Một hôm, công chúa Hồ Dương - chị Lưu Tú đi ra ngoài thì xảy ra chuyện. Khi xe công chúa qua Hạ Môn Đình nổi tiếng trong thành Lạc Dương, huyện lệnh Lạc Dương Đổng Tuyên dẫn một bọn nha dịch chặn xe công chúa lại. Đổng Tuyên muốn bắt một gia nô của công chúa Hồ Dương, theo trinh sát, tên gia nô này cũng đi cùng đoàn xe. Công chúa Hồ Dương vừa thấy, chức huyện lệnh Lạc Dương cỏn con, lại dám công nhiên ngăn chặn đội xe của hoàng thân, liền đùng đùng nổi giận, lớn tiếng mắng Đổng Tuyên to gan.
Đổng Tuyên không chút run sợ, ông ta cũng lớn tiếng đáp lại công chúa Hồ Dương, nói công chúa bao che tội phạm giết người, đồng thời nghiêm khắc ra lệnh tên gia nô phạm tội giết người đó mau xuống ngựa. Công chúa Hồ Dương thấy Đổng Tuyên không xem mình vào đâu, vẫn muốn bênh vực tên gia nô đó, nhưng đã không kịp nữa. Chỉ thấy Đổng Tuyên mắt sáng tay nhanh, lệnh cho nha dịch dưới quyền nhanh chóng bắt tên gia nô đó lại, đồng thời ngay trước mặt công chúa Hồ Dương, đánh chết tên gia nô đó tại chỗ.
Công chúa Hồ Dương giận đến run lên. Bà ta từ trước tới giờ chưa bao giờ gặp phải sự nhục nhã như vậy, cái tức này vô luận thế nào cũng thật khó mà nuốt trôi. Bà ta quay đầu xe, chạy thẳng tới cấm cung nơi hoàng đế ở.
Hoàng thư tới, Lưu Tú đương nhiên phải gặp bà ta. Chỉ thấy công chúa Hồ Dương vừa hầm hầm tức giận khóc kể lại chuyện trải qua cho Lưu Tú, vừa đòi Lưu Tú giúp bà ta trút cơn giận này, nghiêm khắc trừng phạt Đổng Tuyên.
Con người Đổng Tuyên, Lưu Tú rất biết. Con người kiên cường chính trực này, chấp pháp như sơn. Thời kỳ ông ta làm Bắc Hải tướng, từng bắt cha con gia tộc Công Tôn Đan ở đó về tội giết người, còn giết hơn 30 người của gia tộc Công Tôn Đan đến gây rối nha môn. Sự việc bùng to, triều đình bắt Đổng Tuyên và phán ông ta tội "lạm sát" xử Chết. Sát trước giờ ông ta phải chấp hành hình phạt xử tử, lệnh xá của Lưu Tú truyền tới Đổng Tuyên mới may mắn được tha.
Lưu Tú tuy hiểu tính cách của Đổng Tuyên, nhưng đối với cái giận của hoàng thư về nỗi bị nhục trước đám đông cũng cảm thấy khó nuốt trôi, ông ta lập tức hạ lệnh cho vệ sĩ bắt Đổng Tuyên vào cung, chuẩn bị xử chết ông ta.
Đổng Tuyên vẫn không hề thay đổi sắc mặt. Ông ta nói rằng chết cũng được nhưng chỉ xin được bày tỏ một câu: - Bệ hạ thánh minh, nhà Hán có được hưng thịnh. Nhưng nếu gia nô thân thuộc của mình cố tình sát hại người khác mà không bị xử lý nghiêm. Vậy bệ hạ làm sao trị nổi thiên hạ! Muốn thần chết cũng không khó, chẳng cần đến roi đâu, thần tự sát là được rồi.
Nói xong Đổng Tuyên lao đầu vào cột cửa tự xử.
Lưu Tú cũng bị cái chính khí của Đổng Tuyên lay chuyển. Ông ta xúc động thương tâm "người cương chính như thế có thể trị tội sao?" Về sau, tuy tha cho Đổng Tuyên tội chết, nhưng cái uy nghiêm của hoàng đế vẫn khiến Lưu Tú bắt Đổng Tuyên phải rập đầu xin lỗi công chúa Hồ Dương. Con người thẳng thắn Đổng Tuyên vẫn không chịu khấu đầu, hoạn quan túm đầu ông ta đè xuống, Đổng Tuyên vẫn cứ thà chịu chết chứ không chịu cúi đầu.
Công chúa Hồ Dương không biết trút giận vào đâu. Bà ta nói vội Lưu Tú: "Nếu ngươi là thiên tử tại sao không ra mệnh lệnh chứ?" Lưu Tú bình thản trả lời: "Chính vì là thiên tử mới không thể làm như đám áo vải được". Công chúa Hồ Dương không biết làm sao đành đi về.
Một ông vua có thể tiết chế người thân của mình như thế, cách làm đó của Lưu Tú thật hết sức sáng suốt. Có lẽ, ông ta rút ra được bài học từ việc Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán là từ quan hệ "cạp váy" mà dẫn tới chăng. Đối với người thân của mình, phải để cho anh (chị) ta đứng vào vị trí của mình suy nghĩ một chút, nhận thức một chút về cái khó của người làm vua, anh (chị) ta sẽ không còn đưa ra những yêu cầu quá đáng nữa. Cái đạo lý này, không chỉ trong chính trị cung đình thời xưa là như vậy, trong thương chiến hiện đại cũng có cái gợi ý y như vậy.
Hàn Quốc có một nhà máy sản xuất các loại sản phẩm giấy vệ sinh, băng vệ sinh, tã lót trẻ em, giấy hóa trang. Vị giám đốc của nhà máy này thực hiện một chế độ rất đặc biệt, đó là để cho công nhân lần lượt thay nhau làm giám đốc nhà máy một ngày. Thông qua "chế độ giám đốc nhà máy một ngày" này, để cho nhân viên nhận thức được trách nhiệm của giám đốc nhà máy, nhận thức được trách nhiệm phải ra sức trên cương vị của mình, nhằm tăng thêm ý thức làm chủ của công nhân. Từ tháng 3 năm 1983 bắt đầu thực hiện chế độ này, trong toàn thể 500 công nhân của nhà máy, có không ít người đã từng làm qua "giám đốc nhà máy một ngày" cứ mỗi thứ ba, chính là ngày thực hiện "chế độ giám đốc nhà máy một ngày".
"Giám đốc" 9 giờ đến làm việc, trước hết nghe báo cáo ngắn của quản đốc các bộ phận, tiếp theo tìm hiểu sơ bộ về tình hình vận hành kinh doanh của toàn nhà máy, sau đó cùng những người phụ trách của các bộ phận đi xem xét nhà máy. Một ngày đó, "giám đốc" có quyền xử lý công văn, báo cáo của các bộ phận, các phân xưởng mang tới cần do "giám đốc" phê duyệt viết lên đó ý kiến của mình, rồi do giám đốc chính thức định đoạt. "Giám đốc nhà máy" trong quá trình "chấp chính” một ngày đó, có ý kiến gì về công việc trước đây, cần ghi chép cụ thể vào nhật ký làm việc, sau đó chuyển cho những người phụ trách ở các bộ phận, các phân xưởng và công nhân truyền đọc. Bộ phận và cá nhân bị phê bình phải chỉnh sửa cách làm việc của kỳ hạn, nhằm đảm bảo uy quyền của ý kiến "giám đốc nhà máy".
Có một nữ công nhân 22 tuổi sau khi làm "Giám đốc nhà máy một ngày” đã nói: "Khi tôi nhận được sự đối xử quan trọng như đối với giám đốc nhà máy thật ấy, quả thật khiến tôi lúng túng, chân tay như thừa thãi không biết để đâu. Tuy vậy cơ hội này đã cho tôi thể nghiệm được nghiệp vụ của nhà máy, hơn nữa các bộ phận đều từ bỏ đi chủ nghĩa bản vị, tăng thêm sự giao lưu giúp đỡ lẫn nhau. Trước đây chúng tôi không vừa lòng với một số cách làm trong nhà máy, bây giờ ngược lại có thể hiểu được chỗ khó của giám đốc nhà máy, thông cảm được với nỗi khổ tâm của giám đốc. Nếu lại cho tôi cơ hội được làm giám đốc nhà máy một lần nữa, tôi tin là tôi sẽ làm tốt hơn. Nhưng bây giờ mới biết, giám đốc nhà máy quả thật vất vả, chỉ có người đã từng làm qua mới nhận thức được”.
Đại đa số công nhân làm qua "giám đốc nhà máy một ngày”, tinh thần trách nhiệm đối với nhà máy đều có phần tăng lên. Trước đây, một số yêu cầu của nhà máy đưa ra, như "hợp tác giúp đỡ lẫn nhau”, "tiết kiệm giá thành" v.v... rất nhiều công nhân chỉ xem đó là khẩu hiệu, trong lòng chẳng chút cảm động. Sau khi làm "giám đốc nhà máy", rất nhiều công nhân đều có thể tự giác chấp hành yêu cầu của nhà máy.
Thực hiện chế độ "giám đốc nhà máy một ngày" trong một năm, nhà máy này đã thu được hiệu quả rõ rệt, ngay năm đó tiết kiệm giá thành được 2 triệu đô la. Nhà máy lại đem số tiền đó làm tiền thưởng phát cho công nhân, làm cho công nhân toàn nhà máy không ai là không vui mừng cổ vũ. Chế độ "giám đốc nhà máy một ngày" mang lại cho nhà máy này tiến bộ nổi bật, Bộ lao động Hàn Quốc xếp nó là "nhà máy kiểu mẫu quan hệ lao động tiền lương kiệt xuất".
Trên dưới hiểu nhau, thông cảm lẫn nhau, rất nhiều việc vốn không dễ làm, đều được giải quyết tương đối tốt. Công chúa Hồ Dương nếu có thể đứng vào vị trí của Lưu Tú để suy nghĩ, bà ta có lẽ không đến nỗi như thế. Lưu Tú có thể đứng trên lập trường vì lợi ích căn bản của quốc gia mà tiết chế người thân, giải quyết vấn đề mới tương đối công bằng. Vị giám đốc nhà máy Hàn Quốc đưa ra "chế độ giám đốc một ngày" đó, không phải là đã nhìn thấy sự ảo diệu trong đó sao?
( Source : Mưu Trí Thời Tần - Hán - Các tác giả : Đường Nhạn Sinh, Bạo Thúc Diễm, Chu Chính Thư )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét