Lý Uyên khởi hành từ Thái Nguyên, dẫn 3 vạn binh mã gấp rút tiến quân về phía tây nam, áp dụng mọi biện pháp linh hoạt nhằm đến nơi trước các đạo quân khác và chiếm điểm trọng yếu Quan Trung rồi phát triển lực lượng để đạt bằng được mục đích thống lĩnh toàn thiên hạ. Tuy nhiên vừa mới đến được trước cổng thành Hoắc ấp cách Thái Nguyên không xa thì Lý Uyên đã phải đối mặt với thử thách lớn, đó là những trận đánh công kiên dai dẳng rất lãng phí thời gian.
Thì ra Dương Hựu, cháu Tùy Dạng Đế đã biết tỏng Lý Uyên chỉ giả bộ tuân Tùy và có dụng tâm làm phản. Vừa biết tin Lý Uyên tiến quân về hướng Tây liền lập tức phái tướng quân Tống Lão Sinh dẫn 3 vạn tinh binh chốt tại thành Hoắc ấp. Hoắc ấp vừa là lá chắn đầu tiên chống đỡ mũi tấn công từ Thái Nguyên đồng thời cũng là căn cứ địa đầu tiên để tiến đánh Thái Nguyên. Đối với Lý Uyên đây rõ ràng là một cái đinh nhọn, chi có thể nhổ bỏ nó đi mà không thể đi vòng tránh nó.
Về lực lượng tuy rằng quân số của Lý Uyên và Tống Lão Sinh là tương đương nhau nhưng do quân lính của Lý Uyên vừa mới được tập hợp nên chắc chắn sức chiến đấu của họ không thể so bì với quân lính của Tống Lão Sinh được. Tống Lão Sinh lại đang chiếm giữ thành trì nên có địa thế rất thuận lợi, có thể chỉ cần cầm cự chờ đối phương đuối sức, đây rõ ràng là ưu thế tuyệt đối mà ông ta có được.
Phải làm thế nào ư? Phải lấy yếu thắng mạnh, thậm chí còn phải giành thắng lợi trong thời gian ngắn nhất! Lý Uyên và các mưu thần cùng họp bàn rất kỹ lưỡng. Cuối cùng Lý Uyên quyết định tránh không để xảy ra những trận đánh công kiên dai dẳng phí thời gian mà cần phải tìm ra biện pháp dụ Tống Lão Sinh ra ngoài thành rồi thừa cơ tìm điểm yếu và sơ hở của ông ta để tiêu diệt gọn.
Tống Lão Sinh cố thủ trong thành, nhất định không chịu ra ngoài giao chiến. Nhưng Lý Uyên biết rõ bản tính Tống Lão Sinh kiêu ngạo hay vội vàng khinh địch. Thế là Lý Uyên lệnh cho hai con Lý Kiến Thành và Lý Thế Dân đem vài chục kỵ binh tiến cận thành vung roi dọa nạt, làm như thể sắp bao vây thành đến nơi, mặt khác lệnh cho tất cả các binh sĩ cùng đồng thanh lớn tiếng chửi mắng Tống Lão Sinh là đồ đần độn nhát gan vô tích sự.
Quả nhiên Tống Lão Sinh đã không chịu được, lập tức dẫn đại quân xông ra từ cửa Đông và cửa Nam thành để quyết đấu với Lý Uyên một trận sống còn.
Lý Uyên đang ở phía đông thành chờ hậu quân tới thì thấy Tống Lão Sinh mở cổng thành xuất chiến bèn lập tức lệnh cho hậu quân dốc sức đuổi tới, còn bản thân chỉ mang theo vài trăm binh lính phi tới giao chiến với Tống Lão Sinh. Hậu quân nhận được lệnh đã kéo tới, Lý Uyên và Lý Thế Dân cùng ra lệnh “Quân địch đã ra khỏi thành, hãy lập tức đánh úp và phải tiêu diệt chúng trước giờ ăn cơm?". Đoạn, lập tức bày binh bố trận. Lý Uyên và Lý Kiến Thành cùng dàn trận ở phía đông thành còn Lý Thế Dân cầm quân chờ sẵn ở phía nam.
Tống Lão Sinh dẫn quân và ra lệnh tấn công kịch liệt vào phía đông thành nơi mà Lý Uyên cùng Lý Kiến Thành đang chờ ở đó. Quân Lý Uyên không chặn được đối phương đang hừng hực khí thế nên rút chạy về phía sau. Tống Lão Sinh thừa thắng xông lên, dẫn đội quân chủ lực rời thành dốc sức đuổi đánh về phía đông.
Lý Thế Dân ở phía nam thành đang đứng trên cao lặng im quan sát diễn biến tình hình bỗng phát hiện Tống Lão Sinh rời bỏ thành đuổi đánh, thật ra lúc đó cánh bên và hậu quân đã lộ ra trước mắt ông ta, tức thì chớp thời cơ dẫn một bộ phận quân lính xông thẳng lên vây kẹp Tống Lão Sinh. Tống Lão Sinh đành phải quay ngựa lại giao đấu với Lý Thế Dân.
Lý Thế Dân dụ được Tống Lão Sinh ra đến trận địa rồi lại lệnh cho binh sĩ tùy tùng bất ngờ đồng thanh hô lớn: "Tống Lão Sinh đã bị bắt rồi! Quân Tùy cớ sao còn chưa đầu hàng? ".
Khi đó ở phía đông thành, quân Tùy đang giao chiến với Lý Uyên và Lý Kiến Thành bất phân thắng bại, bỗng nghe rằng chủ tướng đã bị bắt liền vội vàng quay đầu tháo chạy về thành. Cha con Lý Uyên thừa thắng đuổi theo như vũ bão, quân Tùy trong nháy mắt đã tháo chạy thẳng vào trong thành rồi đóng cửa lại.
Lúc này Tống Lão Sinh trở thành một cánh quân cô độc không có đường mà tiến lui, thấy cửa thành phía đông đã đóng nên định chạy quay về phía nam thì bị Lý Thế Dân liều chết chặn đánh, định quay về phía đông thì lại gặp đại binh của Lý Uyên và Lý Kiến Thành tiến đến càn quét. Chẳng mấy chốc, Tống Lão Sinh bị giết, số còn lại hoặc chết hoặc bị thương, thây xác phơi hàng dặm.
Lý Uyên lệnh cho quân sĩ ăn uống qua quýt rồi tiếp tục công thành. Vừa giành được thắng lợi nên ai nấy đều hừng hực khí thế, chẳng tốn mấy công sức đã đánh vào tận trong thành và giành thắng lợi hoàn toàn.
Lý Uyên lệnh cho yết bảng an dân, chỉnh đốn lại quân ngũ rồi lại vội vàng tiến về phía tây.
Trong quân sự, muốn tiêu diệt đối phương, chung quy đều phải dựa vào thực lực. Muốn lấy yếu thắng mạnh thì chỉ có thể dựa vào việc dùng trí dùng mưu. Bè phái Lý Uyên muốn tránh hao phí sức lực vào những trận công kiên nên dùng mưu trí để dụ địch và làm cho đối phương để lộ nhược điểm rồi giáng cho một đòn chí mạng, nhờ thế mà chẳng tốn nhiều công sức cũng giành được thắng lợi lại còn tranh thủ được khoảng thời gian vô cùng quý giá để tiến quân đến Quan Trung. Trong việc kinh doanh làm ăn, nếu coi thị trường như chiến trường thì chất lượng hàng hóa là yếu tố thực lực chủ yếu của nhà kinh doanh. Muốn chất lượng hàng hóa gây được ấn tượng tốt và chiếm được lòng tin của người tiêu dùng thì nhà kinh doanh đều phải đối mặt với những trận đánh công kiên, ở đâu cũng vậy cả. Đấy là chưa kể những nhà kinh doanh những mặt hàng cùng chủng loại đang tìm mọi cách để chiếm lĩnh địa bàn, củng cố trận địa, thì cần phải chiến đấu dài lâu. Đơn giản nếu đứng về phía người tiêu dùng mà nói thì đâu phải dễ gì mà phá vỡ ngay được phòng tuyến tâm lý như nghi ngờ, cổ hủ, không tín nhiệm hoặc chỉ dùng những mặt hàng đã có tiếng từ lâu.... Nhà kinh doanh phái sau khi dùng "chất lượng" đột phá những phòng tuyến trên mới có thể khiến sản phẩm của mình được người tiêu dùng ưa chuộng và luôn được tin dùng, qua đó càng chiếm lĩnh được thị phần lớn hơn.
Vừa bán vừa tâng bốc hàng của mình là chất lượng số một. Đây là một kiểu phản công chính diện nhằm phá vỡ phòng tuyến tâm lý của người tiêu dùng. Do phải thay đổi tâm lý khách hàng nên biện pháp tấn công chính diện xem ra rất hao công tổn sức mà hiệu quả lại không cao. Vì thế nhà kinh doanh biết làm ăn thì nên giống như Lý Uyên tránh những trận công kiên chính diện và dùng biện pháp "dụ địch xuất chiến", phải làm sao khiến khách hàng chủ động tìm đến và kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, sau đó thì "tóm sống" khách hàng.
Trên đường quốc lộ một tiểu bang của nước Mỹ có một chiếc xe chở bánh mì đang phóng rất nhanh. Vì ở tiểu bang này vừa xảy ra lũ lụt nên vấn đề lương thực rất cấp bách, bánh mì bán rất chạy mà nơi nào cũng thiếu hàng. Thế là chiếc xe bánh mì đó chẳng mấy chốc bị những người đói khát phát hiện ra và vây lại từng đoàn. Mọi người cướp bánh mì trên xe mà đáng lẽ phải mua, nhân viên áp tải hàng thì nói thế nào cũng không chịu bán. Đám đông phẫn nộ dường như muốn xé nát anh ta.
Nhà báo tới. Người nhân viên áp tải hàng kể rõ nguồn cơn sự việc. Thì ra đây là bánh mì của nhà máy Caterin. Nhà máy này sản xuất bánh mì đi bán, nhưng đặc biệt trên mỗi chiếc bánh mì đều ghi rõ thời hạn bánh bị khô và qui định rằng quá ba ngày thì tất cả lượng bánh chưa bán được sẽ không được phép bán ra nữa. Số bánh mì trong xe chính là số bánh bị quá ba ngày mà người áp tải hàng đã thu hồi từ các cửa hàng bán bánh của hãng. “Không phải tôi không muốn bán”, nhân viên áp tải hàng nói. "Quả thực là bà chủ của chúng tôi qui định rất nghiêm khắc. Bà ấy qui định rằng bất luận vào lúc nào, trong hoàn cảnh nào, đều không cho phép bất kỳ ai đem bán bánh mì quá hạn sử dụng. Nếu như ai đó cố tình vi phạm, đem bán bánh mì quá hạn cho khách hàng thì nhất định sẽ bị đuổi việc. Nếu tôi bán bánh mì quá hạn cho mọi người thì há chẳng phải tôi tự đập bát cơm của mình sao?".
Sự "ngay thẳng thật thà" của anh nhân viên áp tải hàng khiến cho mọi người vô cùng kinh ngạc và kính phục, ai nấy đều rất cảm thông cho hoàn cảnh của anh ta. Nhưng cái mà những người đói khổ kia càng quan tâm hơn chính là những chiếc bánh mì ngon lành đã "quá hạn mà chưa "mất mùi" kia, họ chỉ muốn dùng miệng của mình để chứng minh những chiếc bánh mì kia là những thứ tuyệt vời nhất ở chính thời điểm này chứ tuyệt đối không phải là thứ hàng hóa "quá hạn" gì hết.
Nhà báo đại diện cho nguyện vọng của mọi người nói với anh nhân viên áp tải hàng. "Anh à, bây giờ đang là thời điểm nóng bỏng, anh hãy bán bánh mì cho mọi người, đừng để họ thất vọng!".
Anh nhân viên áp tải hàng với vẻ mặt thần bí ghé sát tai nhà báo nói: "Bán thì tôi tuyệt đối không dám, nhưng nếu là mọi người tự cướp bánh trên xe thì tôi mới không phải chịu trách nhiệm". “Thế chẳng phải là cướp giật hay sao?" nhà báo nói, "Bọn họ cướp bánh mì, song, vì lương tâm nên để lại một ít tiền tương đương, thế chẳng hóa thành mua như ăn cướp rồi sao?".
Mọi người ngỡ ngàng hiểu ra. Chớp mắt đã mua hết số hàng trên xe. Nhà báo cũng không quên chớp cơ hội chụp lấy một tấm ảnh tuyệt diệu để đăng báo, cảnh người dân tranh nhau cướp mua còn nhân viên áp tải hàng thì ra sức ngăn lại.
Bản tin trên báo phát biểu rõ rằng chất lượng bánh mì của hãng được khách hàng vô cùng tín nhiệm, chưa đầy nửa năm sau, lượng tiêu thụ bánh này tăng vọt hơn năm lần.
Nếu phân tích kỹ một chút, sự thành công huyền bí trong việc bán hàng của người áp tải bánh mì chẳng phải chính là tránh không thổi phồng trực tiếp về chất lượng ra sao mà là dụ mọi người chủ động đến và tự kiểm nghiệm chất lượng đó ư?
( Source : Mưu trí thời Tùy - Đường -Tác giả : Đường Nhạn Sinh, Bạo Thúc Diễm, Chu Chính Thư )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét