Ads 468x60px

Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

Chương 12 - Đặt mục tiêu cho mình để vươn lên

Vươn lên
Mọi tiến bộ của loài người, từ những phát minh vĩ đại, những khám phá về y học, những thành tựu về công nghệ đến những thành công trong kinh doanh... trước khi trở thành hiện thực đều đã được hình dung trong tâm niệm, ý tưởng của con người. 

Cái đích ở đây có thể định nghĩa là một mục tiêu, mục đích, là ước vọng đi liền với hành động nhằm đạt được điều ta mong muốn. Cái đích không hề mơ hồ theo kiểu “Ôi, giá mà ta có thể...” mà nó phải thực sự rõ ràng.

Sẽ chẳng có thành công hay bước tiến xa hơn nào nếu không đặt ra một cái đích để phấn đấu. Sống mà không có mục đích thì cũng chẳng khác gì kẻ hành khất trong cuộc đời, chỉ đi, đi mãi, chẳng biết mình sẽ đi đâu và đặt chân đến nơi nào. Muốn thành công thì phải có mục đích.

Mục đích sống cũng là thứ tối quan trọng chẳng khác gì không khí đối với sự sống. Phải xác định thật rõ ràng đâu là nơi bạn muốn đến trên đường đời.

“Trước khi khởi hành, bạn phải biết rõ mình muốn đi đâu?”.

Ba mặt của cuộc sống: Công việc - Gia đình - Xã hội liên quan rất chặt chẽ với nhau. Song công việc là nhân tố có ảnh hưởng lớn hơn cả đối với các nhân tố khác. 

Hãy ghi nhớ lời khuyên này của John Wanamaker: “Người ta chỉ làm việc hết mình chừng nào công việc đó có sức thu hút toàn bộ tâm lực của họ”.

Hoài bão hay ước muốn, khi được khai thác triệt để sẽ biến thành sức mạnh, còn ngược lại nó sẽ nhanh chóng trở thành viển vông, ảo tưởng.

Những vũ khí rất nguy hiểm nhiều khi được người ta sử dụng mà không hề biết rằng chúng đã giết chết sự thành công mà lẽ ra ta có thể đạt được. Chúng ta phải cố gắng hủy bỏ ngay những thứ vũ khí đó.

1. Tự đánh giá bản thân: Chắc hẳn bạn đã từng nghe nhiều người nói như thế này: Tôi rất muốn trở thành một bác sĩ (hay một chuyên gia, một thương nhân...) nhưng tôi không thể.Tôi không đủ chất xám. Tôi sẽ thất bại mất nếu như tôi dấn thân vào cuộc. Tôi không đủ trình độ và lại thiếu cả kinh nghiệm....

2. An phận: Khi một người nói rằng: - Tôi bằng lòng với số phận của mình thì chính anh ta đã tự tiêu diệt những ước mơ của mình rồi.

3. Cạnh tranh: Lĩnh vực đó đã có quá nhiều người “bám chốt rồi” hoặc “Họ đang tranh giành nhau để đứng lên trên đầu kẻ khác” là những biểu hiện rất nguy hiểm, có thể nhanh chóng xóa đi những ham muốn chính đáng.

4. Sự độc đoán của các bậc cha mẹ: Tôi đã từng nghe hàng trăm cô, cậu thanh niên giải thích về sự lựa chọn nghề nghiệp của mình thế này: - Tôi thực sự muốn làm công việc khác nhưng bố mẹ tôi lại muốn tôi làm công việc này và tôi không có cách nào khác là phải nghe theo và vâng lời. 

5. Trách nhiệm đối với gia đình: Một dẫn chứng của loại vũ khí nguy hiểm này là thái độ: Lẽ ra năm năm trước đây tôi đã có thể làm khác đi, còn bây giờ tôi đã có gia đình và tôi không thể thay đổi gì được nữa!

Hãy vứt bỏ ngay những thứ vũ khí giết người này. Hãy ghi nhớ rằng muốn có đủ sức mạnh để tiến bước xa hơn, cách duy nhất là phải làm những gì bạn muốn.

Ước muốn và hy vọng chẳng bao giờ muộn cả.

Phần lớn những người thực sự thành đạt đều làm việc ít nhất là bốn mươi giờ một tuần, và họ chẳng bao giờ phàn nàn gì về chuyện đó. Họ luôn tập trung tâm trí vào mục đích mà họ đã đặt ra và chính điều này tạo cho họ năng lực làm việc không mệt mỏi.

Phải đặt mục tiêu để thực hiện.

Tiến hành dần từng bước một là cách khôn ngoan nhất để đạt được bất kỳ một mục tiêu nào.

Xây dựng được những thói quen tốt, từ bỏ những thói quen xấu cũng chính là quá trình cần được tiến hành từng bước, từng ngày, từng tháng.

Khi bàn về vấn đề đặt ra các mục đích để phấn đấu, nhiều người có suy nghĩ rằng: “Tôi hiểu, làm việc theo một mục đích đã định là điều rất quan trọng song có quá nhiều những sự việc khác xảy ra làm hỏng hoặc ảnh hưởng xấu đến kế hoạch của tôi”.

Đúng vậy, rất nhiều nhân tố nằm ngoài khả năng kiểm soát của bạn ảnh hưởng lớn đến mục đích mà bạn mong muốn đạt được ví như ai đó trong gia đình bạn ốm nặng hoặc chết, công ty bạn đang làm việc bị phá sản hay bạn không may bị tai nạn...

Vì vậy vấn đề mà ta cần ghi nhớ ở đây là: Phải chuẩn bị tinh thần để đối phó với mọi biến cố có thể xảy ra! Chẳng hạn khi bị tắc đường, bạn không nên chôn chân ở đó chờ đợi hoặc từ bỏ chuyến đi để quay về nhà. Giải pháp tích cực là bạn nên cố gắng tìm con đường khác quyết tâm đến được nơi mình muốn đến.

Chẳng mấy ai thành công mỹ mãn mà không phải đối đầu với những biến cố tương tự như vậy.

Điều quan trọng là chúng ta phải kiên định với mục tiêu. Nếu gặp bất trắc xảy ra hãy cố gắng tìm cho mình một con đường khác. Bởi vì, để tiến được đích không phải chỉ có một con đường duy nhất. 

HÃY HÀNH ĐỘNG

Dưới đây là bảng tóm tắt ngắn gọn những nguyên tắc để đạt được thành công. Hãy cố gắng thực hiện trong khả năng cao nhất của bạn:

1. Xác định rõ ràng đâu là cái đích bạn muốn đến. Xây dựng càng chi tiết càng tốt hình ảnh của bạn sau mười năm nữa trong tương lai.

2. Đề ra một kế hoạch mười năm. Đừng phó mặc cuộc đời cho sự may rủi. Hãy đặt bút viết ra những gì bạn mong muốn về cuộc sống gia đình, công việc và cuộc sống xã hội.

3. Hãy ước muốn, hy vọng và đặt ra các mục đích sống để có thêm sức mạnh. Đặt ra các mục tiêu và cố gắng đạt được những mục tiêu đó. Đặt ra cho mình mục đích sống để rồi thực sự tìm ra được ý nghĩa của cuộc sống.

4. Hãy coi mục tiêu mà bạn đặt ra là “người phi công tự động”. Một khi bạn thực sự thiết tha với nó bạn sẽ tự mình đưa ra những quyết định đúng đắn để tới được cái đích bạn cần đến.

5. Để đạt được mục tiêu, hãy tiến hành từng bước một, không nên xem nhẹ bước nào dù đó chỉ là bước đi nhỏ.

6. Hãy xây dựng các mục tiêu cho ba mươi ngày một và luôn luôn cố gắng hết sức để thực hiện.

7. Mỗi bước đi phải chuẩn bị nhiều phương án dự phòng nhằm có thể thay đổi phương án này bằng một phương án khác. Song dù là phương án nào cũng phải giữ vững mục tiêu.

8. Hãy đầu tư vào chính bản thân bạn. Đầu tư vào học tập - giáo dục, đầu tư vào những nhân tố khác để có khả năng phát huy sức sáng tạo và năng lực trí tuệ của bạn.

( Source : David J. Schwartz - The Magic of Thinking Big – Bí quyết thành đạt trong đời người )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét