Nước Trịnh có kẻ định sửa giày, đo chân là no (các mẫu đo), rồi để cái no bên chỗ ngồi. Lúc đi chợ quên không cầm no đi. Đến hàng giày, mới sực nhớ ra nói rằng: Thôi quên! Không cầm no đi rồi!" Rồi mải vội chạy về nhà lấy no. Khi trở lại, thì chợ đã tan, không sửa được giày nữa. Có người thấy thế, bảo rằng:
"Sao không đưa chân ra cho người đo có được không ?".
Anh ta cãi:
"Tôi chỉ tin cái no thôi, chớ không tin chân tôi được".
Ôi ! Sửa giày cốt chỉ đi vừa chân là được mà không tin chân, chỉ tin cái no đo chân, chẳng là câu nệ quá lắm ư? Ở đời những kẻ làm công việc cứ bo bo giữ lề lối cổ hủ, không biết thế nào là hợp với thích nghi thì có khác gì người đi sửa giày chỉ tin no đo chân, mà không tin chính chân mình hay chăng ?
Hàn Phi Tử
Lời Bàn:
Ở đời, bao nhiêu chế độ cũ cũng tự người ta đặt ra cả. Nếu người ta chỉ bo bo biết có một chế độ cũ ấy, không biết thế nào là hợp thời, thích nghi, tiện cho mình hơn, thì chẳng hóa là người câu nệ mà không biết biến thông hay sao! Cho nên đối với cái gì mà hay, tiện có ta dùng, bằng không sẵn có, thì phải biến báo hay sáng kiến để cho được việc, chứ cứ chấp nhất, thì mất cơ hội và hỏng công việc ngay.
( Source
: Cổ học tinh hoa - Nguyễn Văn Ngọc - Trần Lê Nhân )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét