Từ thời Tần Thủy Hoàng, Quan Trung đã bắt đầu trở thành một trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa của cả nước. Sau này Hán Cao Tổ Lưu Bang cũng vì chọn Quan Trung làm nơi thống lĩnh thiên hạ rồi đánh dẹp phía đông nên đã thống nhất được toàn quốc. Nhà Tùy dựng kinh đô ở Trường An rõ ràng cũng coi Quan Trung là nơi căn bản để lập quốc.
Năm 617, Tùy Dạng Đế lại đi tuần phương Nam, Quan Trung bị bỏ ngỏ, lực lượng quân sự ở kinh đô và các vùng lân cận đều rất yếu mỏng, nhà vua và đa số quan lại triều đình đều đi đến Dương Châu - đây đúng là một thời cơ đánh chiếm Quan Trung ngàn năm có một. Phe cánh của Lý Uyên từ lâu đã muốn sáng lập vương triều mới dễ gì chịu ngồi yên để lỡ mất một cơ hội tốt. Họ đã bất chấp rằng mình vừa khởi binh xong thì lực lượng đã bị yếu đi nhiều, bắt đầu khởi hành từ Thái Nguyên tiến quân về Quan Trung với tốc độ nhanh nhất.
Những khó khăn gian khổ và những nguy cơ bị phục binh ở khắp mọi nơi không lời nào kể xiết. Phía trước thì có quân phục kích được phái đi từ Trường An, lại thêm cái rãnh trời Hoàng Hà, xung quanh là quân khởi nghĩa và thế lực của các chư hầu đều mạnh hơn lực lượng của ông rất nhiều - họ cũng đều có ý đồ giành chiếm Quan Trung để thống lĩnh thiên hạ, căn cứ địa hậu phương là thành Thái Nguyên thì lực lượng nhỏ nhoi cô độc, phía bắc lại đối mặt với thế lực của Đột Quyết và Lưu Vũ Chu... mỗi một nguy cơ bùng nổ đều có thể khiến cho kế hoạch lâu dài tiến quân vào Quan Trung của Lý Uyên bị thất bại nửa chừng, Lý Uyên trong lòng rối như tơ vò bởi trăm mối lo.
Điều thần kỳ mà Lý Uyên hy vọng đó là thời gian, ông ta hy vọng bằng cách hành động thật nhanh chóng thì có thể bù đắp cho sự thiếu thốn vế lực lượng và về mọi phương diện khác nữa. Không ngờ trời chẳng chiều ý người, khi bọn họ tới Giả Hồ Bảo định tiến công thị trấn quân sự Hoắc ấp (cách Giả Hồ Bảo chỉ hơn 50 dặm) thì trời mưa triền miên. Đường sá lụt lội rất khó hành quân và bắt đầu có dấu hiệu thiếu lương thực. Lại thêm một tin dữ: Lưu Vũ Chu câu kết với Đột Quyết sẽ lợi dụng sơ hở mà tiến đánh vào sào huyệt của Lý Uyên.
Lý Uyên ngước cổ nhìn lên trời mà than rằng: "Xem ra thời cơ vẫn chưa chín, đành phải lui quân về phía bắc!". Bùi Tịnh và những người khác đều tán đồng với ý kiến lui quân của Lý Uyên, họ cho rằng quân Tùy phái đại tướng vừa giữ Hà Đông, lại vừa khống chế được Hoắc ấp sau đó sẽ liên binh cùng dựa vào nơi hiểm yếu để cố thủ chờ đối phương đuối sức, nên quân ta không thể tiến quân nhanh chóng dễ dàng được, chỉ có thể lui quân về Hà Nam. Mà người bạn đồng minh của chúng ta Lý Mật ở phía đông tâm địa khó lường. Con người Đột Quyết tham lam khó mà tin tưởng, cho dù trước khi khởi binh chúng ta đã nhún mình nhượng bộ làm hòa với hắn nhưng ai dám bảo đảm rằng hắn sẽ giữ tín nghĩa mà ngày hôm sau không trở mặt? Lưu Vũ Chu vốn là kẻ lòng dạ đi theo Đột Quyết, nhân lúc người ta gặp nạn mà ném đá lấp cửa hang là thói mà hắn quen làm. Thái Nguyên là căn cứ địa duy nhất của chúng ta, hơn nữa gia quyến các tướng sĩ đều ở cả nơi đó. Vì thế chi bằng hãy lui quân bảo vệ căn cứ địa, chuyện lớn đợi sau này bàn tiếp vậy. Cuối cùng Lý Uyên đã quyết định ngày hôm sau sẽ thực hiện kế hoạch thoái binh.
Lý Thế Dân hay tin rút quân thì vô cùng sợ hãi, vội vàng tìm đến cha hỏi cho rõ với giọng rất phấn khích. Lý Uyên trong lòng hoài nghi lo lắng nên mập mờ thoái thác rằng: “Lương thực sắp hết, khó mà cầm cự tiếp được". Lý Thế Dân khuyên rằng "Bây giờ lúa ngô đầy đồng, làm sao có thể thiếu lương thực? Tùy tướng Tống Lão Sinh đang trấn giữ Hoắc ấp thì quá yếu, hễ đánh là thắng liền. Lý Mật đang có được kho lương thảo lớn là Lạc Khẩu chắc sẽ không đến tranh giành với ta. Lưu Vũ Chu và Đột Quyết vẻ ngoài nói hòa hảo nhưng thực tế trong lòng hoài nghi lẫn nhau. Lưu Vũ Chu tuy rằng muốn tranh giành Thái Nguyên với ta nhưng lại sợ căn cứ địa Mã ấp của mình sẽ bị Đột Quyết thừa cơ chiếm mất nên sẽ không dám khinh suất mà hành động bừa. Đột Quyết thì vừa làm hòa với ta cũng không đến nỗi phá bỏ hiệp ước ngay lập tức. Càng quan trọng hơn nữa là ý chí lớn trong đầu chúng ta muốn xây dựng một đại nghiệp mới. Đã có chí cầu dân lập quốc thì nên vào Hàm Dương trước để thống lĩnh thiên hạ. Nếu bây giờ vừa gặp trở ngại nhỏ đã vội thu quân thì chỉ e rằng các tướng sĩ vừa lấy được khí thế nay vì thế mà nhụt ý chí, đại sự hóa ra cũng chỉ là một giấc mơ đẹp mà thôi!".
Ý kiến của Lý Thế Dân không thắng nổi sự phản đối của đám mưu thần Bùi Tịnh, Lý Uyên vẫn quyết định rút quân. Lý Thế Dân chán nản buồn phiền ăn không ngon ngủ không yên, đến trước cửa trướng của Lý Uyên mà khóc ầm lên. Lý Uyên khoác áo bước ra khỏi giường, cho gọi con trai vào hỏi vì sao lại khóc lóc thảm thương như vậy. Lý Thế Dân vừa khóc vừa thưa: "Quân hành động vì nghĩa, chỉ có tiến mà không lui, tiến thì sống mà lui sẽ chết, làm sao có thể không khóc cho được!". Lý Uyên lo sợ hỏi làm sao có thể chết, Lý Thế Dân thưa rằng. "Tất cả mọi người đã quyết tâm, hành quân đang sục sôi nhuệ khí, một khi đã lui quân thì ai nấy đều chán nản mà mất đi nhuệ khí, khi đó quân Tùy sẽ thừa cơ truy đánh tới đây, quân ta tan tác há chẳng phải chỉ còn cách bó tay chờ chết ư? Các mưu thần chỉ ham sống bàn luận, làm sao có thể dễ dàng tin theo?".
Lý Uyên bỗng nghĩ tới tính quan trọng của ý chí tiến quân nên vội vàng nói: "Quân ta đã bắt đầu rút, làm sao bây giờ?". Lý Thế Dân đáp rằng: "Con xin lập tức đuổi theo họ!".
Lý Thế Dân rút roi giục ngựa phi qua đêm thì đuổi kịp. Hai ngày sau, rất nhiều lương thảo được chuyển vào doanh trại Thái Nguyên. Dường như ông trời muốn thưởng công cho tướng lĩnh dám nghĩ dám làm nên dần dần đã mây quang mưa tạnh và bắt đầu đã có thể nhìn thấy rõ ánh mặt trời. Lý Uyên lệnh cho quân sĩ hong khô và chuẩn bị binh khí, tránh những vũng lầy mà đi, qua ải chém tướng, bất ngờ đánh Quan Trung.
Lý Thế Dân chẳng ngại khó khăn gian khổ, không để tai những lời trách cứ của các mưu thần, dũng cảm quyết đoán, can đảm và hiểu biết hơn người, cuối cùng cũng giúp được quân Đường đang hăng hái nhanh chóng chiếm lĩnh được điểm trọng yếu Quan Trung. Thật khó tưởng tượng nổi nếu không có mưu lược tự tin quả cảm của Lý Thế Dân thì quãng lịch sử kiến lập vương triều Đường cũng như cả bộ sử Tùy Đường sẽ như thế nào.
Chỉ lo suy tính giữa được và mất mà không hành động quyết đoán tất sẽ bỏ lỡ mất cơ hội tốt, khiến bản thân lại rơi vào thế bị động.
Công ty nước khoáng Blue của Pháp hiểu rõ điểm này nên cho dù đang ở trong tình thế tuyệt vọng vẫn có thể sống lại từ cõi chết, biến nguy thành an nhờ sự can đảm, hiểu biết và chính sách quyết đoán.
Đầu tháng 2 năm 1990, cục quản lý lương thực và dược liệu Hoa Kỳ tuyên bố sau khi điều tra đã phát hiện trong "chai Blue" có tới hai ba phần là chất hóa học Benzene, nếu sử dụng một thời gian dài sẽ dẫn đến ung thư!
Sản lượng nước khoáng của Pháp luôn đứng đầu thế giới, Blue lại là hãng nổi tiếng của Pháp và vẫn được khen là loại nước khoáng ngon nhất. Hàng năm hãng này sản xuất 1 tỉ chai trong đó 60% được xuất khẩu ra nước ngoài. Tại Mỹ, Nhật và Tây âu, Blue đã trở thành một biểu tượng của nước Pháp. Đối với một sản phẩm có tiếng như vậy thì lời tuyên bố đanh thép về việc "có thể gây ung thư” của Mỹ khác nào như sự hủy diệt của trái bom nguyên tử! Cổ phiếu của công ty này trong một ngày đã giảm xuống 20%, những khách hàng trước đây vốn coi việc uống Blue là sự thưởng thức cao nhã lãng mạn nay loáng một cái đã coi Blue như một tai họa khủng khiếp, chỉ hận rằng không nhổ hết được lượng nước đã uống trả về cho nước Pháp.
Phải làm sao đây. Tập thể các nhân viên tài giỏi của công ty đang vắt óc tìm giải pháp, cả thế giới thì đang ngẩng đầu chờ đợi. Rất nhanh, Blue tuyên bố một quyết định động trời: “Thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm!". Đây rõ ràng là một hành động điên rồ.
Nếu nói sự phát hiện trong sản phẩm có hàm lượng Benzene quá cao là một trái bom nguyên tử hủy diệt đánh vào công ty thì quyết định "tiêu hủy toàn bộ sản phẩm" lại là hành động cứu sinh tuyệt địa, là một trận cuồng phong, một trái bom nguyên tử "lòng tin" đánh vào người tiêu dùng của Blue.
Quyết định dứt khoát lập tức có hiệu quả: giá cổ phiếu của công ty ngay ngày hôm sau đã tăng lên 2,5%.
Sau đó công ty lại tuyên bố nguyên nhân của sự cố: Trong quá trình xử lý làm sạch nước, do thiết bị lọc nước đến hạn mà chưa kịp thay - thuần túy là do lỗi kỹ thuật chứ quyết không phải do nguồn nước bị ô nhiễm.
Nước Pháp lại giành được thị phần cho Blue, 84% người tiêu thụ Mỹ quay lại sử dụng Blue. Sản phẩm của hãng lại chiếm lĩnh thị trường, nhưng so với trước đây, chỉ có thêm ba chữ "sản phẩm mới" còn tất cả mọi thứ vẫn y nguyên như mọi người từng biết đến.
Ít lâu sau Blue bắt đầu làm quảng cáo trên truyền hình. Một chai nhỏ màu xanh, một giọt nước trên miệng chai từ từ bám vào thành chai và lăn xuống như giọt nước mắt. Bên ngoài lồng tiếng rằng: Blue giống như một bé gái chịu tủi thân đang khóc, lại- có tiếng như giọng một người cha âu yếm an ủi rằng: "Chúng ta vẫn yêu con".
Một quyết sách quả đoán cuối cùng đã khiến người tiêu dùng lại yêu thích Blue như trước.
( Source : Mưu trí thời Tùy - Đường -Tác giả : Đường Nhạn Sinh, Bạo Thúc Diễm, Chu Chính Thư )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét