Cơ thể của con người có thể bị cầm tù hoặc bị kiểm soát bởi vũ lực, nhưng tâm trí thì không. Không một ai trên trái đất này có thể kiểm soát tâm trí của một người bình thường và khỏe mạnh nếu như người đó không chối bỏ quyền được tự chủ trong hành động và suy nghĩ.
Tuy nhiên, có một sự thật là hầu hết chúng ta đều bị động làm theo sự sắp đặt của người khác mà không dám thể hiện rõ cái tôi của mình. Họ sống cùng mọi người, và dưới hệ thống giáo dục còn nhiều bất cập, họ không bao giờ nhận ra những sức mạnh đang ẩn sâu trong chính con người mình.
Đôi lúc, một chuyện xảy ra ngẫu nhiên sẽ giúp họ thức tỉnh và khám phá ngọn nguồn khả năng của mình, từ đó biết cách sử dụng chúng để phát triển bản thân. Kết quả là: một thiên tài mới xuất hiện!
Tâm trí con người thường tồn tại một điểm giới hạn, ngăn chúng ta không thể nhận ra thế mạnh của bản thân; và chỉ khi một chuyện nào đó thật đặc biệt xảy ra thì nó mới có thể thúc đẩy con người vượt qua điểm giới hạn đó.
Người nào biết cách kiểm soát và điều phối tâm trí của mình cũng như có khả năng vượt qua điểm giới hạn một cách thường xuyên sẽ nhận được những kết quả tích cực, miễn sao họ kiên trì nỗ lực và không ngừng rèn luyện bản thân.
Người nào biết cách truyền cảm hứng và thúc đẩy tinh thần người khác để họ có thể tự vượt qua điểm giới hạn của mình mà không để lại những hệ quả đáng tiếc sẽ trở thành người có công khai sáng nhân loại.
Cho nên, nếu một người thật sự chú tâm và tập trung đủ lâu để hình thành trong tâm trí một hình mẫu nào đó đồng thời nuôi dưỡng chúng bằng lòng kiên trì và quyết tâm thì chắc chắn họ sẽ sớm biến suy nghĩ thành sự thật hoặc ít ra là định dạng một cách rõ nét ý tưởng trong dầu mình. Đó là nguyên tắc tự ám thị mà chúng ta đã cùng tìm hiểu ở những chương trước.
Người thủ lĩnh cần có khả năng trình bày tốt, nhưng quan trọng hơn, họ cần phải có khả năng dẫn dắt tâm lý đám đông. Đám đông thường tư duy bằng hình ảnh, vì vậy hãy chắc rằng bài thuyết trình của bạn mang tính khơi gợi và thúc đẩy khả năng liên tưởng của mọi người.
Mỗi cá nhân trong tập thể sẽ được liên kết với nhau phần lớn bằng yếu tố tâm lý chứ không phải bằng lý trí. Xúc cảm chính là sợi dây ràng buộc tự nhiên vì con người linh hoạt về cảm xúc hơn linh hoạt về tư duy. Tâm lý đám đông thay đổi vừa tùy vào hoàn cảnh môi trường, vừa dựa trên sự điều phối của người thủ lĩnh .
Tâm lý mỗi cá nhân trong tập thể đều bị tác động nhưng chỉ một phần là do họ bị tác dộng thật sự, phần còn lại là do họ biết rằng những người khác cũng bị tác động và hành động như mình. Điều này càng tác động nhiều vào tâm lý của họ, tạo thành một lực vô cùng lớn tác động vào cả tập thể.
Một người bình thường chịu tác động rất lớn từ môi trường tập thể xung quanh và những người có cá tính đặc biệt khác với họ. Họ không chỉ phản ứng với kiểu ám thị của những nhà truyền giáo mà còn chịu tác động của kiểu ám thị trực tiếp qua việc bắt chước những đối tượng mà mình tiếp cận hằng ngày.
Như khi tiếng hô của người chăn cừu lẫn tiếng kêu leng keng của con cừu đầu đàn đều vang lên rõ ràng, và lần lượt đàn cừu có xu hướng làm theo những hành động mà con cừu phía trước đã làm cho đến tận con cừu cuối cùng. Như vậy, chỉ cần một con cừu đầu đàn làm mẫu một hành động thì cả đàn cứu sẽ làm theo một cách vô thức. Hiện tượng này cũng áp dụng tương tự như đối với con người .
Con người khi sợ hãi, lo lắng hoặc khi đang có một cảm xúc mãnh liệt nào đó đều có xu hướng bắt chước và nương theo hành động của những người xung quanh – giống như trường hợp những con cừu bắt chước hành động của con đầu đàn.
( Source : Napoleon Hill’s Golden Rules – Những nguyên tắc vàng của Napoleon Hill )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét