Dưới chân là đường đi lấy Kinh
Tây Du Ký |
Trên trời có đàn nhạn bay qua.
Tôi thích đứng trên sân thượng bên ngoài phòng làm việc, hướng mắt lên bầu trời ngóng trông những chú chim nhạn bay qua, tôi thích thưởng ngoạn tư thế tung cánh bay của bầy chim nhạn. Lúc đó, tôi lại nhớ đến một bài thơ của nhà thơ Lưu Vũ Tích[1] đời Đường, bài thơ như sau:
“Tự cổ phùng thu đa tịch mịch,
Ngã ngôn thu nhật thắng xuân triêu.
Tình không nhất học bài vân thượng,
Tiện dẫn thi tình đáo bích tiêu.”
(Xưa nay khi mùa thu đến thường lặng lẽ.
Ta bảo rằng ngày thu đẹp hơn buổi sớm mùa xuân.
Trên bầu trời nắng ấm một cánh chim nhạn rẽ mây bay lên,
Làm cho ý thơ của ta lên tận mây xanh.)
nếu không làm sao có thể rẽ mây mà bay lên được?
Chim nhạn từ phương nam bay về là một quá trình cùng kết hợp bầy nhóm chung một chí hướng, khích lệ, động viên, giúp đỡ nhau thực hiện được mục đích chung. Bầy chim nhạn thường bay theo hình chữ “nhất” (一) hay chữ “nhân” (入), kiểu bay như vậy giúp mọi con chim khi vỗ cánh bay sẽ tăng thêm sức mạnh cho các bạn mình ở phía sau. Như vậy, mỗi một thành viên trong bầy chim nhạn đều sẽ được tăng thêm 70% hiệu suất bay so với việc chỉ bay đơn lẻ, để từ đó chúng có thể giúp nhau bay đến mục tiêu một cách thuận lợi, hoàn thành được chuyến bay xa xôi muôn dặm.
Đáng tiếc thay, chúng ta không hiểu được ngôn ngữ của chim nhạn, chúng ta không thể nào biết được những điều bí ẩn trong việc tổ chức tập thể của chúng. Nhưng điều may mắn là chúng ta còn có thể thông qua việc đọc hiểu Tây du ký để hiểu được quá trình trưởng thành của một tập thể khác.
Ngày ba tháng Chín năm thứ 13 niên hiệu Trinh Quán đời Đường. Đường Tăng đã bắt đầu hành trình đi lấy Kinh. Khi trời có một bầy nhạn bay đi thì dưới đất cũng có một đoàn đi lấy Kinh. Chim nhạn từ phương nam bay về, chúng bay về phía tây, mỗi năm khi mùa thu, đoàn lấy Kinh lại gặp bầy chim nhạn, cứ gặp mãi, gặp mãi cho đến khi họ lấy được chân Kinh.
Từ góc độ cuộc sống nghề nghiệp để tìm hiểu về Tôn Ngộ Không
Sự trưởng thành của tập thế là một qui trình đầy gian nan, vất vả, bởi vì làm nên tập thể là con người, mà từ xưa đến nay làm người là một việc không dễ dàng. Sở dĩ mọi người thích đọc Tây du ký là bởi trong bộ tiểu thuyết này có nhân vật Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại. Ở thế kỷ XXI hôm nay, khi đọc lại tác phẩm văn học nổi tiếng này, bạn sẽ phát hiện ra cá tính và sức lôi cuốn mới mẻ, sáng ngời của Tôn Ngộ Không.
Chiếm núi Hoa Quả Sơm làm vương, Tôn Ngộ Không tinh lực sung mãn, ý chí kiên cường, hành động quả cảm, biến hóa khôn lường, năng nổ hăng hái, càng bị đánh càng dũng cảm, nghiễm nhiên y trở thành một kẻ sáng nghiệp trời sinh. Mà trên đường đi lấy Kinh ở Tây Thiên, y cũng thể hiện ra là một thành viên ưu tú trong đoàn, có mục tiêu rõ ràng, hành động nhanh chóng, không sợ khó khăn gian khổ, luôn tìm được phương pháp để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. “
Nếu mình là Tôn Ngộ Không thì sẽ tốt biết bao!” Có lẽ, trong lòng mỗi người cũng đã từng có những ảo tưởng như vậy. Một đôi mắt thần thông có thể nhìn thấu mọi âm mưu và sự rắp tâm hãm hại của kẻ khác.
Ấy thế mà, mải cuốn hút với việc nhảy nhót reo mừng Tôn Ngộ Không, họ lại không thể không suy xét về một vấn đề khác: Tại sao Tôn Ngộ Không lại không thể nhảy thoát khỏi lòng bàn tay của Như Lai? Tại sao y phải phục tùng đi bảo vệ một Đường Tăng yếu đuối? Tại sao phải bắt y chịu đựng sự dày vò của lời chú vòng kim cô”? Có nhiều người cho rằng, số phận đối với Tôn Ngộ Không thật không công bằng.
Cuốn sách này thử sử dụng một phương thức đọc hiểu mới để nghiên cứu về tác phẩm văn học trứ danh Tây du ký. Bạn sẽ phát hiện ra rằng, tại sao cùng là một Tôn Ngộ Không, trước kia đại náo thiên cung, muốn thay đổi mạnh mẽ thế giới này là thế, mà kết quả lại gặp thất bại thảm hại, bị áp chế dưới Ngũ Hành Sơn 500 năm, và bị áp chế trên đường đi lấy Kinh muôn ngàn gian khổ. Tôn Ngộ Không không thể không khuất phục ma lực của “lời chú vòng kim cô”, y đã thay đổi mình trong sự vô thức, và kết quả y lại giành được sự thành công chung của cá nhân và tập thể. Những điều mà Tây du ký miêu tả kỳ thực ra chính là một quá trình lâu dài từ việc “thay đổi thế giới” đến việc “thay đổi bản thân” của Tôn Ngộ Không.
Đoàn lấy Kinh đã chiến thắng 81 kiếp nạn như thế nào ?
Carl Gustay Jung, chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội phân tích tinh thần quốc tế[2] đã từng nói một cách tôn kính về tác phẩm Tây du ký rằng: Tây du ký sử dụng ngôn ngữ bình dị mà ý nghĩa tinh thâm. Tác giả của bộ tiểu thuyết này “phải là một thánh triết có khả năng thấu hiểu nhân tính con ngườn”. Sự cung kính, nể phục của Jung là có lý, bởi Tây du ký được hoàn thành vào trung kỳ triều đại nhà Minh, nó đã ra đời sớm hơn 400 năm so với học thuyết phân tích tinh thần của Jung và thầy của ông là Freud[3].
Nhưng điều khiến cho người ta ngạc nhiên hơn là, Tây du ký đã khắc họa nên bốn đặc trưng tính cách khác nhau, mà đoàn người đi lấy Kinh chính là đại diện cho bốn kiểu tính cách ấy, đó là tính cầu toàn, mạnh mẽ, sôi nổi và ôn hòa. Tây du ký được xem là tác phẩm văn học đầu tiên trên thế giới miêu tả về tổ chức hành vi và loại hình tính cách. 81 kiếp nạn mà họ phải trải qua, kỳ thực đó cũng chính là những khó khăn gian khổ mà chúng ta sẽ gặp phải trong cuộc sống và quá trình tạo dựng cơ nghiệp.
Điều đó có nghĩa là, sau mỗi khó khăn xảy ra, bạn sẽ phát hiện ra từng đặc điểm về tính cách, từ đó hình thành lý giải và phản ứng đối với các khó khăn. Chính vì vậy mà Tây du kí không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật của học thuyết phân tích tinh thần, mà đồng thời còn là một tác phẩm nghệ thuật của tổ chức hành vi học, nó miêu tả một cách sống động về quá trình trưởng thành trong cuộc sống nghề nghiệp của bốn đặc trưng tính cách đó.
Điều đáng chú ý là, Tây du ký không chỉ miêu tả về quá trình đoàn lấy Kinh đã chiến thắng hàng loạt khó khăn như thế nào, mà nó còn giải thích rõ nguyên nhân tạo nên những khó khăn đó. Cái gọi là “Tâm sinh thì ma quỷ sinh, tâm diệt thì ma quỷ diệt”, chính là để chúng ta nhìn lại bản thân mình, để chúng ta có thể nhận thức một điều rằng, hóa ra những khó khăn mà chúng ta gặp phải đều bắt nguồn từ tính cách và quan niệm của chúng ta. Quá trình chiến thắng khó khăn là quá trình chiến thắng bản thân. Quá trình chiến thắng bản thân cũng là quá trình cuộc sống trưởng thành. Khi chúng ta học được cách làm người thì tự nhiên chúng ta sẽ hiểu được việc phải làm thế nào để đối xử khôn khéo với người, hiểu được việc phải làm như thế nào để gây dựng được mối quan hệ qua lại mà mọi người cùng giúp đỡ lẫn nhau. Cứ như vậy thì cuối cùng chúng ta có thể thực hiện thành công được ước nguyện của cá nhân trong mối tương quan với lập thể.
Còn đến như việc phải giải quyết các vấn đề khó khăn như thế nào thì Tây du ký đã đưa ra hai biện pháp: Thứ nhất, dựa vào năng lực của bản thân; thứ hai, cầu xin sự giúp đỡ của Quan Thế Âm Bồ Tát. Quan Thế Âm Bồ Tát trong con mắt của người Trung Quốc cũng giống như chúa Jesu trong con mắt của người phương Tây. Hơn 1000 năm nay, Quan Thế Âm Bồ Tát với hình ảnh của người mẹ hiền từ đi mang yêu thương đến cứu độ đông đảo chúng sinh dưới trần thế. Chính vì vậy mà có nhiều tín đồ Phật Giáo thành khẩn “sớm tụng niệm Quan Thế Âm, chiều cũng tụng niệm Quan Thế Âm, tụng niệm bằng cả trái tim”, ở Quan Thế Âm cũng luôn luôn hiển hiện theo lời cầu khẩn của chúng sinh, cứu độ chúng sinh trong kiếp khổ nạn. Thông qua các huyền thoại tôn giáo chúng ta sẽ phát hiện ra rằng thực ra Quan Thế Âm Bồ Tát chính là một trái tim tràn đầy nhiệt huyết với cuộc sống của mỗi chúng ta. Ước mơ tha thiết yêu thương cuộc sống có thể giúp chúng ta hóa giải những phiền não, oán hận và khổ nạn.
Để chúng ta đi lại trên con đường lấy Kinh
Người xưa có câu: “Trên đời chỉ có làm người là khổ; muôn việc cũng chẳng có việc gì khó như việc kiếm sống”. Tri thức mà nhân loại có được chẳng qua đều là phương tiện để giải quyết những vấn đề về việc làm người và kiếm sống mà thôi. Cho nên, Kinh Phật nói: “Không tức sắc, sắc tức không”, cũng là để giải quyết hai vấn đề này. Thầy trò Đường Tăng từ Tây Thiên trở về, đã lấy được 5048 cuốn Kinh, toàn bộ nội dung trong đó đều là tri thức về việc làm người. Họ có công đức viên mãn, cuộc sống của họ thay đổi hoàn toàn, từ đó họ được giải thoát khỏi phiền não của trần thế để bước vào “thế giới cực lạc” vĩnh hằng. Tôi nghĩ, trạng thái cuộc sống như vậy chính là một sự thành công mà mọi người trong chúng ta cần phải nỗ lực theo đuổi?
Ấy thế nhưng không phải là ai cũng có thể dễ dàng hiểu được tác phẩm được xem là một trước tác văn học vĩ đại này. Do trong tác phẩm có đầy rẫy ngôn ngữ tôn giáo phức tạp và ý nghĩa tượng trưng khó hiểu, lại thêm vào sự thay đổi của lịch sử văn hóa sau khi tác phẩm hoàn thành, nên mọi người chỉ có thể dừng lại ở những biểu hiện tình tiết bên ngoài mà ngắm núi cao sông sâu, nhìn yêu ma sinh diệt, họ rất khó lý giải những giá trị chân chính ẩn chứa trong đó. Bởi vậy, tôi càng có ước muốn mạnh mẽ, tôi hy vọng có thể là vì mình, cũng vì những người bạn yêu thích Tây du ký, từ sự kết hợp với những đặc điểm cuộc sống nghề nghiệp của mọi người mà làm ra một bản đọc hiểu bạch thoại giản dị. Thông qua bản bạch thoại đó, không chỉ có thể giúp cho mỗi độc giả nhẹ nhàng đi vào những suy tư sâu lắng trong cuộc sống nghề nghiệp mà hơn nữa còn có thể thông qua đặc điểm văn học truyện ký của Tây du ký, giúp cho những người quản lý tập thể phát hiện và phân tích những nhân tố thần bí ảnh hưởng tới hiệu suất lao động, mức độ thỏa mãn công việc và quan hệ công nhân viên.
Đó là lí do ra đời của tác phẩm Tây du @ ký!
Chim nhạn từ phương nam bay về, còn chúng ta lại từ hướng tây mà đi. Hãy để cho chúng ta men theo con đường đi lấy Kinh của thầy trò Đường Tăng, men theo những dòng suối con sông, qua Hỏa Diệm sơn, qua Động Bàn Đào... trải qua muôn dặm xa xôi của mưu trí.
( Source : TÂY DU @ KÝ - TG : Thành Quân Ức - DG : Hoàng Ngọc Cương - Lê Thị Hương )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét