Ads 468x60px

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Phần 07 - Quy tắc tập thể không ngoại trừ thiên tài

Tôn Ngộ Không và vòng Kim cô
Chiếc vòng kim cô ở trên đầu Tôn Ngộ Không, thực chất là hình tượng hóa hành vi ở trên đầu quy phạm của nhân viên. Tại sao cần phải thực hiện quy phạm hóa hành vi của nhân viên? Bởi vì quy phạm hóa hành vi của nhân viên là một nhân tố đặc trưng của tập thể. Hành vi của nhân viên mà không được quy phạm hóa thì tập thể đó sẽ bị hỗn loạn. 


Đạo tặc chặn đường cướp của 

Một ngày, trên đường đi, hai thầy trò bỗng gặp một toán cướp. Sáu tên đạo tặc, lăm lăm kiếm dài kiếm ngắn, đao nhọn cung tên, lớn tiếng quát: 

- Tên hòa thượng kia từ đâu đến, mau mau để lại ngựa và hành lý thì chúng ta còn tha chết mà đi! 

Sáu tên đạo tặc đó, một tên gọi là Nhãn Khán Hỷ, một tên là Nhi Thính Nộ, một tên là Tỵ Xú Ái, một tên là Thiệt Thường Tư, một tên là Y Kiến Dục, một tên là Thân Thể Ưu. Tên gọi của sáu tên đạo tặc đó nghe ra đều thấy kỳ lạ. Song kỳ thực, sáu tên đạo tặc này chính là sáu loại cơ quan cảm giác của loài người, đó là mắt, tai, mũi, lưỡi, cơ thể và ý niệm, được Phật Giáo gọi là “lục căn”. Có “Lục căn” sẽ có thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác và giác quan thứ sáu mà Phật Giáo gọi đó là “lục thức”. Có “lục thức” mà chúng ta có hưởng thụ liên quan với sáu loại giác quan này, Phật Giáo gọi đó là “lục trần”. Có “lục trần” nên loài người rất dễ bị các yếu tố nhà cửa xa hoa, trang phục cao quý, mỹ vị ngon miệng, mỹ nhân xinh đẹp và các loại dục vọng như danh dự, địa vị xã hội và tiền tài làm mê mẩn. Phật Giáo gọi đó là “lục hao”. Có “lục hao” cho nên “lục căn”còn được gọi với một cái tên khác là “lục tặc” đức sáu tên trộm). 

Ngoài có “lục trần”, trong có “lục tặc”. Bên ngoài thân thể là các kiểu cám dỗ, bên trong thân thể là các kiểu dục vọng khác nhau. Chúng ta biết rằng, chỉ có chuyên tâm dốc chí mới có thể đạt được thành tựu. cũng giống như sáu tên cướp chặn đường cướp của mà thầy trò Đường Tăng gặp trên đường đi, những mê hoặc và dục vọng đó sẽ làm phân tán tinh lực của chúng ta, khiến cho chúng ta sợ hãi và mê hoặc, thậm chí là khiến chúng ta đi lầm đường. 

Sáu tên đạo tặc 

Trong Phật học đã giảng, “sắc tức là không, không tức sắc”. Vậy thế nào là sắc? Không chỉ những dung mạo xinh đẹp mà tất cả những gì chúng ta nhìn thấy đều là sắc. Tất cả các yếu tố nhà cửa xa hoa, áo quần lộng lẫy, hàng hóa cao cấp hay người khác giới xinh đẹp mà chúng ta nhìn thấy đều sẽ khiến chúng ta sinh ra cái tâm thích thú. 

Sáu tên đạo tặc mà thầy trò Đường Tăng gặp trên đường đi, tên thứ nhất chính là “Nhãn Khán Hỷ”. Mọi người thường bị con mắt đánh lừa. Tên đạo tặc “Nhãn Khãn Hỷ” này có thể cướp mất tư duy sáng suốt của mỗi người.

Tên đạo tặc thứ hai là “Nhĩ Thính Nộ”. Mỗi người trong chúng ta đều thích những âm thanh vui tai, ví dụ như âm nhạc hay những lời nói có cánh tán dương. Những âm thanh chói tai sẽ khiến cho chúng ta cảm thấy tâm phiền ý loạn. Tên đạo tặc “Nhĩ Thính Nộ” này có thể lợi dụng cái tai để lừa dối chúng ta. 

Tên đạo tặc thứ ba là “Tỵ Xú Ái”. 

Tên đạo tặc thứ tư là “Thiệt Thường Tư”. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta đều ưa chuộng một số thực phẩm mỹ vị. Nhưng theo cảnh báo của các tổ chức y tế, mỹ vị thường là kẻ thù của sức khỏe. Ví dụ như, thịt dê, thịt bò nướng hay hun khói, đều có chất gây ung thư. Hay ví dụ như, trong rượu có chứa các độc tố như cồn, formaldehyte (CHO), acetaldehyte (H3CCHO), cyanogen (CN2), Chì và nhiều độc tố khác, ấy thế mà mọi người vẫn cứ thích uống. 

Tên đạo tặc thứ năm là “Thân Thế Ưu”. 

Tên đạo tặc thứ sáu là “Ý Kiến Dục”, đó cũng chính là trực giác mà chúng ta hay nói tới. Có nhiều người thường hay tin tưởng vào trực giác của mình, thế nhưng, những người bị trực giác lừa dối thì thực là không đếm xuể. 

Từ những điều đã đề cập ở trên, sáu tên đạo tặc này cũng chính là sáu loại cảm quan ý thức của chúng ta. Chúng giống như những âm hồn không bao giờ tan mất, khiến cho tâm của chúng ta không được bình an, nảy sinh ra tạp niệm, quấy nhiễu tư duy và hành động của chúng ta. 

Lần xung đột đầu tiên giữa Đường Tăng và Tôn Ngộ Không

Sáu tên đạo tặc chặn đường cướp của, là những thử thách khắt khe của các loại tạp niệm đối với Tôn Ngộ Không. Bạn thử nghĩ mà xem chặng đường phía trước còn dài đằng đẵng với biết bao khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, lương thực thiếu thốn... Mỗi chúng ta trong những ngày lập nghiệp gian nan cũng vậy, rất nhiều người đã đánh mất tiền đồ và trở thành miếng mồi của sáu tên đạo tặc đó. 

Không còn cách nào khác, muốn khắc phục khó khăn thì việc đầu tiên chúng ta phải làm là tiêu diệt sáu tên đạo tặc đó và chuyên tâm dốc chí trên dặm đường trường mà chúng ta đang đi. 

Sáu tên đạo tặc đó vung gươm, múa kiếm vây xung quanh Tôn Ngộ Không nhưng Tôn Ngộ Không không hề hấn gì. Mấy tên đạo tặc lớn tiếng quát:

- Tên hòa thượng này thật là cứng đầu! 

Điều này chứng tỏ Tôn Ngộ Không đã chịu được sự thử thách của ý chí. Ngay sau đó, Tôn Ngộ Không bắt đầu ra tay. Y lấy gậy Như ý ra đánh cho sáu tên đạo tặc chạy toán loạn, rồi thẳng tay giết từng đứa. 

Trước tình cảnh ấy, Đường Tăng đã nổi giận đùng đùng, ông bèn nói với Tôn Ngộ Không rằng: 

- Con ra tay để họ biết khó mà rút lui đã được rồi, tại sao con phải diệt cho đến chết làm gì cơ chứ? 

Tôn Ngộ Không liền giải thích: 

- Sư phụ, nếu con không đánh chết họ thì họ sẽ đánh chết con. 

Đường Tăng không để ý đến lời giải thích của Tôn Ngộ Không, ông trách Tôn Ngộ Không thói xấu khó sửa, ông nói:

- Ta nghĩ việc con đại náo thiên cung năm xưa là do buông thả làm càn, thế mà đến hôm nay con vẫn buông thả làm càn. Con buông thả làm càn như vậy thì không thể đi Tây Thiên, không thể làm hòa thượng được! 

Tôn Ngộ Không là người không thích người khác giận hờn mình, cho nên Đường Tăng mới nói có mấy câu mà y đã nổi giận, y nói: 

- Nếu sư phụ đã nói như vậy thì con sẽ không làm hòa thượng, không đi Tây Thiên nữa, con sẽ ra đi để khỏi làm phiền đến sư phụ, con sẽ quay về nơi con sinh ra! 

Đường Tăng còn chưa kịp trả lời thì Tôn Ngộ Không đã tung người bay vút đi mất. 

Đó là lần xung đột đầu tiên giữa Đường Tăng và Tôn Ngộ Không. Có nhiều người đọc Tây du ký, đọc đến đoạn này họ cảm thấy khó hiểu. Họ cho rằng, Tôn Ngộ Không giết sáu tên đạo tặc là hợp lòng người, tại sao Đường Tăng phải trách y chứ? 

Kỳ thực, bản ý của Đường Tăng và Tôn Ngộ Không đều muốn trừ bỏ sự quấy nhiễu của tạp niệm, giữ gìn tác phong sinh hoạt gian khổ giản dị. Thế nhưng, suy nghĩ và hành vi của hai người lại khác nhau, cách giải quyết vấn đề của họ cũng không giống nhau. Tôn Ngộ Không giết sáu tên đạo tặc, cũng giống như người tu hành thấy cái đẹp, cái hay, cái ngon thì đập phá, thấy mỹ nữ thì đánh cho một gậy. Làm như vậy có được không? Hiển nhiên là không được, vậy cho nên, Đường Tăng mắng Tôn Ngộ Không là buông thả, làm càn là muốn nêu ra cái cảnh hỗn loạn mà thôi.

Cũng giống với việc buông thả, làm càn của Tôn Ngộ Không, Tây Sở Bá Vương[10] Hạng Vũ đốt Cung A Phòng chính là một ví dụ điển hình. Cung A Phòng được xây dựng vào năm thứ 25 đời Tần Thủy Hoàng, tức là năm 212 TCN, đó là một kiệt tác về quy mô trong lịch sử kiến trúc cổ đại Trung Quốc. 

Sau khi Hạng Vũ vào cửa Hàm Quan, ông cho rằng cung A Phòng tượng trưng cho sự hoang dâm tàn bạo của Tần Thủy Hoàng, ông tỏ ra rất căm hận, và cho thiêu rụi cả cung A Phòng. Nhưng Hạng Vũ đâu có ngờ rằng, mồi lửa đó cũng thiêu rụi cả nhân tính của ông. Chính sự tàn nhẫn ấy, khiến ông trở thành một tên tội phạm mãi mãi không bao giờ gột rửa hết tội lỗi. 

Phương pháp quản lý của Phật Tổ

Có sự tham gia của Tôn Ngộ Không nên việc đi Tây Thiên lấy Kinh đã không còn là hành vi cá nhân của Đường Tăng nữa, mà đó là mục tiêu của tập thể. Được xem là người quản lý của tập thể nên đương nhiên Đường Tăng không thể tha thứ cho sự ngang tàng, làm càn của Tôn Ngộ Không. 

Thế nhưng, làm sao để quản lý được các thành viên trong tập thể lại là một vấn đề khiến cho người ta phải đau đầu. Bởi vì những tạp niệm giống như bọn đạo tặc sẽ thường xuyên xuất hiện khiến bạn không ngờ đến, chúng sẽ vung gươm, múa kiếm đánh vào các thành viên trong tập thể của bạn. Rồi còn việc các thành viên trong tập thể của bạn sẽ đưa ra những phản ứng ra sao. Buông vũ khí đầu hàng hay ra tay đánh lại giống như Tôn Ngộ Không? Hoặc là giống như Đường Tăng, để cho bọn đạo tặc biết khó mà lui, cho dù là thế nào đi chăng nữa thì hiện tại bạn cần phải đem mỗi hành vi cá nhân của các thành viên vào quản lý trong tập thể để có thể quản lý hiệu quả. 

Hiện tại, Tôn Ngộ Không ngang tàng, làm càn nói đi là đi luôn cho nên Đường Tăng không còn cách nào khác đành phải một tay dắt ngựa, một tay chống gậy tích trượng một mình tới Tây Thiên trong sự cô đơn, lạnh lẽo. May mà Quan Thế Âm Bồ Tát lại giúp ông, chuẩn bị cho ông một loạt phương án quản lý của Phật Tổ. Những phương án quản lý đó gọi là “Bát chính đạo”. Phương án quản lý này tương đối toàn diện, xác thực, nó không chỉ hiệu quả đối với việc quản lý các thành viên trong tập thể mà còn có thể giúp các thành viên đó thực hiện được việc tự quản lý mình. Những nội dung trong phương án đó bao gồm: 

1. Chính kiến: là sự kiến giải chính xác, sự hiểu biết chân chính đối với sự vật. Nhiều khi chúng ta quan sát sự vật không toàn diện, nhưng chúng ta vẫn tự đưa ra phán đoán, kết quả là chúng ta làm cho sự việc trở nên rắc rối. 

Với mỗi chúng ta, chính kiến là phải phân tích sự việc một cách xác thực, hiểu rõ bản chất chứ không thể qua loa, đại khái. Mới hiểu được tí chút mà đã tự cho mình là đúng thì chỉ thể hiện mình là kẻ rất nông cạn, rất hẹp hòi, dễ hình thành thiên kiến và sai lầm. Giống như vậy, nếu chúng ta thực sự hiểu được nhân sinh của chúng ta, hiểu được cuộc sống nghề nghiệp của chúng ta, sứ mệnh tập thể của chúng ta thì chúng ta sẽ không bị những tạp niệm nhỏ nhặt làm cho lu mờ. 

2. Chính tư duy: Đó chính là việc tư duy chính xác, dùng lý trí để quyết định chính xác mục tiêu mà chúng ta theo đuổi. Nếu mục tiêu sai lầm thì tất cả sẽ sai lầm. Người Trung Quốc có câu tục ngữ: “Lỡ một bước hận thành thiên cổ” là để chỉ đạo lý này vậy. 

Nếu năm xưa Hạng Vũ có thể dùng tư duy chính xác để đưa ra quyết sách thì hắn ông sẽ không có những hành động cực đoan như việc thiêu rụi cung A Phòng[11] chôn sống 20 vạn quân Tần, và rất có thể ông sẽ không có kết cục bi thảm ở đất Cai Hạ và tự vẫn ở sông Ô Giang. 

3. Chính ngữ: lời nói chính xác. Ý ở trong lời, vì vậy nói năng không thích hợp thì rất dễ gây nên hiểu lầm cho người khác, rồi có thể sẽ dẫn đến việc họ hoài nghi nhân phẩm của bạn. Chính vì vậy, chúng ta cần thiết phải rèn thói quen nói năng có quy tắc, thành khẩn, thói quen đó cụ thể như sau: 

Không nói dối, xây dựng mối quan hệ tin cậy giữa mọi người. 

Không bịa đặt sinh sự, không gây xích mích ly gián, kiên quyết ngăn chặn hành vi mờ ám của kẻ tiểu nhân. 

Không nói lời chanh chua, cay nghiệt, không nói lời thô lỗ, vô lễ, sống chan hòa và giúp đỡ lẫn nhau. 

Không nói những lời suôn vô ý nghĩa, vô ích mà nói phù hợp với hoàn cảnh. 

4. Chính nghiệp: Hành vi đúng đắn. Mỗi việc nhân viên làm phải bảo đảm phù hợp với đạo nghĩa của xã hội, quy tắc của tập thể và tín điều của cá nhân. 

5. Chính mệnh: Nghề nghiệp chính xác. Mỗi nhân viên đều cần thông qua nghề nghiệp để đạt được hai mục đích: Một là đạt được thu nhập cần thiết để duy trì cuộc sống của gia đình, hai là thông qua nghề nghiệp để tạo cho mình một cuộc sống thành đạt. Thực ra, hai mục đích này có thể quy thành một, bởi vì mục đích thứ nhất chính là để phục vụ cho mục đích thứ hai. 

Nghề nghiệp chính xác bao gồm hai hàm nghĩa: Thứ nhất là nghề nghiệp chính đáng, đó là những công việc không ngược với đạo đức và pháp luật; hai là nghề nghiệp phù hợp, nghề nghiệp không phù hợp sẽ khiến bạn phải chịu sự đầy đoạ và long đong vất vả cả cuộc đời; ngược lại, nghề nghiệp phù hợp sẽ giúp bạn hưởng thụ được nhiều niềm vui trong công việc, đạt được nhiều tành tựu trong cuộc sống. 

6. Chính tinh tiến: là chí tiến thủ đúng đắn, là việc luôn có ý chí kiên định, phương pháp chính xác và nỗ lực không ngừng để duy trì tiến bộ cho đến khi thành công.

7. Chính niệm: Tâm thái chính xác. Đó là thái độ của chúng ta đối với cuộc sống và thái độ ứng xử của cuộc sống đối với chúng ta. 

Đúng và sai vĩnh viễn là hai mặt trái ngược của một đồng tiền, một mặt chính là ánh sáng, còn mặt kia là sự đen tối, chính vì vậy mà bạn cần phải lựa chọn cho mình một tâm thái chính xác, luôn để cho tâm thái của bạn hướng đến hi vọng chứ không phải là tuyệt vọng, hướng đến sự hứng thú của sáng tạo chứ không phải là sự vô vị nhàm chán, hướng đến sự nỗ lực chứ không phải là sự được chăng hay chớ, hướng đến sự vui vẻ chứ không phải là bi thương. 

Tất cả những gì của chúng ta đều xuất phát từ tâm thái của chúng ta, tâm thái chính xác sẽ tạo nên sự thành công, tâm thái sai lầm thì sẽ khiến cho chúng ta rơi xuống vực sâu thất bại. 

8. Chính định: Đó chính là tâm cảnh hài hòa, yên tĩnh và ổn định. Cái gọi là trí tệ do tâm sinh ra, trí tuệ chân chính bắt nguồn từ trái tim chân chính, yên tĩnh. Nếu cái tâm của chúng ta không chân chính thì chúng ta sẽ sinh ra tà niệm, nếu tâm chúng ta không yên tĩnh thì sẽ sinh ra vọng niệm. 

Trong “Bát chính đạo” chúng ta thấy chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh có thể khái quát thành hành vi quy phạm đúng đắn; chính niệm, chính định có thể khái quát thành thái độ nhân sinh đúng đắn; còn chính kiến, chính tư duy có thể khái quát thành tư tưởng ý thức đúng đắn. Xét từ góc độ quản lý học đó gọi là ba phương diện xây dựng lập thể, còn Phật Giáo gọi đó là “giới học” (hành vi quy phạm đúng đắn), “định học” (thái độ nhân sinh đúng đắn, “tuệ học” (ý thức tư tưởng đúng đắn).

Phật Giáo lấy việc giữ tâm làm giới dùng hành vi quy phạm đúng đắn để kiểm soát dã tâm của mỗi nhân viên; giới sinh định hành vi quy phạm đúng đắn sẽ giúp nhân viên xây dựng thái độ nhân sinh đúng đắn. Phương pháp khích lệ đúng Chính tinh tiến tất sẽ khiến mỗi cá nhân phấn đấu, khiến tập thể hoàn thành mục tiêu, đồng thời tạo phúc cho xã hội. Vậy cho nên, “Bát chính đạo”có thể được xem là một tác phẩm kinh điển của khoa học quản lý. 

Tác dụng thần kỳ của “lời chú vòng kim cô” 

Quan Thế Âm Bồ Tát đã chuẩn bị cho Đường Tăng một chiếc mũ hoa và cả một “lời chú” để Đường Tăng trao cho Tôn Ngộ Không. 

Sau khi từ biệt Đường Tăng, Tôn Ngộ Không đã tới Đông Hải Long Cung. Long Vương ra nghênh tiếp và hỏi thăm Tôn Ngộ Không tình hình gần đây ra sao. Tôn Ngộ Không đã kể lại việc y giết sáu tên đạo tặc và xảy ra tranh cãi giữa y và Đường Tăng. Long Vương nghe xong thì cười và còn mời y uống trà. 

Bất chợt Tôn Ngộ Không phát hiện ra trên bức tường phía sau của Long cũng có treo bức họa “Di kiều tiến lý[12]”. Thấy Tôn Ngộ Không tỏ vẻ thắc mắc, Long Vương liền giải thích: 

- Bậc trưởng giả ngồi trên cây cầu đó là Hoàng Thạch Công, còn chàng thanh niên đang nâng giày đó là Trương Lương. Hoàng Thạch Công đang ngồi trên thành cầu bỗng nhiên tháo giày ra, ném xuống nước, rồi gọi Trương Lương xuống cầu nhặt lê, Trương Lương liền vội vàng xuống cầu nhặt giầy, anh còn cung kính đưa giầy cho Hoàng Thạch Công. Cứ như vậy, Hoàng Thạch Chính cố ý vứt giầy xuống cầu ba lần, và Trương Lương vẫn ba lần xuống cầu nhặt giầy, mà không hề tỏ ra giận dữ. Hoàng Thạch Công cho rằng Trương Lương rất quyết tâm nên ngay lập tức thu nhận anh ta trở thành học trò. Về sau chàng Trương Lương này đã trở thành đệ nhất công thần của triều Hán. 

Nhân cơ hội đó Long vương liền khuyên Tôn Ngộ Không rằng: 

- Đại Thánh này, ngài cũng nên học tập theo Trương Lương, tính khí của ngài cứ như vậy thì làm sao mà tu thành chính quả đây? 

Tôn Ngộ Không tuy ngang tàng nhưng lại là người có tâm, nên khi nghe Long Vương nói mấy lời thì y cũng đã biết sai mà hối cải, do vậy y lại bay về tìm Đường Tăng. Hai thầy trò trở lại thân thiện, lát sau Tôn Ngộ Không nhìn thấy chiếc mũ có khảm hoa vàng, thấy mũ đẹp y thích thú lấy đội trên đầu. 

Đường Tăng thấy Tôn Ngộ Không đội chiếc mũ lên đầu thì lặng lẽ niệm câu thần chú “vòng kim cô”. Bỗng nhiên Tôn Ngộ Không thấy đau đầu quằn quại, y lăn lộn trong đau đớn và vội giật chiếc mũ trên đầu ra, nhưng lạ thay y càng giật, chiếc mũ càng xiết vào đầu không tài nào gỡ ra được. Kể từ đó trở đi, chỉ cần Đường Tăng niệm câu thần chú thì đầu Tôn Ngộ Không sẽ cảm thấy đau nhói, đương nhiên y sẽ không dám làm càn nữa, và cũng do vậy mà Đường Tăng trở nên vui vẻ hơn. Ô! Hóa ra đó là quản lý ư! Thật là hiệu quả! 

Liên quan tới vấn đề quy phạm hóa hành vi của nhân viên là vấn đề chế độ hóa việc quản lý tập thể. Chế độ hóa đó là câu niệm chú “vòng kim cô” mà Đường Tăng tụng niệm trong miệng. Nếu anh không tuân thủ hành vi quy phạm hóa của nhân viên thì tôi sẽ dùng chế độ để xử phạt anh. Thêm vào quy phạm hóa và chế độ hóa thì có nghề nghiệp hóa của nhân viên. Vậy cho nên, khi công ty có nhân viên mới thì việc đầu tiên là cho họ đội “vòng kim cô” lên đầu, để cho họ cũng phải có “trái tim quy chính” giống như Tôn Ngộ Không. Sau khi “trái tim đã quy chính” thì tự nhiên “lục tặc sẽ tan biến”.

( Source : TÂY DU @ KÝ - TG : Thành Quân Ức - DG : Hoàng Ngọc Cương - Lê Thị Hương )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét