Âm là tự lòng người ta mà sinh ra. Lòng người có cảm giác mới thấy phát động ra âm. Âm tuy thành ở ngoài miệng, mà thực phát ra tự trong lòng.
Cho nên, nghe âm thanh mà biết được phong tục, xét phong tục mà biết được chí hướng, xem chí hướng mà biết được đạo đức, thịnh suy, khôn dại, hay dở đều hiện ra, âm nhạc không giấu được ai. Bởi vậy, cứ lấy âm nhạc mà nghiệm được một nước ra thế nào.
Đất xấu, thì cây cối khẳng khiu, nước đục thì tôm cá gầy còm. Đời suy thì lễ nghĩa phiền mà âm nhạc dâm. Những âm dâm đãng, tà khúc những âm trên bộc trong dâu mà dưới dân gian lấy làm thích là nước loạn, mà trên vua chúa lấy làm vui, là đức suy.
Âm nhạc đã không có tiết tấu, không được trang nghiêm, thuần một màu dâm đãng đã xuất ra thời chỉ cảm được cái lòng dâm đãng tà khúc mà rồi sinh ra bao nhiêu việc tà khúc gian nguy vậy.
cho nên người quân tử để tâm vào đạo mà sửa lấy đức, chỉnh lại đức để làm âm nhạc, hòa nhạc để cho thành thuận, mà nhạc có hòa, thì mới chỉnh đốn được mọi việc.
Tuân Tử
Lời bàn:
Nếu xem âm nhạc một nước, mà biết được nước ấy là thế nào, thì đủ biết âm nhạc có một cái quan hệ rất mật thiết với sự tồn vong thịnh suy của một nước. Ôi! Âm nhạc của nước ta hiện nay thế nào? Có nhiều người nếu không chê rằng là ai oán chí âm,Trịnh Vệ chi thanh thì cũng không cho được rằng có vẻ hùng dũng, cái khí cao xa ở trong ấy. Tiếc rằng người đánh đàn, kéo nhị thì nhiều, nhưng quanh đi quẩn lại chỉ lưu thủy với Nam ai, còn người thực am hiểu âm luật có thể cải lương được âm nhạc chưa có mấy. Ước gì những bậc có tài nghề âm nhạc hằng lưu tâm đến, làm cho cái âm nhạc sầu não, ẻo lả kia được chỉnh đốn mà phấn chấn mãi lên, thì thực là bậc "cứu quốc" có công to đối với cả nước vậy.
Giải nghĩa:
Cảm giác : thấm thía, phát động và hiểu biết
Phát động: nảy hiện ra
Phong tục : những cái người trên làm cho người dưới bắt chước gọi là phong, thói quen kẻ dưới tập nhiễm nhau gọi là tục
Chí hướng: lòng thích muốn làm gì
Đạo đức: Cách ăn ở hợp với cương thường, lẽ phải.
Nghiệm: ngẫm xem mà biết
Phiền: nhiều quá
Dâm đãng, tà khúc: trai gái chơi bời, nghĩ sằng làm bậy
Trên bộc trong dâu: dịch ở bốn chữ, tang trung bộc thượng, nghĩa là trên bờ sông bộc, ở trong bãi dâu, hai nơi này là chỗ trai gái chờ hẹn nhau
Loạn: rối lên, không được bình yên
Tiết tấu: điệu âm nhạc lúc mau, lúc khoan, lúc chìm, lúc bỗng
Trang nghiêm: đứng đắn, có vẻ oai vệ
Gian nguy: khốn khó nguy vong
Thành thuận: cản nào ra cảnh ấy, trên dưới có trật tự
Chỉnh đốn: thu xếp cho ngay ngắn
( Source
: Cổ học tinh hoa - Nguyễn Văn Ngọc - Trần Lê Nhân )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét