Ads 468x60px

Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

70. Theo ai phải cẩn thận

Ðức Khổng Tử thấy kẻ đánh lưới chim sẻ chỉ đánh được thuần sẻ non vàng mép. Ngài bèn hỏi rằng: "Không đánh được sẻ già là tại làm sao"?


Kẻ đánh lưới nói: "Sẻ già biết sợ, cho nên khó được, sẻ non ham ăn, cho nên dễ bắt. Nếu sẻ non mà theo sẻ già, thì bắt sẻ non cũng khó, nhưng nếu sẻ già mà theo sẻ non, thì bắt sẻ già cũng dễ".

Ðức Khổng Tử nghe đoạn quay lại bảo học trò rằng: "Biết sợ để tránh tai hại, tham ăn mà quên nguy vong, đó đều là tính tự nhiên vậy. Song phúc hay họa lại do ở cái theo khôn hay theo dại. Cho nên người quân tử, trước khi theo ai, phải cẩn thận. Theo ai mà biết phòng xa như người lão luyện, thì được toàn thân, theo ai mà hay nông nổi như trẻ dại thì bại hoại".

LỜI BÀN:

Chim sẻ thế, người ta cũng thế, thường thường chỉ vì theo khôn, theo dại mà gặp phúc hay họa. Cho nên trước khi theo ai, ta phải xem xét cho cẩn thận. Chớ có nhắm mắt theo liều, đến khi hối lại, thì sự đã rồi, ăn năn không kịp. Cá đã theo vào lưới, thì dù có phân trần phải trái làm sao, người đánh lưới cũng không thả cho ra nữa.

GIẢI NGHĨA:

Thuần: Chỉ có một thứ thôị 
Vàng mép: Chim sẻ con khi còn phải mớm thì mép vàng.
Nguy vong: nguy: không được yên; vong: mất, chết. 
Phúc: Sự tốt lành, sung sướng. 
Họa: Sự tội vạ không maỵ 
Cẩn thận: Kín đáo, chu chí, không cẩu thả. 
Lão luyện: Bực người có tuổi, từng trải việc đời. 
Toàn thân: Giữ trọn vẹn được tính mệnh. 
Trẻ dại: Kẻ trẻ người non dạ chưa hiểu việc đời. 
Bại hoại: Hư hỏng, đổ nát.

( Source : Cổ học tinh hoa - Nguyễn Văn Ngọc - Trần Lê Nhân )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét