Ads 468x60px

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

129. Chết đói dầu núi

Khi Vũ Vương đem quân đi đánh vua Trụ, Bá Di, Thúc Tề nghe thấy, ra nắm dây cương ngựa, cản lại và nói rằng:

-Cha chết chưa chôn mà đã chăm việc chinh chiến, thế có gọi là “hiếu” được không? Bầy tôi giết vua để cướp nước, thế có gọi là “nhân” được không?

Những người thân cận của Vũ Vương tức giận toan giết Bá Di và Thúc Tề. Thái Công can, nói rằng:

-Không nên, hai ông là “người nghĩa”. Rồi bảo quân lính ôm hai ông mà đẩy ra.

Đến khi Vũ Vương đã lấy được thiên hạ của vua Trụ, thiên hạ ai cũng tôn nhà Chu. Bá Di và Thúc Tề lấy việc mất nước làm xấu hổ, đến nỗi coi thóc gạo cũng là tài sản của nhà Chu, buồn bực không ăn nữa.

Hai ông lên ẩn ở núi Thú Dương làm bài ca Thái Vi rằng:

Ta lên núi Tây Sơn, 
Ta hái khóm rau vi.
Kẻ bạo thay kẻ bạo,
Còn biết phải trái gì!
Đời cổ thoáng qua rồi,
Biết đâu mà quy y.
Than ôi! Đành chết vậy.
Thật vận mệnh ta suy.

(Chính chữ Hán là:
Đăng bỉ Tây Sơn hề, thái kỳ vi hĩ,
Dĩ bạo dịch bạo hề, bất tri kỳ phi hĩ.
Thần nông, Ngu, Hạ, hốt yên một bề, ngã an thích quy hĩ.
Vua ta tồ hề, mệnh chi suy hĩ)
Rồi hai ông nhịn ăn, đành chết đói ở trên núi.)

Chu Sử

GIẢI NGHĨA

Vũ Vương: xin xem Chu Vũ Vương ở Phụ Lục C.
Bá Di, Thúc Tề: hai con vua Cô Trúc đời nhà Thương. (Xin xem thêm Bá Di, Thúc Tề ở Phụ Lục C).
Thái Công: tức Lã Vọng, một hiền thần nhà Chu, trước câu cá ở sông Vỵ, sau gặp vua Văn Vương đón về, vua Vũ Vương dùng làm tướng. (Xin xem thêm Tề Thái Công ở Phụ Lục C).
Thú Dương: tức cũng là Tây Sơn, tên núi ở về huyện Vĩnh Thanh tỉnh Sơn Tây bây giờ.
Kẻ bạo thay kẻ bạo: đây nói vua Trụ bạo ngược, vua Vũ thay vua Trụ cũng là bạo ngược.
Kiệt, Trụ: hai vua tàn bạo, độc ác say mê tửu sắc, bỏ cả chính sự đến nỗi mất nước. (Xin xem thêm Kiệt, Trụ ở Phụ Lục C).

LỜI BÀN

Xem bài này, hoặc có nói “Bá Di, Thúc Tề nắm ngựa mà can Vũ Vương là phải. Song can, mà người ta không nghe sao không thí thân chết theo với nước, lại đi lên núi Thú Dương hái rau vi. Than ôi! Sau ngày Giáp tý (là ngày vua Trụ mất thiên hạ), Vũ Vương đã đánh được nhà Thương, núi Thú Dương có còn là đất của nhà Thương, rau vi ở núi Thú Dương có còn là đồ ăn của nhà Thương nữa hay không? Bá Di, Thúc Tề lầm rồi!”. Nói như thế nghe kể cũng có lý, nhưng có phần quá về nghiêm khắc. Ta chỉ biết Bá Di, Thúc Tề thân cô mà dám ngăn cả thiên binh vạn mã, thế là trong lòng rất can đảm, biết vua Trụ là người không tốt mà cũng giữ một niềm thủy chung, thế là nghĩa, bất sự nhị quân, đáng tôn trọng quý báu biết chừng nào. Vả chăng hăng hái mà liều chết, việc ấy còn dễ; chớ chung thủy mà làm điều nghĩa, việc ấy mới là khó. Bá Di, Thúc Tề lên ẩn trên núi mà còn để lại bài ca Thái Vi còn lưu lại hai tiếng “Hiếu, Nhân” lúc ra can Vũ Vương, thật là những bậc có thể phù thực được cương thường muôn đời khiến cho người đời sau ai xem chuyện, ngu ngoan cũng thành có tri thức, liệt nhược cũng hóa ra cương cường mà có chí tự lập vậy.

( Source : Cổ học tinh hoa - Nguyễn Văn Ngọc - Trần Lê Nhân )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét