Quan hệ gia đình là loại quan hệ khó khăn nhất, phức tạp nhất và cũng quan trọng nhất đối với cuộc sống của mỗi chúng ta. Tội lỗi, yêu thương, nóng giận, tình bạn, tình yêu, sự lệ thuộc – là những điều mà chúng ta thường đề cập khi nói đến mối quan hệ của họ với cha mẹ. Sẽ có nhiều cảm xúc mâu thuẫn nhau, nhưng điều đó ràng buộc bạn với những người đã sinh thành ra bạn, đặc biệt là người mẹ. Một số người trưởng thành có tính cách khá mạnh mẽ ngoài xã hội nhưng bỗng trở nên yếu đuối khi gặp mẹ.
Hãy nhận thức rõ độ tuổi của cha mẹ bạn. Khi còn nhỏ, bạn thấy cha mẹ mình thật hiện đại. Nhưng khi đã trưởng thành, hãy ghi nhớ rằng cha mẹ bạn thuộc thế hệ trước. Trong hầu hết các trường hợp, họ sẽ không thể trò chuyện một cách cởi mở về tất cả mọi đề tài như bạn được. Họ có thể sống với một nhịp độ khác bạn. Những khác biệt này ngày gia tăng khi tuổi thọ con người càng cao. Hãy biết chấp nhận điều này.
Hãy lắng nghe bố mẹ bạn. Bạn không nhất thiết phải hoàn toàn nghe lời cha mẹ như khi còn nhỏ nữa. Nhưng việc lắng nghe họ và giữ cho đầu óc mình luôn rộng mở là điều rất tốt. Hãy để cha mẹ bạn biết rằng bạn thấu hiểu quan điểm của họ, mặc dù có thể bạn không có cùng quan điểm đó. Ngày nay, nhiều người trưởng thành có khuynh hướng chỉ trích và hay ngắt lời cha mẹ họ: “Vâng, mẹ đã nói điều này cả ngàn lần rồi”. Điều này sẽ khiến cha mẹ bạn tổn thương rất nhiều.
Cha mẹ bạn có nhiều kinh nghiệm hơn bạn. Điều này nghe có vẻ cũ rích nhưng người ta vẫn thường bỏ qua nó. Hãy nghe cha mẹ bạn kể về những trải nghiệm của họ. Hãy hỏi họ: “Mối tình đầu của bố mẹ như thế nào? Ngày xưa ông bà đối xử với bố mẹ ra sao? Hồi đó bố mẹ thường làm gì những khi rảnh rỗi?”. Người mẹ thường biết, ghi nhớ và rất thích kể về những chuyện xưa cũ. Hãy hỏi cặn kẽ về những câu chuyện có thật về cuộc đời bà. Hãy tập hợp chúng lại; thoạt đầu có vẻ mất công nhưng nó chính là một trong những di sản giá trị nhất mà bạn có thể truyền lại cho con cái mình. Việc này nằm trong khả năng của bạn, ngay cả khi mối quan hệ giữa bạn và bố mẹ căng thẳng đến đâu chăng nữa.
Hãy làm cho cuộc sống của cha mẹ bạn trở nên dễ
dàng hơn. Nhiều người trưởng thành vẫn dựa vào sự thấu hiểu thầm lặng tự nhiên mà họ có với cha mẹ của mình ngày còn bé. Kết quả là về sau, họ tự tin rằng mình biết được mọi nhu cầu của cha mẹ chỉ thông qua ánh mắt. Họ không nhận ra rằng không phải lúc nào điều đó cũng đúng, trong khi các bậc cha mẹ thường không phản đối gì.
Chẳng hạn, cậu con trai mời mẹ đi nghe nhạc opera vào ngày sinh nhật của bà vì đó là điều mà bà từng mơ ước trước kia. Tuy nhiên sau đó, anh ta vô cùng ngạc nhiên khi thấy bà không vui. Thực tế, bà chỉ giả vờ quan tâm đến nó vì chồng bà thích. Trong mọi trường hợp, một câu hỏi đơn giản, cởi mở có thể sẽ giải quyết vấn đề tốt hơn rất nhiều.
Hãy tìm hiểu về những người bà con của cha mẹ
bạn. Nếu bạn chưa làm việc đó thì hãy liên lạc với những người anh em, bà con, bạn bè của cha mẹ bạn. Hãy tổ chức những buổi họp mặt gia đình nếu trước nay chưa từng có. Nếu có sự thù địch giữa các thành viên trong gia đình, hãy cố gắng mang đến sự hòa giải với tư cách là người đại diện cho thế hệ trẻ của gia đình, chứ đừng đóng vai trò là người lập lại hòa bình. Hãy linh hoạt trong tình hình ấy và đảm bảo rằng những người có liên quan sẽ có cơ hội để chuyện trò với nhau, sau đó để họ tự giải quyết vấn đề ấy. Chấm dứt những mâu thuẫn cũ chính là sự đầu tư cho tương lai của chính bản thân bạn và con cái bạn.
Hãy nhận biết rõ những nét tính cách nào của bạn giống với bố mẹ. Những nét tính cách này bao gồm cả tính tốt và tính xấu, do đó hãy nhìn vào cả hai mặt, bởi vì bạn được kết nối với bố mẹ mình qua cả hai nét tính cách ấy. Mơ ước “Tôi chẳng bao giờ muốn giống bố tôi!” rất hiếm khi trở thành sự thật bởi vì những liên kết trong gen di truyền rất mạnh mẽ. Và sự thật là những gì ta càng cố đẩy đi xa thì chúng lại càng đeo bám lấy ta. Tất cả những gì mà bạn có thể làm là nỗ lực nhiều hơn cha mẹ bạn để cải thiện nó. Để làm được việc đó, bạn cần phải nhìn thẳng vào những mặt tiêu cực của gia đình và nói: “Tôi là một phần trong đó”.
Học cách giải quyết những mâu thuẫn trong mối quan hệ của bạn. Nếu sợi dây liên kết giữa bạn và bố mẹ bạn bị gián đoạn hoặc đã hoàn toàn kết thúc thì hẳn nó phải xuất phát từ một nguyên nhân nào đó. Có thể vấn đề chỉ là mẹ bạn muốn đi nghỉ mát với bạn nhưng bạn đã không đi cùng bà.
Hãy nghĩ về điều này: bạn và mẹ vẫn có rất nhiều điểm tương đồng, hai người chỉ có một điểm nào đó không giống nhau mà thôi. Hãy tập trung sự chú ý của mình vào điểm đó. Đừng cố gắng giải quyết nó qua điện thoại; một trong hai bên luôn có thể kết thúc cuộc trao đổi bằng cách gác máy. Hãy giải quyết nó bằng một lá thư và sau đấy là một cuộc viếng thăm.
Trong trường hợp tệ hại nhất, bạn nên thỏa thuận với mẹ về việc tạm thời tránh mặt nhau. Những câu nói đại loại như: “Con sẽ tạm thời không liên lạc với mẹ trong một năm” sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn là một cuộc cãi vã và bạn bảo với mẹ rằng: “Con sẽ không bao giờ gặp mẹ nữa!”. Những người nói ra câu nói đó sẽ cảm thấy tội lỗi mãi mãi và cảm thấy bị câu nói ấy trói buộc. Thời gian không chữa lành tất cả các vết thương nhưng trong mâu thuẫn giữa con người với nhau, có một loại “quy chế về các giới hạn” mà bạn nên tuân thủ.
( Source : Bí quyết
đơn giản hóa cuộc sống - Werner Tiki Küstenmacher & Lothar Seiwert)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét