Oprah Winfrey, nữ hoàng của các chương trình đối thoại trên truyền hình nổi tiếng ở Mỹ, đã tạo ra một luồng ảnh hưởng có tác động lớn đến xã hội Mỹ suốt những năm gần đây. Nó được gọi là “lòng tốt dây chuyền”.
Mỗi người xem sẽ làm một việc tốt cho người khác, đặc biệt là cho những người không hề trông đợi điều đó: hãy tặng một thứ gì đấy (hoa, sách, đĩa CD, hay bất kỳ một món đồ nào khác), thăm viếng, đi chợ giùm, mời người đó đến ăn tối hay bất kỳ một việc làm tốt nào khác. Hãy làm những việc trong khả năng của mình. Với một điều kiện: người nhận không được phép đền đáp lại bạn mà phải làm một việc tốt nào đấy cho người khác. Và mọi việc cứ tiếp tục theo một dây chuyền như thế. Việc này sẽ mang đến nhiều điều tuyệt vời: người trồng hoa sẽ có những khách hàng hoàn toàn mới, những người hàng xóm thù địch đột nhiên trở thành bạn bè tốt của nhau... Điều lý tưởng của ý tưởng này là nó có thể thực hiện được ở bất cứ đất nước nào. Vậy thì ngay bây giờ, bạn cũng có thể bắt đầu tự thực hiện nó.
Làm thế nào để được mời đến các sự kiện thú vị
Người phụ trách danh sách khách mời cho các lễ kỷ niệm hoặc tiệc tùng của những công ty lớn thường là thư ký giám đốc hoặc bộ phận PR. Hãy tìm hiểu xem ai phụ trách công việc đó và hãy thẳng thắn với họ: “Tôi thật sự rất muốn đến dự lễ kỷ niệm trong hội chợ lần này”. Chắc chắn là những người tổ chức sẽ rất vui lòng khi thấy bạn thể hiện sự quan tâm đối với sự kiện của họ, vì thường thì có rất nhiều người không muốn đến hoặc phải miễn cưỡng có mặt ở đó.
Trong buổi lễ, hãy thể hiện lòng biết ơn đến người đã gửi thư mời cho bạn. Nếu người ấy có thiện cảm với bạn, bạn sẽ sớm có tên trong danh sách khách mời của những sự kiện tiếp theo.
Cách cư xử trong bữa tiệc
Đừng quá thụ động trong mọi việc; hãy đặt ra mục tiêu cụ thể: “Tôi muốn nói chuyện với giáo sư Bighead ít nhất là trong năm phút và rồi ông ta sẽ nhớ tên tôi”. Hoặc “Tôi muốn bắt chuyện với Rita để chúng tôi có thể hiểu nhau hơn”.
Tuy nhiên, đừng để các mục tiêu này ngăn cản bạn có những cuộc diện kiến bất ngờ. Mỗi khi bạn gặp một ai đó, về cơ bản, hãy thoải mái xem đó là một trò chơi và thư giãn, chứ đừng căng thẳng xem nó là một biến thể của công việc.
Hãy đảm bảo rằng bạn giữ được cân bằng giữa “cho” và “nhận”. Hãy lắng nghe và đóng góp vào cuộc trò chuyện. Hãy thể hiện sự quan tâm đối với đối phương mà không chất vấn họ. Hãy giới thiệu bản thân về những điều mà bạn cũng muốn biết từ đối phương. Sẽ rất thuận lợi nếu bạn có một thứ gì đấy đóng vai trò làm “chủ đề của cuộc đàm thoại” để duy trì cuộc nói chuyện: một chiếc cà- vạt đặc biệt, một chiếc kẹp độc đáo, hay một đôi giày mới thật phong cách cũng có thể đảm nhiệm được vai trò đó.
Đừng lo lắng khi bắt đầu câu chuyện với những điều sáo rỗng: hãy khen bữa tiệc hoặc nói về thời tiết. Điều chính yếu là bạn phải biết chuyển cuộc trò chuyện theo hướng bạn muốn.
Trở thành một vị khách được chào đón
Bạn tìm được những mối quan hệ quan trọng trong cuộc sống riêng tư và công việc khi nhận được những lời mời từ người khác. Nó có thể mang đến những tình bạn thân thiết, nhưng đồng thời cũng có thể dẫn đến những mối oán thù dai dẳng chỉ vì một chút bất cẩn thôi. Hãy đặt mình vào vị trí chủ nhà và tự hỏi bản thân xem ở vị trí ấy thì bạn sẽ kỳ vọng những gì từ các vị khách của mình.
Hãy trả lời rằng bạn đã nhận được lời mời
Nếu bạn nhận được thư hoặc thiệp mời, hãy xác nhận lại việc bạn có đến hay không, ngay cả khi người mời không yêu cầu điều đó.
Hãy mang đến một ít hoa
Một bó hoa được cắt tỉa gọn gàng (chứ không phải là một chậu kiểng) là món quà nhỏ tiện dụng. Tuy nhiên, nó cũng có khả năng tạo ra sự căng thẳng cho chủ nhà với các công đoạn: tháo bỏ lớp giấy gói, tìm một cái bình, cắt bớt các nhánh và cắm hoa. Đó là lý do tại sao những giỏ hoa được cắm sẵn và giữ tươi bằng một miếng bọt biển chuyên dùng trở nên phổ biến. Bên cạnh đó, hãy tránh tặng những loại hoa hàm chứa một ý nghĩa không hay nào đó.
Bạn cũng có thể tặng hoa khi chủ nhà là nam giới. Nếu chủ nhà bảo: “Bạn không cần phải làm thế đâu!” thì hãy xem đó là một câu khách khí và bạn vẫn có thể tiếp tục tặng hoa cho họ vào lần sau.
Hãy đến đúng giờ
Ý nghĩa của chữ “đúng giờ” biến đổi tùy vào hoàn cảnh. Đối với một bữa tiệc tại nhà riêng, tốt nhất là bạn nên có mặt sau giờ được mời khoảng tám phút. Tuy nhiên, nếu đó chỉ là lời mời đến dùng bữa thì bạn nên đến thật đúng giờ. Nếu đó là một tiệc cocktail thì nhìn chung việc đến trễ một tí không vấn đề gì, với điều kiện không được trễ quá ba mươi phút. Nếu như đó là lời mời đến dự một buổi tiệc tự do có ấn định thời gian thì tốt nhất là không nên đi trễ quá một tiếng trước khi buổi tiệc kết thúc. Cuối cùng, đừng đến quá sớm để không quấy rầy công đoạn chuẩn bị của gia chủ.
Hãy hoạt bát
Sẽ là một khó khăn cho chủ nhà khi phải tiếp đón những vị khách quá khách khí và luôn chờ đợi sự chủ động từ phía gia chủ. Nếu bạn không quen biết ai tại bữa tiệc, hãy nói chuyện với người bên cạnh bạn. Cách đơn giản nhất để bắt chuyện là hỏi: “Bạn quen biết thế nào với chủ nhà?”. Câu hỏi này sẽ nhanh chóng dẫn đến các chủ đề khác. Tuy nhiên, bạn cũng đừng dành cả buổi tối chỉ để nói chuyện với một người.
Khi chủ nhà tuyên bố đã đến lúc dùng bữa, đừng ngại ngần về việc làm người đầu tiên ngồi vào bàn. Hãy giúp đỡ gia chủ, hãy tiếp cận những vị khách có vẻ e dè và giúp họ hòa nhập một cách tự nhiên hơn vào cuộc vui chung.
Đừng giữ chặt lấy gia chủ
Bạn hoàn toàn có thể tán gẫu với gia chủ, nhưng đừng giữ rịt lấy họ cho riêng mình. Hãy đảm bảo rằng tất cả các vị khách đều nhận được sự quan tâm của gia chủ một cách đồng đều. Trong các buổi tiệc lớn thì gia chủ khó lòng mà tiếp cận với tất cả các vị khách, vậy bạn nên chủ động trong việc này.
Hãy tiếp cận người khác với một mục tiêu cụ thể. Hãy sử dụng các cuộc gặp gỡ cho mục đích mở rộng mối quan hệ xã hội của mình. Nếu bạn muốn gặp một vị khách nào đấy, hãy nhờ gia chủ giới thiệu bạn với người ấy. Gia chủ sẽ rất vui lòng làm việc này vì họ mong muốn các vị khách thật sự thân thiện với nhau.
Hãy quan sát những điều cấm kỵ
Ở đâu cũng luôn có những chủ đề mà bạn cần tránh để không xúc phạm đến khách khứa hoặc chủ nhà. Đừng tỏ bất cứ thái độ chê bai nào đối với thức ăn mà bạn được mời dùng (“Bộ anh không biết là thịt lợn rất có hại cho sức khỏe hay sao?”), cũng đừng bao giờ gièm pha những vị khách khác. Những bài thuyết giảng đạo đức của người ăn kiêng bên cạnh một bữa buffet có món bò nướng sẽ rất bất lịch sự, cho dù nguyên tắc đó có sức thuyết phục đến đâu chăng nữa. Đừng nói về chính trị, tôn giáo, tiền bạc hay bệnh tật một cách thiếu tế nhị. Ngoài ra, đừng bao giờ giở giọng dạy dỗ con cái của người khác.
Hãy nói những điều tốt đẹp về các món ăn
Hãy nói chuyện một cách chân thành. Nếu bạn thấy những món đặc sản thật khó ăn thì hãy nói tốt về rượu vang. Trong các bữa tiệc, hãy bắt đầu bằng cách lấy mỗi món chỉ một ít thôi để xem bạn thực sự thích món nào. Hãy kiểm soát tốt bản thân mình. Đừng uống quá nhiều để rồi khiến chủ nhà phải bối rối. Hãy thỏa thuận trước với người đi cùng bạn đến dự tiệc rằng cả hai người sẽ cùng yên lặng ra về nếu một trong hai người đã uống quá chén. “Yên lặng” ở đây tức là không để đám đông bàn tán về bạn bằng những lời như: “Anh ta uống quá chén rồi làm nhặng xị cả lên”.
Hãy ra về đúng lúc
Việc biến mất quá sớm cũng bất lịch sự như việc cứ lê la mãi không chịu về khi tiệc đã tàn từ lâu vậy. Cách đơn giản nhất là hãy làm theo đa số. Bất luận bạn làm gì, đừng ra về mà không nói lời tạm biệt và chân thành cảm ơn chủ nhà. Ở một số nơi, các vị khách sẽ gọi điện cho chủ nhà vào ngày hôm sau để cảm ơn. Đó là một cơ hội tốt để lần theo các mối quan hệ (“Cái anh chàng chơi piano điên cuồng ấy là ai thế?”) để những cuộc gặp gỡ trong bữa tiệc có thể phát triển thành các mối quan hệ bạn bè.
( Source : Bí quyết
đơn giản hóa cuộc sống - Werner Tiki Küstenmacher & Lothar Seiwert)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét