Việc nợ nần có thể gây ra tổn hại nghiêm trọng đến lòng tự trọng của bạn. Những người mắc nợ thường cảm thấy tội lỗi, xấu hổ và yếu kém! Hãy luôn tự nhủ với bản thân mình rằng: Tôi không phải là một người xấu vì mắc nợ; tôi chỉ là một người quản lý tiền bạc kém mà thôi.
Mọi khoản nợ nần đều có thể được giảm bớt, thậm chí dù nó có vẻ bất khả thi vào lúc đầu. Nhiều người giải quyết được các món nợ của mình đã trở thành triệu phú sau đấy, bởi vì trong lúc trả nợ, họ phát hiện ra sức mạnh ý chí của mình. Sau đây là những bước quan trọng nhất:
1. Đối diện với sự thật.
Hãy nói với những người xung quanh về các khoản nợ của bạn, đương nhiên là không phải với tất cả mọi người mà chỉ những ai bạn tin tưởng. Bạn sẽ nhận ra rằng nợ nần chẳng phải là điều bất thường và bạn không phải là người duy nhất mắc nợ. Việc này sẽ giúp bạn loại bỏ cảm giác xấu hổ. Trên hết, hãy nói với các thành viên trong gia đình mình và cùng với họ bàn bạc cách giải quyết món nợ đó.
2. Đừng tiêu xài nhiều hơn số tiền bạn có.
Bước này chỉ đơn giản vậy thôi. Tuy nhiên, những khoản vay có suy xét là trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như vay để đầu tư vào công ty hay đầu tư vào một tài sản nào đó (giả sử nó không quá đắt). Thật khó khăn nếu bạn chỉ mua nhà khi có đủ tiền, thế nên việc vay để mua nhà là điều nên suy xét. Tuy vậy, hãy tránh xa những khoản tín dụng tiêu dùng không có liên quan đến tài sản có giá trị ổn định. Đừng để bản thân bị quyến rũ bởi một chuyến du lịch xa hay đồ nội thất mới!
Khoản vay mua xe cũng có thể là mối nguy hiểm đối với bạn. Các chuyên gia cố vấn về vấn đề nợ nần cho biết nhiều người đã lâm vào cảnh nợ nần chỉ vì vay tiền để mua xe. Những chiếc xe hơi bị rớt giá rất nhanh chóng. Nếu một người vay tiền mua một chiếc xe có giá 18.000 đô-la và không thể trả lãi cho khoản vay ấy thì sau một thời gian, anh ta sẽ có một khoản nợ khổng lồ trên 18.000 đô-la (giá của chiếc xe cộng với tiền lãi), trong khi chiếc xe chỉ còn có giá 10.000 đô-la. Nếu phải bán nó đi, anh ta phải giải quyết số nợ trên 8.000 đô-la còn lại trong khi chiếc xe đã không còn.
3. Hãy thanh toán bằng tiền mặt.
Ngày nay, nhiều cửa hàng đua nhau lắp đặt các thiết bị sử dụng thẻ tín dụng tại quầy tính tiền. Thông thường, khách hàng chi xài gấp đôi mức trung bình khi họ không phải mang tiền mặt theo bên người. Sử dụng ví là cách làm đơn giản nhất giúp bạn quán xuyến tình hình tài chính cá nhân của mình. Nhiều người giàu có (và một số ngân hàng) rất tin tưởng vào việc chi trả bằng tiền mặt, ngay cả khi họ không ngừng quảng cáo cho các loại thẻ tín dụng. Một chiếc ví đầy tiền mang đến cho bạn cảm giác thoải mái của một người giàu có và không bao giờ chi nhiều hơn số bạn có.
4. Hãy kiểm tra số nợ trong tài khoản của bạn.
Theo một dịch vụ tư vấn khách hàng ở Bavaria, các khách hàng cá nhân bị mất khoảng 800 euro mỗi năm từ tài khoản của họ cho những khoản không cần thiết, chẳng hạn như những khoản đóng góp không thích đáng cho các hiệp hội mà họ đã rời bỏ, hoặc những khoản quyên góp cho các tổ chức mà họ đã không còn là thành viên từ lâu. (Một điều khác, xổ số và các dạng cờ bạc khác là những khoản đầu tư tồi; và nói một cách nghiêm khắc, chúng chỉ là một khoản quyên góp tốt bụng cho nhà nước mà thôi).
Hãy xem xét kỹ lưỡng những khoản mục chi tiêu trong năm qua của bạn. Hãy kết thúc các mối ràng buộc, và tốt nhất là bằng văn bản rõ ràng.
5. Hãy hạ thấp mức sống của bạn.
Đơn giản hóa cuộc sống của bạn là một cách thức cơ bản nhất. Hãy tự nhủ với bản thân: “Việc này không phải là mãi mãi, nhưng trong giai đoạn này, tôi cần phải sống thật giản dị. Sau này tôi sẽ tự hào vì những gì mình đạt được”.
Nếu còn mắc nợ, bạn hãy tạm ngừng chơi một môn thể thao xa xỉ nào đấy để tiết kiệm. Hãy tạm hoãn những kế hoạch mua sắm lớn. Hãy mua sắm thức ăn và đồ dùng hàng ngày có giá hợp lý. Hãy tránh những thứ xa xỉ. Hãy "thắt lưng buộc bụng”.
6. Đừng quen với việc mắc nợ.
Ngay từ bây giờ, hãy giải phóng bản thân khỏi tình trạng nợ nần liên miên. Những người đã quen với việc nợ nần có khuynh hướng tiếp tục quán xuyến tình hình tài chính của họ theo cách cũ. Chính vì thế, họ chẳng bao giờ thoát được dòng xoáy nợ nần cả.
7. Mỗi đồng tiền đều quý giá.
Những người làm việc chăm chỉ thường nghĩ rằng việc gia tăng thu nhập quan trọng hơn việc cắt giảm chi phí. Những người biết cách quản lý tiền bạc thì làm cả hai việc ấy! Nếu bạn làm việc nhiều và kiếm ra nhiều tiền thì cũng đừng tự thưởng cho bản thân bằng cách tiêu xài quá mức. Hãy tiếp tục cân nhắc kỹ càng khi mua sắm như lúc bạn chưa giàu có và hãy sử dụng những gì mình tiết kiệm được để tạo dựng gia tài cho mình.
8. Hãy sắp xếp lại các khoản nợ của bản thân.
Nếu những khoản nợ dài hạn của bạn quá cao thì cách cuối cùng để giải quyết vấn đề này là hãy sử dụng tài sản của mình một cách hợp lý. Nếu bạn có một ngôi nhà hoặc một căn hộ chung cư nhưng bạn thường xuyên rút quá số tiền trong tài khoản của mình thì bạn có thể tận dụng phương thức cho vay thế chấp, hình thức cho vay này có mức lãi suất luôn thấp hơn mức lãi suất đối với vay tín dụng. Bạn có thể sử dụng phương thức vay tiền này cả khi bạn chẳng muốn xây hoặc sửa chữa bất cứ thứ gì. Ví dụ, bạn có thể huy động được 10.000 đô-la bằng cách vay thế chấp tài sản với mức lãi suất là 6% trong thời hạn năm năm. Mức ấy chỉ bằng một nửa so với mức lãi suất hiện tại mà bạn phải trả nếu bạn vay tín dụng (11%).
Đây là điều mà các ngân hàng không mấy hăng hái thực hiện. Nhưng bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi tiến hành. Tuy nhiên, hãy cẩn thận: Đừng khinh suất khi thấy số tiền gia tăng trong tài khoản của bạn. Các khoản nợ vẫn còn đó: Chúng chỉ đỡ tốn kém hơn mà thôi!
9. Quy luật hai ngọn núi.
Dù mắc nợ rất nhiều chăng nữa thì bạn cũng nên để dành ít tiền để tích cóp thành tài sản riêng của mình. Việc này nghe có vẻ thật vô lý đối với những người đang gặp rắc rối về tài chính. Nhưng đây là cách duy nhất để bạn thoát khỏi hố sâu của sự nợ nần.
Hãy thường xuyên trò chuyện với các chủ nợ của bạn và thương lượng về mức hoàn trả thấp nhất có thể. Trong khi bạn từ từ hạ thấp ngọn núi nợ nần bằng phân nửa thu nhập của mình thì bạn đồng thời cũng để dành được một ngọn núi tiền tiết kiệm bằng phân nửa còn lại và bạn có thể đem đầu tư nó một cách khôn ngoan để có thể kiếm một ít tiền lãi. Điểm cốt yếu ở đây không phải là số tiền lãi kiếm được mà là cảm giác tích cực khi bạn nhìn thấy một thứ gì đấy đang dần phát triển lên sau khi phải thường xuyên nếm trải cảm giác tụt dốc. Một ngày nào đó, cả hai ngọn núi sẽ ngang bằng nhau và bạn sẽ trả hết nợ nần.
10. Hãy học hỏi từ việc này.
Hãy tiếp tục tằn tiện một thời gian sau khi đã trả hết nợ nần. Hãy sử dụng số tiền bạn tiết kiệm được để đầu tư cho tương lai. Hãy coi giai đoạn mắc nợ của mình là khoảng thời gian học hỏi quan trọng. Mục tiêu học tập ở đây là đảm bảo rằng những điều tương tự như vậy sẽ không xảy ra nữa!
Những khoản nợ có thể là dấu hiệu của việc bạn đã vô thức bị ràng buộc với một ai đấy trong gia đình, người đã bị đối xử bất công bằng. Đây là lúc mà liệu pháp tâm lý có hệ thống có thể hỗ trợ cho bạn, để tiềm thức của bạn không đẩy bạn vào một giai đoạn nợ nần khác.
Hãy thỏa thuận với người bạn đời của mình rằng không ai được ký một hợp đồng quan trọng (chẳng hạn như hợp đồng tín dụng, bảo hiểm hoặc đầu tư) mà không thông báo trước với người kia; đồng thời hãy đề cập đến thỏa thuận này với ngân hàng hoặc nhân viên bán bảo hiểm. Điều đó sẽ giúp bạn không tiến hành những mối ràng buộc đó quá hấp tấp. Nếu bạn chỉ bảo: “Tôi sẽ suy nghĩ về việc này” thì có thể nhân viên bảo hiểm sẽ cố thuyết phục bạn. Tuy nhiên, có thể họ sẽ từ bỏ nếu biết bạn đang tìm sự đồng thuận của người bạn đời của mình.
( Source : Bí quyết
đơn giản hóa cuộc sống - Werner Tiki Küstenmacher & Lothar Seiwert)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét