Thiền sư Ô Sào truyền tâm kinh |
Tác dụng của Tâm kinh là ở chỗ, mặc dù không thể thay đổi được ngọn núi đang tồn tại, nhưng chúng ta có thể dùng một tâm thái khác để vượt qua núi cao.
Phản ứng độ cao của Trư Bát Giới
Từ khi có thêm một thành viên mới, tinh thần của thầy trò Đường Tăng có nhiều thay đổi. Trư Bát Giới là người sôi nổi, không lúc nào hết chuyện, bản thân Bát Giới cũng là một người có tướng mạo khôi hài, bụng to tai lớn. Trên đường đi Bát Giới nói nhiều lời vui vẻ gây cười. Mấy thầy trò cứ vui vẻ nói cười như vậy khoảng chừng một tháng, cho đến một hôm gặp phải một ngọn núi cao.
Tại sao vừa mới đi đường yên ổn được một tháng mà lại gặp núi cao rồi? Đó là bởi vì, mỗi một thành viên mới sau khi tham gia vào tập thể thì đều xuất hiện một loại phản ứng trong tâm lý giống nhau. Trong tổ chức hành vi, loại phản ứng đó còn được gọi là phản ứng “cơn sốc văn hóa”. Để giải thích chúng ta xem xét ba nguyên nhân như sau:
1. Môi trường văn hóa trong tập thể mới sẽ khiến bản thân nhân viên mới tìm thấy sự khác biệt tạo ra sự mất ổn định về tình cảm, vì thế mà xuất hiện phản ứng.
2. Sự mâu thuẫn và xung đột trong quan niệm về giá trị. Một số quan niệm giá trị trong văn hóa tập thể mới không hài hòa hoặc mâu thuẫn với quan niệm giá trị của cá nhân, vì vậy mà xuất hiện phản ứng.
3. Do sự khác nhau về thói quen sinh hoạt, phương thức sinh hoạt trong văn hóa tập thể sẽ khiến cho nhân viên mới không kịp thích ứng, vì vậy mà xuất hiện phản ứng.
Không chỉ nhân viên mới có phản ứng, mà bất kỳ ai khi bước vào môi trường công tác, học tập hay sinh hoạt mới lạ thi đều có những phản ứng ở các mức độ khác nhau. Ví dụ như trong công ty xuyên quốc gia, giám đốc từ nước khác phải đến sẽ xuất hiện phản ứng đối với môi trường công tác tại nước sở tại. Xét từ góc độ này, do sự thay đổi liên tục của hoàn cảnh nên mỗi thành viên trong tập thể đều có khả năng nảy sinh phản ứng ở những mức độ khác nhau.
Bốn giai đoạn của phản ứng độ cao
Phản ứng choáng váng là một việc rất đáng coi trọng. Đối với cá nhân, phản ứng độ cao mang ý nghĩa báo hiệu nghề nghiệp, cuộc sống của mình tiềm ẩn nguy cơ. Đối với tập thể, thì nó chỉ sự nguy hiểm và tổn hại lớn về nhân sự, kinh tế và thời gian. Trong tình huống thông thường thì phản ứng sẽ trải qua bốn giai đoạn như sau:
1. Giai đoạn “tuần trăng mật” : Đây là giai đoạn khi mọi người mới đến, do có cảm giác mới mẻ và phần đầu nên nó sẽ tạo ra tình cảm tốt đẹp.
2. Giai đoạn chán nản: Sau thời kỳ “tuần trăng mật”, do sự khác biệt về thói quen sinh hoạt, phương thức sinh hoạt, do mâu thuẫn và xung đột về quan niệm giá trị, nên cảm giác hưng phấn sẽ dần dần chuyển thành cảm giác thất vọng, buồn phiền và lo lắng. Nói chung giai đoạn này sẽ kéo dài liên tục trong khoảng thời gian từ vài tuần đến một tháng. Trong thời gian này, có thể mọi người sẽ có những biểu hiện như sau: Một là, xung đột đối với nhân viên, tập thể hoặc chuyên môn mới. Hai là cảm giác buồn chán muốn né tránh, tập thể hay công việc chuyên môn của mình. Trong tình hình nghiêm trọng, có những người ra đi do áp lực quá lớn.
3. Giai đoạn khôi phục và điều chỉnh: Sau khi trải qua giai đoạn chán nản buồn phiền thì nhân viên mới sẽ bình tĩnh trở lại, họ sẽ tự đi tìm lời giải đáp những nỗi băn khoăn, và tự tìm biện pháp để giải quyết xung đột. Do vậy, họ sẽ tiếp xúc nhiều hơn và gây dựng tình hữu nghị với những nhân viên cũ. Họ hiểu những nguyên nhân dẫn đến xung đột trong văn hóa không chỉ do khuyết điểm mà còn do cả ưu điểm. Cảm giác hỗn loạn, chán nản, cô độc, thất vọng ban đầu trong tâm lý họ suy giảm đi, và họ sẽ dần dần thích ứng với môi trường văn hóa mới.
4. Giai đoạn thích ứng: Trong giai đoạn này, cảm giác chán nản, buồn phiền và lo lắng của nhân viên mới sẽ dần tan biến đi và về cơ bản họ sẽ thích ứng với môi trường văn hóa mới, thích ứng với tập thể và hành vi thói quen của khu vực mà bản thân họ chuyên trách, họ sẽ có những ứng xử hài hòa với mọi người.
Truyền thụ Tâm kinh
Bây giờ, Đường Tăng đã ý thức được rằng, cần phải tìm cách để gạt bỏ những ảnh hưởng tiêu cực do phản ứng choáng váng gây nên đối với cuộc sống nghề nghiệp của cá nhân và tập thể. Ông ghìm dây cương lại và dặn dò hai đồ đệ của mình rằng:
- Các con hãy xem, ngọn núi phía trước cao như vậy, dù sao các con cũng phải cẩn thận đấy!
Trư Bát Giới nói:
- Núi này gọi là núi Phật, trong núi có Thiền sư Ô Sào. Ông ấy từng khuyên con theo ông ấy tu hành, nhưng con chưa bao giờ theo ông ấy.
Đường Tăng liền ngẩng mặt nhìn về phía trước, quả nhiên ông nhìn thấy ổ cỏ lớn trên cây. Trư Bát Giới bèn chỉ vào ổ cỏ đó mà nói:
- Đó chẳng phải là chỗ của Thiền sư Ô Sào ở hay sao?
Đường Tăng thúc ngựa tiến lên phía ổ cỏ đó. Vị thiền sư thấy có người đến bèn rời khỏi tổ, xuống đất.
Đường Tăng xuống ngựa rồi tiến đến phía Thiền sư cúi đầu lạy tạ, ông nói:
- Bần tăng tới chùa Đại Lôi Âm Ở Tây Thiên để lấy Kinh, xin hỏi thiền sư, từ đây tới đó còn bao xa?
Thiền sư vội vàng đỡ Đường Tăng dậy và nói:
- Xin Thánh tăng hãy đứng dậy. Đường đi Tây Thiên lấy Kinh còn xa lắm, trên đường có nhiều hổ báo xuất hiện, muốn được thuận lợi tới chùa Đại Lôi Âm chỉ e là khó lắm.
Đường tăng càng thêm lo lắng, ông hỏi rốt cuộc là xa như thế nào. Thiền sư cười mà nói:
- Đường tuy xa, nhưng cuối cùng sẽ có ngày đến được. Có điều trên suốt chặng đường này các ngài sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thử thách. Tôi có một bộ Tâm kinh, nếu gặp cảnh ngộ khó khăn không biết phải xử trí thế nào chỉ cần niệm kinh này thì tự nhiên sẽ không còn phản ứng choáng váng nữa.
Đường Tăng thành kính cúi đầu bái lạy, vị thiền sư bèn truyền thụ Tâm kinh cho Đường Tăng.
Sau khi đã truyền thụ kinh văn cho Đường Tăng. Thiền sư Ô Sào định cưỡi mây bay đi, nhưng Đường Tăng lại níu ông lại. Tại sao lại như vậy? Bởi vì trong nhất thời không thể lãnh ngộ được Tâm kinh cho nên Đường Tăng vẫn cảm thấy trong lòng lo sợ không yên, nhất định ông phải hỏi cho rõ sự tình. Vị Thiền sư Ô Sào chỉ cười và đọc một bài thơ:
Đường đi chẳng khó đi
Hãy nghe ta dặn dò
Nghìn núi nghìn sông sâu
Nhiều quỷ nhiều ma đâu
Nếu gặp núi cheo leo
Yên lòng đừng sợ hãi
Đường đi bám mép đá
Sườn nghiêng chân bám bước
Cẩn thận chốn rừng sâu
Nhiều yêu ma chặn đường
Yêu tinh đầy thành quốc
Ma quái khắp núi cao
Hổ dữ phục nhà son
Sói ác làm chủ bộ
Sư tử nhiều xưng vương
Hổ báo đều làm oai.
Lợn rừng xoi từng bước
Thủy quái chặn bước tiến
Con khỉ đá bao năm
Ôm nỗi hận trong lòng
Ngài cứ hỏi sẽ rõ
Y biết đường Tây Thiên
Về cơ bản, 81 kiếp nạn trong Tây du ký được diễn dịch dựa vào bài thơ dự đoán này. Khi Đường Tăng vẫn còn chưa hiểu thâm ý của bài thơ thì Thiền sư Ô Sào đã hóa thành một luồng ánh sáng mà biến mất. Tôn Ngộ Không thấy vậy thì đùng đùng nổi giận, y giơ gậy Như Ý chọc thẳng vào ổ chim của Thiền sư. Nhưng chỉ thấy muôn đóa sen nở, mây hồng nghìn lớp. Tôn Ngộ Không muốn lật cái tổ chim đó ra, đâu ngờ lại kéo ra một cái dây.
Tại sao Tôn Ngộ Không lại nổi giận như vậy? Bởi vì Thiền sư Ô Sào cho rằng, những khó khăn mà mình gặp phải đều là do tâm thái của mình tạo ra, đó gọi là “tâm sinh thì nghìn ma sinh ; tâm diệt thì muôn ma diệt”. Mà khuyết điểm trong tính cách của Tôn Ngộ Không là tầm nhìn thiển cận, thiếu lòng nhẫn nại, quân phiệt, không biết cách đối xử thân thiện với người, vì vậy cho nên những vấn đề của loại tính cách này cũng là một nhân tố gây nên muôn vàn khó khăn trên suốt cả chặng đường. Vì thế Tôn Ngộ Không thấy Thiền sư Ô Sào phê bình y như vậy thì trong lòng rất căm tức.
Đường Tăng thấy Tôn Ngộ Không tỏ vẻ tức giận thì lại tỏ ra thắc mắc:
- Ngộ Không. Bồ Tát ở đó, sao con lại phá tổ của Người vậy?
Tôn Ngộ Không nói: Ông ta chửi hai huynh đệ con.
Đường Tăng nói:
- Thiền sư nói về tình hình đường đi Tây Thiên, ông ấy có chửi con đâu?
Tôn Ngộ Không nói:
- Thầy đâu có hiểu được ý ông ấy. Ông ấy nói lợn rừng là chửi Trư Bát Giới, nói con khỉ bao năm là chửi lão tôn đấy.
Trư Bát Giới nói:
- Sư huynh đừng giận nữa. Vị thiền sư đó hẳn cũng đã hiểu được việc sau này, nhưng còn phải xem câu “thủy quái chặn đầu” có đúng hay không nữa.
Họ còn chưa biết những gì xảy ra trước mắt, thủy quái mà họ gặp phải phía trước chính là Sa Tăng mà sau này sẽ trở thành một thành viên trong đoàn đi lấy Kinh.
Nguồn gốc của Tâm kinh
Liên quan đến nguồn gốc của Tâm kinh giới Phật Giáo đã cho rằng, Đường Tăng chính là Pháp sư Huyền Trang, khi nghiên cứu kinh sách, ông đã tỏ ra băn khoăn với những nội dung trong kinh, nên ông lại muốn đến Ấn Độ lấy Kinh, về sau khi qua Thành Đô - Tứ Xuyên, ông có gặp một vị hòa thượng, lão hòa thượng đó bị cùi loét khắp người nên không ai dám đến gần, duy chỉ có Pháp sư Huyền Trang tuổi còn trẻ đã đồng cảm, thương xót mà hầu hạ lão hòa thượng đó. Huyền Trang đã tắm rửa, lau chùi, sắc thuốc cho lão hòa thượng. Sau này, bệnh của lão hòa thượng khỏi, vì cảm cái ơn chăm sóc của Huyền Trang mà ông đã tận tâm Khẩu truyền những bài kinh cho Huyền Trang. Những bài kinh đó chính là bộ Tâm kinh, bộ kinh này tổng cộng có 260 chữ, chỉ niệm một lần mà Pháp sư Huyền Trang đã ghi nhớ sâu sắc, sau này chính ông đã dịch bộ kinh đó. Hiện nay bản dịch đó là bộ Tâm kinh được lưu truyền rộng rãi nhất trong giáo giới.
Sau này, Pháp sư Huyền Trang trên đường đi lấy Kinh đã đi qua sa mạc mênh mông, trên trời không có chim bay, dưới đất chẳng có thú chạy, lại không có người sinh sống, duy chỉ có nhiều yêu ma quỷ quái. Trong tình thế muôn phần nguy hiểm như vậy, chỉ cần Pháp sư Huyền Trang tụng niệm Tâm kinh thì tà ma quỷ quái lập tức biến mất. Dựa vào công đức thần lực của Tâm kinh ông đã đến được Ấn Độ để lấy Kinh. Sau 15 năm ông trở về Trung Nguyên[14], trở thành quốc sư và chuyên tâm phiên dịch kinh điển Phật Giáo. Câu chuyện Thiền sư Ô Sào truyền thụ Tâm kinh cho Đường Tăng trong Tây du kỳ chính là có nguồn gốc như vậy. Có thể câu chuyện đó lấy Thiền sư Ô Sào làm nguyên mẫu chăng?
Có người nói rằng, bộ Kinh Kim cương 5000 chữ là sự kết tinh của 600 quyển kinh Đại Bát nhã, bộ Tâm kinh 260 chữ là sự kết tinh của bộ Kinh Kim cương 5000 chữ. Vì vậy cho nên, ý nghĩa bao hàm trong bộ Tâm kinh thực là vô cùng rộng lớn. Ở Trung Quốc có khoảng 18 bản dịch bộ Tâm kinh, trong đó bản dịch của Pháp sư Huyền Trang là bản ngắn gọn, rõ ràng nhất. Còn như việc chú sở Tâm kinh thì từ xưa đến nay có khoảng hơn 100 nhà chú sở, điều đó cho thấy sự thịnh hành của việc truyền tụng và nghiên cứu Tâm kinh là như thế nào.
Bản Tâm kinh bạch thoại
Sở dĩ có nhiều bản dịch và chủ Tâm kinh như vậy là do đây là một bộ Kinh Phật rất khó hiểu, mỗi người dịch và chú giải lại đưa ra những cách cảm nhận khác nhau. Vấn đề bây giờ của chúng ta là làm thế nào để hiểu được bộ Tâm kinh. Cách làm đơn giản nhất chính là cách của tác giả Ngô Thừa Ân trong Tây du ký: Hãy để cho độc giả tự mình lãnh ngộ. Hoặc là có thể trực tiếp dẫn dụng chú sở của một vị cao tăng nào đó. Ấy thế nhưng, tôi phát hiện ra hai biện pháp này đều không thích hợp, bởi vì tiếng Phạn và các thuật ngữ tôn giáo trong tác phẩm vẫn khiến độc giả khó hiểu. Biện pháp tốt nhất là hãy thử một lần làm một bản chú sở hoàn toàn thông tục, hoàn toàn bạch thoại.
Điều đáng được chú ý là, trong Phật Giáo có thịnh hành “ngũ bất phiên” nghĩa là năm điều không phiên dịch, đó là: Lời bí mật không phiên dịch (như đại minh chú “ma, ni, bát, mị”) từ đa nghĩa không phiên dịch (như “La Hán”); từ đã dịch âm thì không phiên dịch (như “Ba la mật đa”); không phiên dịch từ không tìm được từ tương xứng trong Hán ngữ; không phiên dịch những từ gây hiểu nhầm, ngộ giải. Chính vì vậy, dịch hoàn toàn bản Tâm kinh ra ngôn ngữ đời thường không chỉ là vấn đề khó, mà còn trái lệ.
Thế nhưng, tôi lại nghĩ, Phật Tổ “bụng lớn chứa nhiều, chứa cả những việc khó chứa trong thiên hạ; khuôn mặt hiền từ thường cười, cười những người đáng cười trong thể gian” mặc dù sự mạnh dạn phá lệ của tôi có muôn điều không phải, nhưng Phật Tổ cũng nghĩ tôi có cái tâm của đứa trẻ nhỏ nên sẽ lấy gương mặt hiền từ mà thay cho cái cười chăng? Bởi vậy, tôi mạnh dạn phiên dịch một đoạn trong bộ Tâm kinh như sau để các quý vị độc giả tham khảo:
Quán tự tại Bồ Tát,
Hành thâm Bát nhã ba la mặt đa thời,
Chiều kiến ngũ uẩn giai không,
Độ nhất thiết khổ ách.
Quán tự tại Bồ Tát chính là Quan Thế Âm Bồ Tát. Bát nhã, tức là như trí tuệ được nói tới trong Hán ngữ. Ba la mặt đa là chỉ bờ bên kia, chỉ mục tiêu cuối cùng của nhân sinh, tức là chân lý của nhân sinh.
Ngũ uẩn, tức là sắc uẩn, thụ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn, đó cũng chính là tổng hòa những vật chất ở thế gian với hiện tượng sinh mệnh. Mà trong đó, sắc uẩn là chỉ hình thái vật chất được nhận thức thông qua thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác, bao gồm cả thể lỏng, thể khí, thể rắn, ánh sáng, nhiệt độ cho đến cả các loại mùi vị. Thụ uẩn, là chỉ tiếp xúc với các loại hình thái vật chất ở thế giới bên ngoài mà sinh ra các loại cảm nhận tâm lý, như đắng chua ngọt bùi. Tưởng uẩn, là chỉ các loại phản ứng tình cảm sinh ra do sự cảm nhận về tâm lý, như thiện ác ghét yêu. Hành uẩn, là do sự cảm nhận tâm lý và phản ứng tình cảm mà có sự lựa chọn phương thức hành vi. Phật Giáo đem những hành vi đó phân ra làm thiện nghiệp và ác nghiệp. Thức uẩn, là hoạt động của ý niệm hay ý thức của con người được sinh ra đối với hình thái vật chất, sự cảm nhận tâm lý, phản ứng tình cảm và phương thức hành vi. Chính vì vậy, cái gọi là ngũ uẩn chính là chỉ thân thể của chúng ta có đầy đủ tác dụng tinh thần.
Đại ý của câu kinh văn này là: Khi Quan Thế Âm Bồ Tát thâm nhập tìm hiểu mục tiêu cuối cùng của nhân sinh thì ngài đã thông qua cuộc sống thế tục phức tạp, nhìn rõ ý nghĩa chân thực của sinh mệnh, vì vậy mà đã siêu thoát khỏi tất cả khổ nạn và tai ách.
Vì vậy cho nên, chủ đề củaTâm kinh chính là khuyên mọi người: Hãy đi nào! Đi nào! Để chúng ta cùng nhau theo đuổi chân lý của nhân sinh!Hy vọng mỗi người trong chúng ta đều sớm đợi được thành tựu trong nhân sinh của mình.
Núi cao ở phía trước
Lại nói đến Đường Tăng vừa đi vừa tụng niệm Tâm kinh. Trong chốc lát, ngài đã triệt ngộ ra đại nghĩa của Tâm kinh.
Hôm đó, ba thầy trò đi qua một vùng thôn quê. Thấy mặt trời cũng sắp xuống núi, ba thầy trò bèn quyết định tá túc lại ở thôn gần đó. Đường Tăng xuống ngựa, ông chống gậy tích trượng tiến về một gia đình ở phía trước, đến nơi chỉ thấy một cụ già đang nằm trên chõng, miệng cụ đang lẩm bẩm tụng niệm Kinh Phật. Đường Tăng bèn tiến đến hành lễ, ông nói:
- Thưa thí chủ, bần tăng trên đường đến chùa Lôi Âm ở Tây Thiên để lấy Kinh, vừa qua nơi này, trời đã xế chiều, xin thí chủ cho thầy trò chúng tôi tá túc ở đây một đêm.
Cụ già đó lẩm bẩm rồi ngồi dậy, vừa chỉnh lại áo quần, vừa lắc đầu nói:
- Tá túc một đêm đương nhiên không thành vấn đề, chỉ có điều đi Tây Thiên thì không nên. Sáng sớm ngày mai, các vị hãy quay về đi!
Đường Tăng hỏi vẻ thắc mắc:
- Tại sao lại phải quay về, thưa cụ! Ông cụ giải thích rằng:
Lấy Kinh không phải là việc khó, cái khó là đường đi núi sông hiểm trở, gian nan nguy hiểm. Từ đây đi Tây Thiên có lẽ phải xa tới 30 dặm, hơn nữa trên đường đi còn gặp một ngọn núi cao, đó là ngọn Hoàng Phong cao 800 dặm, trên núi có nhiều yêu quái. Muốn qua được ngọn núi này khó lắm!
Hóa ra, Tâm kinh hoàn toàn không thể biến hang hốc núi non thành đường bằng phẳng, hoàn toàn không thể thay đổi cửa ải hiểm yếu thành thuận lợi. Vậy thì, bộ Tâm kinh được hàng trăm nghìn vạn tín đồ Phật Giáo xem là báu vật này rốt cuộc có công dụng gì đây? Đường Tăng hiểu rõ yếu nghĩa của Tâm kinh nên đã biết, không có núi nào cao hơn người, không có đường nào xa hơn chân, bí quyết để trèo đèo lội suối là “chỉ cần hạ quyết tâm thì sẽ vượt mọi gian khổ”. Khó khăn đã bày ra trước mắt, biện pháp duy nhất là tìm cách loại bỏ nỗi sợ hãi, tiến lên giải quyết khó khăn.
Nói cách khác, núi cao hoàn toàn không đáng sợ, mà không thể kiểm soát được phản ứng choáng váng của mình mới là điều đáng sợ. Tác dụng của Tâm kinh là ở chỗ, mặc dù chúng ta không thể thay đổi được núi cao, nhưng chắc chắn chúng ta có thể dùng một tâm thái khác để vượt qua núi cao.
( Source : TÂY DU @ KÝ - TG : Thành Quân Ức - DG : Hoàng Ngọc Cương - Lê Thị Hương )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét