Ads 468x60px

Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2015

Bí quyết 7 : Thoát khỏi nợ nần


Cảm giác “Cuộc sống của tôi quá phức tạp!” thường xuất phát từ tình trạng bội chi triền miên. Những khoản nợ tín dụng tiêu dùng dài hạn (tức là những khoản nợ không cần phải thế chấp tài sản) chính là biểu hiện của sự rối loạn về vấn đề tiền bạc. Nó bắt đầu bằng những khoản chi nhỏ rồi dần phát triển thành những khoản nợ lớn hơn.

Oliver E. là một nhà báo nổi tiếng. Ông làm việc cả ngày lẫn đêm, thậm chí cả vào những ngày cuối tuần và những chuyến đi nghỉ. Dù làm nghề tự do nhưng ông kiếm ra nhiều tiền đến nỗi khiến nhiều người ganh tị. Họ bảo với ông rằng: “Hẳn anh đang cuộn tròn trong cả đống tiền!”. Nhưng sự thật lại không phải như vậy. Oliver luôn mắc nợ và ông phải làm việc quần quật để trả núi nợ nần luôn ngất ngưởng ở khoảng 25.000 đô-la. Ông chấp nhận mọi loại công việc và cơ thể ông dần có những dấu hiệu của bệnh tật: đau lưng, béo phì, nhạy cảm với các chất kích thích và thời tiết lạnh. Ông muốn dành nhiều thời gian hơn cho bản thân, nhưng bằng cách nào đây?

Giảm bớt gánh nặng nợ nần

Oliver E. là một ví dụ điển hình cho các nạn nhân của tình trạng “mất cân bằng trong nội tại” - một hiện tượng mà Hajo Banzhaf đã tìm thấy trong gần 80% của nhân loại. Sự cân bằng nội tại này thường đồng nhất với đường hạn mức tín dụng tại ngân hàng: Những người được cho phép thấu chi khoảng 25.000 đô-la thường mang nợ trong khoảng con số đó. Chính tiềm thức đã dẫn đến điều này. Trong khi đó, những người không được phép thấu chi sẽ không rút quá số tiền họ có và kết quả là họ chỉ tiêu xài trong giới hạn cho phép của mình.

Ấn định số dư tối thiểu

Giải pháp đơn giản hóa: hãy thầm ấn định số dư tối thiểu trong tài khoản của bạn, chẳng hạn như: “SỐ DƯ TỐI THIỂU LÀ 2.500 ĐÔ-LA”. Hãy đảm bảo rằng số dư trong tài khoản của bạn không bao giờ thấp hơn con số đó. Điều này rất tốt cho tâm trí bạn và nó chẳng tốn kém của bạn bao nhiêu thời gian cả.

Đồng tiền ma thuật

Tiền bạc không chỉ là phương tiện trao đổi hay chi trả mà còn là thước đo có ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác trong đời sống của chúng ta. Một tài khoản bị bội chi trong nhiều tháng hoặc nhiều năm sẽ gây ra căng thẳng cho người chủ của nó, một cách có ý thức hoặc không ý thức.  Ngược lại, một tài khoản với số dư an toàn hoặc một chiếc ví đầy tiền mặt sẽ mang đến cho ta cảm giác đầy đủ, thoải mái. Vậy thì mối quan hệ ở đây là gì? Liệu chúng ta có hạnh phúc hơn khi có nhiều tiền hơn trong tài khoản?

Sau khi phân tích về các khách hàng của mình, Ralph Tegtmeier – một nhà tư vấn đầu tư – đã đi đến một kết luận gây kinh ngạc rằng có một sự nghịch lý: theo bản năng, những người không hạnh phúc thường tạo ra giá trị tiêu cực trong tài khoản của họ. Tiềm thức cùng những nỗi lo lắng “vô hình”, sự nghi ngờ và nỗi sợ hãi đã được nhấn mạnh bằng cách này – con số âm trong tài khoản của bạn. Tâm trí bạn đã vô thức điều khiển việc tài khoản của bạn có số dư hay số nợ.

Theo Tegtmeier, tiền bạc là những biểu hiện bên ngoài của các quá trình tư duy bên trong. Bạn cần phải nhận ra chúng và đương đầu với chúng. Và rồi thực tế bên ngoài sẽ diễn ra theo tầm nhìn bên trong của bạn. 

Việc thấu hiểu mối quan hệ này gần như là một giải pháp đối với Oliver E. Ông đã thảo luận về nỗi sợ hãi của mình với “một chuyên gia về vấn đề tiền bạc”. Ông không ngừng lo sợ mình sẽ giống như cha, người từng bị phá sản và phải chịu cảnh làm công ăn lương cực khổ cả đời. Oliver đã làm việc chăm chỉ hơn và đã thành công trong sự nghiệp. Nhưng Oliver đã sống xa xỉ hơn so với những gì mình có để rồi không ngừng lo lắng cho cuộc sống của mình. Vốn là một người hào phóng, ông từng mời bạn bè đến những nhà hàng sang trọng, mua sắm cho bản thân những bộ cánh đắt tiền cũng như có nhiều chuyến du lịch xa hoa. Ông mua một căn hộ chung cư đắt tiền vì làm vậy ông sẽ ít phải đóng thuế hơn. Ông cũng mua bảo hiểm nhân thọ với mức cao vì luôn lo sợ về tương lai. 

Oliver E. cũng nhận ra rằng ông đã vô thức hình thành cảm giác rằng địa vị của ông được nâng cao thông qua sự tín nhiệm ông có được. Ngân hàng đã đưa ra những hạn mức tín dụng rất hấp dẫn đối với các khách hàng của họ: Nó đại diện cho vinh dự và bằng chứng của sự tín nhiệm. Khi mắc nợ đến con số 25.000 đô-la, nhiều người đã lại vô thức tự hào rằng: “Theo nhận định của ngân hàng thì tôi đáng giá đến 25.000 đô-la”. Thật không may, họ đã quên rằng mình phải trả cho ngân hàng số tiền lãi rất lớn chỉ vì vinh dự ấy.

Một khi đã hiểu được nguyên nhân sâu xa của việc lạm chi liên tiếp của mình, Oliver có thể quay về với sự 
thật đơn giản về các vấn đề tiền bạc cũng như nợ nần.

( Source : Bí quyết đơn giản hóa cuộc sống - Werner Tiki Küstenmacher & Lothar Seiwert)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét