Ads 468x60px

Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015

Các bạn có cảm giác tội lỗi ư?


Điều đó tốt đấy ! Nhưng hãy tìm cách xua tan cảm giác đó.

Cảm giác tội lỗi là một cảm giác tích cực. Bất kỳ người nào dù tốt hay xấu, tất cả đều ít nhất một lần mang trong người cảm giác tội lỗi. Cảm giác này là kết quả của một “giọng nói nhỏ nhẹ, điềm tĩnh” đang nhắn gửi đến bạn. Và lương tâm của bạn chính là “giọng nói nhỏ nhẹ, điềm tĩnh” ấy.

Nào, chúng ta hãy cùng suy nghĩ về điều này: điều gì sẽ xảy ra nếu con người không mang cảm giác tội lỗi sau một hành động sai trái mà họ vừa gây ra? Người nào không có cảm giác tội lỗi sau một hành động sai trái thường là người không thể phân biệt giữa đúng và sai – hoặc giả họ không được dạy cách phân biệt chúng.

Rất nhiều cảm giác tội lỗi mang tính kế thừa. Còn những cảm giác khác có được thông qua trải nghiệm sống.

Chúng ta biết rằng xung đột nội tâm thường diễn ra khi những cảm xúc và niềm đam mê được kế thừa bị điều chỉnh bởi xã hội nơi người đó sinh sống. Ngoài ra, người sống trong môi trường này thường tuân theo một chuẩn mực đạo đức hoàn toàn khác so với người sống trong môi trường kia.

Tuy nhiên, dù ở môi trường nào, khi một người đã được dạy các nguyên tắc đạo đức cụ thể nhưng anh ta lại vi phạm thì anh ta hẳn sẽ có cảm giác tội lỗi.

Chúng tôi xin lặp lại ở đây rằng: cảm giác tội lỗi không hẳn là cảm giác xấu: cảm giác ấy thậm chí còn khuyến khích những người sống có đạo đức nhất biết suy nghĩ và hành động theo hướng tích cực hơn.

Trước đây từng có một người đàn ông khác cũng đã mang cảm giác tội lỗi vì những gì ông tin tưởng lại trở thành việc làm xấu trong cuộc đời mình. Sự hối hận đã tạo động lực để ông thực hiện những việc làm có ích. Khi ở trong tù, ông đã dành phần lớn thời gian của mình để viết sách. Cuốn sách của ông được xem là một tác phẩm kinh điển dạy cho con người những tính cách cao thượng và vẻ đẹp của cuộc sống. Tên ông ấy là John Bunyan 

Tiếp theo là kẻ tội lỗi mà chúng tôi đã nhắc đến trong Chương 15, người đã quyên góp nửa triệu đô-la cho tổ chức Chicago Boys Clubs và thêm một triệu đô-la nữa cho nhà thờ. Ông đã làm điều đó như để chuộc lại lỗi lầm của mình. Ông quyên tiền để giúp các thiếu niên không đi vào vết xe đổ mà ông đã từng đi qua.

Ngay cả một nhà hảo tâm như Tiến sĩ Albert Schweitzer cũng được cảm giác tội lỗi tạo động lực phấn đấu. Ông mang cảm giác tội lỗi khi nhận thấy mình sống thiếu trách nhiệm với những người xung quanh. Chính vì ông có thể nhưng lại không làm những điều có ích cho mọi người nên cảm giác tội lỗi đã kích thích ông bắt đầu nhiệm vụ táo bạo của mình.

Nào, giờ thì các bạn có thấy rằng cảm giác tội lỗi với thái độ tích cực là tốt hay không? Nhưng ngoài điều này ra thì còn có cảm giác tội lỗi với thái độ tiêu cực. Tất nhiên cảm giác ấy là không tốt.

Không phải bất kỳ cảm giác tội lỗi nào cũng mang lại những kết quả có lợi. Khi con người mang cảm giác tội lỗi và không xua tan nó bằng thái độ tích cực thì những kết quả xấu sẽ xảy đến.

Triết gia vĩ đại Sigmund Freud đã nói: “Công trình nghiên cứu của chúng ta càng tiến triển, sự hiểu biết của chúng ta đối với đời sống tinh thần của những người loạn thần kinh càng tăng lên thì hai yếu tố này mới đòi hỏi chúng ta phải chú ý và xem đó như nguồn gốc của sự chống đối càng trở nên rõ ràng hơn... Cả hai đều có thể được xem là ‘nhu cầu được ốm’ hay ‘nhu cầu được đau khổ’… Yếu tố đầu tiên trong hai yếu tố này là cảm giác tội lỗi hay nhận thức tội lỗi...”.

Cảm giác tội lỗi khiến con người tự hủy hoại cuộc sống của mình, làm tổn thương cơ thể, gây hại cho bản thân dưới nhiều hình thức khác nhau. May thay, giờ thì những binh pháp trị thiên hạ như vậy hiếm khi được áp dụng. Và chúng cũng không được phép áp dụng ở những đất nước văn minh. Tuy vậy, những “bản sao” của chúng vẫn có thể được tìm thấy ở một số nơi. Lý do chính là nhận thức không mang cảm giác tội lỗi, nhưng tiềm thức thì lại có. 

Và tiềm thức thì không bao giờ quên.

Tiềm thức có thể sử dụng sức mạnh của nó hiệu quả không kém gì nhận thức. Tiềm thức sẽ giúp thỏa mãn nhu cầu của những ai không chịu xua tan cảm giác tội lỗi của mình bằng thái độ tích cực. Tiềm thức không những khiến họ phát ốm mà còn khiến họ đau khổ.

( Source : Tư duy tích cực tạo thành công - Napoleon Hill - W. Clement Stone )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét