"Đây, tôi chỉ cho anh em một điều bí nhiệm:Tất cả chúng ta sẽ không chết, nhưng chúng ta sẽ được biến đổi, trong chốc lát, trong nháy mắt..." - CORINTHIANS 15:51
Tôi còn nhớ rất rõ mình luôn mơ ước có khả năng giúp người khác thay đổi hầu như mọi sự trong đời họ. Ngay từ nhỏ, bản năng đã mách bảo tôi rằng, muốn giúp người khác thay đổi, chính mình phải có khả năng thay đổi trước đã. Ngay từ hồi học cấp 2 trung học, tôi đã bắt đầu truy tìm kiến thức trong sách vỡ và băng từ để học những điều cơ bản về cách thay đổi cảm xúc và ứng xử của con người.
Hiển nhiên tôi muốn cải thiện một số lãnh vực trong đời sống của chính mình: có động lực rõ rệt; kiên trì và hành động, học nghệ thuật vui sống và học cách giao tiếp và gắn bó với người khác. Tôi không hiểu tại sao, nhưng một cách nào đó tôi cảm thấy mình sẽ hạnh phúc nếu có kiến thức và chia sẽ những gì có thể làm nâng cao phẩm chất đời sống người ta và giúp họ quí mến và yêu thương tôi.
Ngay sau khi tôi tròn 21 tuổi, tôi gặp được một số kỹ thuật hiện đại có khả năng tạo những thay đổi nơi đời sống con người với tốc độ gần như của ánh sáng: Các kỹ thuật đơn sơ như Gestalt trị liệu pháp và các công cụ gây ảnh hưởng như thuật thôi miên của Erickson và lập trình hóa Thần Kinh-Ngôn ngữ.
"Sự vật không thay đổi; chính chúng ta thay đổi" - HENRY DAVID THOREAU
Hai sự thay đổi mà mọi người đều muốn có trong cuộc đời đó là gì? Phải chăng tất cả chúng ta đều muốn thay đổi hoặc:
1) Cách chúng ta cảm nhận sự vật
Hay
2) Hành vi cư xử của chúng ta?
Niềm tin thứ hai chúng ta phải có nếu muốn sự thay đổi lâu dài là chúng ta phải chịu trách nhiệm về sự thay đổi của mình. Niềm tin này được thực hiện theo 3 bước sau đây:
1) Thứ nhất, chúng ta phải tin, "Phải thay đổi điều gì đó".
Không phải là nên thay đổi, có thể thay đổi, hay cần thay đổi, mà là phải tuyệt đối thay đổi.
2) Thứ hai, không những chúng ta phải tin là điều gì đó phải thay đổi, mà chúng ta phải tin, "Tôi phải thay đổi điều đó".
Chúng ta phải coi mình là nguồn gốc của sự thay đổi. Nếu không chúng ta sẽ luôn trông chờ vào một ai khác để thay đổi cho chúng ta và chúng ta sẽ trách cứ người đó khi sự thay đổi không kết quả.
3) Thứ ba, chúng ta phải tin, "Tôi có thể thay đổi".
Nếu không tin mình có khả năng thay đổi, chúng ta sẽ không có cơ hội đi đến tận cùng quyết định của mình.
Sức mạnh của khối óc
Chúng ta được Tạo Hóa phú bẩm một món quà kỳ diệu biết bao! Chúng ta biết rằng bộ não của chúng ta có thể giúp chúng ta thể hiện hầu như mọi điều chúng ta muốn. Khả năng của bộ não thực là vô hạn. Hầu hết chúng ta biết rất ít về cách mà não hoạt động, nên chúng ta sẽ tóm lược tập trung về nguồn năng lực vô song này và xem chúng ta có thể điều khiển nó như thế nào để tạo ra những kết quả mong muốn cho cuộc đời chúng ta.
Bạn hãy nhớ là não luôn ở tình trạng chờ mọi mệnh lệnh của bạn và sẳn sàng thi hành mọi điều bạn yêu cầu nó. Chỉ cần một chút nhiên liệu: Oxy trong máu của bạn và một ít Glucose. Về tính chất phức tạp và sức mạnh của não, nó vượt xa mọi kỹ thuật vi tính hiện đại nhất của chúng ta. Nó có khả năng xử lý tới 30 tỷ bit dữ liệu thông tin mỗi giây và có sức chứa tương đương với 6,000 dặm dây cáp và dây điện. Trung bình hệ thần kinh của con người gồm 28 tỷ nơron (Tế bào thần kinh với chức năng dẫn truyền kích thích). Không có nơron, hệ thần kinh của chúng ta không giải mã những thông tin chúng ta nhận được từ các giác quan, không thể truyền những thông tin này đến não và không thể đưa những chỉ dẫn từ não để biết phải làm gì. Mỗi nơron là một máy vi tính nhỏ xíu và tự lập có khả năng xử lý khoảng một triệu bit thông tin.
Những nơron này hoạt động độc lập với nhau, nhưng chúng cũng liên lạc với nhau qua một mạng lưới kỳ diệu gồm 100,000 dặm những sợi thần kinh. Khả năng xử lý thông tin của não làm chúng ta choáng váng, nếu chúng ta biết rằng một máy tính-dù là máy tính nhanh nhất-chỉ có thể xử lý từng thông tin một mà thôi. Ngược lại, một phản xạ trong một nơron có thể truyền đi thành hàng trăm ngàn phản xạ khác trong khoảng thời gian dưới 20 phần ngàn giây. Để dễ hình dung, đó là tốc độ nhanh gấp mười lần cái nháy mắt của bạn. Vậy thì, với cả một sức mạnh vô bờ này trong tay, tại sao chúng ta không thể làm cho mình luôn luôn cảm thấy hạnh phúc? Tại sao chúng ta không thể thay đổi một thói quen như uống rượu, hút thuốc, ăn quá nhiều, hay tính chần chừ? Tại sao chúng ta không giũ bỏ ngay tâm trạng chán nản, thất vọng, để cảm thấy sung sướng mỗi ngày trong đời sống? Chúng ta có thể chứ! điều cần là chúng ta biết sử dụng bộ não của chúng ta.
"Có trí thông minh mà thôi không đủ; điều cần là biết dùng trí thông minh của mình". -RENE DESCARTES
Khoa điều khiển liên tưởng não bộ cho chúng ta sáu bước thực hiện để thay đổi lối cư xử của mình bằng cách phá vỡ những khuôn mẫu vô hiệu hóa chúng ta. Nhưng trước hết chúng ta phải hiểu hoạt động liên tưởng của não bộ đã. Mỗi khi chúng ta cảm nghiệm một lượng lớn sự đau khổ hay sung sướng, não của chúng ta lập tức truy tìm nguyên nhân của cảm nghiệm này. Nó sử dụng ba tiêu chuẩn sau:
01. Não tìm xem có hiện diện điều gì khác thường không
Để thu hẹp lại số lượng những nguyên nhân có thể có, não cố gắng phân biệt ra những gì lạ thường trong hoàn cảnh. Điều xem ra hợp lý là nếu bạn đang có những cảm giác lạ thường, chắc chắn phải có một nguyên nhân lạ thường.
02. Não tìm xem có gì hiện diện cùng một lúc không
Điều xảy ra cùng một lúc với tình trạng đau khổ hay vui sướng sâu đậm rất có thể là nguyên nhân của cảm giác ấy.
03. Não tìm kiếm sự thuần nhất
Nếu bạn đang cảm thấy đau khổ hay sung sướng, não của bạn bắt đầu nhận ra ngay những gì là khác thường và xảy ra đồng thời. Nếu điều đó lại xảy ra luôn luôn giống nhau mỗi khi bạn cảm thấy đau khổ hay sung sướng, thì bạn có thể chắc chắn là não của bạn sẽ xác định đó là nguyên nhân của cảm giác.
Vì ba tiêu chuẩn liên tưởng này rất thiếu chính xác, nên rất dễ cắt nghĩa sai và có những liên tưởng sai lạc. Vì vậy chúng ta phải đánh giá những liên tưởng đó trước khi bắt đầu tiến trình làm quyết định trong tiềm thức. Chúng ta rất thường hay đổ lỗi cho những nguyên nhân sai và vì thế chúng ta không có những giải pháp thích hợp.
Một nguồn gốc của sự tự hủy hoại
Các liên tưởng lẫn lộn còn nguy hiểm và tai hại hơn nhiều, chúng được coi là nguồn gốc của sự tự hủy hoại. Nếu bạn cảm thấy mình sắp bắt đầu hoàn thành một việc gì, nhưng rồi lại hủy bỏ nó, bạn có thể quy lỗi cho các liên tưởng lẫn lộn. Có thể công việc kinh doanh của bạn bắt đầu tốt đẹp, đang tiến triển khả quan, nhưng rồi lại suy sụp ngay sau đó, bạn có thể tìm ra nguyên nhân là chính sự liên tưởng lẫn lộn giữa đau khổ và sung sướng trong cùng một hoàn cảnh.
Khi bạn đang quyết định làm một điều gì, nếu não của bạn không cho bạn thấy rõ cái gì gây đau khổ, cái gì tạo sung sướng, thì nó sẽ bị hỗn độn và hoang mang. Hậu quả là bạn mất động lực và sức mạnh để quyết định những hành động mang lại cho bạn điều bạn muốn. Khi bạn cung cấp cho não mình những liên tưởng lẫn lộn, bạn sẽ nhận được những kết quả lẫn lộn. Bạn nên nhớ rằng điều quan trọng không phải số lượng bên nào nhiều bên nào ít, mà là sức nặng vượt trội của bên nào. Có thể bạn có nhiều liên tưởng sung sướng hơn đau khổ về tiền bạc, nhưng chỉ cần một liên tưởng tiêu cực rất mạnh cũng có thể làm bạn mất khả năng thành công về mặt tài chánh.
Rào cản đau khổ-đau khổ
Điều gì xảy ra khi bạn rơi vào tình trạng dù làm bất cứ gì bạn cũng gặp đau khổ? Tôi gọi tình trạng này là rào cản đau khổ-đau khổ. Thường khi gặp hoàn cảnh này, chúng ta trở nên hoàn toàn tê liệt-không biết mình phải làm gì. Thông thường chúng ta chọn làm điều gì mà chúng ta tin là ít đau khổ hơn. Nhưng cũng có người hoàn toàn chịu khuất phục đau khổ và rơi vào tình trạng vô vọng.
Dùng phương pháp điều khiển liên tưởng theo sáu bước sẽ giúp bạn khắc phục những khuôn mẫu tiêu cực này. Bạn sẽ xây dựng được những lối đi để thực sự tái vũ trang cho mình để cảm thấy và hành động nhất quán với những chọn lựa mới của mình. nếu không thay đổi được những liên tưởng về đau khổ và vui sướng trong hệ thần kinh của bạn, thì không có sự thay đổi nào lâu bền được.
Giờ đây, ngay lúc này, bạn hãy chọn lấy một điều gì mà bạn muốn thay đổi trong cuộc đời bạn. Hãy có hành động và tuân theo đầy đủ từng bước mà bạn sẽ học, rồi bạn sẽ tạo được những thay đổi như bạn mong muốn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét