Trong suốt nhiều năm liền, W. Clement Stone đã nỗ lực không ngừng để tìm kiếm một công cụ khoa học nhằm giúp các nhân viên đạt được thành công về mọi mặt: đời sống cá nhân, gia đình, xã hội và công việc. Ông tìm kiếm một công thức đơn giản, chính xác và dễ sử dụng để có được những kết luận chính xác, cũng như tiết kiệm thời gian mỗi khi áp dụng trong một môi trường cụ thể nào đó. Vì vậy, khi biết đến AVA,Stone nhanh chóng nhận ra đây chính là công cụ hiệu quả mà bấy lâu nay ông tìm kiếm. Ông biết rằng AVA có thể được sử dụng cho nhiều mục đích, chứ không chỉ bó hẹp trong môi trường kinh doanh như tác giả của nó vẫn nghĩ. Và, khi ông tiến hành nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của Walter Clarke, những kết luận của ông đã được khẳng định.
Nếu bạn biết:
(a) đặc điểm tính cách của một cá nhân;
(b) môi trường sống của anh ta;
(c) những yếu tố tạo động lực cho anh ta, khi đó bạn có thể tạo động lực cho cá nhân ấy.
Tạo động lực cho người khác.
Khi đọc cuốn sách này, có lẽ bạn đã nhận ra tầm quan trọng của việc tạo động lực. Stone kết hợp kiến thức này với những gì ông học được từ AVA và ông đã có một khám phá vĩ đại trong kỹ thuật tạo động lực cho người khác. Đó là với một thái độ tích cực, bạn có thể trở thành bất kỳ hình mẫu nào mà bạn mong muốn.
Điều này luôn luôn đúng, bất chấp kinh nghiệm, năng lực, chỉ số thông minh hay môi trường sống của bạn ra sao. Hãy nhớ rằng bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn. Với AVA, bạn có thể sử dụng kỹ thuật thích hợp khi biết rõ đâu là những yếu tố có thể tạo động lực cho một cá nhân.
Cụ thể như sau:
1. Ví dụ, một nhân viên bán hàng có tính nhút nhát, trong khi công việc đòi hỏi anh ta phải năng động, dạn dĩ, thì: (a) Giám đốc bán hàng cần phân tích cho anh ta thấy rằng nhút nhát và sợ hãi là bản tính tự nhiên. Nhiều người khác đã khắc phục được tính nhút nhát cố hữu. Sau đó, ông đề nghị nhân viên bán hàng kia hãy thường xuyên lặp lại một câu nói tự thúc đẩy bản thân, với mục đích trở thành mẫu người anh ta mong muốn.
(b) Vào mỗi sáng và tại nhiều thời điểm khác trong ngày, nhân viên bán hàng kia sẽ lặp lại câu nói: “Hãy năng động! Hãy năng động!”, đặc biệt khi anh ta cảm thấy lo lắng, sợ hãi trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó hay khi tình thế yêu cầu phải hành động. Những lúc như thế, anh ta sẽ hành động dựa trên lời kêu gọi Hãy Làm Ngay!
2. Khi giám đốc bán hàng phát hiện rằng nhân viên của mình đang lừa dối hay thiếu trung thực, ông cần nói chuyện với người đại diện – cấp trên trực tiếp của anh ta. Nếu ông nhận thấy người đại diện có ý muốn khắc phục lỗi lầm, thì:
(a) Giám đốc bán hàng thuật lại cách những người khác đã làm để giải quyết khó khăn này. Ông trao cho nhân viên bán hàng kia một cuốn sách, một bài báo, hoặc một bài thơ nào đó. Những cuốn sách như I Can của Ben Sweetland và I Dare You của William Danforth sẽ đặc biệt hữu ích trong trường hợp này.
(b) Tương tự giải pháp (b) ở ví dụ trước, nhân viên bán hàng sẽ lặp lại câu nói: “Hãy thành thật! Hãy thành thật!” vào mỗi sáng và vào nhiều thời điểm khác trong ngày, nhất là trong những tình huống cảm thấy mình muốn nói dối hay lừa gạt người khác.
Anh ta sẽ hành động theo câu nói: “Hãy can đảm đối mặt sự thật” cùng lời kêu gọi Hãy Làm Ngay!
Khi hiểu rõ hiệu quả của kỹ thuật này, bạn sẽ tự mình vận dụng một cách thoải mái và tự nhiên.
( Source : Tư duy tích cực tạo thành công - Napoleon Hill - W. Clement Stone )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét