Áo cà sa của Đường Tăng |
Ở thế gian này, người ta có thể tiêu diệt những lời gian dối, cũng có thể tiêu diệt sự tàn nhẫn, nhưng lại không thể tiêu diệt được sự đố kỵ ganh ghét. Nếu có một ngày mà sự đố kỵ ganh ghét không ngăn nổi thì tốt nhất là bạn nên kỳ vọng vào Quan Thế Âm Bồ Tát và tụng niệm thật nhiều câu thần chú “vòng kim cô”.
“Làm hòa thượng một ngày phải gõ chuông một ngày”
Kể từ khi Đường Tăng có được Tôn Ngộ Không, con đường đi lấy Kinh cũng có nhiều thay đổi. Tính cách của Tôn Ngộ Không là giải quyết vấn đề phải nhanh chóng, y đạp bằng mọi chông gai, dẹp tan mọi cơn sóng gầm gió dữ. Mọi việc dường như đang rất thuận lợi.
Mùa xuân đã về khắp muốn nơi, hai thầy trò vừa đi vừa thưởng ngoạn sắc xuân mà niềm vui thấy lâng lâng khó tả. Khi mặt trời khuất bóng. Đường Tăng ghìm dây cương ngựa và nhìn thấy thấp thoáng đàng xa bóng của một tòa lâu đài. Hai thầy trò bàn bạc rồi quyết định vào đó xin tá túc qua đêm.
Đường Tăng thúc ngựa đi tới, Tôn Ngộ Không cũng sợ rớt lại sau nên vội vàng rảo bước. Đến cửa núi chỉ thấy trên điện viết bốn chữ lớn là Thiền viện Quan Âm. Đường Tăng vui mừng nói: “Đệ tử bao lần cảm ân thánh của Bồ Tát, vậy nay đồ đệ xin được khấu đầu tạ lễ. Nay vào thiền viện như được gặp Bồ Tát, vậy nay đồ đệ xin được khấu đầu lạy tạ.”
Hòa thượng trong Thiền viện mở cửa điện mời Đường Tăng vào. Đường Tăng chỉnh lại y phục, ngẩng tưởng tượng Quan Âm Bồ Tát mà khấu đầu lạy tạ.
Khi Đường Tăng khấu đầu lạy tạ tượng Quan Âm Bồ Tát thì Tôn Ngộ Không đi đánh chuông. Đường Tăng đã bái tạ đại lễ xong nhưng Tôn Ngộ Không thì vẫn đánh chuông ngân vang. Người trong chùa thấy vậy liền hỏi y:
- Sao Đường Tăng khấu đầu đại lễ đã xong mà ngài còn đánh chuông nữa?
Tôn Ngộ Không liền bỏ chiếc dùi xuống rồi cười mà giải thích rằng:
- Làm sao mà ngươi hiểu được, đấy là ta “làm hòa thượng một ngày đánh chuông một ngày” đấy!
Có nhiều độc giả không chú ý đến câu nói này của Tôn Ngộ Không, mà chỉ nghĩ đó là một câu nói đùa. Thực ra, trong Tây du ký, từng việc, từng hồi, từng câu, từng chữ đều có ý nghĩa, cái gọi là chân nhân là lời chẳng nói sương mà là tu hành thành ý, lưu tâm đến từng câu, thì mới có thể hiểu được diệu lý chân thực.
Vậy, tại sao Tôn Ngộ Không nói mình “làm hòa thượng một ngày đánh chuông một ngày”? Có lẽ trong câu nói này đã bao hàm ba tầng ý nghĩa: Thứ nhất, Tôn Ngộ Không đã là một con khỉ thì hắn sẽ ngang bướng mà đánh chuông loạn xạ, hay nói cách khác rằng ngang bướng là bản tính của y rồi; Thứ hai, từ trước tới nay y ngang tàng đã quen, lên trời xuống đất y không hề bị ràng buộc bởi điều gì, còn bây giờ y lại phải đội lên đầu một chiếc vòng kim cô, mỗi ngày ngoài việc đi và đi trong sự buồn chán thì khó tránh tâm trạng oán hận; thứ ba, bản tính của Tôn Ngộ Không chính là một loại hình tính cách của sức mạnh, mà đặc điểm của loại hình tính cách này là thích “làm hòa thượng một ngày đánh chuông một ngày.”
Đặc điểm tính cách của Tôn Ngộ Không
Tôn Ngộ Không “làm hòa thượng một ngày đánh chuông một ngày” hắn không thể là người không có trách nhiệm, ngược lại phải là người có cái tâm trách nhiệm rất cao. Với y, đã làm hòa thượng thì phải đánh chuông, không đánh không được. Đặc điểm nổi trội của những người thuộc loại hình tính cách mạnh mẽ này là họ rất coi trọng hiệu quả thực tế, họ có một yêu cầu tối thiểu đối với bản thân mình, và họ luôn xem đó là vinh dự. Trong cuộc sống, mỗi ngày họ đều có mục tiêu rõ ràng và luôn theo đuổi mục tiêu đó. Họ rất chú ý đến công việc họ làm, đồng thời luôn đặt ra mục tiêu thiết thực mà bản thân có thể làm được, và sau đó họ luôn nỗ lực để đạt được tiêu chuẩn này - Đó là toàn bộ nội dung trong cuộc sống của họ.
Giống như Tôn Ngộ Không, những người thuộc loại hình tính cách này sẽ không bỏ cuộc nếu chưa đạt được mục đích. Những người thuộc loại hình tính cách cầu toàn thì suy nghĩ, người thuộc loại hình tính cách sôi nỗi thì nói, người thuộc loại hình tính cách ôn hòa quan sát, chỉ có người thuộc loại hình tính cách mạnh mẽ mới làm việc một cách thực tế. Có những khi, biện pháp làm việc mà họ lựa chọn không được thỏa đáng, nhưng họ muốn thực tế bản thân phải làm được một số công việc thì mới hài lòng. Quả đúng như vậy, nhóm người có tính cách mạnh mẽ là những người thực tế nhất. Họ không quá chú ý đến những sự việc xa vời, mà chỉ chú ý làm cho thật tốt công việc trong tay họ. Làm hòa thượng một ngày thì hẳn phải đánh chuông một ngày. Họ rất ít khi quan tâm đến việc ngày mai.
Bởi vì họ luôn chú ý tới cái thực tế nên thường không có cái nhìn sâu sắc, thiếu sự suy xét tới hậu quả lâu dài - trong khi đó đây lại là đặc điểm của người thuộc loại hình tính cách cầu toàn, về điểm này, loại hình tính cách cầu toàn kết hợp bổ sung cho loại hình tính cách mạnh mẽ sẽ tạo nên sức mạnh.
Hoàn toàn trái ngược với Tôn Ngộ Không. Đường Tăng thuộc loại hình tính cách cầu toàn nên có tư tưởng khá sâu sắc. Ông thích khảo xét các vấn đề về giá trị nhân sinh, ông quan tâm đến ảnh hưởng lâu dài của mọi sự việc, ông luôn hy vọng làm thế nào cho thật toàn vẹn những việc có liên quan đến bản thân mình. Vì vậy, Đường Tăng thuộc loại hình tính cách cầu toàn có thể chỉ đạo Tôn Ngộ Không làm những việc chân chính, khắc phục khuyết điểm ngang bướng, làm càn.
Vì Đường Tăng thuộc loại hình tính cách cầu toàn, luôn luôn muốn định ra những quyết sách chính xác nên thường do dự, thiếu quyết đoán. Để làm được mọi việc chắc chắn thì người thuộc loại hình tính cách cầu toàn sẽ cố gắng thu thập thật nhiều tin tức - mặc dù như vậy nhưng họ vẫn không tin vào quyết định của bản thân. Vì vậy nhiều khi mọi người thường hay chế nhạo họ là những người “tư tưởng người lớn, hành động trẻ con”. Trong khi đó, hành động lại đúng là sở trưởng của người thuộc loại hình tính cách mạnh mẽ. Người có tính cách thuộc loại hình mạnh mẽ cho rằng, thà ra tay hành động trước khi mới đạt 55%, thậm chí là 1% còn hơn là đợi được 100% rồi mới lựa chọn hành động, bởi vì khi kế hoạch chưa bị đổi thì chỉ có hành động mới mang lại kết quả.
Câu nói cửa miệng của Tôn Ngộ Không là: “Lão Tôn ta đến đây!” Đó là một lời tự khen ngợi đối với hành động nhanh chóng của mình. Một mặt, đó chính là tác phong quyết đoán, chú trọng hành động để có thể giải quyết nhanh chóng mọi việc. Mặt khác, cũng vì tính cách nhanh nhảu của họ mà dẫn đến nhiều phiền hà ngay bản thân họ cũng không ngờ.
Sự phiền hà do cái tâm hư vinh gây ra.
Tôn Ngộ Không khua chuông ầm ĩ làm kinh động đến toàn bộ tăng nhân trong chùa. May nhờ Đường Tăng nho nhã, lịch thiệp nên chúng tăng cũng không phân bua với Tôn Ngộ Không và còn dẫn cả hai thầy trò vào phòng khách phía sau, rồi đích thân trụ trì ra, mời hai thầy trò cùng uống trà.
Đồ uống trà của trụ trì khá cầu kỳ, khay trà làm bằng ngọc dương chi, cốc uống trà làm bằng sứ pháp lam có nạm vàng. Một cậu bé bưng chiếc ấm đồng lên rồi rót ra ba cốc trà thơm ngát. Loại trà đó cũng là loại trà thượng hạng, thơm ngon đến nỗi “màu sắc đẹp hơn nhụy lựu, hương vị thơm hơn hương quế!” Đường Tăng thấy vậy thì không ngớt lời khen:
- Tuyệt quá! Tuyệt quá! Thật đúng là cốc đẹp trà ngon!
Trụ trì khách khí nói:
- Đâu có, đâu có. Hai vị từ thiên triều thượng quốc đến đây, có bảo bối nào mà hai vị chưa được thấy qua? Còn như những đồ này thì đâu có gì đáng để khen ngợi chứ? Nếu các vị có mang đen bảo bối gì thì nhất định phải cho tôi xem qua để tôi được mở rộng tầm mắt đấy nhé!
Đường Tăng là người thuộc loại hình tính cách cầu toàn, có suy nghĩ tinh tế nên nghe trụ trì nói vậy thì ông cười và thận trọng trả lời:
- Thật là ngại với ngài quá, chúng tôi nào có bảo bối gì chứ. Mà dẫu có đi chăng nữa cũng đâu có mang nổi được vì đường sá xa xôi thế này.
Tôn Ngộ Không là người thuộc loại hình tính cách mạnh mẽ không có được suy nghĩ chín chắn nên liền nói chen vào:
- Sư phụ, chiếc áo cà sa trong gói đồ của sự phụ chẳng phải là bảo bối đấy ư? Con lấy ra cho ngài trụ trì đây xem thử có được không ạ!
Các vị chúng tăng nghe nói đến áo cà sa thì ai nấy đều nhếch mép cười khẩy. Tôn Ngộ Không thấy vậy liền hỏi:
- Các người cười cái gì chứ?
Các vị chúng tăng liền trả lời:
- Áo cà sa thì có thiếu gì mà nói là bảo bối? Giống như mấy chục chiếc áo cà sa của chúng tôi đây. Ngay sư phụ của chúng tôi, cả một đời làm hòa thượng thiếu gì áo cà sa nữa!
Tôn Ngộ Không nghe các vị chúng tăng nói như thế thì lớn tiếng:
- Vậy thì lấy áo của các người ra đây cho ta xem!
Các vị chúng tăng cũng thích khoe khoang nên nghe Tôn Ngộ Không nói vậy thì liền khiêng ra 12 cái tủ lấy áo cà sa ra treo lên rồi mời hai thầy trò Đường Tăng xem. Quả nhiên, khắp nhà lấp lánh, rực rỡ, toàn là vải thêu lụa dát vàng.
Tôn Ngộ Không xem qua một lượt rồi cười nói:
- Thôi được! Thôi được! Các vị hãy thu dọn lại đi! Ta sẽ lấy áo cà sa của chúng ta ra để các vị xem!
Đường Tăng nghe Tôn Ngộ Không nói vậy thì giật mình, ông liền vội vàng kéo Tôn Ngộ Không lại gần và nói:
- Đồ đệ, như vậy không hay đâu. Người xưa đã nói: “Vật quý giá chớ nên để kẻ gian tham nhìn thấy”. Nếu chẳng may họ nhìn thấy thì ắt sẽ động lòng tham; lòng tham đã động ắt sinh mưu kế. Mà hai thầy trò ta lại lẽ loi ở xứ này nên nếu xảy ra tranh giành thì sẽ chuốc lấy phiền hà đấy con ơi!
Hóa ra, Đường Tăng thuộc loại hình tính cách cầu toàn nên rất cẩn thận, ông sớm đã cảnh giác kẻ gian. Thế nhưng, Tôn Ngộ Không tính cách thuộc loại hình mạnh mẽ nên phớt lờ đi:
Xem áo cà sa thì chuốc phiền hà gì chứ?
Nói rồi y mở gói đồ ra rồi lấy chiếc áo cà sa gấm do Phật Như Lai nhờ Quan Âm Bồ Tát tặng cho Đường Tăng để các chúng tăng xem. Trong nháy mắt, cả căn phòng trở nên lấp lánh, ánh sáng rực rỡ, các chúng tăng ai cũng trầm trồ khen ngợi, quả là một bảo bối! Còn Tôn Ngộ Không thì dương dương tự đắc lắm.
Chẳng ngờ vị trụ trì thấy áo cà sa lộng lẫy như vậy thì quả nhiên đã động tà niệm, muốn đem chiếc áo cà sa đó về phòng để ngắm một đêm cho thỏa thích rồi sáng mai sẽ hoàn trả lại. Đường Tăng nghe vị trụ trì nói vậy thì giật mình, ông trách Tôn Ngộ Không:
- Tất cả là do con cả đấy!
Tôn Ngộ Không nghe sư phụ nói vậy thì cười:
- Con e họ không lừa được chúng ta ấy chứ. Sư phụ cứ đưa áo cà sa cho ông ta đi.
Vị trụ trì cầm được áo cà sa trong tay thì không muốn trả lại. Tại sao lại như vậy? Đó là do ông ta ganh ghét, đố kỵ. Cùng là hòa thượng cả. Đường Tăng dựa vào cái gì mà lại có được chiếc áo cà sa là bảo bối quý giá như vậy, bậc phương trượng như ông tại sao lại không có chứ? Nghĩ như vậy nên suốt đêm đó vị trụ trì đã bàn bạc với các hòa thượng khác, họ quyết định thiêu chết hai thầy trò Đường Tăng để chiếm lấy chiếc áo cà sa quý giá.
Cách xử lý đối với ân oán
Ngủ đến khuya, bỗng nhiên Tôn Ngộ Không nghe thấy có tiếng người đi lại bên ngoài phòng khách. Y liền trở mình ngồi dậy, định mở cửa ra xem nhưng lại sợ làm sư phụ tỉnh giấc, do vậy y liền nghiêng mình biến thành một con ong rồi bay qua khe hở ra ngoài. Bên ngoài, Tôn Ngộ Không nhìn thấy rất đông các tăng nhân kẻ thì vác củi người thì chất cỏ rơm, bọn họ đang chất củi xung quanh phòng khách.
Tôn Ngộ Không thấy vậy thì cười thầm: “Sư phụ ta nói đúng thật, bọn này hẳn không phải là hạng người lương thiện, bọn chúng âm mưu muốn chiếm đoạt bảo bối mà hại cả hai thầy trò ta.” Nghĩ vậy y lập tức ra tay hành động, y muốn dạy cho bọn hòa thượng này một bài học. Nhưng y suy nghĩ lại rồi bay vù ra ngoài đi tìm Quảng Mục Thiên Vương để mượn “lồng tránh lửa”.
Giống như Tôn Ngộ Không, những người thuộc loại hình tính cách mạnh mẽ đều chọn cách đối kháng để giải quyết vấn đề. Họ tìm mọi cách để thực hiện ý tưởng của mình cho đến khi đạt được mục đích. Nếu đã đưa ra quyết định thì họ sẽ tỏ ra cứng rắn không chịu lùi bước. Khi lựa chọn hành động họ rất bình tĩnh không chút đắn đo. Nếu bạn phản đối thì họ sẽ trở nên cương quyết và thô bạo.
Gặp được Quảng Mục Thiên Vương, Tôn Ngộ Không liền kể qua về việc bị bọn tăng nhân ở Thiền viện Quan Âm mưu hại để chiếm áo cà sa. Thiên Vương tỏ ra khó hiểu:
- Bọn họ phóng hỏa giết người thì nên lấy nước mà dập, sao lại cần lồng tránh lửa làm gì?
Tôn Ngộ Không nói:
- Vậy ngài chưa hiểu rồi, lấy nước dập lửa thì lửa sẽ không cháy nữa, vậy há chẳng phải là giúp cho bọn giặc hòa thượng đó sao? Vì vậy tôi chỉ muốn mượn lồng tránh lửa để bảo vệ sư phụ tôi là được rồi. Ngoài ra tôi không quan tâm đến những điều còn lại, cứ để mặc cho bọn chúng đốt.
Quảng Mục Thiên Vương cười nói:
- Cái con khỉ này, ngươi vẫn còn cái tâm bất thiện, chỉ nghĩ đến mình không quan tâm đến người khác.
Sắc mặt Tôn Ngộ Không trở nên lạnh lùng (đây chính là đặc điểm điển hình của tính cách mạnh mẽ), y nói:
- Thôi, ngài hãy nhanh đưa lồng tránh lửa cho tôi, nếu không hỏng việc lớn đấy!
Quảng Mục Thiên Vương đã biết tính của Tôn Ngộ Không nên ông ta không dám từ chối.
Tôn Ngộ Không mượn được lồng tránh lửa thì nhanh chóng bay về, y nhẹ nhàng đứng trên nóc phòng khách rồi dùng vòng tránh lửa chụp Đường Tăng với ngựa và hành lý vào. Ngoảnh lại thì thấy bọn tăng nhân đó đang phóng hỏa đốt, sự căm tức bừng lên, y liền thổi một cái, một trận cuồng phong nổi lên làm cho cả Thiền viện Quan Âm rừng rực bốc cháy. Cả bọn hòa thượng đó không sao ngăn nổi thế lửa ngùn ngụt, cả một cảnh tượng hỗn loạn xảy ra trong thiền viện, kẻ vác giường, người khuân tủ, kẻ vác bàn, người khuân ghế, tiếng kêu la vang trời dậy đất. Hóa ra, Tôn Ngộ Không không chỉ không cứu lửa mà ngược lại còn nhân cơ hội này để báo thù, y muốn giải quyết ân oán với bọn tăng nhân này.
Lúc đó, Đường Tăng vẫn còn say ngủ trong chiếc lồng tránh lửa, ông hoàn toàn không biết động tĩnh gì bên ngoài. Đến sáng hôm sau, Đường Tăng ngủ dậy mặc áo quần rồi ra ngoài, lúc này ông mới phát hiện ra sự khác lạ quanh mình. Hoá ra toàn bộ lâu đài cung điện huy hoàng sau một đêm đã biến thành một đống tro tàn đổ nát. “Đã xảy ra chuyện gì vậy?” - Ông giật mình hỏi.
Tôn Ngộ Không tự cho đó là một việc tàm tốt đẹp nên y liền kể lại sự việc đêm qua cho sư phụ nghe. Đâu ngờ Đường Tăng còn chưa nghe hết câu chuyện thì đã nổi giận đùng đùng. Bản lĩnh của Đường Tăng không được như Tôn Ngộ Không, hơn nữa ông lại là một chuyên gia phán đoán đúng sai. Ông oán trách Tôn Ngộ Không thứ nhất là không nên tranh giành hơn thua để gây nên hỏa hoạn: thứ hai là không nên thấy nguy không cứu; thứ ba là không nên nhân cơ hội để báo thù.
Chẳng ngờ Tôn Ngộ Không không những không nhận tội mà ngược lại y còn cãi lại Đường Tăng:
- Tất cả là do bọn họ tự đốt mình - Họ không tạo lửa thì làm sao con tạo gió được?
Đường Tăng giận tím cả mặt, ông liền chắp tay niệm thần chú “vòng kim cô”.
Một con gấu tinh tên gọi là đố kỵ
Lại nói đến vị trụ trì vì thấy áo cà sa của Đường Tăng đẹp lộng lẫy mà sinh lòng đố kỵ, ông ta âm mưu muốn giết người để chiếm đoạt bảo bối. Không ngờ chỉ một mồi lửa mà ông đã thiêu trụi cả ngôi chùa, trong lòng ông đương nhiên là vô cùng ân hận. Sáng sớm hôm sau, khi hai thầy trò Đường Tăng quay lại đòi áo cà sa thì lại không thấy dấu vết chiếc áo ở đâu. Vị trụ trì không biết phải làm thế nào, trong lúc quẫn chí ông ta đã lao đầu vào tường tự vẫn!
Vậy chiếc áo cà sa đó đã biến đi đâu mất? Thì ra, đêm hôm đó lửa cháy dữ dội đã làm kinh động đến một con gấu tinh sống trong núi gần đó. Con gấu cùng nhân cơ hội đó mà cướp đi chiếc áo cà sa. Con gấu đó là một con ác thú. Phật Giáo cho rằng, con người ta nếu có ý nghĩ tham lam, đố kỵ thì tất nhiên sẽ hãm thân mình vào đạo súc sinh, biến thành loài gấu. Điều đó giải thích rằng, vị trụ trì tuy đã chết, nhưng lòng đố kỵ, ganh ghét vẫn tồn tại ở thế gian, hơn nữa nó còn trở nên tinh quái.
Đố kỵ còn được gọi là bệnh đỏ mắt, đây là một loại bệnh tâm lý rất khó điều trị tận gốc. Thậm chí, những kẻ đố kỵ cũng xuất hiện trong các tác phẩm văn học: Tam Quốc diễn nghĩa có Chu Du. Hồng lâu mộng có Lâm Đại Ngọc... Bạn đố kỵ với người khác thì người khác cũng sẽ đố kỵ với bạn. Đố kỵ sẽ khiến cho người ta thêm khổ não, thất tinh, điên cuồng, tự làm hại mình và khiến cho con người trở nên đau khổ. Đố kỵ là một con dao hai lưỡi, bị hại trước tiên là bản thân mình, và sau đó nó sẽ lôi kéo bản thân mình đi hại người khác.
Đố kỵ dường như là một loại bệnh gắn liền với cuộc sống của chúng ta, ai trong chúng ta cũng phải thừa nhận đã từng đố kỵ với người khác. Dường như đố kỵ còn là một loại bệnh truyền nhiễm, nếu chẳng may mầm độc phát tác thì nó sẽ điên cuồng quấy phá. Dường như nó thật giống với con gấu tinh được miêu tả trong Tây du ký, nghĩa là chúng ta sẽ không biết nó ẩn nấp ở nơi nào trong cơ thể chúng ta cả.
Vậy rốt cuộc con gấu tinh tên là Đố kỵ đó ở đâu? Qua thăm dò, Tôn Ngộ Không đã phát hiện ra nó đang ở trong một cái động rất tối. Hoá ra đố kỵ không nhìn thấy được ánh sáng cho nên nó luôn nấp mình trong bóng tối.
Đố kỵ và những người bạn
Tôn Ngộ Không bay lên không trung. Trong nháy mắt đã ở trên động. Y vẫn đứng trên cân đẩu vân và chăm chú quan sát, y không biết được cảnh tượng trong hang đẹp như thế nào. Chỉ nhìn thấy mưa liên miên nên đá luôn ẩm ướt, gió thổi xào xạc, tiếng chim hót, hoa rụng cỏ thơm mà chẳng thấy người. Hoá ra, đặc điểm của đố kỵ là lấy sự u ám của hang động và sự tươi đẹp của núi rừng để che đậy bên ngoài.
Tôn Ngộ Không đang quan sát cạnh núi thì bỗng nhiên y nghe thấy có tiếng người từ sườn núi vọng lại. Y nhẹ nhàng nép mình dưới vách đá để quan sát. Từ dưới chân núi đi lên là ba con yêu ma, bọn chúng ngồi xuống và trò chuyện râm ran. Tên thứ nhất là một tên toàn thân đen thui, hắn chính là con gấu tinh, tượng trưng cho sự đố kỵ. Tên thứ hai là một đạo nhân, nhưng đó lại là một con sói đã thành tinh, nó tượng trưng cho sự tàn nhẫn. Tên thứ ba là một thư sinh áo trắng, do rắn bạch hóa thành tinh mà thành, nó tượng trưng cho sự oán hờn. Hóa ra đố kỵ với tàn nhẫn và oán hờn là một nhóm bạn tâm đầu ý hợp. Chính vì vậy mà chúng ta không khó để lý giải được rằng, tại sao một người đố kỵ lại hay oán trời trách người, họ căm hận ông trời bất công, thậm chí họ còn tàn nhẫn, thích vu khống, hãm hại, ăn không nói có, sinh sự với người!
Vậy câu chuyện mà mấy tên này nói đến là vấn đề gì đây? Nếu như bạn nghe được câu chuyện của bọn chúng thì có thể bạn sẽ giật mình kinh hãi, bởi vì bọn chúng cũng nói đến cái đạo thành công của nhân sinh! Thế nhưng, ba tên xấu xa này sẽ nói đến đạo lý gì? Hiển nhiên điều bọn chúng nói đến sẽ là tà thuyết dị đoán làm sao để hại người lợi mình mà thôi. Cuộc trò chuyện đang hồi sôi nổi thì con gấu tinh khoe rằng đêm hôm trước nó đã kiếm được một chiếc áo cà sa gấm tuyệt đẹp, nó còn vênh váo rằng ngày mai nó sẽ mở yến tiệc linh đình, buổi tiệc đó sẽ được gọi là “Buổi tiệc áo Phật”, nó sẽ mời tất cả những người bạn tốt của nó cùng đến ăn mừng. Nghe đến đây, Tôn Ngộ Không đã không còn nén được sự căm tức, y liền nhảy ra khỏi vách đá, hai tay cầm gậy Như Ý, và lao thẳng vào đánh bọn yêu ma. Hoảng sợ quá con gấu tinh liền vội vã biến mất, tên đạo nhân tàn nhẫn cũng cưỡi mây bay đi, chỉ còn lại tên thư sinh áo trắng oán hận chưa kịp chạy trốn đã bị Tôn Ngộ Không đánh một gậy chết tươi.
Vậy cho nên, dùng nói xấu và phỉ báng để hại người thì chỉ cần đánh cho một gậy là đã hiện nguyên hình.
Ba lần đánh gấu tinh
Điều Tôn Ngộ Không không ngờ được là tiêu diệt lời xấu thì dễ còn tiêu diệt lòng đố kỵ lại rất khó. Tôn Ngộ Không bay vào động và quát lớn:
- Mau mau đem trả lại áo cà sa cho ta, ta còn tha mạng! Nếu dám làm rách một góc thì ta sẽ đạp đổ núi Hắc Phong, san phẳng động Hắc Phong, ta sẽ nghiền nát các người thành cám!
Uy hiếp người khác - đó là thủ đoạn thường dùng của những người có tính cách mạnh mẽ.
Trong tình huống thông thường, binh pháp uy hiếp người khác có thể đe dọa những người nhát gan, nhưng lúc này, gấu tinh lại không hề tỏ ra nao núng mà ngược lại nó còn cười vênh váo:
- Nhà người là ai? Bản lĩnh thế nào mà dám đến đây khua môi múa mép như thế!
Tôn Ngộ Không cũng ha hả cười lớn chế nhạo gấu tinh:
- Ngươi hỏi ta bản lĩnh thế nào ư? Ta nói ra chỉ e nhà người run sợ đứng không vững đấy!
Nói xong y cũng chẳng nể nang gì, y khoe mình một thời đại náo thiên cung. Chẳng ngờ, gấu tinh nghe xong thì bĩu môi xem thường:
- Ồ, hóa ra nhà người chính là tên Bật Mã Ôn năm xưa đấy ư?
Từ trước đến giờ Tôn Ngộ Không luôn tự phụ với danh hiệu Tề Thiên Đại Thánh, và rất xấu hổ với cái chức Bật Mã Ôn năm xưa, vậy cho nên khi nghe gấu tinh chế giễu như vậy thì y vô cùng tức giận:
- Tên yêu quái kia, trộm áo cà sa không trả lại còn dám chọc giận lão Tôn ta ư?
Tay cầm gậy Như Ý, Tôn Ngộ Không lao ra đánh, con gấu tinh nghiêng mình tránh đòn rồi vung giáo lên nghênh chiến. Hai bên giao chiến đến mười mấy hồi mà rốt cuộc vẫn không phân thắng bại. Đến giữa trưa, con gấu tinh liền bỏ vũ khí xuống và hẹn với Tôn Ngộ Không sau khi ăn cơm trưa xong sẽ đánh tiếp.
Đến chiều cả hai lại từ động bay ra đánh tiếp, kẻ phun mây người nhả gió, cát bay đá cuộn, đánh mãi đến khi mặt trời đã lặn mà nữa vẫn không phân thắng bại.
Không làm sao được, Tôn Ngộ Không đành phải quay về Thiền viện Quan Âm lúc nửa đêm. Sáng hôm sau, y trở mình ngồi dậy rồi dặn dò các tăng nhân hầu hạ sư phụ, sau đó y lại ngồi trên cân đẩu vân bay về Nam Hải. Quan Âm Bồ Tát hỏi Tôn Ngộ Không:
- Nhà người đến đây có việc gì không?
Tôn Ngộ Không nói:
- Trên đường đi, con và sư phụ vào thiền viện của Người, Người đã nhận hương hoa ở nhân gian rồi có sao lại cho phép một con gấu đen làm hàng xóm để nó trộm mất áo cà sa của sự phụ, con đã nhiều lần giao chiến với y mà đánh mãi không được nên đành phải đến đây tìm Người.
Quan Âm Bồ Tát nói:
- Cái con khỉ này sao người lại nói như vậy? Con gấu tinh đã trộm đi áo cà sa của thầy trò người sao người lại đến đây đòi ta? Vả lại, nếu như chẳng phải trước kia người tranh giành hơn thua với bọn tiểu nhân đó thì làm sao mà gây nên việc tranh chấp như vậy được? Hơn nữa, người đã biết đó là thiền viện thờ cúng ta, có sao người còn cố ý thêm gió trợ hỏa mà thiêu trụi cả thiền viện đi vậy? Nhà người thật to gan, bản thân đã không hối lỗi lại còn đến đây mà kêu ca nữa. Tôn Ngộ Không chợt nhận thấy mình đuối lý, liền vội vã cúi đầu nhận lỗi:
- Bồ Tát nói rất đúng, đó đều là tai họa do con gây nên. Nhưng nếu con không lấy lại được áo cà sa thì Sư phụ sẽ niệm thần chú vòng kim cô. Cúi xin Bồ Tát đại pháp từ bi, giúp con bắt con yêu tinh đó để đòi lại áo cà sa.
Nghe Ngộ Không nói vậy, Bồ Tát bèn cùng y cưỡi mây bay về động Hỏa Phong. Đang trên đường thì gặp con sói tinh tên là tàn nhẫn đó. Tôn Ngộ Không liền rút gậy Như Ý ra nhằm đầu con sói mà đánh, con sói tinh trúng đòn đầu óc choáng váng. Sau đó, Bồ Tát cũng niệm chú thu con gấu tinh lại và cho nó đội lên đầu một chiếc vòng kim cô. Bồ Tát niệm thần chú làm con gấu tinh đau đớn, quằn quại lăn lộn trên đất. Tôn Ngộ Không thấy vậy thì cười chế nhạo:
- Ta cứ nghĩ chỉ có lão Tôn ta là phải chịu đau đớn, nhưng bây giờ cũng phải để cho nhà người nếm thử sự lợi hại của “lời chú vòng kim cô”.
Tôn Ngộ Không còn muốn đánh nó nữa, nhưng Bồ Tát ngăn lại. Tôn Ngộ Không bèn nói:
- Tên quái vật đó không đánh cho chết đi còn để lại làm gì nữa?
Bồ Tát nói:
- Từ sau khi ta đi, Lạc Gia sơn không có ai quản lý, bây giờ ta muốn mang nó về làm đại thần giữ núi.
Thì ra, ý của Bồ tát là muốn nói, cái gọi là đố kỵ chẳng qua chỉ là sự sai lệch của ý nghĩ, mà con gấu tinh cũng có cái tâm của nó nên muốn nó phải quy y chính đạo.
Vậy cho nên, ở thế gian này có thể tiêu diệt sự oán ghét, cũng có thể tiêu diệt sự tàn nhẫn, nhưng lại không thể tiêu diệt được lòng đố kỵ. Nếu một ngày nào đó, đố kỵ không còn nhẫn nhịn được nữa thì nó sẽ lao ra khỏi Lạc Gia Sơn. Lúc đó, tốt nhất là bạn hãy cầu nguyện Quan Âm Bồ Tát để Người tụng niệm thần chú “Vòng kim cô”.
( Source : TÂY DU @ KÝ - TG : Thành Quân Ức - DG : Hoàng Ngọc Cương - Lê Thị Hương )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét