Ads 468x60px

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Phần 05 - Các kiểu tính cách khác nhau trong một tập thể

Các kiểu tính cách trong Tây Du Ký
Trên con đường nhân sinh, mỗi người trong chúng ta đều là một vị sứ giả đi lấy Kinh, chúng ta phân chia vai diễn để đóng những vai khác nhau như Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng. 
Khám phá sứ mệnh nhân sinh của bạn 

Bạn đã biết trong cuộc đời mình bạn cần phải làm những việc gì chưa ? Nếu bạn không biết thì bạn cần phải tìm kiếm đi. Câu chuyện lấy Kinh mà Tây du ký miêu tả kỳ thực ra chính là một quá trình tìm kiếm sứ mệnh nhân sinh mà thôi. 

Theo cách giải thích của Phật Giáo, từ ngôi chùa Đại Lôi Âm trên núi Linh Sơn mà Phật Tổ ở có thể tìm được sứ mệnh nhân sinh của bạn. Nhưng Linh Sơn là ở nơi nào đây ? Một loại là Linh Sơn trong địa lý, ở Tây Phương; một loại là Linh sơn trong tâm lý, ở Tây Thiên, Tây Thiên mà Tây du ký nhắc tới, nói một cách chính xác thì chính là Tây Thiên trong tâm lý. Vậy cho nên có một bài thơ thiền rất hay: 

“ Phật tại tâm trung mạc lăng cầu 
Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu 
Nhân nhân hữu cá Linh Sơn tháp 
Chỉ hướng Linh Sơn tháp hạ tu” 

(Phật ở trong tâm chớ tìm đâu
Linh Sơn chỉ ở trong tâm người
Ai ai cũng có tháp Linh Sơn 
Hãy xuống Linh Sơn tu dưới tháp.) 

Chữ “lăng” giải thích theo nghĩa cổ văn nghĩa là loạn, lăng cầu là tìm loạn, không nên chạy đôn chạy đáo tìm kiếm ở đâu, xin hãy tập trung vào tâm bạn, bởi vì Linh Sơn có ngay trong tâm bạn, bạn hay ở đó mà tìm đến Phật, mà tu hành để lãnh ngộ chân lý của Phật. 

Mà Phật Tổ cũng hi vọng có thể giữ cho mỗi con người đi đúng còn đường chính nghĩa. Có một hôm, khi ngài đang giảng bài cho các tín đồ của mình thì ngài lại nhắc đến câu chuyện Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung. Ngài nói: 

- Ta thấy nhân loại ở trên cõi đời này, thiên tính tham lam, bởi vậy mà dẫn đến nhiều tranh đấu thị phi. Ta có Tam Tạng chân Kinh, hi vọng có thể truyền thụ cho mọi người, giúp mọi người có được hạnh phúc chân chính và cuộc sống vui vẻ. 

- Tam Tạng chân Kinh đó, tương truyền là do Văn Thủ Bồ Tát dẫn theo rất nhiều bậc tôn giả kết tập lại trên núi Thiết Vi mà viết nên, bao gồm “Kinh”, “Luật”, “Luận” (nên cũng còn gọi là Tam Tạng “pháp, luận, kinh”). Kinh, đó chính là đạo lý mà Phật nói đến, “Luật” là giới Luật mà tín đồ Phật giáo cần phải tuân thủ. “Luận” là sự cảm ngộ và luận bàn của mỗi vị tín đồ. Còn đến như tàng (tạng cất giữ), chính là việc dùng hòm tre, hòm trúc để giữ gìn những điển tích Phật Giáo, “kinh”, “luật”, “luận” này. 

Phật Tổ đã chuẩn bị như thế nào để truyền thụ Tam Tạng chân Kinh cho người đời nghiệp chướng nặng nề đây ? Biện pháp của ngài không giống với cách ngày nay chúng ta làm là xuất bản hàng vạn cuốn sách, phân phối cho các nhà sách ở khắp nơi trên thế giới. Nếu làm như vậy thì Phật pháp cũng dễ đạt được quá, mà dễ đạt được thì không có người quý trọng. Vậy nên ngài cho rằng, nếu có người thành tâm hướng Phật thì ngài sẽ thông qua lịch trình nhân sinh khổ nạn để cầu được chân Kinh ấy mà ban chân Kinh. Tam Tạng chân Kinh, cũng chính là chân lý làm người xử thế mà thôi. 

Cũng vừa đúng lúc Quan Thế Âm Bồ Tát ở đó nghe giảng, ngài liền đứng dậy nói: 

- Ta nguyện tới Đông Thổ tìm một người đi lấy Kinh. 

Phật Như Lai vui mừng, ngài nói: 

- Nếu Quan Âm nguyện tới Đông Thổ trước thì ta sẽ cho Quan Âm năm bảo bối, để nhờ Quan Âm truyền lại cho người đi lấy Kinh. 

Quan Thế Âm Bồ Tát bèn đến Đông Thổ tìm một vị hòa thượng, vị hòa thượng đó tên là Đường Tăng. Trước sau cả hai lần Quan Thế Âm đã tặng cho Đường Tăng năm bảo bối để giúp Đường Tăng hoàn thành đại nghiệp đi lấy Kinh. Năm bảo bối đó bao gồm: một cây gậy và ba chiếc vòng kim cô. Ba chiếc vòng kim cô sau này Đường Tăng đã chia cho ba đồ đệ của ông là Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng. Chính bởi vì có ba chiếc vòng kim cô này mà Đường Tăng mới có thể có được sức mạnh tập thể để khắc phục muôn ngàn khó khăn gian khổ và cuối cùng lấy được chân Kinh.

Bốn kiểu tính cách trong đoàn đi lấy Kinh.

Theo cách giải thích “Linh Sơn chỉ ở trong tâm mỗi người” thì con đường đi lấy Kinh của Đường Tăng kỳ thực là quá trình của lòng mưu trí, gan dạ. Những nơi mà Đường Tăng đi qua, so với muôn ngàn gian khó về địa lý thì chẳng bằng muôn ngàn gian khó về tâm lý. 

Thậm chí chúng ta cũng có thể nói như thế này: Mỗi người trên đường đi lấy Kinh đều là Đường Tăng. Và thầy trò Đường Tăng, là biểu tượng của bốn loại tính cách của người đi lấy Kinh mà thôi. 

Hoặc bạn cũng có thể xem thầy trò họ là một tổ chức tập thể tuyệt vời, bốn cá nhân trong tập thể đó tượng trưng cho bốn loại tính cách đặc trưng. Mà quá trình lấy Kinh ở Tây Thiên, kỳ thực cũng là quá trình bốn loại hình đặc trưng tính cách đó tác động qua lại trong sự hợp tác tập thể. Nói đến kiếp nạn, là nói đến những khó khăn mà chúng ta sẽ gặp phải trong lịch trình của nhân sinh và sự nghiệp của mình, bạn sẽ phát hiện ra rằng, mỗi loại hình tính cách khác nhau ấy sẽ tạo ra sự lý giải khác nhau đối với sự khó khăn. 

Đường Tăng đại diện cho tính cách cầu toàn 

Hứng thú của Đường Tăng là ở việc khám phá thế giới tâm linh của con người, theo đuổi phẩm vị nghệ thuật chí chân, chí thiện, chí mỹ, có khả năng lấy tư duy tinh tế và tài hoa kiệt xuất để sáng tạo nên những tác phẩm kinh điển. mặc dù thời niên thiếu (khi đó ông có tên là Giang Lưu Nhi)đã biết suy nghĩ chín chắn, thực hiện thành công kế hoạch phục thù của mình, đó là việc ông đã giết được tên gian ác Lưu Hồng, một kẻ tàn ác đã giết cha ông và chiếm đoạt mẹ ông. Sau này, ông thành một nhà tư tưởng và cuối cùng ông đã trở thành một bậc thành tăng có học thức uyên thâm. Ông là một người nghiêm túc, chăm chỉ, chú trọng đến cả những chi tiết nhỏ nhặt, luôn luôn theo đuổi chân lý, cho đến mãi sau này ông được Quan Thế Âm Bồ Tát xem là một đối tượng lý tưởng để trao quyền. Lời răn mình của ông là “đã được đi làm thì hãy làm cho thật tốt”. Chính vì vậy ông không để ý đến việc làm được bao nhiêu và không để ý đến việc làm tốt như thế nào. Ông là đại biểu cho văn hóa quản lý tập thể giỏi và tiêu chuẩn cao trong công việc. 

Giống như Đường Tăng, loại hình tính cách cầu toàn thương nhìn nhận mục tiêu lâu dài. Những người có tính cách này thường mong muốn nhiều hơn, cho nên họ luôn nhìn nhận và đánh giá vấn đề từ một tầng cao hơn. Họ có thiên phú khác biệt so với những người bình thường, vì thế mà họ rất tài hoa trong các lĩnh vực âm nhạc, triết học, nghệ thuật. Họ nói năng hùng hồn thiết tha, khiến cho người khác phải chảy nước mắt. Họ sùng thượng mỹ đức, hơn nữa họ luôn cố gắng không mệt mỏi để tìm tòi, khám phá ý nghĩa nhân sinh. Họ lạc quan vì đã lựa chọn đúng đắn sự nghiệp của mình, và đảm bảo chắc chắn họ có thể làm tốt đến từng chi tiết. 

Ấy thế nhưng, khuynh hướng theo chủ nghĩa cầu toàn khiến cho họ yêu cầu quá nghiêm khắc đối với bản thân mình và người khác. Do đó mà họ khá mẫn cảm với khuyết điểm, họ thường không cảm thấy vui vẻ, hơn nữa họ còn dễ bị tổn thương. Tình cảm của họ hướng nội, họ hay trách bản thân không tốt. 

Tôn Ngộ Không Đại diện tiêu biểu kiệt xuất cho tính cách mạnh mẽ

Những người mang loại hình tính cách mạnh mẽ luôn là những người tràn đầy sức sống, siêu vượt lên giới hạn của bản thân mình. Hai từ họ đặc biệt quan tâm là: “Mục tiêu” và “thành công”. Giống với Tôn Ngộ Không, những người thuộc loại hình tính cách này sùng bái sự thành công hơn những người thuộc loại hình tính cách khác. Thông thường, trong tổ chức, họ là những nhân vật cứng rắn, luôn hướng về mục tiêu, không có gì kiên cố mà họ không phá nổi. Họ hay để ý đến kết quả của công việc, nhưng lại không quan tâm lắm đến tình cảm và quá trình của người khác. Họ thích khống chế tất cả, họ cương quyết dựa vào ý nguyện của mình để đưa ra mệnh lệnh. Họ thể hiện rõ là người quân phiệt, thô lỗ lạnh lùng và hà khắc. 

Trư Bát Giới Đại diện cho kiểu tính cách sôi nổi 

Nếu như nói Đường Tăng là đại diện của loại hình tính cách cầu toàn sùng thượng mỹ đức, Tôn Ngộ Không là đại diện của loại hình tính cách mạnh mẽ sùng thượng hành động, thì Trư Bát Giới thuộc loại hình tính cách sôi nổi lại sùng thượng lạc thú. 

Giống như Trư Bát Giới, điển hình của loại hình tính cách sôi nổi là bộc lộ bên ngoài, nhiệt tình phóng khoáng. Họ biết phải làm sao để tìm được lạc thú trong công việc, và làm sao để khiến nhiều người cảm thấy hưng phấn. họ thường là những ông vua sôi nổi của những câu chuyện lý thú, cuộc sống của họ luôn tươi thắm sắc màu. 

Thế nhưng, hầu như họ là những người nói thì nhiều mà làm thì ít. Chỉ cần có họ ở đâu thì nơi đó luôn ngập tràn tiếng cười, nhưng nếu chẳng may gặp phiền phức thì họ sẽ biến mất tăm. Hầu như họ mãi mãi chỉ là những đứa trẻ, họ thích an nhàn, lười lao động, thích được hưởng thụ, không thành thực, không có trật tự, thiếu trách nhiệm. 

Sa Tăng Đại diện cho kiểu tính cách ôn hòa 

Khi Đường Tăng suy ngẫm, Tôn Ngộ Không lăn lộn với công việc, Trư Bát Giới cười nói thì Sa Tăng lại thong thả hơn so với bất kỳ người nào khác, ông chỉ đứng ngoài quan sát. Khi Trư Bát Giới đang làu bàu chửi rủa, Tôn Ngộ Không đang đánh nhau, Đường Tăng đang thấp thỏm thì chỉ có Sa Tăng vẫn bình chân như vại. Những người có tinh thần lạc quan, điềm tĩnh, nhẹ nhàng trong xử thế như vậy thường là những người có thể rất nhẫn nại để ứng phó với cục diện biến đổi nhiều phức tạp. 

Giống như Sa Tăng, một trong những đặc điểm của người có tính cách ôn hòa là họ có thể giữ được vẻ bình tĩnh trong lúc gấp gáp. Họ quen với việc tuân thủ theo trò chơi quy tắc đã định, quen với việc tránh xung đột và lập trường suy nghĩ. Họ bằng lòng với số phận, họ không có kỳ vọng và yêu cầu quá cao với cuộc sống, vì thế họ rất dễ yên bình trong sự thay đổi của cuộc sống. Họ là những người bạn tốt và bình tĩnh như vậy nên họ có thể đón nhận những phiền toái. Họ là những người bạn tốt, vì cái mà trời phú cho họ là mối quan hệ tốt với những người xung quanh. 

Thế nhưng, dường như họ cũng là những người không có chủ kiến, không muốn chịu trách nhiệm, thiếu nhiệt tình. Họ không tích khoe khoang, họ hay châm biếm những người và việc mang tính khoe khoang, họ thường là những người được chăng hay chớ, sự thể hiện của họ không có gì nổi bật, thậm chí có chút qua loa và lười nhác. 

Bạn thuộc kiểu tính cách nào ? 

Trong văn hóa truyền thống của Trung Quốc, Tây Thiên thường mang ý nghĩa là sự kết thúc của sinh mệnh, của sự tái sinh và vĩnh hằng. Đến Tây Thiên lấy Kinh, thực ra là cả một quá trình hướng tới tương lai mù mịt không thể biết trước để tìm kiếm giá trị của nhân sinh. Xét từ góc độ này thì chúng ta nhìn thấy rằng, trong con đường nhân sinh, mỗi người trong chúng ta đều là sứ giả đi lấy Kinh, mỗi người được phân chia để đóng những vai diễn khác nhau như Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng. 

Giả sử bạn có cơ hội để đảm nhận một vai diễn trong Tây du ký, vậy thì bạn sẽ lựa chọn vai diễn nào ? 

1. Đường Tăng có bộ óc triết học 

2. Tôn Ngộ Không có khả năng hành động 

3. Trư Bát Giới hài hước đáng yêu 

4. Sa Tăng hiền hòa điềm đạm 

Nếu bạn lựa chọn Đường Tăng thì chứng tỏ rằng bạn muốn tìm tòi khám phá ý nghĩa của nhân sinh. Nếu bạn lựa chọn Tôn Ngộ Không thì chứng tỏ bạn xem trọng kết quả thực tế. Nếu bạn lựa chọn Trư Bát Giới thì chứng tỏ bạn thích hưởng thụ vui vẻ. Còn nếu bạn thích Sa Tăng thì chứng tỏ bạn là triết học nhân sinh, quan sát sự biến đổi trong trạng thái điềm tĩnh, để tránh xung đột và gây dựng quan hệ tốt với mọi người, vừa có thể ung dung lấy cái bất biến để ứng phó với cái vạn biến. 

Đúng như vậy, bốn loại tính cách của thầy trò Đường Tăng có thể là bốn loại tính cách cơ bản của mỗi người trong chúng ta. Cá nhân Tôn Ngộ Không, tượng trưng cho sức sống và tinh thần phấn đấu của nhân loại với nhân sinh. Cá nhân Đường Tăng là tượng trưng cho xã hội lý tưởng và theo đuổi nhân văn của chúng ta. Cá nhân Trư Bát Giới tượng trưng cho xã hội thế tục và chủ nghĩa hưởng lạc mà chúng ta phải đối mặt, bao gồm trong đó cả việc theo đuổi cuộc sống ái tình và tiền bạc. Cá nhân Sa Tăng tượng trưng cho sự bình tĩnh và nhẫn nại mà chúng ta cần phải có trong con đường nhân sinh bận rộn. 

Nhưng như vậy hoàn toàn không chứng tỏ bạn có thể diễn tốt bất kỳ vai diễn nào trong cuộc sống của mình. Bởi vì, trong bốn loại tính cách cơ bản này, sẽ có một loại tính cách cơ bản giữ vai trò chủ đạo. nếu vai trò chủ đạo của bạn là “cầu toàn” thì loại hình tính cách của bạn là cầu toàn, bạn nên lựa chọn vai diễn nghề nghiệp giống như Đường Tăng. Nếu vai trò chủ đạo của bạn là “sức mạnh” thì loại hình tính cách của bạn là sức mạnh, và bạn nên lựa chọn vai diễn nhân vật giống như Tôn Ngộ Không. Nếu vai trò chủ đạo của bạn là “sôi nổi” thì loại hình tính cách của bạn là sôi nổi, như vậy thì bạn nên lựa chọn vai diễn như Trư Bát Giới, còn nếu vai trò chủ đạo của bạn là “ôn hòa”, vậy thì loại hình tính cách của bạn là ôn hòa, và do đó bạn nên lựa chọn vai diễn như Sa Tăng. 

Nếu chúng ta để cho thầy trò Đường Tăng thế vai nhau, để Đường Tăng diễn vai của Sa Tăng, để Sa Tăng diễn vai Tôn Ngộ Không, để Tôn Ngộ Không diễn vai Trư Bát Giới, để Trư Bát Giới diễn vai Đường Tăng... thì sẽ xảy ra chuyện gì đây ? 

Chúng ta đang trên con đường đi Tây Thiên thỉnh Kinh 

Phải! chúng ta đang trên con đường đi Tây Thiên lấy Kinh. Chúng ta đang cân nhắc về những việc mà chúng ta nên làm trong cuộc đời, và gọi đó là sự nghiệp. Để lấy được chân Kinh và tạo dựng được nghề nghiệp thành công thì chúng ta cần phải đối xử một cách nghiêm túc đối với những vấn đề sau: 

Đối với cá nhân 

1. Chúng ta cần phải nhắm vào loại hình tính cách của mình để lựa chọn vai diễn nghề nghiệp cho phù hợp, làm tốt kế hoạch nghề nghiệp cuộc sống của cá nhân. 

2. Do sự khác biệt về loại hình tính cách, cho nên trong các vấn đề như: cách suy xét vấn đề của mỗi cá nhân, thái độ đối với khó khăn, cách lợi dụng thời gian, cách xử lý vấn đề tình cảm, cách xử lý xung đột trong quan hệ... đều có khác biệt rất lớn. Chính vì vậy mà chúng ta cần phải biết học cách xử lý như thế nào đối với các phương thức tư duy và hành vi của các loại hình tính cách khác nhau để thuận tiện cho việc quan hệ tốt với người khác và gây dựng nên mối quan hệ hòa hợp. 

Đối với người quản lý 

1. Để cho những thành viên trong tập thể thể hiện trung thành và nhiệt tình trong công việc thì bạn nên đem tương lai phát triển của công ty kết hợp với cuộc sống nghề nghiệp của mỗi thành viên trong tập thể. 

2. Bạn nên căn cứ vào cương vị của mỗi người để điều chỉnh vị trí thách thức khác nhau, rồi sau đó mới tuyển chọn kết hợp các loại hình tính cách với nhau. 

3. Bạn còn phải tiến hành kết hợp một cách khoa học các loại hình tính cách khác nhau của nhân viên để hình thành ưu thế bổ sung kết hợp với nhau, thông qua văn hóa tập thể để kiến thiết và thúc đẩy sự phát triển của công ty. 

Cách đây hơn 2500 năm, các bậc thánh hiền của Trung Quốc thời cổ đại đã để lại cho chúng ta phương án chỉ đạo của nghề nghiệp là: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Dựa theo thứ tự ưu tiên của phương án này, chúng ta sẽ thấy rằng cuộc sống nghề nghiệp thành công thực ra là bắt đầu từ sự “tu thân”. Bạn có thể từ góc độ nghề nghiệp để đọc hiểu Tây du ký, và từ đó bạn sẽ lĩnh ngộ ra nhiều đạo lý của sự “tu thân”. 

Đối với mỗi doanh nghiệp, việc thực hiện chiến lược nhân tài mới là phương sách quan trọng của mục tiêu, để tác động tới thái độ làm việc tích cực của nhân viên, đồng thời tạo chơ hội cho các tố chất của nhân viên phát triển theo nhu cầu của xí nghiệp, giúp đỡ nhân viên lập ra kế hoạch cuộc sống, thì không còn nghi ngờ gì nữa. Bạn có thể từ góc độ quản lý nguồn nhân lực để tìm hiểu về Tây du ký, để từ tác phẩm này bạn học được cách phải làm sao để biết người mà bổ dụng cho khéo léo, thực hiện có hiệu quả việc quản lý theo phương án “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”

( Source : TÂY DU @ KÝ - TG : Thành Quân Ức - DG : Hoàng Ngọc Cương - Lê Thị Hương )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét