Dũng cảm tiến về phía trước |
Đối với những người không có mục tiêu, cái gọi là cuộc đời chẳng qua chỉ là năm tháng qua đi và nỗi bi thương còn lại sau khi mái đầu đã bạc. Thế nhưng, nếu chúng ta tự đặt ra một mục tiêu, và luôn tiến về phía trước thì cuộc sống của chúng ta sẽ mở ra một trang mới.
Tâm tình của Quan Thế Âm Bồ Tát
Thời kỳ mà Đường Tăng sống thì tín ngưỡng đối với Quan Thế Âm Bồ Tát đã truyền nhập vào Trung Quốc hơn 400 năm.
Tương truyền, Quan Thế Âm Bồ Tát vốn là tam công chúa của nước Diệu Trang. Phụ thân của bà là Diệu Trang vương có ba người con gái, công chúa đầu thì thích hư vinh, ngày ngày chỉ lo phấn son trang điểm, xiêm áo lụa là; công chúa thứ hai thì tham lam hưởng thụ, suốt cả ngày từ sáng đến tối chỉ ham ca lâu yến tiệc, ăn uống vui chơi; chỉ có nàng công chúa thứ ba là thích đọc sách tụng kinh, nàng không màng đến việc yến tiệc, xiêm áo.
Diệu Trang vương tuổi đã già, ông quyết định đem ngôi vương truyền lại cho nàng công chúa thứ ba hiền lương, đoan chính. Trước đó, vua cha còn định gã nàng cho một chàng phò mã tài năng để nàng có thể sớm thành gia nghiệp.
Một hôm, Diệu Trang vương nói với tam công chúa rằng:
- Ái nhi con ơi, đại công tử nhà tể tướng tuổi trẻ tài cao, đáng để ta gả con gái cho, ta muốn gọi thái sư đến để bàn chuyện, con thấy thế nào ?
Tam công chúa hốt hoảng lắc đầu từ chối.
Qua mấy hôm Diệu Trang vương lại nói:
- Ái nhi con ơi, trạng nguyên tân khoa năm nay tài học xuất chúng, vậy con muốn tính chuyện hôn sự hay chưa ?
Tam công chúa nghe vua cha nói vậy thì lại lắc đầu.
Chưa được mấy hôm, Diệu Trang vương lại gọi tam công chúa đến và bảo:
- Ái nhi con ơi, lần này nhất định con sẽ hài lòng, vì cha đã tìm cho con một chàng phò mã giàu có bậc nhất, vàng bạc nhiều như núi, tiền... .
Tam công chúa không đợi vua cha nói hết, nàng lắc đầu và nói:
- Thưa vua cha, vàng cũng không, bạc cũng không, sau này chết đi có người nào mang theo được không? Huống gì, cha đã có ý nhường lại ngôi vương cho nhi nữ, nhi nữ đã suy nghĩ kỹ, không phải nữ nhi không nghĩ đến chuyện hôn sự của bản thân, mà còn luôn nghĩ đến hạnh phúc và lợi ích của thiên hạ. Nếu còn có điều mà nữ nhi chưa ngộ ra thì nữ nhi sẽ không kết hôn với bất kỳ một ai.
Diệu Trang vương giận tím cả mặt, ông đứng bật dậy mà quát rằng:
- Con dám nhiều lần chống lại ý chỉ của phụ vương ư ? Ta nói cho con biết, cho dù con có muốn hay không nhất định con cũng phải tổ chức hôn sự! Hôm nay đính hôn, ngày mai kết thông gia, ngày kia sẽ thành hôn!
Buổi sáng hôm sau, tân phò mã đã hân hoan đến dâng sính lễ, vàng bạc lụa là, trân châu mã não nhiều không kể. Diệu Trang vương thấy như thế thì vui vẻ ra mặt, ông gọi tam công chúa lại.
Các cung nữ hốt hoảng chạy về báo:
- Khởi bẩm Hoàng thượng, nguy to rồi! Không thấy tam công chúa ở đâu cả!
Diệu Trang vương nghe xong cũng hốt hoảng, ông giậm chân quát lên:
- Người đâu! Mau đi tìm công chúa về cho ta!
Trong chốc lát, cả vương cung náo loạn cả lên đi tìm tam công chúa nhưng đều không có tin tức gì. Sau nữa năm, họ đã tìm được tam công chúa trong chùa Bạch Tước ở Đào Hoa Núi Đan Sơn. Lúc này, tam công chúa đã xuất gia thành ni cô rồi, pháp danh của nàng là Diệu Thiện.
Tam công chúa dốc lòng tu hành cuối cùng đã đắc đạo, tự cứu mình để rồi cứu người, và nàng đã trở thành Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn, trở thành vị Phật được nhân gian tôn thờ.
Vậy, Quan Thế Âm Bồ Tát có nghĩa là gì? “Quan” có nghĩa là nhìn. Không chỉ dùng mắt để nhìn, mà quan trọng hơn phải dùng tâm để nhìn. Nhìn cả thế giới vô cùng vô tận, thế giới đó không chỉ bao gồm những nơi có con người sinh sống ở quá khứ, hiện tại và tương lai mà còn bao quát cả sự tồn tại của tất cả mọi sinh mệnh trong vũ trụ.
“Âm” nghĩa là thông tin. Trong thế giới vô cùng vô tận này, tất cả mọi sinh mệnh đều dùng cách thông tin để biểu đạt trạng thái tồn tại chân thực hay giả dối của mình, những thông tin này có thể thông qua thị giác, xúc giác, thính giác, khứu giác, vị giác và giác quan thứ sáu để tiếp nhận. Phật giáo nói rằng: những âm đó đều là “đà la ni”. Đà la ni chính là lời chú, hay giải thích theo triết học thì tất cả “âm” ở đó đều là sự xác minh triết học của sinh mệnh.
Còn chữ “Bồ Tát” là chữ phiền dịch từ tiếng Phạn, gọi đầy đủ là “Bồ Đề Tát”, ý nghĩa của “Bồ đề là giác ngộ, “Tát” là hữu tình. Bởi vì “giác ngộ”mà “hữu tình”. Thế nhưng, do người dịch sợ mọi người lẫn lộn giữa hữu tình của Phật Pháp với ái tình nam nữ cho nên họ đã lược dịch thành “Bồ Tát”. Dẫu vậy nhưng cho dù có dịch thế nào đi chăng nữa thì Quan Thế Âm đúng là một vị Bồ Tát chí tình chí ái, chỉ có điều tình ái của ngài hoàn toàn không phải là tư tình của nam nữ, mà đó là lòng bác ái đối với đông đảo chúng sinh.
2000 năm nay, Quan Thế Âm Bồ Tát với hình ảnh nữ tính từ bi bác ái đã cứu độ và quan tân đến đông đảo chúng sinh dưới trần gian. Chỉ cần bạn có bất kỳ sự ưu phiền nào, thực tâm kêu gọi Quan Thế Âm Bồ Tát thì ngày sẽ lập tức hiển hiện để cứu giúp bạn trong cơn hoạn nạn.
Tại sao cứ phải là Đường Tăng ?
Đường Tăng đã có một tuổi thơ đầy khổ nạn, lại được các bật trưởng lão trong chùa Kim Sơn nuôi dưỡng, cho nên khi trưởng thành ngày có chí hướng phiên dịch và nghiên cứu Kinh Phật. Bộ Bát nhã Ba la mật đa Tâm kinh đang lưu hành hiện nay chính là một dịch phẩm của Đường Tăng.
Do lòng tín ngưỡng đối với Quan Thế Âm Bồ Tát nên Đường Tăng từng nhiều lần khấn cầu Quan Thế Âm Bồ Tát. Có lẽ chính nhờ tác dụng của những điều linh cảm đó mà Đường Tăng đã nảy sinh ý tưởng đi Tây Thiên lấy Kinh.
Tuy vậy, vẫn có nhiều người không biết tại sao Quan Thế Âm Bồ Tát chỉ lựa chọn mỗi Đường Tăng thôi? So với Tôn Ngộ Không là người bảo thủ, nhu nhược và vô năng nhất, dựa vào cái gì để bắt Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng làm đệ tử cho Đường Tăng đây ? Trong ba vị đồ đệ này, đại đệ tử Tôn Ngộ Không có bản lĩnh cao siêu nhất, đã từng đại náo thiên cung, tự xưng là “Tề thiên đại thánh”, có 72 chiêu biến hóa, có cân đẩu vân bay xa 10 vạn 8000 dặm. Nhị đệ tử Trư Bát Giới và tam đệ tử Sa Tăng cũng không phải là kẻ phàm phu tục tử, họ đều là những vị thiên thần xuống trần, đều có thể cưỡi mây đạp gió. Ông đã có ba vị đồ đệ thần thông quảng đại như vậy rồi, tại sao không để cho họ dùng phép thần thông đưa ông đến thẳng Tây Thiên mà lại bắt họ phải trèo non lội suối, bôn ba gian khổ như vậy chứ?
Câu trả lời nằm trong tính cách cầu toàn của Đường Tăng. Trong những loại hình tính cách nói trên, chỉ có loại hình tính cách cầu toàn là mong muốn tìm kiếm ý nghĩa trong công việc. Họ biết quan tâm đến các gợi ý, những gợi ý đó trong Phật Giáo gọi là “chú”. Mà thực chất Quan Thế Âm Bồ Tát cũng chính là một lời “chú”. Trong tình huống thông thường, chỉ có người có loại hình tính cách cầu toàn mới biết dùng tâm để hiểu được những lời “chú” đó, còn những người thuộc loại hình tính cách khác thì lại thờ ơ, vô tâm. So với những người khác thì người cầu toàn đều muốn nhiều, nghĩ thấu, nhìn xa trông rộng. Họ thích vạch kế hoạch mang tầm chiến lược, hơn nữa họ sẽ dùng tiêu chuẩn cao, yêu cầu nghiêm khắc để chấp hành những kế hoạch đó. Lời răn mình của những người thuộc loại hình tính cách này là “trở thành người kiệt xuất trong lĩnh vực sở trường của mình”, họ rất nghiêm khắc đối với bản thân, rất hà khắc đối với người khác, tiêu chuẩn của họ không phải là “hơn” mà phải là “kiệt xuất”. Chính vì vậy mà họ hoặc là học giả, chuyên gia, kiến trúc sự kiệt xuất, hoặc là nhà quản lý cao cấp của tổ chức. Mặc dù sự thể hiện của họ có phần hướng nội, nhưng họ lại sẵn sàng đón nhận thách thức, đồng thời họ hy vọng thông qua sự nỗ lực của mình để sắp đặt sự thay đổi trong tổ chức, họ thường là những nhân vật tiên phong trong xã hội hay tổ chức. Vì Đường Tăng là đại biểu kiệt xuất củaloại hình tính cách cầu toàn này nên trọng trách của việc lấy Kinh đổ lên vai Đường Tăng chứ không phải là ai khác.
Ngoài việc cầu lựa chọn người thích hợp thì để lấy được chân Kinh còn cần phải có hai điều kiện. Thứ nhất, bản thân người đi lấy Kinh phải trải qua quá trình đi lấy Kinh. Thứ hai, phải liên tục suy nghĩ trong quá trình đi lấy Kinh. Từ ý nghĩa này thấy rằng Đường Tăng không có con đường nào ngắn hơn, những người khác cũng không thể nào thay ông lấy chân Kinh về được. Giống như bạn có thể thông qua việc đọc sách và giao tiếp để tiếp nhận tri thức, nếu như bản thân bạn không tự mình thẩm thấu những tri thức đó thì bạn không thể cảm ngộ được. Cái gọi là Tây Thiên thực ra chính là Tây Thiên trong tâm hồn chúng ta mà thôi, mà chân Kinh cũng là cái đã được cất giấu ở nơi sâu thẳm trong tâm hồn chúng ta.
Nhằm thẳng mục tiêu cuộc đời mà tiến
Vào tháng Chín năm Trinh Quán thứ 13, Đường Tăng cưỡi một con ngựa gầy bắt đầu hành trình tiến về Tây Thiên lấy Kinh. Tương truyền, con ngựa mà Đường Tăng cưỡi đó vốn được một nhà xay bột ở phía Tây thành Trường An nuôi. Nó cùng với một con lừa trong nhà là bạn tốt của nhau. Thường ngày, ngựa đi kéo đồ ở bên ngoài, còn lừa thì ở nhà kéo cối xay. Không ngờ, sau khi ngựa đi Tây Thiên thì số phận của hai con vật cũng có thay đổi.
Sau 14 năm, chú ngựa đó đã thồ Kinh Phật về đến Trường An, trở về nhà xay bột gặp lại bạn lừa. Chú ngựa kể lại những chặng đường gian khổ đã trải qua: Sa mạc mênh mông vô tận, qua núi cao chót vót đến tận mây, băng tuyết dựng như núi, sóng biển như thác đổ... những cảnh giới như thần thoại đó khiến cho chú lừa nghe xong mà kinh hãi. Chú lừa thán phục mà nói rằng:
- Anh có được kiến thức phong phú như vậy, đi qua những chặng đường xa xôi như thế. Còn bản thân tôi ngay cả nghĩ cũng không dám nữa!
- Anh có biết không? Chú ngựa nói: thực ra, chặng đường mà chúng tôi vượt qua về cơ bản là tương đương nhau. Khi tôi tiến về Tây Thiên lấy Kinh thì anh cũng không ngừng nghỉ một bước nào. Điểm khác nhau giữa tôi với anh là Đường Tăng với tôi có mục tiêu cao xa, dẫu thế nào thì chúng tôi vẫn luôn luôn tiến về phía trước, cho nên chúng tôi đã thấy được một thế giới rộng lớn. Còn anh bị che mất tầm nhìn nên cả đời chỉ quanh quẩn bên chiếc cối xay và mãi mãi không ra khỏi không gian chật hẹp của mình.
Câu chuyện ngụ ngôn giữa lừa và ngựa giống như những câu chuyện đời thường của con người: ban đầu, họ không có sự chênh lệch nhiều về trí lực, nhưng sau khi trải qua đường đời nhân sinh thì có người đạt được nhiều thành tích, có người thì chẳng có chút công lao gì. Vậy nguyên nhân nào đã tạo ra sự khác biệt lớn đến vậy? Đáp án cho câu hỏi đó chính là mục tiêu.
Hóa ra, sự khác nhau cân bằng nhất trong cuộc đời của những nhân sỹ kiệt xuấtvới những người bình thường không phải là cái thiên phú, cũng không phải là cơ hội mà là ở chỗ họ có gây dựng được mục tiêu nhân sinh của mình và quyết tâm đạt được mục tiêu ấy hay không? Giống như con ngựa và con lừa, khi con ngựa vẫn không ngừng tiến về Tây Thiên thì con lừa chỉ quanh quẩn bên chiếc cối xay. Cho dù chặng đường mà cả một đời con lừa đã đi qua so với con ngựa, nhưng bởi vì con lừa không có mục tiêu nên cả đời nó trước sau vẫn không ra khỏi cái không gian chật hẹp của ngôi nhà. Đạo lý trong cuộc sống của con người cũng giống như vậy, đối với những người không có mục tiêu, cái gọi là nhân sinh không có ý nghĩa gì. Thế nên, nếu như chúng ta xác định mục tiêu cuộc đời và luôn tiến về phía trước hoàn thành mục tiêu thì cuộc sống của chúng ta sẽ luôn rộng mở, sáng lạn.
Khó khăn chỉ là một con hổ giấy
Khó khăn đầu tiên mà Đường Tăng gặp phải là đối mặt với hổ dữ.
Con hổ đầu tiên là một con yêu tinh. Sáng sớm hôm đó, Đường Tăng và hai người hầu đường, không may bị rơi xuống một cái hố và trở thành mồi của hổ tinh.
Hổ tinh được ví như khó khăn hay tai nạn, bởi vì đúng là khó khăn hay tai nạn cũng đáng sợ như hổ vậy. Trong con mắt của những người nhu nhược, sợ hãi thì khó khăn luôn rình rập ở mọi nơi mọi lúc, nó giống như những con hổ đang vây xung quanh, hết thảy đều là sơn tinh thụ quỷ, quái thú sài lang. Hổ và yêu quái đều sẽ ăn thịt người, khó khăn và tai nạn cũng vậy.
Suýt chút nữa Đường Tăng cũng bị tai họa đe dọa. May mà “bản tính nguyên minh”, nên sau khi được Thái Bạch Kim Tinh chỉ dẫn, Đường Tăng đã tìm ra được phương hướng để tiếp tục bước trên con đường đi lấy Kinh. Cái gọi là “bản tính nguyên minh” hiểu nôm na là niềm tin vào chính mình.
Thế nhưng, rất nhanh chóng Đường Tăng lại gặp phải con hổ thứ hai. Ông tự biết mình thân cô bất lực, cho rằng mình sẽ chết nên trong lòng cảm thấy thật thê lương, ảm đạm. lúc đó, bỗng nhiên xuất hiện một vị hảo hán “tiếng nói vang dội cả núi rừng, dũng mãnh oai hùng”, chính là thợ săn Lưu Bá Khâm. Sau một giờ vật lộn với con hổ, cuối cùng Lưu Bá Khâm đã quật chết con hổ. Cái đạo cầu thắng của Lưu Bá Khâm là: “Người, hổ tham sống tranh thắng thua, chỉ chậm một chút mất mạng thôi.”
Câu chuyện này đã chỉ ra rằng, khi đối mặt với hổ dữ, cũng giống như đối mặt với khó khăn không nên do dự mà nên sẵn sàng tiến lên quyết một phen sống chết với nó.
Tôn Ngộ Không sau khi được tự do trở lại đã đánh chết con hổ thứ ba, điều đó đã chứng minh sâu sắc triết lý giữa dũng cảm và khó khăn. Trong con mắt của một người dũng cảm như Tôn Ngộ Không thì khó khăn chẳng qua chỉ là một con hổ giấy mà thôi.
Sức mạnh của tập thể
Chủ đề của Tây du ký là “tam tam hành mãn đạo quy căn” (tu tròn công hạnh thì thành đạo lớn), nhưng tình tiết câu chuyện lại là “cửu cửu sổ hoàn ma diệt tận” (vượt qua 81 nạn thì hết yêu ma). Nếu không đủ lòng can đảm thì làm sao có thể vượt qua được chặng đường dài gian khó, làm sao có thể “công thành, hạnh đủ, gặp chân như”?
Thực tế, Đường Tăng không phải là người nhát gan, nhưng vấn đề là ông không đủ quyết đoán. Sở dĩ nói ông dũng cảm là bởi ông luôn kiên cường đối mặt với những tình huống xấu nhất; nhưng nói ông thiếu quyết đoán là bởi ông thường thiếu lòng tin trước nhiều biến cố và khó khăn, ông chỉ có thể đứng ngoài mà nhìn kết cục xấu nhất xảy ra. Khi những người có tính cách cầu toàn đối mặt với gian nguy thì cực kỳ cẩn thận, họ luôn hy vọng tuyệt đối không để sai sót, nhầm lẫn, cho nên thường họ rất khó đương đầu với thử thách một mình, họ cần một sức mạnh tổng hợp.
Trong sách đã nói rõ, Lưỡng Giới Sơn vốn có tên là Ngũ Hành Sơn. Khi Vương Mãng soán ngôi nhà Hán thì hòn núi này từ trên trời rơi xuống. Khi Đường Thái Tông đánh nước Định ở phía Tây, ông đã đổi tên núi thành Lưỡng Giới Sơn ngụ ý là ngọn núi ở biên giới. Một hòn núi được đổi tên hoàn toàn không phải là chuyện lạ, tại sao việc Tôn Ngộ Không bị Phật Như Lai hàng phục lại có mối liên hệ với việc Vương Mãng soán ngôi nhà Hán? Vương Mãng soán ngôi nhà Hán cũng là điều càn bậy; mà Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung cũng là điều càn bậy. nhưng sự khác nhau giữa Tôn Ngộ Không với Vương Mãng là ở chỗ, cuối cùng Vương Mãng giành được ngôi và mang lại tai họa cho thiên hạ, còn Tôn Ngộ Không chưa giành được gì thì đã bị áp chế dưới Ngũ Hành Sơn 500 năm cuối cùng đã được thoát ra, nhưng y cần phải chịu sự lãnh đạo của một người, và Đường Tăng với tính cách cầu toàn là một đáp ứng của yêu cầu đó.
Từ khi Tây du ký được xuất bản cho đến nay, có rất nhiều độc giả đã bất bình kêu than cho Tôn Ngộ Không. Họ cho rằng, Tôn Ngộ Không là một người có năng lực, tại sao lại bắt y cúi mình khiếp sợ trước một Đường Tăng người trần mắt thịt? Khoa học quản lý nguồn nhân lực cho rằng, tài trí của một người có cao có thấp, mà phẩm đức lại là dấu hiệu chính phụ của tài trí. Khi phẩm đức là số âm mà tài càng cao thì khả năng làm việc xấu càng lớn. Giống như vậy, khi phẩm đức là số dương mà tài trí càng cao thì khả năng làm việc tốt cũng càng lớn. Đối với Tôn Ngộ Không bất hảo thì Đường Tăng chính là một số dương rất lớn. Chính vì có số dương lớn này mà Tôn Ngộ Không có thể tu thành chính quả, từ một con yêu hầu mà đắc đạo thành Phật.
Nhà sử học Tư Mã Thiên đã nói rằng: “tài trí, là cái vốn của đức; còn đức, là thầy của tài”. Vậy cho nên, đối với Đường Tăng, Tôn Ngộ Không là một trợ thủ không thể thiếu; còn Tôn Ngộ Không tuy thần thông quảng đại nhưng cũng cần một vị sư phụ có chí hướng cao xa như Đường Tăng.
Tôn Ngộ Không bị nhốt dưới Lưỡng Giới Sơn năm tháng đằng đẵng đã khiến lòng y có phần hối hận. Trước khi gặp Đường Tăng, y đã gặp Quan Thế Âm Bồ Tát. Tôn Ngộ Không đã khẩn cầu Bồ Tát cho y một lối thoát. Bồ Tát đã vui vẻ mà nói rằng:
- Được! Thánh kinh có dạy: nói ra lời hay thì ở nơi ngàn dặm cũng hướng theo; nói ra lời bất thiện thì ở nơi ngàn dặm cũng không theo. Ngươi đã có lòng như vậy thì đợi ta đến Đông Thổ Đại Đường tìm một người đi lấy Kinh, người đó sẽ cứu người thoát khỏi nơi đây. Ngươi có thể theo ông ta làm đồ đệ, cùng ông ta vượt qua muốn sống nghìn núi, đó cũng xem như là một phen tu hành, người thấy thế nào?
Tôn Ngộ Không vội vàng nhận lời, kể từ đó y ngày đêm mong ngóng người đi lấy Kinh tới để giải cứu cho mình. Khi gặp Tôn Ngộ Không, Đường Tăng đã nói với y rằng:
- Con đã có lòng hướng thiện như vậy thì Bồ Tát cũng đã an bài rồi, mà ta cũng muốn giúp con được tự do trở lại.
Do đó, dưới sự giúp đỡ của Lưu Bá Khâm, Đường Tăng đã leo cây bám cỏ trèo lên đỉnh núi Lưỡng Giới. Lên đỉnh núi, Đường Tăng chỉ thấy một khối đá tứ phương, trên khối đá đó có dán một lá bùa, trên lá bùa đó có viết sáu chữ vàng “ma, ni, ba, mi, ma, ni”. Đường Tăng tiến đến rồi quỳ xuống lầm rầm cầu khẩn. sau đó, lá bùa có sáu chữ vàng đó nhẹ nhàng bay đi. Tôn Ngộ Không hưng phấn liến thoắng nói với Đường Tăng:
- Sư phụ, xin sư phụ hãy mau tránh ra xa, con bay ra đây!
Lưu Bá Khâm vội kéo Đường Tăng tránh ra xa. Lúc đó chỉ nghe thấy một tiếng nổ long trời lở đất, Tôn Ngộ Không lộn nhào bay lên, rồi sau đó y quỳ xuống trước mặt Đường Tăng.
Hai thầy trò cùng nhìn nhau, ai nấy đều tỏ ra vui mừng khôn xiết. Lưu Bá Khâm cũng vì hai thầy trò họ mà cảm thấy vui lây, chúc mừng Đường Tăng đã thu nhận được một đồ đệ bản lĩnh cao cường. Đường Tăng bèn quay sang cảm tạ Lưu Bá Khâm, hai người lưu luyến từ biệt nhau.
Sau này, Đường Tăng đã liên tiếp thu nhận ba đồ đệ nữa, như vậy là ông đã có thể thông qua sức mạnh tập thể để giải quyết muôn vàn những khó khăn trên dặm đường trường lấy Kinh gian khổ. Mà tất cả những điều đó là sự sắp xếp của Quan Thế Âm Bồ Tát.
( Source : TÂY DU @ KÝ - TG : Thành Quân Ức - DG : Hoàng Ngọc Cương - Lê Thị Hương )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét