Ads 468x60px

Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

QUYẾT ĐỊNH KHI NÀO RỜI CUỘC CHƠI


Sự khác biệt giữa nhà kinh doanh và doanh nhân

Ý tôi không phải là nghỉ hưu. Ý tôi là đến một lúc nào đó, thậm chí ngay khi kinh doanh đang thuận buồn xuôi gió, doanh nhân cũng nên xem xét mình còn là người thích hợp nhất để tiếp tục lèo lái con thuyền kinh doanh này nữa hay không.

Tại sao vậy? Bởi vì bạn phải phân biệt giữa doanh nhân và nhà kinh doanh. Hai khái niệm này không giống nhau. Doanh nhân là người yêu thích việc dấn thân vào công việc kinh doanh mới, nghĩa là, tạo ra một cái gì đó. Nhà kinh doanh là người yêu thích việc thúc đẩy sự tăng trưởng và trên tất cả, thích điều hành công việc.

Biết cách quản lý là điều quan trọng khi bắt đầu công việc kinh doanh, nhưng khi công ty bắt đầu phát triển thì nó là một yếu tố tối quan trọng. Nếu không biết điều hành, bạn sẽ không biết làm cách nào để phát triển và sẽ phạm những sai lầm có thể dẫn đến thất bại. Không phải doanh nhân nào cũng là nhà quản lý tăng trưởng giỏi, có thể vì họ không biết cách quản lý, hoặc có thể họ không thích quản lý.

Tôi biết rõ điều mình đề cập ở đây. Tôi yêu thích phần khởi đầu kinh doanh. Nhưng khi công ty phát triển đến một kích cỡ nào đó, tôi cảm thấy điều hành nó thật nhàm chán, đôi khi nhàm chán đến mức tôi suýt phá hỏng nó mặc dù biết mình phải làm gì. Vì vậy, sau 7 năm điều hành, tôi quyết định cùng với các cộng sự, rằng trong vòng 3 năm tới, chúng tôi sẽ rút khỏi việc quản lý. Chúng tôi dành thời gian chuẩn bị cho sự chuyển giao đó và giờ đây, chúng tôi chỉ là những cổ đông và thành viên ban quản trị trong chính công ty chúng tôi thành lập và đã trên đường phát triển sau bao nỗ lực nhiệt huyết bỏ ra.

Bây giờ tôi dành toàn bộ thời gian vào việc mở những công ty khác và viết sách – một trong những đam mê khác của tôi. Tôi luôn hứng thú với vai trò doanh nhân nhưng không thích làm người điều hành. Như đã đề cập ở phần trên, khi một người làm điều họ thích, cơ hội thành công luôn cao hơn.

Nhưng lý do khiến doanh nhân không phải lúc nào cũng là nhà kinh doanh giỏi không chỉ giới hạn ở việc thích điều hành hay không. Có nhiều công ty phải chịu đựng, bằng nhiều cách, từ thực tế vị là doanh nhân sáng lập công ty vẫn còn trong ban điều hành. Doanh nhân là hiện thân sống của lịch sử công ty, và ở một chừng mực nào đó, nếu doanh nhân đó không phải là một nhà quản trị kinh doanh giỏi thì đó sẽ là một gánh nặng cho công ty.

Ý tôi không phải là tất cả những doanh nhân cuối cùng rồi cũng sẽ phải rời bỏ công ty mà họ sáng lập. Cò vô số người vừa sáng lập công ty vừa tiếp tục giữ vai trò điều hành dù cho công ty hoàn toàn vững vàng và phát triển thành đế chế. Họ là những con người vô song – một sự kết hợp hiếm hoi giữa doanh nhân và nhà quản trị kinh doanh. Nhưng khi công ty phát triển đến một mức độ nhất định, bạn nên tự hỏi liệu mình vẫn còn là người giỏi nhất và phù hợp nhất để điều hành công ty nữa hay không. Ngoài sự nhạy cảm về việc điều hành một hoạt động lớn ra, giai đoạn mới thường đòi hỏi những kỹ năng và tầm nhìn mới.

Đó là một quyết định mà mỗi doanh nhân đều nên cân nhắc. Và nếu trong một thời điểm nào đó, bạn đi đến quyết định rằng mọi chuyện sẽ tiến triển tốt hơn nếu bạn giao việc điều hành cho một tổng giám đốc độc lập, đừng nên ngần ngại mà hãy tiến hành nhanh.

( Source : Cẩm nang giúp thành công cho những người dám nghĩ dám làm - Fernando Trias De Bes )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét