Do đâu mà có sự tranh biện?
Đáp:
Do bề trên (vua chúa) không sáng suốt.
Lại hỏi:
Tại sao bề trên không sáng suốt mà lại sinh ra tranh biện?
Trong nước của một vị minh quân thì lệnh là lời nói rất quí, pháp luật là rất thích đáng. Lời không thể có hai cùng quí[1], pháp luật không thể có hai cùng thích đáng. Cho nên lời nói và việc làm mà không theo pháp lệnh thì phải cấm. Nếu có người nào (bảo) không theo pháp lệnh mà có thể đối phó với sự gian trá, thích ứng với sự biến động, mưu lợi, dò đoán được sự tình thì bậc vua chúa nên thu nạp lời người đó mà xét xem có thực tế không. Lời nói của họ mà thích đáng thì thưởng lớn,[2] không thích đáng thì phạt nặng. Như vậy người ngu sợ tội mà không dám nói (bậy), người thông minh không cãi lí, do đó mà không có sự tranh biện. Đời loạn thì không vậy. Vua ban lệnh mà dân lấy văn học để chê bai, công sở có pháp luật mà dân lấy hành động riêng để sửa pháp luật theo ý mình; vua làm loạn pháp lệnh mà trọng trí lược, hành vi của bọn học giả, vì vậy mới có nhiều văn học. Phàm lời nói và hành vi phải lấy công dụng làm tiêu chuẩn. Mài mũi tên cho thật bén rồi lấy bắn càn thì thế nào mũi tên cũng trúng một sợi lông mùa thu (lông tơ), nhưng như vậy không thể bảo là bắn giỏi được, vì không có cái đích nhất định. Đặt một cái đích rộng năm tấc, đứng cách xa trăm bước thì nếu không phải là Nghệ và Phùng Mông[3] tất bắn không trúng được, vì phải nhắm một cái đích nhất định. Cho nên nhắm đích nhất định, thì đích rộng tới năm tấc mà bắn được như Nghệ và Phùng Mông đã là khéo rồi; không có đích nhất định mà bắn càn thì dù trúng mười cái lông mùa thu cũng là vụng. Nay nghe lời nói, xét hành vi (của ai) mà không lấy công dụng làm tiêu chuẩn thì lời tuy rất tinh thâm, hành vi tuy rất kiên cường, cũng chỉ là lời nói càn (việc làm càn) thôi. Cho nên thời loạn thì người ta cho lời khó hiểu là tinh thâm, cho sự uyên bác là hùng biện; xét hành vi thì người ta cho sự xa rời quần chúng là hiền minh, cho sự phạm thượng là cao ngạo. Bậc vua chúa thích lời tinh thâm, hùng biện, trọng hành vi hiền minh, cao ngạo, cho nên tuy có người lập ra pháp luật, định hành vi nào nên giữ nên bỏ, phân biệt lời nào phải lời nào trái, (tới chỗ này chắc sắp chữ thiếu?) nên kẻ mặc áo nhà Nho và bọn đeo kiếm (hiệp khách) mới đông, nông phu và chiến sĩ mới ít, lời luận về “chắc, trắng”, “không có chiều dầy"[4] mới nổi lên mạnh, mà pháp lệnh của quốc gia không còn. Vì vậy mà tôi bảo rằng bề trên không sáng suốt thì sinh ra tranh biện.
Chú thích :
[1] Nghĩa là về một việc đã ra lệnh thì phải theo, chứ không thể vừa theo lệnh đó vừa theo một mệnh lệnh ngược hoặc khác hẳn.
[2] Nguyên văn: hữu đại lợi = có lợi lớn (cho người nói), tức là người đó sẽ được thưởng.
[3] Hai người bắn giỏi thời xưa – Phùng Mông là học trò của Nghệ. Nhiều người đọc là Bàng Mông hoặc Bồng Mông, nhưng lối đọc này bị các học giả Nhân Sư Cổ và Nguyễn Nguyên bác.
[4] Công Tôn Long tách rời cái cứng và cái trắng (li kiên bạch) Như phiến đá trắng, lúc thì ta thấy nó trắng mà không thấy nó chắc, lúc thì thấy nó chắc mà không thấy nó trắng, thấy cái nọ, không thấy cái kia, như vậy là cái nọ lìa cái kia, không chứa cái kia.
Huệ Thi bảo: cái không có chiều dày thì không chồng chất lên được, vậy mà nó lớn tới ngàn dặm (vô hậu, bất khả tích dã, kì đại thiên lí).
Coi thiên Thiên hạ trong Trang tử. Không rõ Huệ Thi (một nhà ngụy biện cũng như Công Tôn Long) muốn nói gì. Có người không chấm câu sau chữ hậu và giảng là: không có cái gì có chiều dày mà không chồng chất lên được, chất hoài nó sẽ lớn tới ngàn dặm.
( Source : Hàn Phi Tử - Nguyễn Hiến Lê - Giản Chi )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét