng say và cảm giác trẻ trung.

2. Hãy tính xem mình còn bao nhiêu năm sự nghiệp nữa. Nên nhớ rằng một người 30 tuổi vẫn còn 80% cuộc đời sự nghiệp trước mắt; một người 50 tuổi vẫn còn 40% những năm đầy cơ hội, dịp may trước mắt.

3. Nên dành khoảng thời gian trong tương lai để tập trung vào điều bạn thật sự mong muốn làm. Hãy nghĩ rằng: “Bây giờ tôi sẽ làm việc ấy. Những năm tháng tốt đẹp nhất của cuộc đời tôi vẫn đang ở phía trước”. Đó chính là lối suy nghĩ của những người thành công.

4. NHƯNG TRƯỜNG HỢP CỦA TÔI LẠI KHÁC SỐ TÔI KHÔNG MAY

Mọi việc đều có nguyên nhân của nó. Không có chuyện gì xảy ra mà không có nguyên nhân cả. Không thể tự nhiên có thời tiết như ngày hôm nay mà đó là do những nguyên nhân cụ thể nào đó từ ngày trước đấy! Không có lý gì để cho rằng trường hợp con người là ngoại lệ.

Tuy nhiên không có ngày nào ta không nghe thấy một ai đó phàn nàn chuyện của anh ta là do anh ta kém may mắn. Cũng hiếm có một ngày nào ta lại không nghe thấy một ai đó qui cho anh ấy thành công là vì anh ta may mắn.

Căn bệnh mặc cảm cho rằng mình không may có thể chữa trị được bằng hai cách sau:

a) Hãy chấp nhận thuyết nhân quả. Hãy nhìn lại cái mà bạn lầm tưởng là May mắn bạn sẽ thấy không phải may mắn mà chính là sự chuẩn bị chu đáo, sự sắp xếp kế hoạch cẩn thận và lối nghĩ tự mình làm nên chiến thắng sẽ quyết định tương lai của bạn. 

b) Không chỉ là người ao ước một cách hão huyền và bạn đừng phí thì giờ sức lực chỉ để mơ ước có một cách nào đó đạt được thành công mà không phải đổ mồ hôi công sức. 

( Source : David J. Schwartz - The Magic of Thinking Big – Bí quyết thành đạt trong đời người )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét