Não bộ trung gian của các loài thú có vú nguyên thủy (hệ thống limbic (17) ) gấp nếp xung quanh não bộ trung tâm như một lớp vỏ bọc (trong tiếng La-tinh gọi là “limbus”) và chuyển đổi các phản ứng bản năng trực tiếp của não bộ này thành những phản ứng uyển chuyển hơn. Những hình ảnh trắng – đen đơn giản được thay thế và các cung bậc phức tạp hơn của cảm xúc xuất hiện cùng các thái cực đan xen giữa tốt và xấu, yêu và ghét, vui sướng và buồn khổ, hạnh phúc và giận dữ. Ở đây, năng khiếu thẩm mỹ, thứ mà mỗi cá nhân phải học hỏi theo những cách khác nhau, cũng dần thay đổi. Hệ thống limbic có đủ dung lượng để chứa đựng các kiến thức được tiếp thu từ việc học hỏi. Đây là nơi cư trú của mọi mối ràng buộc, giữa cha mẹ và con cái, tình thân gia đình, các mối quan hệ họ hàng, bộ tộc và xã hội. Đây cũng là nơi trú ngụ của mối ràng buộc yêu đương giữa nam và nữ.
Đương nhiên, trung tâm bụng và đầu cũng có thể sử dụng các chức năng xã hội của hệ thống limbic, nhưng trung tâm ngực vẫn chiếm ưu tiên hàng đầu. Hệ thống limbic liên kết giữa các chức năng não bộ bậc thấp và bậc cao của chúng ta. Đó là lý do tại sao những người chịu ảnh hưởng của trung tâm ngực thường cảm thấy cởi mở với thế giới xung quanh và dễ được người khác tiếp nhận hơn so với chiến binh đơn độc “đặt cái tôi lên hàng đầu” – những người chịu nhiều ảnh hưởng của trung tâm bụng hoặc trung tâm đầu.
Trong các tình huống xung đột và căng thẳng, những người thuộc trung tâm ngực có phản ứng như mẫu người thuộc trung tâm bụng, nhưng họ thường mô tả nó là trạng thái bị cảm xúc lấn át. Họ cảm thấy mình bị kéo theo hai hướng cùng lúc. Tình huống tranh chấp đánh thức sự mâu thuẫn của những tình cảm trong nội tâm họ, trái ngược với thông điệp rõ ràng mà mẫu người thuộc trung tâm bụng trải nghiệm.
Mẫu người thuộc trung tâm ngực có khuynh hướng nhìn nhận mọi việc như là những vấn đề thuộc về tình yêu và sự khổ đau. Chủ đề chính của họ là “Mối quan hệ giữa tôi với mọi người ra sao?”. Với mẫu người số Hai, câu hỏi này chủ yếu được đặt ra cho thế giới bên ngoài và thái độ của người khác. Đối với mẫu người số Ba, cảm xúc cá nhân đã “ngủ quên” nên họ bắt chước cảm giác của người khác một cách hiệu quả khi tình huống đòi hỏi. Mẫu người số Bốn tự hỏi: “Tôi cảm thấy thế nào?” và họ dễ dàng bị cảm giác của mình lấn át.
Nếu gặp vấn đề trong các mối quan hệ, mẫu người thuộc trung tâm ngực chấp nhận quan điểm một chiều và xem quan hệ đôi lứa như một cuộc tranh cãi: “Đừng đi! Anh có cảm nhận được sự hiện diện của em không? Anh nghĩ gì về em thế? Anh có thích em không?”. Mẫu người thuộc trung tâm ngực khao khát được đánh giá cao và được trân trọng. Vấn đề là họ coi cảm xúc của mình là tối thượng và thiếu tính khách quan. Và điều này có thể dẫn đến ảo tưởng và chứng tự cao tự đại.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét