Ads 468x60px

Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

97. Lời nói người bán cam

Ở Hàng Châu có người bán các thứ quả, khéo để dành cam, lâu mà không ủng, vỏ vẫn đỏ hồng trông đẹp như vàng, như ngọc, đem ra chợ bán giá đắt, mà người ta tranh nhau mua. Ta cũng mua một quả. Đem về, bóc ra, hơi xông lên mũi, múi xác như bông nát. Ta liền đem ra chợ hỏi người bán cam.


-Anh bán cam cho người ta để làm của cúng lễ, đãi khách hay là chỉ làm cho choáng bề ngoài để đánh lừa người ta ? Tệ thật ? Anh giả dối lắm!

Người bán cam cười nói:

-Tôi làm nghề này đã lâu năm để kiếm tiền nuôi thân. Tôi bán, người ta mua, chẳng ai nói gì, chỉ có ông kêu ca ? Thiên hạ giả dối nhiều chẳng phải gì một mình tôi ? Ông thật không chịu nghĩ đến nơi... Này thử xem, người đeo hổ phù, ngồi da hổ hùng dũng trông ra dáng quan võ lâm kỳ thực không biết có giỏi được như Tôn Tẫn, Ngô Khởi không ? Người đội mũ cao, đóng đai dài, đường hoàng trông ra dáng quan văn lắm, kỳ thực không biết có giỏi được như Y Doãn, Cao Dao không? Giặc nổi không biết dẹp, dân khổ không biết cứu, quan lại tham nhũng không biết trừng trị, pháp độ hỏng nát không biết sửa đổi, ngồi không, ăn lương, không biết xấu hổ. Thế mà lúc ngồi công đường, đi xe ngựa, uống rượu ngon, ăn của quý, oai vệ, hách dịch vô cùng ?... đó bề ngoài chẳng như vàng, như ngọc mà bề trong chẳng như bông nát là gì ? Ông không chịu xét những hạng người ấy mà đi xét quả cam của tôi ?

Ta nghe nói, nín lặng, không trả lời được ra làm sao .

Ta nghĩ người ấy nói có giọng khôi hài. Dễ chừng người ấy ghét kẻ gian tà, giận phường thế tục mới thác ra truyện bán cam để dạy người đời chăng ?

Lưu cơ

Chú Thích.

- Hàng Châu : Tên một phủ tức là tỉnh ly Chiết Giang bây giờ.
- Tôn Tẫn, Ngô Khởi: hai người làm tướng võ giỏi đời Chiến quốc.
- Y Doãn : tướng giỏi đời vua Thang nhà Thương.
- Cao Dao: tướng giỏi đời vua Nghiêu, vua Thuấn

Lời Bàn:

Người bán cam đây chẳng qua chính là tác giả. Mà cốt ý của tác giả là muốn lấy qua cam đẹp vỏ, thối ruột, mà bóc cả cái hách dịch cái oai vệ bể ngoài của những bậc quan lớn, một đời suy đốn, để phơi bày cái thực tình bất tài, bất trí, bất dũng ở bên trong. Nói rộng ra, bài này có ý dạy ta không nên tin bề ngoài, cũng như những bài ngụ ngôn nói: cái thùng không, bông lúa lép, hay những câu ca dao: "Trông em, anh ngờ sao mai, biết rằng trong có như ngoài hay không". "Nhác trông ngỡ tuồng tô vàng, nhìn ra mới biết chẫu chàng ngày mưa ", thật là có ý vị.

( Source : Cổ học tinh hoa - Nguyễn Văn Ngọc - Trần Lê Nhân )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét