Ads 468x60px

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Phần 04 - Đạo đức nghề nghiệp

Phật Tổ Như Lai hàng phục Tôn Ngộ Không
Đạo đức là nền tảng của thành công 

Hứa Tinh Dương chân nhân dâng kiến nghị lên Ngọc Hoàng, ngài không phải là một vị thần tiên bình thường. Trong lịch sử, Hứa Tinh Dương chân nhân chính là tổ sư bậc thầy về khí công của Trung Quốc, từ “khí công” cũng chính là bắt nguồn từ tác phẩm Tịnh Minh Tông giáo lục do ngài biên soạn. Tương truyền rằng, vào năm Minh Khang thứ hai đời Đông Tấn, Hứa Tinh Dương ở Tây Sơn Nam Xương, nhờ luyện công mà ngài đã sáng tạo nên kỳ tích đưa cả nhà bay lên trời. Cả gia đình ông gồm 42 người và toàn bộ gia súc gia cầm đã cùng bay lên trời. Thành ngữ “một người đắc đạo, gà chó lên trời” chính là bắt nguồn từ câu chuyện này. 


Khí công, chính là công phu luyện khí. “Khí” ở đây chính là khí thuộc tính, khí, thần. Cái gọi là khí công, tức là một loại phương pháp đặc thù thông qua việc luyện khí để điều tiết thân tâm cho cân bằng, thực hiện thân tâm khỏe mạnh. Ba yếu tố lớn của khí công chính là “điều thân”, “điều hơi thở” và “điều tâm”. 

“Điều thân” là phương pháp luyện tập mà chúng ta thường sử dụng, ví dụ như các hoạt động nhảy dây, đá cầu, tập thể dục thẩm mỹ, đánh cầu lông... đó đều là những hoạt động thông qua việc “điều thân” để khiến cho thân thể được khỏe mạnh. 

“Điều thân” chú về động, “điều hơi thở” chú về tĩnh. “Hơi thở được điều hòa cũng chính là việc chúng ta luôn phải dùng đến sự hô hấp trong mọi thời khắc. Vì vậy cho nên, cái gọi là “điều hòa hơi thở” thực ra chính là các phương pháp thở có ích để khiến cho thân tâm được khỏe mạnh, nó bao gồm cả các phương pháp thở sâu và thở ngược. 

Nhưng công pháp khí công chân chính hẳn không chỉ dừng lại ở việc “điều thân”, cũng không chỉ dừng lại ở việc “điều hơi thở”, mà quan trọng nhất chính là việc “điều tâm”. “Điều tâm” cũng còn gọi là “điều thân”, đó là một sự điều chỉnh đối với tinh thần của con người. Một người thân tâm khỏe mạnh thì mới thực sự có được sức khỏe. Mà cũng chỉ khi tâm được điều chỉnh tốt thì mới có thể giải thoát triệt để khỏi phiền não, mới có thể khai phát được trí lực. Chữ “điều” trong chữ “điều tâm” chủ yếu là thể hiện ở sự vận dụng và điều chỉnh ý thức. Từ ý nghĩa đó mà xét thì cái đạo tụ tinh hội thần của Tôn Ngộ Không cũng chính là một loại phương pháp “điều tâm”. 

Do nhu cầu của việc “điều tâm” nên việc luyện tập khí công rất chú trọng đến việc tu dưỡng công đức, bởi vậy mà người ta thường nói “công từ đức mà ra, đức là nguồn của công”. Sách Đạo đức kinh có viết: “Đạo sinh ra, đức nuôi dưỡng, vật hình thành, thế tạo nên, ấy cho nên vạn vật không cái gì là không tôn đạo mà quý trọng đức”. Được xem là hình thức biểu hiện cụ thể của đạo, “đức bao quát cả các hành vi quy phạm làm người xử thế của chúng ta.

Các thầy khí công chính là chính đạo hay tà đạo, đạt được đại đạo hay là pháp thuật thì nhân tố quyết định chính là ở chữ “đức”. 

Người quản lý ăn cắp, buông thả làm càn 

Hứa Tinh Dương chân nhân hy vọng Tôn Ngộ Không làm được chút việc, đó là một kiến nghị đúng. Thế nhưng, Ngọc Hoảng phái y đi cai quản vườn Bàn đào thì lại là một quyết định khá hoang đường. Giống như câu chuyện về Con chó sói trong truyện ngụ ngôn của Aesop, trừ phi đem nó huấn luyện thành một chú chó săn, nếu không thì không thể mong nó cai quản được đàn dê. Để cho một con khỉ thiếu đi sự tu dưỡng đạo đức cai quản vườn Bàn đào thì cũng đồng nghĩa với việc tạo cơ hội cho y ăn trộm. 

Tôn Ngộ Không ở trong vườn đào, nhìn những quả đào chín mọng, trong lòng y quả thực rất thèm. Nghĩ vậy y liền bày kế để cho thuộc hạ của mình ra ngoài vườn đào, còn y thì cởi bỏ quan phục, trèo hẳn lên cây chọn những quả đào to chín mọng, y hái thật nhiều rồi ở trên cây vừa hái vừa ăn. Đến khi ăn no thì y mới nhảy xuống, mặc lại quan phục gọn gàng. Rồi từ đó trở đi y luôn nghĩ ra cách để ăn vụng như vậy. 

Một hôm, Vương Mẫu Nương Nương tổ chức buổi tiệc “hội bàn đào” ở ao Dao Trì, bà dặn dò thất tiên nữ đi hái đào bày tiệc. Thất tiên nữ đến vườn đào, nhìn thấy đào trên cây thưa thớt chỉ còn những cái cuống đã khô héo. Nguyên do là những trái đào đó đã bị Hầu vương ăn hết rồi. Thất tiên nữ nhìn ngó xung quanh, cuối cùng chỉ thấy một trái đào ương nửa xanh nửa đỏ trên cành phía nam. Hóa ra, Tôn Ngộ Không đã biến thành trái đào đó và y tự treo mình lên cây đào để ngủ. Đến khi tiên nữ giơ tay lên hái thì y liền tỉnh giấc. 

Sau khi hỏi rõ các tiên nữ thì Tôn Ngộ Không đã ý thức được tình hình. Nếu chẳng may các tiên nữ về kể lại sự việc với Vương Mẫu Nương Nương thì việc y ăn trộm đào tiên tất nhiên sẽ bị bại lộ. Nghĩ thế y liền bình tĩnh, y ha hả cười lớn rồi hỏi: 

- Vương Mẫu Nương Nương mở tiệc, thế bà ấy mời những vị khách nào vậy? 

Các tiên nữ nói cho y biết là theo quy định như trước đây thì những vị khách được mời đến dự tiệc là những vị Bồ Tát thần linh đến từ khắp nơi. 

Tôn Ngộ Không lại hỏi tiếp: 

Vậy có mời ta không? 

Các tiên nữ đáp rằng: 

Chúng tôi mới nói những quy định từ trước đây, không biết được lần này có mời ngài hay không nữa ? 

Tôn Ngộ Không trầm ngâm suy nghĩ rồi nói: 

Các người nói phải. Thôi bây giờ các người hãy ở đây đợi ta, để ta thử đi nghe ngóng tình hình xem liệu Vương Mẫu Nương Nương có mời Lão Tôn ta hay không. 

Khi Tôn Ngộ Không đến ao Dao Trì, ở đó quả nhiên đang bày biện yến tiệc. Y lại hóa phép khiến cho những người đang bày biện yến tiệc đó cảm thấy mệt mỏi buồn ngủ rồi ai nấy đều lăn ra ngủ. Sau đó, y đem trân tư mỹ vị, các món sơn hào hải vị ra hành lang, rồi y lấy rượu và một mình ăn uống no say, hả hê. Y ăn uống đến lúc say sưa đi đứng lảo đảo thì loạng choạng tới cung Dâu Suất của Thái Thượng Lão Quân. Ở đây y lại nhân cơ hội mà ăn cắp hết sạch kim đan của Thái Thượng Lão Quân. 

Đến khi tỉnh dậy, nhớ lại những việc mình làm, y giật mình. Y biết rằng Ngọc Hoàng nhất định sẽ bắt y hỏi tội, nghĩ thế y không quay về phủ Tề Thiên Đại Thánh của y nữa, y lén lút ra cửa tây rồi quay về Hoa Quả Sơn. 

Bảy mươi ba phép biến hóa của Nhị Lang 

Thần Ngọc Hoàng đùng đùng nổi giận, ngài lập tức ra lệnh cho Thác Tháp Lý Thiên Vương và Na Tra Thái Tử dẫn theo tứ đại thiên vương và mười vạn thiên binh, thiên tướng xuống Hoa Quả Sơn bắt con yêu hầu về trị tội. Nhưng Tôn Ngộ Không bản lĩnh cao cường, Lý Thiên Vương không thể bắt được y. Tình hình trở nên nguy cấp, Ngọc Hoảng phải mời Nhị Lang Thần đến giúp đỡ. 

Trận đấu giữa Nhị Lang Thần và Tôn Ngộ Không rất đáng để suy ngẫm. Phải nói là Tôn Ngộ Không với Nhị Lang Thần đều có phép thần thông, cờ trống như nhau, nhưng y đã bị Nhị Lang Thần cột mất tay chân. Y không thể nào che chở được cho đàn khỉ của mình. Nhìn thấy đàn khỉ kinh sợ tán loạn, trong lòng Tôn Ngộ Không đã trở nên hoảng loạn, y chuyển mình biến thành một chú chim sẻ. Nấu mình trên cành cây. Nhị Lang Thần cũng lắc binh khí trong tay và chuyển mình biến thành một con diều hâu bay lên bay xuống bắt con chim. Tôn Ngộ Không thấy tình thế bất lợi, chợt vù một cái, y đã biến thành một con chim đại bàng bay thẳng lên trời. Nhị Lang Thần thấy thế cũng biến thành một con chim lớn che lấp cả mây. Tôn Ngộ Không lại dũng mãnh lao xuống biển biến thành một con cá. Nhị Lang Thần nhanh chóng lao xuống biến thành một con chim cốc đuổi theo con cá. Tôn Ngộ Không đành phải chui lên khỏi mặt nước biến thành một con rắn nước nấp vào trong cỏ. Nhị Lang Thần có đôi mắt thần thông đã biết được con rắn nước đó chính là Tôn Ngộ Không, thấy vậy ông liền biến thành một con sếu vươn chiếc mỏ dài như kim sắt ra để bắt lấy con rắn. Con rắn nước bỏ chạy rồi lại biến thành một bông hoa súng trôi lững lờ trên dòng nước. Nhị Lang Thần lập tức hiện nguyên hình, ông liền rút cung tên bắn vào bông hoa súng đang trôi dưới nước. 

Tôn Ngộ Không lại nhảy khỏi nơi đó và biến thành một ngôi miếu trên mặt đất. Miệng biến thành cổng miếu. Mặt biến thành song cửa, còn đuôi thì biến thành một cái cán cờ. Nhị Lang thần đi xuống vách núi không nhìn thấy bông hoa súng ở đó mà chỉ thấy một ngôi miếu nhỏ, quan sát kỹ thì ông thấy được cán cờ ở phía sau, ông bèn cười rồi nói: 

- Đây hẳn là con khỉ kia rồi, nó muốn đánh lừa để ta đi chỗ khác, rồi sau đó sẽ lẻn theo để cắn ta. Bây giờ ta sẽ phá nát cửa sổ của người, đốt cửa của ngươi! 

Tôn Ngộ Không nghe Nhị Lang Thần nói vậy thì giật mình sợ hãi, y liền nhảy phốc một cái như con hổ, tức thì một trận khói bùng lên và không còn thấy gì nữa. 

Lúc này, Ngọc Hoàng và quần thần tiên giới đã đến cửa nam để quan sát chiến trận, nhưng họ chỉ thấy Nhị Lang Thần và các thần tiên đang vây quanh trận đánh oai dũng của Tôn Ngộ Không, Thái Thượng Lão Quân bèn nói: 

Để thần đi giúp Nhị Lang Thần một tay.

Nói xong ông liền lấy từ cánh tay áo ra một chiếc “túi Kim cương” rồi hút Hầu vương vào trong đó. Hầu vương trong lúc chiến đấu gian nguy không kịp né tránh đã bị ngã vào chiếc túi đó. Đang lúc trèo lên để chạy thì y bị Nhị Lang Thần gọi Hạo Thiên Khuyển lao tới vồ bắt, một miếng cắn của Hạo Thiên Khuyển đã trúng vào đùi của Tôn Ngộ Không. Nhị Lang Thần và tất cả binh tướng đã nhất tề xông lên, cuối cùng họ đã bắt được tên yêu hầu ngông cuồng đó. 

Có người đã bình luận rằng, nếu không có Thái Thượng Lão Quân dùng “túi Kim cương” trợ giúp, nếu không có các vị thần tiên và con ác cẩu Hạo Thiên Khuyển giúp đỡ thì Nhị Lang Thần chưa hẳn đã bắt được Tôn Ngộ Không. Đúng là như vậy, nếu chỉ mình Nhị Lang Thần chiến đấu với Tôn Ngộ Không thì rất khó nói là giữa hai bên ai anh hùng hơn ai. Thế nhưng, có được sự giúp đỡ của người khác suy cho cùng cũng là một loại năng lực, mà hơn nữa đó thường thường lại là một loại năng lực quyết định sự thắng thua. Vậy cho nên, trong dân gian Trung Quốc còn có một cách giải thích rằng, Tôn Ngộ Không có 72 chiêu biến hóa, mà Nhị Lang Thần lại có tới 73 chiêu biến hóa. 

Câu chuyện về Vương Linh Quan 

Tề Thiên Đại Thánh Tôn Ngộ Không bị trói lại trên đài trảm yêu, nhưng chỉ dựa vào đao búa thì không thể nào làm tổn thường đến một sợi tơ, sợi tóc của y. Thái Thượng Lão Quân bèn nói: 

- Tên yêu hầu này đã tu luyện thành thân Kim cương. Hãy để ta tâu với Ngọc Hoàng, thả y vào trong lò Bát Quái mà thiêu. Ta muốn thiêu tên yêu hầu này thành tro bụi, đem kim đan mà y đã ăn để luyện lại. 

Thái Thượng Lão Quân dẫn Tôn Ngộ Không đến cung Dâu Suất rồi nhốt y vào lò Bát Quái và thiêu đốt suốt ngày đêm. Mới đó mà đã bảy bảy bốn mươi chín ngày. Thái Thượng Lão Quân tính toán độ nóng trong lò và cho mở cửa lò để lấy kim đan ra. Tôn Ngộ Không bị lửa khói trong lò Bát Quái đốt cho chảy cả nước mắt, nhìn thấy cửa lò mở thì ngay lập tức tung người nhảy lên, rồi sau đó đạp đổ cả lò Bát Quái. Lửa trong lò Bát Quái đổ ra rơi xuống nhân gian đã tạo thành Hỏa Diệm Sơn mà thầy trò Đường Tăng trên đường đi lấy Kinh đã đi qua. 

Tôn Ngộ Không nhảy ra khỏi lò Bát Quái, y cầm gậy Như Ý trong tay, phóng to cây gậy rồi đánh thẳng vào cung điện. Tôn Ngộ Không dũng mãnh phi thường, y đánh cả vào bảo điện của Ngọc Hoàng. Sáng ngày hôm đó là tới phiên Vương Linh Quan trực nhật. Ông xiết chặt chiếc roi vàng trong tay rồi tiến tới quát lớn: 

- Tên yêu hầu kia, người phải dừng ngay sự điên cuồng, ngang ngược đó lại! 

Tôn Ngộ Không trợn trừng đôi mắt sang quắc, chẳng nói chẳng rằng, cầm gậy lao tới đánh. Vương Linh Quan cầm roi nghênh chiến, hai bênh cùng lao vào đánh nhau trước bảo điện. 

Trong các vị thần tiên ở Trung Quốc, uy danh của Vương Linh Quan không phải là to tát gì, nhưng sao ông lại có được công phu như vậy để có thể nghênh chiến với Tề Thiên Đại Thánh Tôn Ngộ Không? Tương truyền rằng, Vương Linh Quan vốn tên là Vương Ác, là thành hoàng ở Phù Lương thuộc huyện Tương Âm, Tất Thủ Kiên chân nhân đến Phù Lương, ông thấy mọi người dùng đồng nam, tín nữ để cung phụng cho Vương Linh Quan, ông giật mình sợ hãi nói: 

- Hóa ra ở thế gian mà còn có những tên thần tà ác như vậy nữa ư ? 

Do đó ông đã nổi giận lôi đình đốt cháy cả miếu thành hoàng của tên Vương Ác đó. Vương Ác không phục, y bèn tâu với Ngọc Hoàng: 

- Tâu Ngọc Hoàng, chẳng ngờ hôm nay dưới trần gian còn có kẻ có tội. Tên Tất Thủ Kiên đó thực là tên lừa dối người ta quá lắm. 

Ngọc Hoàng bèn nói: 

- Ta ban cho người một đôi tuệ nhãn để nhà người có thể nhìn được những lỗi lầm của Tất chân nhân trong bóng tối. Ta còn ban cho người thêm một chiếc roi vàng, nếu như Tất chân nhân bị ngươi bắt được thì ngươi được dùng roi vàng đánh nát đầu của ông ấy. 

Và từ đó Vương Ác đã đi theo Tất Thủ Kiên suốt 12 năm trong bóng tối nhưng rốt cuộc y vẫn không tìm ra được một lỗi nhỏ nào của Tất Thủ Kiên. Vương Ác đã vô cùng cảm phục và đã bái Tất Thủ Kiên làm sư phụ. Tất Thủ Kiên cũng vì thấy sự thay đổi của Vương Ác mà cảm thấy vui mừng, ông cũng đã đặt tên mới cho y là Vương Thiện. Về sau, Vương Thiện trở thành một vị thần hộ pháp của Đạo giáo (giống như Skanda trong Phật Giáo), là vị tôi tướng đứng đầu trong 36 viên tôi tướng của Ngọc Hựu Thánh chân quân, còn được gọi là Khoát Lạc Linh Quan. Vương Linh Quan đã có nhiều trải nghiệm nên ông luôn tin tưởng vào chính nghĩa. Ông thấy Tôn Ngộ Không đã quá liều lĩnh, ngang tàng, cho nên ông kiên quyết không để cho Tôn Ngộ Không tiếp tục phá phách bảo điện Linh Tiêu. Mãi cho đến khi Phật Như Lai từ Tây Thiên đến thì ông mới thôi.

Lai lịch của Ngọc Hoàng 

Phật Tổ Như Lai dẫn theo A Nan[7] và Ca Diếp (chính là ngài Ca Diếp trong câu chuyện Phật Tổ nhặt 2 hoa Ca Diếp cười) để làm cố vấn, họ cùng xuất hiện ở bên ngoài điện Linh Tiêu. Đến nơi họ chỉ thấy 36 vị tôi tướng xung quanh Vương Linh Quan đang cùng nghênh chiến với Tôn Ngộ Không, tiếng gào thét, tiếng đấm đá vang cả một góc trời. Phật Tổ Như Lai liền nói: 

- Các vị tôi tướng xin hãy dừng tay, ta muốn hỏi tên Tề Thiên Đại Thánh kia, y dựa vào cái gì mà dám làm loạn ở nơi đây.

Các vị tôi tướng tuân mệnh lui lại, Tôn Ngộ Không mất hứng, liền lớn tiếng quát rằng: 

- Ngươi là ai mà dám đến đây quấy rối ta ! 

Như Lai cười nói: 

- Ta là Thích Ca Mâu Ni ở thế giới Tây phương cực lạc. Nghe nói người đã nhiều lần gây khó khăn cho Ngọc Hoàng, lẽ nào Ngọc Hoàng đắc tội với người hay sao ? Tại sao người phải đại náo thiên cung làm gì? 

Tôn Ngộ Không liền nói: 

- Bảo tòa của Ngọc Hoàng đương nhiên là nơi của kẻ mạnh ngồi. Vừa rồi ta đây cũng chán cảnh nhân gian quá nhỏ bé, cho nên ta muốn được cùng tranh cao thấp với Ngọc Hoàng. 

Phật Tổ nghe nói như vậy thì cười lớn mà nói: 

- Tên khốn kiếp kia, Ngọc Hoàng là người tốt, tại sao người lại muốn gây khó dễ với ngài ấy chứ? 

Hóa ra, Ngọc Hoàng hoàn toàn không phải là trời sinh ra, mà ngài cũng có nguồn gốc là con người. 

Tương truyền rằng, sau khi Bàn Cổ[8] khai thiên lập địa thì giữa đất trời là một bầu không khí trong lành. Thế nhưng, cảnh vui ngắn ngủi, do các vị thần tiên tranh hùng xưng bá nên giữa đất trời náo loạn như một nồi cháo. Thái Bạch Kim Tinh quyết định tìm một người tài đức vẹn toàn, thông qua quản lý hữu hiệu để xoay chuyển lại cục diện này. Do đó, ngài đã hóa trang thành một kẻ hành khất, đi khắp nơi tìm kiếm, về sau ngài đến Trương Gia Loan và cuối cùng đã phát hiện ra Trương Hữu Nhân. Trương Gia Loan là một đại sơn trại có mấy vạn người, mà Trương Hữu Nhân chính là trại chủ của sơn trại này. Người đàn ông cai quản tốt một gia đình nhỏ mà vẫn còn khó, thế nhưng Trương Hữu Nhân có thể cai quản một trại to lớn như thế mà ai ai cũng khiêm tốn, lễ độ, xóm giềng hòa mục, giúp đỡ lẫn nhau. Hỏi ông ấy có cách gì cao siêu thì ông ấy chỉ cười rồi nói, không gì ngoài một chữ “nhẫn”. “Nhẫn” là sự kiên nhẫn, nhẫn nhịn vậy. Do Trương Hữu Nhân từ bi đại độ, bách nhẫn vi thượng, cho nên mọi người đã gọi ông là “Trương Bách Nhẫn”, bởi vì ông có thể bao dung tất cả, lấy tấm lòng khoan dung độ lượng để đối đãi với mọi người, tấm lòng ông mênh mông như biển cả. Thái Bạch Kim Tinh cho rằng Trương Hữu Nhân chính là nhân tài quản lý rất lý tưởng, nên ngài mời Trương Hữu Nhân lên trời. Về sau, các vị thần tiên cũng đã nhất trí đồng ý cho Trương Hữu Nhân cai quản thiên đình, làm Ngọc Hoàng. 

Ấy thế mà Tôn Ngộ Không vẫn bỉu môi mà nói: 

- Tuy ông ta có tu dưỡng như vậy, nhưng cũng không nên để cho ông ta giữ bảo tòa Ngọc Hoàng lâu như vậy được. Người ta thường nói: “Hoàng đế thay nhau làm, năm nay đến nhà ta”. Chỉ cần ông ta bỏ đi, đem thiên cung để cho ta thì ta sẽ thôi không quấy phá nữa. Còn nếu không nhường cho ta thì nhất định ta sẽ phá nát tất cả, vĩnh viễn không cho ông ta được yên bình! 

Lời Tôn Ngộ Không nói nghe thật quen, bởi vì trong lịch sử Trung Quốc có nhiều người nói những “lời lẽ oai hùng” như vậy. Năm xưa khi nhà Tần mới thôn tính lục quốc, thiên hạ mới được yên định, Tần Thủy Hoàng đi tuần ở phương Nam, oai phong lẫm liệt. Thế mà Lưu Bang nói: “Đại trượng phu sinh ra đáng được như vậy.” Hạng Vũ cũng nói: “Y có thể giết đi, để (ta) thay thế.” Mấy nghìn năm nay, những người muốn làm Hoàng đế thật nhiều vô kể. 

Bàn tay của Phật Tổ Như Lai 

Phật Tổ hỏi rằng: 

- Ngươi có bản lĩnh gì mà muốn chiếm bảo tòa của Ngọc Hoàng ? 

Tôn Ngộ Không huênh hoang nói: 

- Ta có rất nhiều phép thuật! Ta có 72 chiêu biến hóa, vạn kiếp trường sinh bất lão. Ta cưỡi cân đẩu vân, một cú lộn nhào xa tới mười vạn tám nghìn dặm. Cớ gì mà ta không ngồi được vào ngôi báu đó ? 

Phật Tổ cười nói: 

Ta đánh cược với ngươi: Nếu người có bản lĩnh nhảy ra khỏi bàn tay của ta thì người sẽ thắng, ta sẽ nói Ngọc Hoàng đến Tây Phương ở, đem thiên cung dâng cho ngươi; còn nếu người không nhảy được ra khỏi bàn tay ta thì người hãy về Hoa Quả Sơn mà làm hầu vương. 

Tôn Ngộ Không nghe nói như vậy thì cười thầm mà nghĩ: “Tên Như Lai thật là ngốc! Lão Tôn ta nhảy một cái xa tới mười vạn tám nghìn dặm. Chu vi bàn tay của ông ta không đầy một thước, có gì mà nhảy không ra?” Y tự cho rằng phần thắng sẽ nắm chắc trong tay mình, y sợ Phật Tổ hối hận nên vội vàng hỏi: 

- Nhà người có làm chủ được mình không đấy ? 

Phật Tổ cười vang gật đầu rồi đáp: 

- Làm được! Làm được! 

Nói dứt lời ngài bèn duỗi bàn tay phải ra, trông tựa như một lá sen. Tôn Ngộ Không cất gậy Như Ý, phấn chấn tinh thần, y bèn tung người, lập tức đã đứng trong lòng bàn tay của Phật Tổ, rồi y nói: 

“Ta đi đây!” Rồi một vệt mây sáng chói vụt lên, và y biến mất trong vô ảnh vô hình. 

Giữa lúc đó, bỗng nhiên Tôn Ngộ Không thấy một chiếc cột có những mạch máu đỏ. Y cho rằng đã đến cuối trời thì bèn nhổ một sợi lông biến thành một cây bút rồi viết lên giữa cây cột đó: “Tề Thiên Đại Thánh đã đến đây chơi.” Viết xong, y còn đái xuống dưới cây cột đó. Sau đó, lại một cú nhào lộn nữa y lại bay về lòng bày tay, rồi nói: 

- Như Lai, ta đi rồi quay lại, ngài bảo Ngọc Hoàng đem thiên cung nhường cho ta đi chứ! 

Phật Như Lai quát lên: 

- Con khỉ thối kia! Ngươi rời khỏi bàn tay của ta lúc nào thế ? 

Tôn Ngộ Không nói: 

- Ta nhào mọi cái đến cùng trời cuối đất ở đó ta còn viết lại vài chữ, ngài dám cùng ta đi đến đó xem không? 

Phật Như Lai nói: 

- Không cần phải đi, người hãy cúi đầu mà nhìn cho rõ xem đó là cái gì đi. 

Tôn Ngộ Không trừng mắt lên nhìn, hóa ra chiếc cột mà y đã viết chữ chính là ngón tay trỏ của Phật Tổ. Ngay chỗ giáp giữa ngón cái và ngón trỏ vẫn còn mùi hôi tanh do y tè ra. 

Tôn Ngộ Không giật mình sợ hãi. Y liền nói: 

- Sao lại có việc như vậy chứ! Điều này thật là kỳ lạ! Ta phải đi xem lại xem thế nào. 

Ý lại tung người nhảy đi, tức thì bị Phật Tổ lật ngửa bàn tay ra, đẩy y rơi ra khỏi ngoài cửa trời, năm ngón tay của Phật tổ hóa thành năm tòa liên sơn Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, còn gọi là “Ngũ Hành Sơn”, bao nhiêu đất đá của năm tòa núi đè lên người Tôn Ngộ Không. 

Từ Thác Tháp Lý Thiên Vương đến Nhị Lang thần, từ Vương Linh Quan đến Phật Như Lai, nguồn sức mạnh của chính nghĩa ầm ầm bủa vây lấy Tôn Ngộ Không, y to gan làm càn cuối cùng đã không thể nào thoát khỏi bàn tay của Phật Tổ. 

Tại sao Tôn Ngộ Không lại không thể nhảy ra khỏi bàn tay của Phật Tổ Như Lai? 

Thôi thế là hết! Ngũ Hành Sơn đã đè lên lòng người, câu chuyện đại náo thiên cung đến đây kết thúc. Thế nhưng, có bao nhiêu người vẫn không biết rằng: Tại sao Tôn Ngộ Không bản lĩnh cao cường như vậy mà lại không nhảy ra được khỏi bàn tay của Phật Tổ ? Tại sao Ngũ Hành Sơn lại có thể đè bẹp được Tề Thiên Đại Thánh có sức mạnh vô song như vậy? 

Phật Giáo cho rằng, sinh mệnh hữu tình trong vũ trụ có mười pháp giới, trong đó bao gồm cả lục đạo luân hồi pháp giới và bốn loại giải thoát pháp giới. Mà trong mười pháp giới đó. Phật Tổ ở vào cảnh giới tối cao, đó là Phật pháp giới. Tề Thiên Đại Thánh Tôn Ngộ Không tuy cũng có phép thần thông quảng đại, nhưng suy cho cùng thì y cũng chỉ thuộc vào loại A Tu La [9]chuyên tranh đấu với thiên thần. Giữa Phật pháp giới và A Tu La pháp giới, cái trước là pháp giới giải thoát, mà cái sau lại thuộc vào pháp giới lục đạo luân hồi. Trong pháp giới giải thoát, không chỉ không có sự phiền não, mà hơn nữa còn có trí tuệ và sức mạnh không bao giờ hết, dùng mãi không bao giờ cạn, vì thế mà nó có thể xử lý được như ý mọi việc ở nhân gian. Còn ở pháp giới luân hồi, cho dù có thần thông quảng đại đến mức nào thì cũng chỉ là tầm thường vì thiếu đi một yếu tố nào đó về trí tuệ (như tự cho mình là thông minh, theo đuổi hư vinh, tự cao tự đại...) nên khó tránh khỏi những sơ suất. Chính vì vậy, từng có một Tề Thiên Đại Thánh không ai bì nổi đã phải thua Phật Tổ, đó cũng là việc hợp tình, hợp lý đấy thôi! 

Nhìn từ góc độ quản lý học, có nhân tài thôi thì chưa đủ, mà còn cần phải có quản lý khoa học. Ngay cả nhân tài như Tôn Ngộ Không cũng phải tuân thủ theo hành vi quy phạm của tổ chức, tạo nên sự phát triển ổn định của tổ chức. Cố nhân đã nói: “Hào kiệt cúi đầu thì quốc gia có thể trường tồn” là ý nói về điều này vậy. Ở đây, Phật Tổ tượng trưng cho lực tác dụng của văn hóa tổ chức. Ngũ Hành Sơn đè lên Tôn Ngộ Không là tượng trưng cho năm tầng quản lý nguồn nhân lực. Năm tầng đó bao gồm: Kim - phúc lợi công sở, Mộc - cuộc sống nghề nghiệp, Thủy - năng lực công tác, Hỏa - chế độ quản lý, Thổ - môi trường công tác. 

Năm yếu tố trong quản lý nhân lực

Từ xa xưa, tổ tiên của chúng ta đã biết dùng năm loại vật chất Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ để thuyết minh Ngũ hành tương khắc trong việc quản lý nguồn nhân lực 

Kim khắc Mộc: Chế độ phúc lợi công sở không hợp lý sẽ gây ra ảnh hưởng xấu đối với cuộc sống nghề nghiệp của nhân viên. 

Mộc khắc Thổ: Khi nhân viên thiếu lòng tin đối với tương lai nghề nghiệp thì môi trường làm việc của công ty sẽ đi vào bế tắc. 

Thổ khắc Thủy: Môi trường công tác khắc nghiệt sẽ khiến cho hiệu suất công việc của nhân viên giảm thiểu rất nhiều. 

Thủy khắc Hỏa: Trong một môi trường mà hiệu quả công việc thấp thì hệ thống quy định cũng thường bị nhân viên bỏ ngoài tai. 

Hỏa khắc Kim: Chế độ quản lý giống như một cây gậy lớn, nó quan sát biểu hiện công việc của nhân viên, và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phúc lợi công sở của nhân viên. 

Chính vì vậy mà việc quản lý nguồn nhân lực giỏi sẽ giống như bàn tay của Phật Tổ. Có thể thông qua sự tương sinh của năm tầng Kim, Mộc, Thủy, Hòa, Thổ để khiến cho tổ chức luôn luôn phát triển đi lên. 

Hãy ghi nhớ sứ mệnh của bạn 

Để áp dụng ngũ hành trong tương sinh trong quản lý nguồn nhân lực thì việc quan trọng trước tiên là xây dựng nguyên tắc của tổ chức. Đồng thời, thông qua sự phát triển liên tục của tổ chức để tăng ý thức sứ mệnh của mỗi nhân viên. Có như vậy thì khi một nhân viên nào đó có hành vi xung đột với sự quản lý của công ty thì ý thức sứ mệnh sẽ khiến bản thân nhân viên đó tự giác điều chỉnh thái độ của mình. 

Ngọc Hoàng đã mở tiệc ăn mừng sau khi thu phục được Tôn Ngộ Không. Tiệc vừa tan thì có một vị quan tuần tra đến báo cáo: 

- Bẩm Ngọc Hoàng, tên Tôn Ngộ Không đó đã chui được đầu ra khỏi Ngũ Hành Sơn rồi! 

Phật Như Lai cười nói: 

Đừng lo, đừng lo. 

Ngài bèn rút từ trong túi áo ra một tấm vải có viết sáu chữ vàng: “Ma, ni, ba, mi, ma, ni” đưa cho A Nan. A Nan đem tấm thiếp đó dán lên một khối đá tứ phương trên đỉnh núi Ngũ Hành Sơn. Tòa núi đó lập tức sinh căn bén rễ, khiến Tôn Ngộ Không không thể nào thoát ra được. 

“Ma, ni, ba, mi, ma, ni” là sáu chữ chân ngôn mà tín đồ Phật Giáo thường xuyên tụng niệm. Nó cũng có nhiều hàm ý phong phú như câu tụng niệm A Di Đà Phật. Nói “A Di Đà Phật” khi gặp mặt thì cũng giống như lời hỏi thăm “anh khỏe không?” Nói “A Di Đà Phật” khi chia tay thì cũng giống như lời chào “tạm biệt!” Nói “A Di Đà Phật!” khi làm đau người khác thì cũng giống như lời “xin lỗi!” Nói “A Di Đà Phật!” khi nhận quà từ người khác thì cũng giống như lời “cảm ơn”. Vậy cho nên, “A Di Đà Phật” luôn là một câu nói vạn năng. 

Vậy thì sáu chữ chân ngôn “ma, ni, ba, mi, ma, ni” mang ý nghĩa gì? Điều này rất khó giải thích, bởi vì ý nghĩa bên trong thật là quá phong phú. Đại ý là: Để chúng ta giống như hoa sen mọc trong bùn mà không hôi tanh mùi bùn, chúng ta vẫn luôn giữ được một tâm hồn thuần khiết. Thế nhưng, ở từng trường hợp cụ thể thì ý nghĩa lại có sự vi diệu khác nhau. 

Điều đó rất giống với tuyên ngôn sứ mạng của mỗi cá nhân hay tổ chức của chúng ta. Khi chúng ta gặp phải khó khăn thì hãy nhớ đến tuyên ngôn sứ mạng của mình để bản thân mình càng thêm dũng khí. Khi chúng ta đạt được thành công mà nhớ tuyên ngôn sứ mạng thì chúng ta càng thêm động lực phấn đấu. Khi chúng ta đối mặt với thất bại thì hãy nhớ tuyên ngôn sứ mạng của mình để chúng ta hối cải. Khi chúng ta có điều gì nghi hoặc hãy nhớ đến tuyên ngôn sứ mạng của mình để luôn kiên định lòng tin. 

Tôn Ngộ Không bị Phật Tổ Như Lai áp chế dưới Ngũ Hành Sơn, kỳ thực đó chính là ý niệm về sự tản mạn, buông thả của chúng ta. Lời chú trong tấm bùa của Phật Như Lai như đánh thức mỗi chúng ta: “Không nên buông thả, ngông cuồng nữa, bạn hãy nên biết rõ cuộc đời này phải làm gì!” Công việc mà mỗi chúng ta phải làm trong cuộc đời chính là sứ mệnh nhân sinh của mỗi cá nhân chúng ta.

( Source : TÂY DU @ KÝ - TG : Thành Quân Ức - DG : Hoàng Ngọc Cương - Lê Thị Hương )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét