Ads 468x60px

Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

THIÊN XLIII : ĐỊNH PHÁP (LẬP PHÁP[1])

Lập pháp
Có người hỏi:

- Thuyết của hai ông Thân Bất Hại và Công Tôn Ưởng, thuyết nào khẩn thiết cho quốc gia hơn? Đáp: - Không thể quyết được. Ngưòi ta không ăn mười ngày thì chết, mà trời lạnh gắt, không có áo mặc cũng chết. Hỏi ăn mặc cái nào khẩn thiết cho người hơn thì không thể quyết được vì cả hai đều để dưỡng sinh, không thể thiếu một. Thân Bất Hại nói về thuật, mà Công Tôn Ưởng nói về pháp. Thuật là nhân tài năng mà giao cho chức quan, theo cái danh mà trách cứ cái thực (nói sao thì phải làm đúng như vậy hoặc giữ chức vụ nào thì phải làm đúng nhiệm vụ), nắm quyền sinh sát, xét khả năng của quần thần. Đó là cái bậc vua chúa phải nắm trong tay. Pháp là hiến lệnh công bố ở các công sở, thưởng hay phạt[2] đều được dân tin chắc là thi hành[3], thưởng người cẩn thận giữ pháp luật, phạt kẻ phạm pháp, như vậy bề tôi sẽ theo pháp[4]. Ở trên vua không có thuật thì bị bề tôi che lấp; ở dưới bề tôi không có pháp luật thì loạn. Vậy không thể thiếu một trong hai cái đó, cả hai đều là công cụ của bậc đế vương.


°

Người đó lại hỏi: “Chỉ theo thuật mà không có pháp luật hoặc chỉ có pháp luật mà không theo luật, đều không được, là tại sao? Đáp: “Thân Bất Hại làm phụ tá cho Hàn Chiêu hầu, Hàn (lúc đó) là một phần của nước Tấn (mới) tách ra[5]. Vì vậy pháp luật cũ của Tấn chưa bỏ mà pháp luật mới của Hàn đã đặt ra: lệnh của vua trước chưa thu về mà lệnh của vua mới đã ban hành. Nếu Thân Bất Hại không chỉnh đốn lại pháp luật, thống nhất lại hiến lệnh thì sẽ có nhiều kẻ gian vì pháp luật và lệnh cũ có lợi cho họ thì họ theo, pháp luật và lệnh mới có lợi cho họ thì họ theo. Cũ và mới trái ngược nhau, trước và sau nghịch nhau, thì dù Thân Bất Hại có bảo Chiêu hầu cả chục lần phải dùng thuật, bọn gian thần vẫn còn có chỗ dối trá trong lời nói được. Vì vậy, Thân Bất Hại dựa vào sức mạnh của nước Hàn có vạn cỗ xe mà mười bảy năm[6] không lập được nghiệp bá vương cho Hàn. Đó là cái hại bề trên tuy dùng thuật mà các quan không chỉnh đốn, thống nhất pháp luật.

Công Tôn Ưởng trị nước Tần, đặt ra lệnh phải cáo gian, nếu tố cáo sai thì bị tội, năm và mười nhà phải cùng chịu trách nhiệm; thưởng hậu mà xác thực, phạt nặng mà cương quyết; nhờ vậy mà dân tận lực làm lụng không nghỉ, đánh đuổi địch, dù nguy cũng không lùi bước, làm cho nước giàu binh mạnh. Nhưng không dùng thuật để biết kẻ gian, cho nên sự giàu mạnh đó chỉ lợi cho bọn đại thần mà thôi. Tới khi Hiếu Công và Thương quân (Thương Ưởng) chết, Huệ Vương lên nối ngôi, pháp luật của Tần chưa huỷ hoại, mà Trương Nghi đem Tần hi sinh cho Hàn, Ngụy[7]. Rồi Huệ Vương chết, Võ Vương lên nối ngôi, Cam Mậu (Tả thừa tướng của Tần) đem Tần hi sinh cho nước Chu. Võ Vương chết, Chiêu Tương Vương lên nối ngôi, Nhương Hầu (tức Ngụy Nhiễm) vượt nước Hàn, nước Ngụy mà đánh Tề ở phía Đông, năm năm Tần không thêm được một thước đất, mà Nhương Hầu thì được phong ấp Đào, Ứng Hầu (tức Phạm Tuy) đánh Hàn tám năm, mà được phong đất Nhữ Nam. Từ đó trở đi, những kẻ được trọng dụng ở Tần đều thuộc hạng Ứng Hầu, Nhương Hầu hết. Vậy, đánh giặc mà thắng thì đại thần được tôn quí, quốc gia được thêm đất thì đại thần được thêm đất riêng, chỉ vì nhà vua không có thuật để biết kẻ gian. Thương quân dù mười lần sửa sang pháp luật, gian thần cũng ngược lại lợi dụng pháp luật làm lợi cho họ[8]. Cho nên nhân sức mạnh của Tần mà mấy chục năm không lập được sự nghiệp đế vương. Đó là cái hại của pháp luật được các quan áp dụng đúng, nhưng vua ở trên lại không có thuật.

°

Lại nói:

- Vua chúa dùng thuật của Thân tử, quan lại dùng pháp của Thương quân, như vậy là được rồi chứ (hay chưa đủ?)[9]

Đáp:

- Thân tử chưa đạt đến chỗ hoàn toàn của thuật, Thương quân chưa đạt đến chỗ hoàn toàn của pháp. Thân tử bảo: “Quan lại không được vượt chức (không thuộc quyền chức của mình thì) dù biết cũng không được nói”. Quan lại không được vượt chức, như vậy là giữ chức phận của mình, cái đó được; nhưng biết mà không nói thì là không tố cái lỗi[10] (của người khác với vua), cái đó sai. Bậc vua chúa lấy mắt của cả nước mà xem cho nên không ai nhìn sáng bằng, lấy tai của cả nước mà nghe cho nên không ai nghe tỏ bằng. Nay bề tôi biết mà không nói thì vua chúa còn nhờ vào đâu mà nhìn thấy, nghe thấy được nữa? Pháp luật của Thương quân bảo: “Chém được một đầu giặc thì thăng tước một cấp, nếu muốn làm quan thì được một chức quan mà lương là 50 thạch (mỗi thạch là mười đấu); chém được hai đầu giặc thì thăng tước hai cấp, nếu muốn làm quan thì được một chức quan lương 100 thạch. Việc thăng quan tước xứng với công chém đầu giặc. Nay nếu có một pháp lệnh bảo: “Ai chém được đầu giặc thì được làm thầy thuốc hay thợ mộc” thì nhà cất không xong mà bệnh trị không hết. Làm thợ cần khéo tay, làm thầy thuốc cần giỏi dùng thuốc. Cứ chém được đầu giặc là được làm những nghề đó thì không hợp với khả năng của họ. Làm quan trị dân thì cần có trí năng, còn chém đầu giặc thì cần sức mạnh. Dùng người chỉ có sức mạnh mà cho làm quan trị dân cần có trí năng, thì cũng như cho người có công chém đầu giặc làm thầy thuốc hay thợ mộc. Cho nên tôi bảo: “Hai ông ấy – Thân tử và Thương quân – chưa đạt được đến chỗ hoàn toàn của thuật, pháp”.

Chú thích:

[1] Theo Trần Khải Thiên, cũng có thể hiểu là giải thích pháp luật. Nhưng chúng tôi nghĩ nghĩa đó hẹp quá. Nhan đề này không tóm được ý toàn thiên.

[2] Có bản chép là hình phạt, nhưng đọc hàng dưới sẽ thấy thưởng phạt đúng hơn.

[3] Nghĩa là pháp luật đã ban thì phải thi hành đúng, dân mới tin.

[4] Nguyên văn: nhân thần chi sở sư, có bản giảng là: bề tôi sẽ coi là thầy.

[5] Năm 376 trước Tây Lịch, nước Tấn chia ba thành Ngụy, Triệu và Hàn.

[6] Sự thực chỉ có 15 năm thôi, mà Hàn không phải là nước lớn có vạn cỗ xe.

[7] Trương Nghi làm tướng quốc cho Tần Huệ vương, chủ trương liên hoành, thuyết lục quốc họp nhau lại phục vụ Tần. Vậy thì sao lại bảo đem Tần hi sinh cho Hàn, Ngụy.

[8] Chính nghĩa là “nhờ cậy vào đó”

[9] Nguyên văn: khả hồ? Nhiều sách dịch sát là "được không"? Chúng tôi nghĩ dịch như vậy thì lời đáp của Hàn Phi ở dưới hoá ra không nhằm, cho nên chúng tôi lấy ý mà dịch như trên.

[10] Nguyên văn: thị bất yết (謁) quá dã. Có sách không dịch chữ yết đó, có sách dịch là không nói cái gì không thuộc chức vị của mình. Nhưng thiên Bát kinh viết: yết quá thưởng, thì rõ ràng yết có nghĩa là tố cáo. Tố cáo tội lỗi của người khác nên được thưởng.

( Source : Hàn Phi Tử - Nguyễn Hiến Lê - Giản Chi )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét