Hầu Vương tìm đạo trường sinh bất tử |
Chính bởi vì cái chết mà cuộc sống trở nên có giới hạn và đáng quý. Khi chúng ta bắt đầu suy nghĩ về cái chết thì cuộc sống của chúng ta cũng bắt đầu trở nên có giá trị. Mỗi lần suy nghĩ về cái chết là mỗi lần chúng ta đi trên con đường “Tây du” nho nhỏ của chính mình.
Thân thế của Tôn Ngộ Không
Khi đọc Tây du ký, chúng ta đều biết Tôn Ngộ Không được sinh ra từ một hòn đá tiên. Với một cá tính thoải mái không bị gò bó, với sức mạnh không gì sánh nổi, và một tinh thần phản nghịch, ngang ngược, Tôn Ngộ Không đã khiến không biết bao nhiêu đệ tử sùng bái và tán dương! Mặc dù là người trưởng thành nhưng chúng ta cũng không thể lý giải vì sao mình lại thích Tôn Ngộ Không. Quả thật y đã trở thành một hình tượng nhân vật thần thoại kinh điển nhất Trung Quốc.
Thân thế của Tôn Ngộ Không vẫn luôn là một câu đố khiến mọi người khó lý giải. Tương truyền rằng y chính là sản vật linh thiêng của trời đất, y không chỉ là kẻ không cha không mẹ, mà khi sinh ra y đã biết chạy nhảy. Mỗi ngày con khỉ đó đều ăn cỏ cây hoa lá, uống nước suối, hái hoa trên núi, hái quả trên cây và làm bạn với bầy thú, quây quần với hổ báo, gần gũi với hươu nai, thân thiết với vượn khỉ; đêm thì nghỉ trên vách đá, ngày thì tung tăng trong động, trên núi. Có một hôm, y đã phát hiện ra một hang động ẩn sau một con thác, và từ đó được bầy khỉ tôn làm Mỹ hầu vương.
Theo lời bàn trong sách thì Tôn Ngộ Không là người ở Hoa Quả Sơn thuộc nước Ngao Lai ở Đông Thắng Thần Châu. Thế nhưng, Đông Thắng Thần Châu nằm ở đâu? Phật Giáo cho rằng, trái đất là một quả cầu hình tròn dẹt, vận hành trong hư không. Trong đó, trên bề mặt các vì sao xoay quanh trái đất đều có các sinh mệnh tồn tại, đó được gọi là Tứ đại bộ châu, bao gồm: Đông Thắng Thần Châu, Nam Thiệm Bộ Châu, Tây Ngưu Hạ Châu và Bắc Câu Lô Châu. Nam Thiệm Bộ Châu tức là địa cầu mà chúng ta ở. Trong ba nơi còn lại có sinh mệnh tồn tại thì loài người ở Đông Thắng Thần Châu và Tây Ngưu Hạ Châu có tuổi thọ gấp 2,5 lần tuổi thọ của con người trên địa cầu chúng ta; còn thọ mệnh của con người ở Bắc Câu Lô Châu thì gấp mười lần tuổi thọ của chúng ta. Phật Giáo cho rằng, Tứ đại bộ châu là một tiểu thế giới, còn cái gọi là “đại thiên thế giới” thì tổng cộng có tới 100 tỉ tiểu thiên thế giới, điều đó đủ cho thấy sự rộng lớn của vũ trụ. Tuy nhiên, cho đến nay, con người trên địa cầu của chúng ta vẫn chưa tìm ra được hình tích của ba nơi còn lại mà có con người sinh sống, nhưng tương truyền có một vị cao tăng là Mục Kiền Liên có thể bay khắp Tứ đại bộ châu trong một ngày đêm. Dựa theo truyền thuyết đó thì Tôn Ngộ Không phải là một người ngoài hành tinh.
Còn như núi mà Tôn Ngộ Không được mời đến đó thì có người khảo chứng và nói rằng, đó chính là núi Vân Đài ở Liên vân tỉnh Giang Tô. Cách đây 300 năm trở về trước, bốn bề xung quanh Vân Đài sơn còn là biển cả mênh mông. Cơn địa chấn đầu tiên vào năm Khang Hy thứ bảy (năm 1668) đã khiến cho đường bờ biển dưới Vân Đài sơn nhanh chóng bị dịch chuyển ra hướng bắc tới 14km, lại thêm sự thay đổi của sông Hoàng Hà mà dần dần đã ứ đọng thành lục địa. Hiện nay, ở phía đông Vân Đài sơn vẫn còn nối liền với biển cả, từ góc độ địa lý nhìn nghiêng nó rất giống với nước Ngao Lai được miêu tả trong Tây du ký. Ấy thế nhưng, trong lịch sử của Vân Đài sơn rốt cuộc vẫn không có một nước nào gọi là nước Ngao Lai, mà Tây du ký cũng không phải là một bộ sử địa lý.
Vậy “nước Ngao Lai” có ý nghĩa gì đây Ngao (傲) đồng âm với Ngao (), sách Quảng Nhã phần Thích ngôn có viết: “Ngao, vọng dã”. Nghĩa là ngông cuồng, vô căn cứ. Nói một cách nôm na thì “từ rất xa xưa trở về trước, trong vũ trụ mênh mông, tương truyền có một hành tinh tên là Đông Thắng Thần Châu. Trên hành tinh này có một nước Ngao Lai hư ảo...” Quê hương của Tôn Ngộ Không chính là một nơi huyền ảo hư vô như vậy.
Chính vì vậy mà theo cách nhìn của tôi thì Tây du ký giống với Kinh thánh ở chỗ đó thực ra là một bộ sách sử dụng những câu chuyện thần thoại, ngụ ngôn để giảng giải về đạo lý, dường như không cần thiết phải khảo chứng về tính lịch sử và địa lý trong đó. Giá trị của bộ sách là ở những triết lý nhân sinh được diễn giải trong tác phẩm.
“Hòn đá tiên” kết tinh khát vọng khám phá thế giới
Nhà tâm lý học Carl Gustay Jung - bậc thầy về tâm lý học sau khi nghiên cứu về Tây du ký đã cho rằng, Hoa Quả Sơn tượng trưng cho thân thể của con người, tiên thạch tượng trưng cho bộ óc của con người, thác nước tượng trưng cho dòng ý thức, cái động ẩn trong thác nước tượng trưng cho khởi nguồn của ý thức. Vậy hóa ra, khối “đá tiên” nuôi dưỡng Tôn Ngộ Không Tề Thiên Đại Thánh đó rốt cuộc là bộ óc nằm trên cái cổ của con người chúng ta.
Vì có được bộ óc như vậy mà mỗi đứa trẻ sinh ra đã có ý thức, đã biết ăn biết uống. Mặc dù mỗi người trong chúng ta đều là do cha mẹ sinh ra, và chúng ta cũng sẽ làm cha mẹ, nhưng chúng ta vẫn không thể nào giải thích được hiện tượng cuộc sống như vậy, chúng ta chỉ có thể gọi hiện tượng đó là “bản năng”. Chúng ta không biết “bản năng” rốt cuộc là từ đâu mà đến, nó giống như sự ly kỳ về thân thể của Tôn Ngộ Không.
Khi bộ óc của chúng ta vỡ tung ra giống như khối đá tiên kia thì Tôn Ngộ Không nhảy ra từ trong bộ óc của chúng ta, và tâm chúng ta trong tích tắc cũng yên tĩnh trở lại. Tề Thiên Đại Thánh Tôn Ngộ Không hóa ra chỉ là một chú “tim vượn” như trong câu thành ngữ “tâm viên ý mã” của người Trung Quốc. “Hoa Quả Sơn là phúc địa, động Thủy Liêm là động trời”, kỳ thực ra cũng chính là trái tim của chúng ta. Từ góc độ tâm lý học thì những lời giảng giải trong Tây du ký chính là những lời giảng giải về việc kiềm chế bản thân thông qua ý niệm của một cá nhân để từ đó tìm kiếm chân lý của nhân sinh, nhằm tạo nên sự nghiệp và cuộc sống viên mãn.
Đúng như vậy, mỗi cá nhân chúng ta đều có tiềm - ý thức, nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng được tiềm - ý thức của mình để theo đuổi thành công. Có nhiều người cảm thấy khiếp sợ trước dòng thác chảy ầm ầm, họ đứng ở đó mà không dám tin vào kỳ tích phía sau con thác đó, chính vì thế mà họ không tìm được vườn tâm hồn của chính mình.
Bây giờ, chúng ta hãy học tập Tôn Ngộ Không, thẳng thắn, thành thật đối diện với chính mình, dũng cảm tìm ra cái “động Thủy Liêm” thuộc về cuộc sống của chính mình, giống như Tôn Ngộ Không, làm một Mỹ hầu vương với cá tính thoải mái và đầy sức mạnh. Nếu bạn có thể đối mặt với tâm hồn và khống chế được tình cảm của mình, thì bạn có thể hoàn thành được bất kỳ sự việc nào, và cuối cùng bạn có thể đạt được cuộc sống hạnh phúc mà bạn hằng mong ước.
Sự sống và cái chết
Khi chúng ta bắt đầu khám phá bản thân mình, khi chúng ta tìm được cái “động” của chính mình thì đó cũng là lúc chúng ta tìm được tâm hồn vui vẻ. Khi đó cuộc sống của chúng ta sẽ giống như cuộc sống của con khỉ trong động Thủy Liêm: luôn vui vẻ không ưu tư lo nghĩ. Chỉ khi phát hiện ra một vấn đề nghiêm túc khác bên
ngoài, đó chính là vấn đề của triết học - cái chết thì con người mới trở nên lo lắng. Câu chuyện về Tôn Ngộ Không cũng bắt đầu như vậy. Khi đó y vẫn còn chưa được gọi là Tôn Ngộ Không, y chỉ giống như một đứa trẻ thơ ngây còn ham chơi, còn chưa biết gì về chính mình.
Một hôm, Mỹ hầu vương đang vui vẻ yến tiệc cùng bầy khỉ thì bỗng nhiên y như có điều suy tư, vẻ mặt buồn rầu, nước mắt giàn giụa. Cả bầy khỉ thấy vậy vội vàng hỏi:
- Đại vương có gì mà buồn rầu như vậy?
Hầu vương đáp:
- Bây giờ tuy ta vui vẻ như vậy, nhưng ta lại thấy có điều phải lo lắng, bởi vậy nên trong lòng cảm thấy buồn phiền.
Cả bầy khỉ liền cười nói:
- Đại vương thật chẳng biết thế nào là đủ! Chúng ta ở núi tiên đất phúc này, ngày ngày vui vẻ yến tiệc, ngay đến cả kỳ lân là vua trong loài thú, phượng hoàng là vương của loài chim mà cũng đâu có xá gì với chúng ta. Chúng ta cũng đâu có giống với xã hội loài người kia phải chịu sự bó buộc của pháp luật. Chúng ta tự do như vậy.
Hầu vương lại nói:
- Hôm nay tuy chúng ta sống vui vẻ, tự do tự tại, nhưng còn có Diêm Vương quản lý, chẳng biết đến lúc nào ông ấy sẽ bắt chúng ta đi nữa?
Cả bầy khỉ nghe hầu vương nói như vậy thì con nào con nấy cũng buồn rầu, tất cả đều vì cái vô thường của nhân sinh, vì sợ hãi cái chết mà cảm thấy buồn thương.
Giống với bầy khỉ đó, cái chết cũng khiến cho chúng ta cảm thấy sợ hãi, bởi vì cái chết sẽ khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên ngắn ngủi. Đối mặt trước cái chết thì sinh mệnh trở nên mong manh, yếu đuối làm sao.
Thế nhưng, chính bởi vì cái chết khiến cho cuộc sống trở nên ngắn ngủi nên nó mới làm cho cuộc sống trở nên đáng quý như vậy. Thậm chí chúng ta có thể coi cái gọi là nhân sinh là quá trình từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi. Khi chúng ta bắt đầu nghĩ đến cái chết là cuộc sống của chúng ta cũng bắt đầu trở nên có giá trị. Đối với mỗi lần suy nghĩ về cái chết là mỗi lần chúng ta đi trên con đường nhỏ bé về phía Tây.
Câu chuyện về Tây du ký bắt đầu từ đó.
Câu chuyện về người bộ hành
Trước khi kể về Tây du ký, tôi xin kể về một câu chuyện ngụ ngôn trong Phật thi dụ kinh:
Đó là một buổi chiều hoàng hôn lặng lẽ của mùa thu, trên cánh đồng hoang dã mênh mông, vô tận, có một vị lữ khách lảo đảo bước đi trên đường. Bỗng nhiên, lữ khách phát hiện ra một đường trắng trong bụi cỏ um tùm, từng mảng trắng tản mác lung tung. Cúi xuống nhìn kỹ thì hóa ra đó là xương người.
Vậy số xương đó rốt cuộc là từ đâu mà có? Đang suy nghĩ, bỗng nhiên lữ khách nghe thấy tiếng gầm gừ từ phía trước. Trong chốc lát, một con hổ hung dữ, cuồng bạo lao tới. Trong giây lát, người lữ khách đã hiểu ra nguyên do của số xương đó và lập tức co chân bỏ chạy.
Trong lúc tâm thần hoàng lọan, lữ khách đã đánh mất phương hướng và cuối cùng chạy tới một vách núi cheo leo. Khi ấy, lữ khách đã phát hiện ra một cây thông mọc trên vách núi đó, mà trong túi của ông còn có một đoạn dây thừng, không chút do dự ông liền buộc đoạn dây thừng vào cây thông rồi nhanh chóng men theo đoạn dây mà bò xuống, thoát khỏi nanh vuốt của hổ dữ.
Con hổ dữ đứng trên vách núi gầm rú. Nguy hiểm quá! May mà có cây thông này, may mà mang theo dây thừng, nếu không đã bỏ mạng ở đây rồi. Lữ khách vạn phần vui sướng ôm lấy ngực mình. Ấy thế nhưng khi ông vừa nhìn xuống dưới chân mình thì ông không khỏi mọi lần nữa kêu lên hoảng sợ. Hóa ra, dưới chân ông ta là biển cả mênh mông, sóng gầm dữ dội! Lữ khách giật mình lạnh toát mồ hôi.
Nhưng điều đáng sợ hơn là, ngay chỗ đoạn dây buộc vào cây thông đó có hai con chuột một đen, một trắng đang thi nhau gặm đoạn dây. Lữ khách ra sức lắc lư đoạn dây thừng để đuổi hai con chuột đó đi. Ấy thế nhưng, ông đã tuyệt vọng vì hai con chuột không hề sợ hãi. Trong khi đó, do sự đong đưa của ông mà chạc cây đó đã có hiện tượng sắp gãy.
Lúc này, lữ khách phát hiện ra trước mặt có mấy quả dại chín mọng, ông liền giơ tay hái lấy một quả để ăn. Ô, thật ngọt quá! Trong giây lát, lữ khách đã bị vị ngọt làm cho ngất ngây, thậm chí ông đã quên mất là mình đang ở một nơi rất nguy hiểm. Ông lại giơ tay để hái tiếp quả nữa...
Nhân sinh thế tục
Lữ khách: Câu chuyện về lữ khách thực ra chính là câu chuyện của bạn, bởi vì mỗi người trong chúng ta đều giống như một lữ khách trong cuộc sinh nhai.
Cánh đồng hoang: Tượng trưng cho nhân sinh tối tăm, lặng lẽ của bạn. Mỗi người trong chúng ta từ khi sinh ra đã là một lữ khách bước đi trên đường đời nhân sinh của mình. Là lữ khách thì đương nhiên phải biết mục đích đến của mình. Nếu bạn biết được mình từ đâu đến và phải đi đâu thì cánh đồng hoang sơ, lạnh lẽo, mênh mông trước mắt bạn sẽ lập tức trở thành một nơi phồn hoa đô hội, cảnh sắc tươi đẹp. Thế nhưng, nếu bạn không biết thì bạn sẽ không tìm ra được phương hướng, bạn sẽ nếm trải sự lạnh lẽo, vô tận trong sự tìm kiếm mơ hồ, và bạn giống như một người lữ khách vô tri.
Hoàng hôn của mùa thu: Tượng trưng cho cảm giác hiu quạnh của nhân sinh. Tuy bạn có nhiều người thân thuộc, có gia tộc và bạn bè của mình, nhưng hầu như họ không hiểu được bạn. Trong cuộc sống việc không như ý thì nhiều mà việc tốt thì chẳng có bao nhiêu, để rồi bạn mãi mã không tìm được người bạn tâm giao, bạn không thể nào thổ lộ được tất cả nỗi niềm trong lòng mình. Dù là vợ chồng thì cũng chưa hẳn đã có thể được ý hợp tâm đầu. Nhân sinh cô tịch, chính là sự cô tịch của tâm hồn, bạn giống như người cô đơn bôn ba trên con đường lữ thứ của nhân sinh.
Xương trắng: Là hài cốt của người đã chết. Trên đường nhân sinh bạn sẽ chứng kiến sự ra đi của thân thuộc, gia nhân và bằng hữu. Thỏ chết đi mà đến con hồ ly cũng cảm thấy bi thương, phần xương đó sẽ khiến bạn cảm thấy sợ hãi, bởi vì bạn ý thức được rằng, không biết lúc nào bạn cũng sẽ trở thành một nắm xương.
Hổ dữ: Tượng trưng cho sự uy hiếp của cái chết. Cái chết là điều không thể tránh khỏi, mãi mãi bạn không thể biết được là đến lúc nào bạn sẽ cùng chết với hổ. Nếu bây giờ con hổ hung ác đó lao tới mà vồ lấy bạn thì bạn sẽ phản ứng như thế nào đây? Bạn sẽ dũng cảm tiến lên, ra sức tranh đấu cho đến khi kiệt sức hay là bạn sẽ co chân bỏ chạy?
Vách núi cheo leo: Tượng trưng cho đường cùng không có lối thoát. Nếu phương hướng của bạn không chính xác, thì mỗi con đường mà bạn đi tới sẽ đều gặp vách núi cheo leo.
Cây thông: Tượng trưng cho tiền bạc, tài sản, danh dự và địa vị. Do vậy mà bạn sẽ nỗ lực để nắm giữ lấy nó. Bạn muốn nắm lấy một cành cây to để hy vọng cứu lấy mình.
Dây buộc: Tượng trưng cho thời gian của bạn. Bạn cho rằng mình có thể sống được bao nhiêu thì chiếc dây buộc đó sẽ dài bấy nhiêu. Chính vì vậy, cho dù là 20 năm, 30 năm hay 40 năm thì chiếc dây buộc đó kỳ thực lại chính là chiếc dây trong tưởng tượng của bạn. Bây giờ bạn đem chiếc dây đó để buộc vào chỗ chạc cây Tiền bạc? Tài sản? Danh dự hay là địa vị? có bao giờ bạn nghĩ rằng, cái chạc cây đó sẽ có lúc đột nhiên gãy đi mà gây hại cho bạn không? Bạn càng không có sự cứu trợ thì bạn càng giãy giụa và chính chỗ chạc cây đó là chỗ dễ gãy nhất.
Hai con chuột: Tượng trưng cho thời điểm ngày và đêm. Hai con chuột thay nhau ngày đêm cắn đứt chiếc dây buộc của bạn, để rồi cuối cùng chiếc dây sẽ bị cắn đứt.
Biển sâu: Cho dù là chạc cây gãy hay là chiếc dây đứt thì bạn cũng sẽ bị rơi xuống biển sâu sóng dữ. Rơi xuống biển sâu chính là chết.
Quả dại: Tượng trưng cho dục vọng mê hoặc bạn. Vì tham lam hưởng thụ, thỏa mãn dục vọng của bản thân, thậm chí bạn đã quên cả hoàn cảnh nguy hiểm của mình. Đúng thế, chạc cây và chiếc dây rồi sẽ đứt gãy, trước khi chiếc dây đứt vì chạc cây gãy bạn tự cho rằng hái quả là sự lựa chọn thông minh, trước sau gì rồi cũng chết, vậy sao không kịp thời hưởng lạc đi?
Suy xét từ quả dại: Từ cánh đồng mênh mông đến quả dại chín mọng là sự miêu tả về cảnh sinh hoạt thế tục đầy u tối của chúng ta. Chỉ có điều là liệu chúng ta có nghĩ rằng, chỉ cần mình kịp thời tỉnh ngộ trước khi chỗ chạc cây bị gãy hay chỗ thắt nút bị đứt thì mình có thể tự cứu được mình và vượt qua được cái chết?
Thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử
Khi Mỹ hầu vương đang khóc rưng rức vì nghĩ đến cái chết, thì từ phía sau có một con khỉ nhảy ra, lớn tiếng quát rằng: “Đại vương lo xa như thế, thật đáng là một tấm lòng rộng mở! Được biết trong năm loài ngũ trùng, chỉ có ba bậc danh sắc là không chịu sự quản lý của Diêm Vương”. Năm loại ngũ trùng, đó là: Lân trùng, Mao trùng, Vũ trùng, Giới trùng và Khỏa trùng. Những loại đó lần lượt đại diện cho các loài động vật có sừng, có lông vũ, lông mao, có lớp sừng cho đến những loại có da thịt mà trong đó, con người chính là loại Khỏa trùng.
Diêm Vương, là một cách gọi khác để chỉ về cái chết. Mỹ hầu vương cảm thấy kỳ lạ, ngũ trùng đều phục tùng dưới sự quản hạt của Diêm Vương, thế ba bậc danh sắc nào mà lại có thể vượt qua được sự quản hạt của Diêm Vương vậy? Ba bậc danh sắc đó chính là Phật trong Phật Giáo, Tiên trong Đạo Giáo và Thánh hiền trong Nho Giáo, các ngài ấy đều có sức mạnh thần kỳ để vượt qua cái chết.
Mỹ hầu vương liền hỏi đồng bọn rằng:
- Thế ba vị ấy ở nơi đâu?
Chú khi liền trả lời:
- Ba vị ấy ở trong thế giới Diêm phủ, trong cổ động tiên sơn.
Mỹ hầu vương nghe nói vậy, trong lòng cảm thấy vô cùng hứng khởi và nói:
- Ngày mai ta sẽ từ biệt các người để xuống núi, ta sẽ cưỡi mây đi khắp chân trời góc biển, ta phải tìm được ba vị đó, ta sẽ học cách để được trường sinh bất lão, tránh khỏi cái họa của Diêm Vương.
Sau đó, Tôn Ngộ Không liền chọn lấy một số cành cây buộc thành một cái bè và dùng cái bè đó đi vượt qua biển cả mênh mông, đi tìm thần tích của sự trường sinh bất lão trong truyền thuyết.
Tần Thủy Hoàng và giấc mộng trường sinh bất tử
Trong lịch sử Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng cũng đã từng phái người đi ra biển cả mênh mông để tìm kiếm thần tiên trong truyền thuyết. Theo mệnh lệnh của ông, phương sĩ Từ Phúc đã mang theo 3000 đồng nam, đồng nữ từ Lang Nha - Sơn Đông xuống biển, họ lênh đênh trên biển cả mênh mông mịt mù khói sóng, và rồi từ đó cũng mất tin tức của họ. Có học giả đã chỉ ra rằng Từ Phúc đã vượt biển đến Nhật Bản và ông đã mang theo nền văn minh của Trung Hoa đến xứ sở này. Thiên hoàng Nhật Bản từng nhận Từ Phúc là quốc phụ của Nhật Bản, thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản là Hata Tsutomu (Vũ Điền Tư) cũng tự xem mình là hậu duệ của nhà Tần. Hai chữ Vũ Điền (Hata) trong tiếng Nhật mang ý nghĩa là Tần, đó là một trong những họ thuộc hậu duệ của đoàn người mà Từ Phúc đã dẫn theo.
Chúng ta đều biết rằng, Tần Thủy Hoàng là một vị anh hùng tài ba, thống nhất được cả sáu quốc gia, bình định thiên hạ, kết thúc cục diện chư hầu phân tranh trong suốt gần 500 năm của thời Xuân Thu - Chiến Quốc. Ông đã trở thành vị Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc. Theo lý mà nói, Hoàng đế có được thiên hạ mênh mông giàu có, muốn làm gì thì làm. Vậy thì còn muốn tìm thần tiên làm gì nữa? Câu trả lời thật đơn giản, bởi vì ông không tìm được tiếng nói chung với những người xung quanh.
Tần Thủy Hoàng tuy là một Hoàng đế giàu có, nhưng không có ai hiểu được sự cô độc và nỗi đau đớn của ông. Bởi vì, muốn quản lý được cả một quốc gia rộng lớn như vậy thì ông cần phải xây dựng và bảo vệ quyền uy đủ mạnh, cho nên, chỉ mình ông âm thầm chịu đựng sự cô độc và đau đớn. Ông không có bạn bè, cũng không có ai dám dũng cảm làm bạn với ông.
Trong tình hình của nhiều công ty hiện nay cũng như vậy, do nhu cầu quản lý mà Tổng giám đốc và mỗi nhân viên luôn có một khoảng cách nhất địng cũng vì trong kinh doanh công ty có quá nhiều bí mật nên họ chỉ có thể tự mình nếm trải sự cô tịch cùng những bí mật ấy.
Tình trạng sức khỏe của Tần Thủy Hoàng cũng không tốt. Trong Tần Thủy Hoàng bản ký có ghi lại rằng, Úy Liêu Tử từng dùng “phong chuẩn, trường mục, chỉ điều ưng, sài thanh” để hình dung vẻ đặc trưng tướng mạo của Tần Thủy Hoảng. Cái gọi là “phong chuẩn” chính là chỉ cái sống mũi con ngựa. Trong ngũ quan của con người, cái mũi bị lõm xuống thì tướng mạo đó rất xấu. “Chỉ điếu ưng” thực ra là chỉ cánh tay cong queo, gầy guộc như xương ức con gà. “Sài thanh” là chỉ giọng nói khàn khàn. Qua sự khảo chứng, Quách Mạt Nhược cho rằng khi còn bé, Tần Thủy Hoảng bị mắc chứng bệnh xương quá yếu, vì vậy mà xương cốt phát triển lạ thường, phần sống mũi bị biến dạng nghiêm trọng. Chứng mềm xương còn được gọi là bệnh gù do thiếu một lượng lớn vitamin D, bệnh này rất dễ dẫn đến các chứng bệnh như: viêm phổi, viêm khí quản, Quách Mạt Nhược nghi ngờ rằng Tần Thủy Hoàng bị viêm khí quản nặng, bệnh lâu ngày không khỏi nên dẫn đến giọng nói của ông khàn khàn khó nghe. Vì thế mà dáng vẻ Tần Thủy Hoàng giống như một người tàn tật và ông không thể không suy nghĩ về sự sống, cái chết.
Nhưng còn một vấn đề hay bị bỏ qua, đó chính là việc từ khi triều Tần được thành lập cho đến khi sụp đổ thì chưa bao giờ triều Tần có được một cục diện chính trị ổn định. Trên danh nghĩa thì triều Tần đã thống nhất cả thiên hạ, nhưng trong xã hội vẫn luôn xảy ra tình trạng hỗn loạn.
Tuy phải chịu đựng sự dày vò đau đớn của bệnh tật và các áp lực chính trị như vậy nhưng Tần Thủy Hoàng không cam tâm, một mặt ông vừa cầu tiến phóng đạo, mặt khác lại dùng thủ đoạn cứng rắn để trấn áp các cuộc bạo động chống Tần ở các địa phương. Ông không tin người khác có thể giúp ổn định được triều Tần trong cơn hỗn loạn, ông càng không muốn giao phó triều Tần cho đời sau. Ông rất hy vọng một vị thần tiên có thể cho ông một thân thể khỏe mạnh và một thời gian đủ lâu để ông tạo nên cảnh thái bình, thịnh trị cho triều Tần.
Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra tượng binh mã trong mộ Tần Thủy Hoàng cách đây 2200 năm, trong số có 13 đôi chim hạc đồng, đã chứng minh được hai đôi là hạc tiên. Mà hạc là một loài chim cát tường trong truyền thống của người Trung Quốc. Trong văn hóa cổ đại có hình ảnh tiên hạc cưỡi mây bay lên trời, hình ảnh tiên hạc tượng trưng cho sự trường thọ. Các chuyên gia trong Bảo tàng lăng mộ Tần Thủy Hoàng đã cho rằng, những điêu khắc chim hạc trên đồng đó đã phản ánh mối tâm tình day dứt về thần tiên trong lòng Tần Thủy Hoàng.
Láng giềng của thần tiên
Mỹ hầu vương có vận khí tốt hơn so với Tần Thủy Hoàng, sau khi trải qua trăm ngàn cay đắng thì y đã gặp được một tiều phu. Mỹ hầu vương đã xem người tiều phu đó như thần tiên. Khi đó người tiều phu vừa hái củi vừa ca hát, ông ca rằng:
“Quan kỳ kha lạn
Phạt mộc đinh đinh
Vân biên cốc khẩu tử hành
Mại tân cổ tửu
Cuồng tiếu tự đào tình
Thương kính thu cao
Nguyệt đối châm tùng căn
Nhất giác thiên minh
Nhận cựu lâm
Đăng nhai quá lĩnh
Tri phủ đoạn khô đẳng
Thu lai thành nhất đám
Hành ca thị thướng
Dịch mễ tam thăng
Cánh vô ta tử tranh cạnh
Thời giá bình binh
Bất hội cơ mưu xáo toán
Một vinh nhục
Điềm đạm diên sinh
Tương phùng xứ
Phi tiên tức đạo
Tĩnh tọa giảng Hoàng Đình”.
(Mải xem đánh cờ đến khi mục cả cán rìu
Tiếng chặt vui nghe đinh đinh
Bên hang núi mây chầm chậm bay qua
Bán củi mua rượu
Cười vang tự vui sướng
Trời mùa thu trong xanh
Gối đầu trên gốc cây tùng đối diện với ánh trăng
Ngủ một giấc đến tận ngày mai.
Vẫn là rừng cũ
Trèo lên vách núi, qua những ngọn núi
Cầm rìu chặt đứt dây khô
Bó củi được một gánh
Vừa đi vừa ca hát xuống phố
Đổi được vài thùng gạo
Chẳng so đo tính toán
Giá cả vẫn bình thường
Không cơ hội mưu toan tính toán
Nên chẳng vinh nhục
Cứ điềm đạm mãi với cuộc sống
Gặp nhau nơi đây
Chẳng phải tiên thì là đạo
Ngồi lặng đọc Hoàng Đình)
“Quan kỳ kha lạn” có xuất xứ từ sách Thuật dị ký của Lương Nhậm. Tương truyền rằng có một chàng tiều phu tên tà Vương Chất, chàng ta vào núi hái củi, khi ở trên núi, chàng ta gặp hai cậu bé đang ngồi đánh cờ, chàng ta liền đứng bên để xem. Khi ván cờ kết thúc, hai cậu bé cười hỏi Vương Chất rằng:
Sao anh vẫn còn chưa đi đi?
Vương Chất giật mình, ngoái đầu lại tìm cây rìu, chẳng ngờ cán gỗ của cây rìu đã mục nát hết cả. Hai cậu bé nói cho Vương Chất biết rằng thời gian một ván cờ ở đây bằng thời gian 100 năm ở thế gian, như thế lẽ nào mà cán rìu không mục nát chứ? Vương Chất nữa tin nữa ngờ trở về nhà, về đến quê hương thì cha mẹ và bạn bè xóm giềng đều đã qua đời cả rồi. Vương Chất bùi ngùi xúc động, trong nỗi sầu buồn đó chàng đã ngộ ra nhiều đạo lý của việc làm người và sau này chàng đã trở thành một vị thần tiên ở nhân gian.
Ấy thế nhưng, vị tiều phu mà Mỹ hầu vương gặp ở đây lại không trở thành thần tiên giống như Vương Chất, mà người này chỉ là xóm giềng của thần tiên thôi. Xóm giềng của thần tiên đương nhiên phải là người phàm, thật đúng là điều để cho người ta phải suy nghĩ. Vị tiều phu giải thích rằng:
“Cả đời tôi vất vả, hàng ngày tôi đều phải lăn lộn vì miếng cơm manh áo, tôi còn phải phụng dưỡng mẹ già, tôi đâu biết cách tu hành làm thần tiên. Bài hát mà tôi mới hát đó là thần tiên dạy cho tôi để tôi hát cho khuây khỏa ấy mà.”
Thử nghĩ mà xem, liệu bạn có phải là chàng tiều phu đó không? Cho dù bạn cũng là xóm giềng của thần tiên, cho dù bạn biết nhiều đạo lý của việc làm người, nhưng thần tiên vẫn cứ là thần tiên, còn bạn vẫn cứ là bạn. Người khác có thể dựa vào những đạo lý đó mà tu thân dưỡng tính làm thần tiên, còn bạn lại chỉ có thể dùng những đạo lý đó mà giải buồn cho khuây khỏa sao?
Qua sự chỉ dẫn của tiều phu, Mỹ hầu vương đã tìm được núi Linh Đài Phương Thốn. Linh Đài là trái tim, mà Phương Thốn cũng là trái tim. Mỹ hầu vương đi tìm khắp trăm núi nghìn sông, hóa ra thần tiên chính là ở trong tâm mình. Trong cuộc sống xã hội của chúng ta cũng có nhiều người như vậy, cả một đời chỉ trông chờ quý nhân giúp đỡ, họ đâu có biết rằng chỉ có bản thân mình mới là quý nhân của chính mình.
Vậy chúng ta cùng đi theo Mỹ hầu vương, cùng nhau bước vào thế giới tâm linh vừa quen thuộc mà lại vừa lạ lẫm để học lấy pháp thuật thần bí để siêu vượt khỏi cái chết.
( Source : TÂY DU @ KÝ - TG : Thành Quân Ức - DG : Hoàng Ngọc Cương - Lê Thị Hương )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét