Người quân tử sở dĩ khác người là vì lúc nào cũng để tâm đến việc “Nhân”, để tâm đến việc “Lễ”.
Đã là người có nhân, thì yêu người; đã là người có lễ, thì kính người. Mà theo lẽ thường, yêu người thì người tất yêu lại, kính người thì người tất kính lại.
Người quân tử ăn ở như vậy, mà gián hoặc còn có kẻ đem thói ngang ngược đối đãi lại, thì tất nhiên tự xét ngay mình lại, chắc mình còn bất nhân, chắc mình còn vô lễ, thì họ mới xử với mình như thế, chớ tự dưng thì có khi nào họ lại ngang ngược với mình được.
Người quân tử xét lại thật mình có nhân, thật mình có lễ, mà người ta đối đãi với mình vẫn ngang ngược như trước, thì tất xét lại mình ta tuy nhân, tuy lễ thật, nhưng ta chưa được hết lòng chăng.
Nếu người quân tử xét rằng thật đã hết lòng mà thói người ngang ngược vẫn như trước, thì bấy giờ người quân tử nói:
-Hạng này thật là hạng càn dỡ. Người mà đến như vậy thì khác gì loài vật. Đối với loài vật thì ta còn so kể làm chi!
Mạnh Tử
GIẢI NGHĨA
Mạnh Tử: tên là Kha, lúc nhỏ được mẹ hiền dạy bảo, lúc lớn theo học thầy Tử Tư, lúc học hành, đi du lịch các nước Chư hầu. Về sau biết đạo thông hành, cùng làm sách với học trò là Nhạc Chính Khắc, Công Tôn Sửu, Vạn Chương. Đời sau nhặt những câu Mạnh Tử đối đáp với học trò và vua các nước Chư hầu làm quyển Mạnh Tử, bảy thiên.
LỜI BÀN
Ai cũng đều là người cả. Nhưng người quân tử chỉ khác người vì cái tâm không tàn ác, không bỉ bạc. Tâm đã như thế thì thường yêu người, quý người. Yêu quý người, mà người yêu quý lại, là lý chí thường. Song ở đời có nhiều việc bất ngờ, đã không đem điều phải ăn ở lại với việc phải, lại còn giở lối cuờng bạo vô lý. Thế mà người quân tử xử với bọn ngu ngoan ấy vẫn ân cần tự xét mình đến ba lần thật là vẫn sẵn lòng thuơng xót, biết cách chu toàn không có ý gì tự cho mình là phải mà tuyệt bỏ người đời cả. Cái học trách kỷ, trong làm cho mình hay thêm, ngoài làm cho người dễ theo điều phải, thật là hay lắm vậy.
( Source
: Cổ học tinh hoa - Nguyễn Văn Ngọc - Trần Lê Nhân )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét